Bi kịch của những người bị chính con mình bạo hành

Thứ Năm, 30/07/2020, 09:21
Trước khi nhận con nuôi, hai vợ chồng Jason và Jenn đã đăng kí tham gia một lớp hướng dẫn cách làm cha mẹ, nhưng khoá học đó không hề chuẩn bị cho Jason và Jenn cách đối phó với một đứa con trai bạo lực.

Cả gia đình họ sống trong một căn nhà xinh xắn toạ lạc tại một con phố; bố mẹ có nghề nghiệp ổn định, cô con gái 12 tuổi thích nghe nhạc Taylor Swift và chơi đùa với anh trai, còn cậu con trai năm nay 15 tuổi, có sở thích là vẽ và chạy bộ.  Nhưng cả hai vợ chồng họ giờ đây đang phải “sống trong sợ hãi” vì chính đứa con trai của mình…

Những đứa con đáng sợ

Với Jenn, con trai của chị là một thiếu niên tốt bụng, vui vẻ và thông minh. Nhưng từ khi cậu bé lên 3 tuổi thì kể cả những yêu cầu nhỏ nhất từ bố mẹ - ví dụ như phải mặc đồ bơi trước khi xuống bể bơi - cũng có thể khiến cậu nổi cơn thịnh nộ hàng giờ đồng hồ. 

Hiện tại cậu bé đã cao 1,82m - to khoẻ hơn cả bố lẫn mẹ. Thông thường cậu chỉ nổi giận với mẹ nhưng sau khi anh Jason buộc phải can thiệp vì con trai doạ đánh chị Jenna, cậu bé đã đánh cả bố và thậm chí còn quăng đồ đạc vào người anh Jason.

Chị Jenn rất lo lắng cho cả gia đình cũng như tâm lý của cô con gái 12 tuổi khi ngày nào cũng phải chứng kiến những cảnh tượng bạo lực ở nhà. Sự căng thẳng đã rút cạn sức lực của chị cả về thể xác lẫn tinh thần, và giờ đây người mẹ này phải đi gặp chuyên gia tâm lý để giải toả áp lực tâm lý. 

“Có những ngày tôi không thể thở được, ngực tôi nghẹn lại và tôi thấy mình như đang chết chìm. Hai vợ chồng tôi suốt ngày bảo nhau rằng chuyện này thật điên rồ và ngoài tầm kiểm soát của mình và chúng tôi không hiểu tại sao cả nhà sống thế này được”.

Chuyên gia của tổ chức chống bạo hành gia đình Getting On đang đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ bị bạo hành.

Bác sĩ tâm lý của con trai chị kết luận rằng lý do cậu bé không thể điều khiển cảm xúc của bản thân có liên hệ mật thiết với những sang chấn tâm lý cậu phải chịu đựng lúc nhỏ. 

Khi anh Jason và chị Jenn nhận nuôi hai con vào năm 2007, cậu bé mới lên 3 và em gái vừa tròn 1 tuổi. Hai anh em lúc đó vừa được giải cứu khỏi chính cha mẹ ruột - hai con nghiện ma tuý nặng, thường xuyên xô xát với nhau và hành hạ hai con. Cho đến tận bây giờ, con trai chị Jenn vẫn nhớ được cảnh mình từng bị nhiều người đàn ông lạ thay nhau đánh đập và cảnh mẹ ruột tự sát. 

Biết được hoàn cảnh của con, hai anh chị đã đưa con trai đi điều trị chứng sang chấn tâm lý, rối loạn tăng động giảm chú ý và tự kỷ. Cậu bé cũng được đưa đi trị liệu bằng cách vẽ tranh hoặc chơi đùa với động vật, tham gia vào các chương trình dành cho học sinh có nhu cầu đặc biệt ở trường, được kê đơn thuốc để giảm bớt các cơn hưng cảm. Đồng thời, anh Jason và chị Jenn cũng dự các buổi trị liệu với con để học cách xoa dịu con trai và giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống gia đình.

Tuy cậu con trai rất thích gặp bác sĩ tâm lý, hai vợ chồng vẫn thấy con trai mình rất bất ổn. Trong cơn tức giận, cậu có thể đấm thủng tường, đập tan tành đồ đạc, bỏ nhà ra đi và thậm chí còn đe doạ cha mẹ bằng vũ khí tự chế. Gần như tháng nào anh chị cũng phải gọi cảnh sát đến nhà để trấn áp cậu con trai cao lớn và thi thoảng hai người còn phải đưa con vào viện tâm thần. 

