Những bi kịch trước cuộc khủng hoảng di cư của người Syria đến châu Âu

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:00
Những câu chuyện, những bi kịch liên quan đến cuộc khủng hoảng nhập cư vẫn đang là một vấn nạn đè nặng lên vai của “lục địa già” nhưng thực tế thì những giải pháp để có thể làm giảm được vấn nạn này vẫn chưa có gì sáng sủa.


Thời gian gần đây, những bức hình đầy ám ảnh về thi thể nhỏ nhoi của một bé trai di cư người Syria bị chết đuối, dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng này.

Cuộc trốn chạy thảm khốc

Hình ảnh về những người Syria trốn chạy khỏi cuộc chiến tranh và cuộc sống đầy khói lửa tại quê nhà để tìm đường đến châu Âu tị nạn vẫn liên tục được đăng tải trên các trang báo cũng như truyền hình. Với những người Syria thì châu Âu vẫn là một bến đỗ mơ ước mà họ khát khao được chạm tới. 

Trước khi quyết định chạy trốn khỏi đất nước mình cùng với niềm hy vọng nhỏ nhoi bởi họ biết được những khó khăn khổ cực trên đoạn đường chạy trốn. Cũng có thể đặt chân được đến nơi họ muốn đến nhưng cũng có thể họ chẳng còn cơ hội để được nhìn thấy thế giới. Biết là thế nhưng không ít người muốn ở lại để chứng kiến và chịu đựng với những màn xả súng, với những khói lửa đạn bom mù mịt quanh năm suốt tháng. Liệu con đường đến châu Âu có thực sự là miền đất hứa để những người Syria luôn hướng tới. 

Dư luận thế giới đã không ít lần lên tiếng cùng những giọt nước mắt đau đớn khi phải nghe thông tin về số phận hẩm hiu của những con người trên những chuyến tàu tử thần gặp nạn giữa đại dương trong đêm. Biết là thế nhưng hằng ngày vẫn có hàng trăm người muốn vượt biên để được đặt chân đến trời Âu.

Cuộc khủng hoảng nhập cư đã lên tới đỉnh điểm khi một bé trai người Syria đã được tìm thấy xác trôi dạt vào bờ biển. Chỉ trong một ngày, trên trang nhất hàng loạt báo lớn châu Âu đều đăng những bức ảnh thi thể cậu bé trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Những bức hình ám ảnh này còn được cư dân mạng Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh... chia sẻ hàng chục nghìn lượt trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác. 

Cậu bé tên là Aylan Kurdi, nằm trong nhóm 23 người di cư đã ra khơi trên 2 con thuyền nhỏ, đi từ bán đảo Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng sẽ tới đảo Kos của Hy Lạp. Thi thể cậu bé mặc chiếc áo phông màu đỏ sáng và quần soóc màu xanh, được phát hiện đang nằm úp mặt trên bãi biển, gần thị trấn nghỉ dưỡng Bodrum, cách thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 300km. Bé Galip 5 tuổi, anh của Kurdi, cũng thiệt mạng trong chuyến đi này.

Khi những bức ảnh về cậu bé Kurdi được đăng tải, sự im lặng tuyệt đối và vĩnh viễn đầy nhức nhối của một đứa trẻ nằm quay lưng lại với cơn bão chính trị và khói súng đảo điên đã khiến hệ thống luân lý và đạo đức ở lục địa văn minh chao đảo. Tờ La Republica của Italy chú thích dưới bức ảnh này rằng: "Một bức ảnh khiến cả thế giới câm lặng...". Còn báo Independent của Anh đặt câu hỏi: "Nếu những bức ảnh đầy ám ảnh về một bé trai Syria bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển vẫn không đủ để thay đổi lập trường của châu Âu đối với người tị nạn, thì điều gì còn có thể lay chuyển?".

Mở cửa đón nhận có phải là giải pháp?

Nhiều nhà hoạch định chính sách tại châu Âu đang viện vào luật pháp, vào an ninh, vào chính sách, vì quá bị động, bối rối và lo sợ trước những nguy cơ mà làn sóng người nhập cư đến từ các quốc gia nội chiến, bất ổn mang lại cho lục địa già. Trên thực tế, mức độ của cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria đã trở nên khó có thể tưởng tượng được. Hiện đã có khoảng 11 triệu người Syria đã chết hoặc phải rời bỏ nhà cửa do cuộc nội chiến, trong đó có tới 4 triệu người phải chạy ra nước ngoài. 

