Nhiệt huyết của “Quế máu”
Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học truyền máu Trung ương) được ví như “quả tim máu” của cả nước với 450.000 lượng máu toàn phần, 33.000 đơn vị tiểu cầu được lưu trữ, cung cấp máu cho 181 bệnh viện của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và miền Trung. Người giữ nhịp đập cho “quả tim” đặc biệt ấy đã có 30 năm gắn bó, luôn trăn trở, quyết liệt vì máu. Đó là Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, người có biệt danh là “Quế máu”.
Mối duyên dài lâu với máu
“Hiến máu” – từ ngữ bây giờ nghe đã quá quen. Nhưng để có thể công khai nói từ “hiến máu” thì đó lại là câu chuyện dài, gắn với sự thay đổi từng bước trong nhận thức người dân. Và không ai khác, chính Tiến sĩ Trần Ngọc Quế là người trong cuộc, góp phần vào sự trưởng thành của phong trào hiến máu ở Việt Nam.
“Tròn 30 năm kể từ lần đầu tiên tôi hiến máu, khi mà hành động này hoàn toàn xa lạ với người dân. Đó là năm 1993, tôi đang học năm thứ 3 Trường Đại học Y Hà Nội. Lúc đó không có cụm từ “hiến máu nhân đạo”, chỉ có từ “cho máu”. Cứ nói đến máu là bị kì thị, dò xét, coi việc hiến máu là xấu, là tổn hại đến sức khoẻ. Có đến 90% nguồn máu lấy từ người “cho máu” và hay nói chính xác hơn là từ người “bán máu lấy tiền”, Tiến sĩ Quế chia sẻ.
Chứng kiến nhiều người bệnh khắc khoải chờ máu, cơ thể lịm dần khi không có máu truyền kịp thời, cậu sinh viên Trần Ngọc Quế trăn trở và nhen nhóm việc sẽ đi vận động người dân tham gia hiến máu. Năm 1994, lần đầu tiên xuất hiện một câu lạc bộ đặc biệt gồm 13 thành viên là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Họ làm công việc trước đó chưa từng ai làm: đi vận động hiến máu. Nhưng thời ấy vẫn phải né, chỉ đặt tên là Câu lạc bộ sinh viên hoạt động nhân đạo. Trần Ngọc Quế không chỉ là thế hệ hiến máu đầu tiên, mà còn là một trong 13 thành viên khởi phát lên phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam cách đây gần 30 năm.
Ngày 24/1/1994 là dấu mốc vô cùng quan trọng đánh dấu sự phát triển của phong trào vận động hiến máu khi lần đầu tiên tại Hà Nội tổ chức ngày hiến máu nhân đạo. Lần đầu tiên trên đường phố Hà Nội xuất hiện biển cổ động phong trào hiến máu. Lần đầu tiên có đông đảo người đi hiến máu, trong đó có cả nhân viên Đại sứ quán Pháp, Australia, các y bác sĩ của Bệnh viên Bạch Mai, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội và nhiều thành phần khác. Sau sự kiện này, phong trào hiến máu được tổ chức thường xuyên hơn, lan tỏa hơn. Và đến năm 1995, từ “hiến máu” mới được nhắc đến công khai và phổ biến. Lượng máu huy động từ người dân ngày một lớn dần lên.
Năm 2017, Trung tâm Máu quốc gia được xây dựng, mang tầm của một trung tâm truyền máu hiện đại, dự trù công suất tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp 90.000 đơn vị máu cho điều trị mỗi năm. Sau 6 năm hoạt động, hiện công suất đã gấp 5 lần so với dự trù ban đầu. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của Trung tâm Máu quốc gia trong cuộc chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Năm 1996, sau khi ra trường, Trần Ngọc Quế về công tác tại Viện Huyết học – Truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) và sau đó là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cho đến bây giờ, anh vẫn nặng tình với máu, có thế mạnh chuyên môn về truyền máu, huyết thanh học nhóm máu, tế bào gốc và ghép tế bào gốc. Anh nói vui: “Máu của tôi chia nhiều phần, phần để hiến cho người bệnh, phần làm mẫu xét nghiệm hàng tháng để phục vụ công tác nghiên cứu, tiếp tục tìm ra các nhóm máu khác”. Vì người bệnh, đã 60 lần anh cho đi những giọt máu của mình. Anh cũng là đại biểu trong lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Áp lực của “trung tâm mẹ”
Cả nước hiện có 4 trung tâm máu, trong đó Trung tâm Máu quốc gia được coi là “trung tâm mẹ”, cung cấp 30% lượng máu trên toàn quốc. Không chỉ thế, “trung tâm mẹ” hiện đang phải hỗ trợ các “trung tâm con” ở Cần Thơ và Tây Nguyên.