Mỗi lần đọc được tin bài trên báo về chuyện con cái giết hại cha mẹ, chị Jenn không khỏi rùng mình lo sợ. Cho dù hai anh chị đều rất yêu con và từng tâm sự rằng việc nhận nuôi các con đã khiến mình thật hạnh phúc: “Các con khiến tôi trở thành một người vợ, người mẹ, người giáo viên mạnh mẽ và dũng cảm hơn”. 

Nhưng cả hai đều mong có những biện pháp điều trị hiệu quả hơn để giúp con của họ hoà nhập với cộng đồng, cũng như một nơi có thể giúp đỡ những bậc cha mẹ như hai người. 

Trước thềm năm học mới, anh Jason và chị Jenn đã buộc phải mạnh tay hơn với cậu con trai nóng nảy: Hai người quyết định gửi con vào một cơ sở điều trị nội trú dành cho trẻ em mắc các chứng rối loạn hành vi nghiêm trọng. 

Cơ sở điều trị này không hề xa lạ với cả nhà; trên thực tế con trai hai người đã từng dành 3 năm ở đây khi mới lên 10, và mới được xuất viện về nhà 2 năm trước khi cậu bé 13 tuổi vì các bác sĩ cam đoan cậu bé đã có thể sống chung với cả gia đình một cách bình thường. 

Con gái út của anh chị cho dù rất nhớ anh trai, nhưng đồng thời em cũng không quá buồn vì em biết anh trai đang được điều trị một cách nghiêm túc và từ giờ cả gia đình sẽ yên bình hơn.

Một thiếu niên bạo hành mẹ ruột.

Hàng chục ngàn cha mẹ là nạn nhân của chính con mình

Nhưng vợ chồng Jason- Jenn không phải nạn nhân duy nhất của con mình. Điều đáng lo ngại là khi nước Anh thực hiện chương trình giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan COVID-19, số vụ thiếu niên hành hung cha mẹ đã tăng vọt.

Cô Julie bất chợt nhận ra việc đặt mua những con dao cỡ lớn trên mạng là vô cùng dễ dàng khi chứng kiến con trai cô, Liam, rút dao chém nát đồ đạc trong nhà. Đây chỉ là một trong nhiều lần cô phải trốn trong nhà tắm và gọi cảnh sát đến giải cứu trong khi con trai đang cố phá cửa xông vào bằng một con dao. 

Người mẹ này vẫn tin rằng con trai không hề có ý làm hại mình mà chỉ muốn cho mẹ biết cậu tức giận như thế nào, tuy nhiên gần đây cậu bé nổi cơn điên đến 2 hoặc 3 lần một tuần. Những sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu của Liam khiến cậu bị giảm sút trí tuệ, kĩ năng giao tiếp và khả năng kiềm chế cảm xúc. 

Khi nước Anh chưa áp dụng luật giãn cách xã hội, gia đình của Liam có thể nhanh chóng huy động sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc hàng xóm để xoa dịu tình hình nhưng với tình hình hiện tại, cộng thêm việc chồng cô phải công tác xa nhà, Julie không có ai để nhờ vả.

 Một trường hợp khác là anh Neil, hiện đang sinh sống ở phía Tây nước Anh. Theo như anh tâm sự thì những cơn giận dỗi của con trai anh, Ben, rất dễ thương khi cậu còn bé, nhưng bây giờ khi đã đến tuổi vị thành niên, Ben bắt đầu với lấy dao hoặc chai lọ thuỷ tinh mỗi khi nổi cơn thịnh nộ. 

Trước đây, mỗi khi cậu con trai bị tự kỷ và tăng động giảm chú ý lên cơn tam bành, anh Neil thường lái xe chở con đi chơi nhưng khi dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành, hai cha con không thể làm như vậy được nữa.

Bà Helen Bonnick, cựu nhân viên phúc lợi xã hội và là một nhà vận động cho chiến dịch chống bạo hành gia đình cho biết cứ 10 gia đình thì có 1 gia đình có hoàn cảnh tương tự như nhà chị Julie và anh Neil.

Đa số trẻ em và thanh thiếu niên bạo lực với cha mẹ là vì chúng có vấn đề điều chỉnh cảm xúc nhưng có những thành phần cá biệt biết cách thao túng và điều khiển nạn nhân y như người lớn. 

