Thoát khỏi "địa ngục" ở quán bánh xèo
Làm thuê trong “địa ngục”
Vụ việc này được phát hiện vào tối 21/11, khi người dân thấy 1 cháu bé lang thang tại khu vực xã Thụy Hòa (huyện Yên Phong) với những biểu hiện bất thường. Khi được đưa về trụ sở Công an huyện, được quan tâm gặng hỏi, cậu bé cho biết mình là Trương Quang Duy, sinh năm 2005, quê ở xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).
Duy kể, do gia đình khó khăn, bố bị tâm thần, còn mẹ thì mất sớm nên đã theo anh trai là Trương Quang Dương ra miền Bắc để xin việc kiếm sống. Tháng 9-2020, Dương được đưa đến làm thuê tại quán bánh xèo miền Trung do vợ chồng Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986, quê huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) làm việc.
Quán bánh xèo đóng cửa sau khi xảy ra vụ việc. |
Dù là đồng hương, nhưng những ngày làm việc tại đây, Duy cho biết mình bị bóc lột vô cùng thậm tệ và liên tục phải chịu cảnh đòn roi. Hàng ngày, cậu bé phải dậy sớm để bắt đầu dọn dẹp, rửa bát và chuẩn bị các công việc của quán. Công việc kéo dài cho đến sáng sớm ngày hôm sau Duy mới được nghỉ. Mỗi ngày, giấc ngủ của của cậu bé chỉ kéo dài khoảng 3 tiếng.
"Khi bực tức hoặc thấy em không làm được việc là cô chủ quán véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng. Có lần em bị chủ quán dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng nên đến giờ khắp lưng vẫn còn lỗ chỗ. Gần đây nhất là bị chủ quán dùng đĩa nấu bánh xèo nóng nguyên đập thẳng vào tay…", Duy kể.
Ngoài ra, Duy cho biết chồng của Tuyết cũng đã nhiều lần đánh mình nhưng không dùng hung khí. Để không bị hàng xóm, khách hàng nhìn thấy, Duy thường bị lôi ra đằng sau quán để hành hung. Những trận đòn kéo dài liên tục, không được ăn cơm mà chỉ ăn thừa đồ của khách để lại, nằm nền đất… Đó là những gì cậu bé 15 tuổi phải chịu đựng trong gần 2 tháng làm thuê.
Do quá sợ hãi, chiều ngày 21/11, nhân lúc Tuyết đi đón con, Duy đã bỏ trốn khỏi quán. Do lần đầu được ra ngoài nên em không biết đường, đi theo phản xạ và bốn tiếng sau thì được hai công nhân đưa về nhà cho ăn uống, trình báo Công an.
Việc hành hạ tra tấn không chỉ xảy ra với mình Duy. Cậu bé cho biết tại quán còn một nhân viên nữa là Võ Văn Đức (21 tuổi, quê Quảng Ngãi) cũng thường xuyên bị đánh đến mức gãy ngón chân, xây xát khắp cơ thể.
"Bà chủ không chỉ đánh mình em, một anh khác cũng thường xuyên bị đánh. Trước đấy còn có một anh bị đánh đau quá, làm việc không được trả tiền nên anh đó đã bỏ trốn", Duy kể lại.
Đáng nói, sau khi Duy bỏ trốn được một ngày, anh trai của cậu bé là Trương Quang Dương nhận được tin nhắn của Nguyễn Thị Anh Tuyết với nội dung thể hiện việc em trai mình đã bị chủ quán đánh đập.
Nguyễn Thị Ánh Tuyết – chủ quán bánh xèo bị bắt khẩn cấp. |
Nội dung tin nhắn như sau: "Dương à, cô cứ nghĩ em cháu cũng như là cháu của cô nên cô mới dám đánh em cháu chứ. Bây giờ ngồi nghĩ lại cô sai rồi, cháu sống với cô như thế nào thì cô hiểu, cô chưa nhẫn tâm hành hạ ai, cô sai rồi, mong mọi chuyện suôn sẻ để cháu hiểu cô không phải là người như vậy. Cô chỉ nghĩ là em cháu là cháu của cô nên cô muốn dạy em thôi, coi như đây là bài học đắt giá nhất đời Dương ạ”.
Nhận thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp chỉ đạo Công an huyện Yên Phong phải nhanh chóng điều tra làm rõ.
