Các bị cáo trong vụ đại án BIDV ân hận, xin giảm nhẹ hình phạt

Thứ Năm, 29/10/2020, 20:04
Nói lời sau cùng, các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo duy nhất không nhận tội và cho rằng mình bị oan là Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà).

Ngày 29/10, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Công ty Bình Bà), Công ty TNHH Tương mại và Dịch vụ Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), gây thất thoát 1.664 tỷ đồng.

Trong chiều xét xử thứ 3 và thứ 4, sau khi nghe đại diện Viện KSND TP hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đề nghị mức án đối với các bị cáo và quan điểm giải quyết vụ án, HĐXX dành thời gian để các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố về tội danh và mức án.

Trước bục bào chữa, bị cáo Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 6-7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Bị cáo Sáng xin nhận trách nhiệm của mình trong thời gian đương chức đã gây ra.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng.

Bị cáo Sáng không thanh minh, không bào chữa cho hành vi phạm tội của mình mà chỉ mong HĐXX xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: khai báo thành khẩn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của BIDV trong quá trình công tác... Trong phần thẩm vấn trước đó, đại diện BIDV với tư cách là bị hại trong vụ án đã đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Sáng cũng như tất cả các bị cáo từng là cán bộ của BIDV.

Tự bào chữa cho mình trước toà, bị cáo Trần Anh Quang (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, cháu cố Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà) bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị từ 13- 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã xác định. Bị cáo Quang trình bày, sau phiên toà này bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình.

Nhưng trước khi vụ án xảy ra thì bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo chứ không phải chiếm đoạt số tiền của ngân hàng. Bị cáo Quang cho rằng, số tiền mà đại diện Viện kiểm sát yêu cầu bị cáo buộc phải khắc phục không phải là tiền bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân.

Và hiện tại, bán cả nhà bị cáo đi cũng không đủ tiền để khắc phục hậu quả. Bị cáo Quang đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh vì bị cáo chỉ là lái xe, còn vị trí Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà mà bị cáo mang trên người chỉ là “cái bóng” mà thôi, chứ bị cáo chưa từng ký hợp đồng nào.

Chiều 29/10, HĐXX thông báo kết thúc kết thúc phần tranh luận. Trước khi nghỉ nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Trần Lục Lang và bị cáo Đoàn Ánh Sáng (hai cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV) đều thừa nhận tội danh như cáo trạng đã xác định và mong muốn HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tuyên họ áp dụng mức hình phạt nhẹ nhất. Bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) giãi bày, sau hai tháng bị bắt tạm giam, bị cáo nhận thức rõ tội danh của mình. Cảm thấy ân hận khi để xảy ra sai phạm, bị cáo xin được hưởng mức án nhẹ.

Bị cáo Trần Anh Quang (cựu Tổng Giám đốc của Công ty Bình Hà) mong HĐXX xem xét bối cảnh, vai trò của bị cáo trong vụ án để đưa ra mức án thấp nhất có thể. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ bị cáo Đoàn Hồng Dũng) xin được hưởng án treo để có cơ hội thay chồng trả nợ cho BIDV và chăm sóc con cái.

Nói lời sau cùng, các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo duy nhất không nhận tội là Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà). Bị cáo Đinh Văn Dũng cho rằng, mình bị oan và kiến nghị HĐXX xem xét lại các tình tiết trong vụ án đối với bị cáo.

Bị cáo Trần Lục Lang.

Trước đó trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố khi đối đáp với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra quan điểm của mình về vai trò của các bị cáo trong vụ án này. Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, đối với hành vi của hai cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV là Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng cùng nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ chi nhánh BIDV đã có hành vi vi phạm pháp luật về cho vay vốn khi doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo.

“Trong vụ án này, Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính, doanh thu và chưa được xếp hạng tín dụng. Nhưng Các bị cáo đã vi phạm quy định về việc cấp tín dụng không có đảm bảo và cấp vượt mức so với vốn tự có của khách hàng”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.

Ngoài hành vi vi phạm như trên, đại diện Viện kiểm sát còn khẳng định, bị cáo Trần Lục Lang và bị cáo Đoàn Ánh Sáng cùng nhóm cựu cán bộ BIDV liên quan đến vụ án này đã làm trái quy chế cho vay đối với khách hàng do BIDV ban hành năm 2013. Cụ thể là Công ty Bình Hà không có tài sản đảm bảo, nhưng chi nhánh của BIDV không kiểm tra chặt chẽ vốn cho vay sau khi giải ngân, dẫn đến các cổ đông của doanh nghiệp đã sử dụng tiền vay sai mục đích.

Về việc xác định hậu quả thiệt hại của vụ án, đại diện Viện kiểm sát cho biết, có đủ căn cứ xác định các bị cáo đã có 8 lần sửa đổi chính sách tín dụng theo hướng nới lỏng cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Hành vi này đã vi phạm nhiều quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật hiện hành. Đến thời điểm vụ án được khởi tố vụ án, hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo đã gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.

Đối với việc nhóm cựu cán bộ BIDV đồng ý cho hai công ty sân sau của ông Trần Bắc Hà (cố Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) vay vốn, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, họ có sai phạm trong việc đánh giá năng lực doanh nghiệp. Thời điểm xảy ra vụ án, cả công ty đều không đủ tiêu chí để được cấp tín dụng. Trong đó, Công ty Trung Dũng còn sử dụng vốn vay của chính BIDV và chiếm dụng vốn của một số đối tác để lập hồ sơ xin vay.

Giai đoạn 2008-2016, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV và danh nghĩa BIDV để cho hai công ty sân sau vay vốn dù hai doanh nghiệp này không đủ điều kiện cấp tín dụng. Trong đó, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà vay hơn 3.100 tỷ đồng. Tổng dư nợ của công ty này tại BIDV không có khả năng thu hồi là gần 800 tỷ.

Đối với Công ty Trung Dũng, theo quy định, tiền bán bò thu được phải chuyển về tài khoản tại BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh để đối trừ công nợ. Tuy nhiên, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà đang bỏ trốn, bị truy nã) và các bị cáo khác đã chiếm đoạt gần 150 tỷ của BIDV.

Chiều 2/11, HĐXX sẽ tuyên án.

Nguyễn Hưng
.
.
.