Cũng theo như bà Bonnick, việc giãn cách xã hội khiến các gia đình phải sống biệt lập và gửi cho những đứa trẻ này một thông điệp rằng cha mẹ chúng phải ở nhà cả ngày với chúng mà không thể ra ngoài, và chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng thích mà khỏi lo bị ai phát hiện.

Nhiều bậc phụ huynh bất lực khi bị con bạo hành.

Theo dữ liệu tập hợp từ 19 Sở Cảnh sát trên toàn nước Anh và xứ Wales, số vụ con cái bạo hành cha mẹ đã tăng vọt từ 7.224 ca trong năm 2015 lên 14.133 ca trong năm 2018. 

Cụ thể hơn, số vụ việc ở hạt West Midlands tăng gần 3 lần từ 1.084 ca trong năm 2015 lên 3.067 ca trong năm 2018, còn ở 6 khu đô thị trung tâm số vụ việc tăng nhẹ hơn - từ 2.851 trường hợp trong năm 2015 lên 3.233 trường hợp vào năm 2018. 

Đáng chú ý là cho dù số vụ con cái bạo hành cha mẹ tăng, tỉ lệ truy tố lại giảm 36% từ 742 xuống 471 vì nhiều phụ huynh không muốn con cái có tiền án tiền sự nên dù bị tấn công, họ vẫn không muốn đưa con ra toà.

Chị Helen, một người mẹ sinh sống tại phía Bắc Yorkshire, cũng là một phụ huynh không muốn truy tố đứa con gái mới lên 11 tuổi của mình: “Con bé đánh tôi và em trai nó trên xe ôtô, bóp cổ tôi khi tôi đang lái xe. Lần mới đây nhất tôi phải gọi 999 là khi con bé cố gắng đạp đổ cửa xông vào phòng để tấn công tôi. 

Đã có một khoảng thời gian bố mẹ từ mặt tôi và bạn trai thì bỏ rơi tôi vì họ không thể nào chịu nổi con bé, và hiện giờ tôi thường xuyên phải xin nghỉ làm vì bị con hành hung. Tôi không muốn báo cảnh sát bắt con vì con tôi mới chỉ 11 tuổi, không thể để con bé có tiền án tiền sự được”.

Ông Tom Madders, chuyên gia của tổ chức chuyên về sức khoẻ tâm thần của trẻ vị thành niên, cho biết: “Các con số thống kê cho dù rất đáng lo ngại nhưng không khiến chúng tôi ngạc nhiên. 

Khi một thiếu niên cư xử bạo lực với cha mẹ, có khả năng là thiếu niên đó đang gặp phải trở ngại về tâm lý, và cách hành xử thô bạo chỉ là cách các em lên tiếng rằng mình cần được giúp đỡ. Tuy nhiên thường sự trợ giúp lại rất khó tiếp cận và cách duy nhất là gọi cảnh sát”.

Cho dù tính tới thời điểm hiện tại, chưa có bất kì định nghĩa về mặt pháp lý nào dành cho hiện tượng con cái dưới tuổi trưởng thành ngược đãi cha mẹ, nhưng theo như Bộ Nội vụ Anh, hành vi này đang bắt đầu được nhận định như một hình thức bạo hành gia đình và ngược đãi, và đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các cơ quan chức năng. 

Cục trưởng Cục Cảnh sát Anh quốc Simon Bailey tuyên bố, cơ quan chức năng đang tập trung hơn để giải quyết hình thức bạo lực gia đình mới này. 

“Trước đây, các cuộc cãi vã sẽ không cấu thành tội nhưng từ giờ, hành vi này sẽ được xếp vào tội quấy rối, hành hung hoặc đe doạ sử dụng bạo lực. Trong các vụ bạo lực gia đình, nạn nhân thường không muốn truy tố thủ phạm nên quá trình điều tra của cảnh sát sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, lực lượng cảnh sát sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác nhau để hỗ trợ các nạn nhân theo cách khác”.

Còn theo nhà tâm lý học Peter Jakob, phần lớn trẻ em hoặc thanh thiếu niên đều không muốn bị cộng đồng phát hiện ra thói hư tật xấu của mình, nên nếu cha mẹ lên tiếng với mọi người và chúng cảm thấy mình không thể “bịt miệng” cha mẹ được nữa, chúng sẽ tự giác thay đổi. 
Huyền Thi
.
.
.