Ngày 23/11, Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết vì hành vi “Hành hạ người khác”. Tại cơ quan Công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi đánh đập các nhân viên trong quán.
Lời khai cho thấy để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy, Đức làm việc cho mình, Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau, không trả lương, không cho ăn cơm và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài.
Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh… Hiện Công an huyện Yên Phong đang tiến hành giám định thương tích, hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng trước pháp luật.
Hoàn cảnh đáng thương
Được biết, gia cảnh của anh em Duy vô cùng khó khăn, bố của cậu bé là ông Trương Quang Thái bị bệnh tâm thần đã 6 năm, mẹ thì mất sớm nên ba anh em Duy phải tự nuôi nhau.
Ông Trương Quang Minh (62 tuổi,chú ruột ông Thái) cho biết: “Lúc bình thường thì bố mấy đứa bé còn ngồi yên một chỗ. Nhưng khi phát bệnh tâm thần thì lại chạy lang thang, hú hét khắp nơi. Thái bị tâm thần khoảng 1 năm thì mẹ mấy đứa bé cũng mắc bệnh phổi rồi qua đời”.
Cậu bé Trương Quang Duy được bác sĩ thăm khám. |
Để kiếm kế sinh nhai, anh và chị của Duy đều ra miền Bắc làm thuê kiếm sống, chị của Duy làm cho quán bánh xèo do con gái của cậu mở, còn người anh cả thì làm cho một chi nhánh khác của Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Đó cũng là lý do Duy được giới thiệu đến làm cho Tuyết sau này.
Vết thương của Duy vẫn chưa liền sẹo. |
Duy ở nhà một mình chăm sóc người bố tâm thần. Do còn chưa hiểu chuyện lại không có ai để ý, chỉ bảo nên cậu bé học hành sa sút. Học đến năm lớp 8, Duy nghỉ học rồi được anh cả đưa ra ngoài Bắc đi làm, vừa để kiếm thêm tiền vừa để dễ quản lý em.
Nghe lời anh, Duy bắt xe ra Bắc Ninh để phụ giúp quán của Tuyết. Lúc lên xe đi Bắc Ninh, trong cậu bé còn không có đồng nào, chỉ có bộ đồ đi học còn lành lặn. Khi xe ra tới nơi, Duy mới được chủ quán bánh xèo trả tiền xe.
Xác nhận hoàn cảnh của gia đình Duy, ông Võ Công Thành - Chủ tịch UBND xã Hành Phước cho biết:"Ở địa phương, trường hợp gia đình cháu Duycó hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố cháu thì bị bệnh tâm thần không có khả năng lao động, nhận thức còn mẹ mất sớm. Do không có người dạy bảo, chăm lo nên ở nhà tuổi nhỏ, cháu cũng ham chơi game. Sau khi nghỉ học, cháu Duy đi làm thuê cùng với người anh trai. Bố cháu ở nhà thì nhờ cô, chú trông nom giúp chứ cũng không có người chăm sóc”.
Ông Thành cũng thông tin thêm, gia đình của Duy là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Căn nhà hiện nay mấy bố con ở cũng chỉ tạm bợ. Chính quyền địa phương cũng đã làm thủ tục cho hưởng các chế độ, chính sách để có thêm trợ cấp, bớt đi khó khăn trong cuộc sống...
Luật sư Đặng Văn Cường(Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết hành vi đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho trẻ em mới là hành vi nghiêm trọng trong vụ việc này. Đối với hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em (người dưới 16 tuổi), cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi cố ý gây thương tích và hành hạ người khác. "Trong quá trình xác minh làm rõ sự việc, cơ quan điều tra sẽ cho cháu bé đi giám định để xác định tỷ lệ thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe. Trong trường hợp kết quả giám định dù thương tích dưới 11% nhưng hành vi gây thương tích cho trẻ em, có tính chất côn đồ.... nên đối tượng sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 BLHS năm 2015", luật sư Cường cho biết. Ngoài ra hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc về hôn nhân, huyết thống, lệ thuộc vào quan hệ lao động, hành vi diễn ra nhiều lần, liên tục, gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, hậu quả được xác định là nghiêm trọng thì hành vi“Hành hạ người khác”sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 140 BLHSnăm 2015. Bởi vậy, trong trường hợp kết quả giám định thương tích không có tỷ lệ thương tích hoặc không chứng minh được hành vi cố ý gây thương tích thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đã đánh đập, hành hạ cháu bé này. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên... |