Theo cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu, chỉ riêng trong tuần đầu của tháng 9 đã có 23.000 người di cư trái phép tới Hy Lạp, tăng tới 50% so với một tuần trước đó. Con số này chứng tỏ rằng những người di cư vẫn tiếp tục gia tăng đến tốc độ chóng mặt, không ai có thể tưởng tượng và kiểm soát được con số này còn tăng cao đến đâu mặc dù những chuyến đi đầy bão táp, những hình ảnh bị mất tích rồi bị bỏ mạng ngoài đại dương vẫn không làm giảm đi ý chí vượt biên của những người di cư. 

Ở nhiều nơi như Đức, Ireland, hàng chục ngàn người dân sở tại mở cửa nhà mình cho những người tha hương xa xứ. Tuy vậy, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn không muốn thay đổi chính sách khi chỉ tiếp nhận vài trăm người tị nạn. “Tôi không nghĩ rằng, câu trả lời chỉ đơn giản là chấp nhận thêm ngày càng nhiều người tị nạn”, ông Cameron nói.

Đã có khoảng 270.000 người nhập cư tới châu Âu cho tới thời điểm này trong năm nay, vượt xa mức của cả năm 2014. Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới với điều kiện khó khăn hơn, con số này chưa đáng là bao. Lebanon đã đón nhận 1,1 triệu người Syria tị nạn – tương đương ¼ dân số của họ. Thổ Nhĩ Kỳ nhận 1,7 triệu người. Tazania có thu nhập trung bình bằng 1/15 Liên minh châu Âu (EU) đang là nơi nương náu cho hàng trăm ngàn người Congo và Burundi từ nhiều thập kỷ nay. Ngược lại, tại châu Âu – một trong những nơi giàu có và bình yên nhất trái đất – khi mà những người Ả rập và châu Phi mới tới tị nạn (như Hy Lạp và Italy), nhiều quốc gia miễn cưỡng chỉ cho 32.256 người lưu lại trong vòng 2 năm qua.

Liệu có thật là những người nhập cư chỉ mang lại vấn nạn cho châu Âu? Theo tờ Economist, câu trả lời sẽ khác đi nếu nhìn vấn đề này từ góc độ thực dụng và vị kỷ hơn chứ không chỉ ở khía cạnh đạo đức cho chính châu lục già cỗi này. 

Thứ nhất, lực lượng lao động ở châu Âu đang già đi, còn chính phủ phải lo đến các khoản nợ khổng lồ cho các thế hệ trẻ trong tương lai. Số người nhập cư muốn tị nạn lại có sức vóc và sẵn sàng lao động. Để tận dụng được nguồn lực này thì các quốc gia ở châu Âu sẽ phải xử lý vấn đề nhập cư một cách tế nhị hơn; điều này thật sự khó khăn về mặt chính trị và đòi hỏi phải có cải cách trong thị trường lao động. 

Thứ hai, những người nhập cư đã dám vượt đại dương bão bùng và sa mạc khô hạn để đặt chân tới châu Âu, khó có thể là những người chểnh mảng. Họ có thể cạnh tranh với người bản địa về năng lực, độ nhạy bén và mang lại các kỹ năng mới, các ý tưởng và kết nối. Do vậy, thực tế, họ chỉ lấy đi việc làm của những người bản địa lười biếng, nhưng bù lại, họ sẽ giúp làm tăng mức lương cho toàn thể người lao động ở quốc gia sở tại. 

Thứ ba, nhiều người hoài nghi lo sợ họ sẽ không thể đồng hóa được dòng người nhập cư khổng lồ với văn hóa khác biệt như vậy. Những vấn nạn thất nghiệp, bất ổn, bạo lực hay các phong trào thánh chiến… đều hóc búa ngang nhau. 

Tuy nhiên, với câu hỏi rộng hơn là “Làm thế nào để châu Âu đồng hóa được những người nhập cư?”, thì đây chính là câu trả lời: Nhàn cư vi bất thiện. Hãy để những người nhập cư có công ăn việc làm. Và mô hình này đã rất hiệu quả ở London, New York và Vancouver. Người nhập cư và lao động bản địa sẽ cọ xát với nhau trong quá trình làm việc. Và điều này giải thích tại sao các chính sách khiến người nhập cư ăn không ngồi rồi nguy hại như thế nào, từ những chính sách của Anh nhằm hạn chế người xin tị nạn làm việc cho tới các luật lao động cứng nhắc của Thụy Điển khiến việc thuê mướn người kém tay nghề trở nên tốn kém thế nào.

Tựu trung lại, một châu Âu cởi mở với các thị trường lao động linh hoạt hơn có thể biến cuộc khủng hoảng di cư này thành cơ hội - như Mỹ đã làm thành công với các làn sóng di cư hồi thế kỷ 20 (mà trong đó đến nhiều từ châu Âu). Vậy nên, hãy để những người nhập cư vào và gặt hái ở châu Âu vẫn là một giải pháp đúng đắn.

Huyền Trịnh
.
.
.