Đức chỉ trích Austria về vấn đề người di cư

Thứ Sáu, 30/10/2015, 08:19
Ngày 29/10, Đức đã lên tiếng kêu gọi Austria phải ngay lập tức “lập lại trật tự” đối với “dòng chảy” người di cư đang đổ về phía Berlin.


Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière chỉ ra rằng, trong những ngày gần đây, rất nhiều người di cư đã xuất hiện tại vùng biên giới giữa hai nước mà Vienna không đưa ra bất cứ thông báo hoặc hành động phối hợp nào. Tuy nhiên, phía Berlin lại không đưa ra được bất cứ con số cụ thể nào.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, trước những lời phàn nàn của chính quyền bang Bavaria về sự xuất hiện của làn sóng người tị nạn không được kiểm soát tại khu vực biên giới Đức – Austria, Bộ trưởng De Maizière nhấn mạnh: “Hành vi của Austria trong những ngày gần đây là không chuẩn mực”. 

Ông De Maizière cho biết, Berlin thường xuyên liên lạc với chính phủ nước láng giềng, mà hôm 28/9 “họ khẳng định cam kết sẽ tiếp tục một quá trình có trật tự”. “Tôi hi vọng việc này phải ngay lập tức được thực hiện”, Bộ trưởng Nội vụ Đức nhấn mạnh, đồng thời đưa ra dẫn chứng rằng, trong những ngày gần đây, khi đêm xuống, nhiều người tị nạn đã được (Austria) đưa tới những khu vực gần biên giới để họ có thể “vượt rào” vào Đức, mà Vienna không thông báo gì cho Berlin.

Theo ông De Maizière, lượng người tới từ “con đường Balkan” đã tăng “đáng kể” và Chính phủ Đức đang có những nỗ lực tuyệt vời để giúp họ tại bang Bavaria cũng như tại các tiểu bang khác. Sự phối hợp, Bộ trưởng Nội vụ Đức khẳng định, là vô cùng quan trọng để có thể nhập cảnh cho những người nước ngoài. “Chúng tôi muốn biết những ai đã đến đất nước của chúng tôi”, ông nhấn mạnh sự cần thiết tái khởi động sự phối hợp (giữa Đức và Austria) trước đó. Đáp lại phản ứng của Đức, Austria cho biết, Vienna hiện đang có kế hoạch xây dựng một hàng rào tại cửa khẩu chính nhằm kiểm soát dòng người di cư đang tiến vào nước này từ Slovenia. 

Một nhóm người di cư tại Slovenia.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Austria Johanna Mikl-Leitner, đây chỉ là một “hàng rào kỹ thuật” để “đảm bảo trật tự và có kiểm soát dòng người nhập cư đang tràn vào đất nước chúng tôi”. Bà Mikl-Leitner chỉ ra rằng, “trong những tuần gần đây, nhiều nhóm người di cư đã trở nên thiếu kiên nhẫn, hung hăng và nhạy cảm hơn” và Austria đang phải sử dụng “mọi biện pháp phòng ngừa”. 

Bộ trưởng Mikl-Leitner đồng thời cho biết, bà đang cân nhắc tới “các biện pháp về cơ sở hạ tầng” tại các điểm kiểm soát. Bà cũng nhấn mạnh tình hình đang ngày càng nghiêm trọng khi những người di cư phải chờ đợi hàng giờ trong giá rét trước khi được phép đi qua biên giới. 

Trong khi đó, theo Thủ tướng Austria Werner Faymann, kế hoạch xây dựng hàng rào của nước này không phải là “đóng cửa biên giới”, chỉ là một biện pháp kiểm soát lượt người di cư vào đất nước tốt hơn. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chưa rõ khi nào Austria sẽ bắt đầu xây dựng “hàng rào kỹ thuật” trên.

Cũng giống như Austria, Chính phủ Slovenia đang xem xét dựng hàng rào dọc khu vực biên giới giáp với Croatia và Austria, nhằm kiểm soát dòng người di cư tràn vào quốc gia Balkan này. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar nêu rõ, Chính phủ Slovenia sẽ theo dõi sát sao tình hình người di cư để đưa ra quyết định về việc dựng các hàng rào kỹ thuật tại khu vực biên giới với Croatia. 

Ông Cerar cho biết thêm rằng, Chính phủ Slovenia đang thảo luận về việc triển khai quân đội nước này và cho phép sự can dự của các nước thành viên NATO để đối phó với vấn đề người di cư. Thủ tướng Cerar một lần nữa đưa ra cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng người nhập cư là thách thức lớn nhất mà Liên hiệp châu Âu (EU) phải đối phó và nếu không tìm được một giải pháp chung, liên minh này sẽ đổ vỡ.

Trước đó, Thư ký Bộ Nội vụ Slovenia Boštjan Šefic cho biết, nước này đã quyết định thuê các doanh nghiệp an ninh tư nhân hỗ trợ, giúp quản lý dòng người nhập cư muốn đi qua quốc gia này đến Bắc Âu. Theo kế hoạch này, khoảng 50 đến 60 nhân viên an ninh tư nhân sẽ hỗ trợ cảnh sát ở những thời điểm cần thiết. Đây là một trong những biện pháp mới nhất mà Chính phủ Slovenia triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình giúp người di cư hoàn tất các thủ tục xin tị nạn. Trong 10 ngày qua, hơn 76.000 người di cư từ Croatia tới Slovenia.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 28/10, Phó chỉ huy chiến dịch quân sự của châu Âu chống các nhóm buôn người trên biển Địa Trung Hải tuyên bố cần được tiếp cận vùng lãnh hải Libya, nơi chiến dịch này đang bị cấm hoạt động, để có thể chống các nhóm buôn người hiệu quả.

Trong ba tuần qua, chiến dịch này được triển khai tại các vùng biển quốc tế với sáu chiến hạm, trong đó có cả tàu khu trục Anh, nhằm phá vỡ hoạt động buôn người trên biển Địa Trung Hải, song vẫn chưa tịch thu được tàu thuyền chở người di cư trái phép và chưa bắt giữ được kẻ buôn người nào. EU đề nghị chiến dịch này được hoạt động trong vùng lãnh thổ Libya, để ngăn chặn tận gốc hoạt động của các mạng lưới buôn người.

Khổng Hà
.
.
.