Để “cân” được nhiệm vụ nặng nề đó, Trung tâm Máu quốc gia luôn phải giữ nhịp hoạt động khẩn trương và bền bỉ, từ khâu vận động, tiếp nhận, điều chế, sàng lọc đến cung cấp máu và tế bào gốc. Kế hoạch tiếp nhận máu phải được xây dựng sớm và thật cụ thể theo năm, theo tháng và theo tuần để đảm bảo huy động 1.300 - 1.400 đơn vị máu/ngày từ cộng đồng. Việc dự trù và điều tiết phải được cân đong đo đếm từng ngày, từ lượng máu ra – vào Trung tâm, điều chế máu thành các chế phẩm, đến cấp máu tới các bệnh viện theo từng tuyến.
Ở Trung tâm Máu quốc gia, máu và các chế phẩm được bảo quản nghiêm ngặt và theo chế độ riêng. Nếu huyết tương được bảo quản trong tủ lạnh âm sâu -45 độ C, thì máu lại thích hợp với nhiệt độ mát, còn tiểu cầu trong nhiệt độ phòng 22 độ C.
Phong trào hiến máu đã trải qua 30 năm, nhận thức của người dân về hiến máu ngày càng cởi mở, tiến bộ. Khâu khó hơn lại thuộc về trang thiết bị phục vụ hoạt động truyền máu chuyên nghiệp. Bởi máu tốt nhất vẫn là nguồn máu được dự trữ tại các trung tâm máu và các bệnh viện sau khi đã được sàng lọc, xử lý. “Theo kết luận của Hội truyền máu quốc tế, đối tượng hiến máu mất an toàn lại chính là hiến máu người nhà trong trường hợp khẩn cấp. Chính vì hiến máu cấp cứu nên không có điều kiện làm đầy đủ xét nghiệm, sàng lọc kĩ lưỡng bằng thiết bị xét nghiệm chuyên sâu để đảm bảo máu an toàn. Hơn nữa, thân nhân của người bệnh đang trong trạng thái lo lắng, cần có sức khỏe, tâm lý bình ổn để lo cho người thân, không nên để họ hiến máu trong tình thế đó. Nếu muốn máu an toàn thì phải dựa trên lực lượng người hiến máu thường xuyên. Họ có ý thức giữ sức khỏe tốt để nguồn máu hiến đạt yêu cầu, có thể truyền cho người khác dài lâu”, Tiến sĩ Quế chia sẻ.
Muốn thế, phải tổ chức hoạt động hiến máu có kế hoạch, xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ ở vùng sâu vùng xa, hải đảo. Bác sĩ Quế từng có chuyến công tác tại 10 đảo ở Trường Sa. Mặc dù ở đảo có quân y phụ trách y tế, nhưng trong trường hợp người dân ngoài đảo cần máu khẩn cấp thì việc chuyển máu từ đất liền ra đảo sẽ rất khó khăn. Vậy thì giải pháp là phải xây dựng đội ngũ hiến máu dự bị ở đảo. Đặc biệt ưu tiên người có nhóm máu O vì khả năng “cho” tất cả nhóm máu khác, do đó có thể dùng truyền khẩn cấp trong trường hợp chưa xác định được nhóm máu của người bệnh.
Ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số. Tiến sĩ Quế là người đau đáu đi tìm nguồn máu hiếm để cứu sống bệnh nhân. Đến nay, câu lạc bộ máu hiếm đã đi vào hoạt động ổn định, sẵn sàng cấp máu cho bệnh nhân khi cần.
Ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng. Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh. Đặc biệt là bệnh nhân tan máu bẩm sinh, suy tủy thì càng truyền máu nhiều lần, khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều, nguy cơ sinh kháng thể bất thường càng cao. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh thì phải truyền nhóm máu tương thích cao nhất, đó là máu phenotype. Chính bác sĩ Quế cũng đang là thành viên hiến máu hòa hợp phenotype.
Bác sĩ Quế giải thích: “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương/ Chia sẻ yêu thương, trao sự sống” là thông điệp của năm 2023 nhằm kêu gọi mọi người tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương. Thay vì hiến máu toàn phần, hoàn toàn có thể hiến riêng thành phần huyết tương, còn các thành phần khác của máu sẽ hoàn trả lại cơ thể người hiến. Trên thế giới hiện nay người dân hiến huyết tương rất nhiều. Từ huyết tương sản xuất ra chế phẩm khác rất có giá trị với người bệnh. Không chỉ là hiến máu, hiến tiểu cầu, huyết tương mà còn là máu hiếm, máu hòa hợp phenotype”.
30 năm qua, những người công tác trong lĩnh vực huyết học – truyền máu, trong đó bác sĩ Quế vẫn từng ngày nỗ lực để bắt kịp xu thế hiện đại của thế giới, ngày càng giúp được nhiều người bệnh cần máu được điều trị tốt hơn.
“Các cán bộ, chiến sĩ CAND là lực lượng hiến máu hùng hậu, đóng góp lượng máu lớn cho Trung tâm Máu quốc gia. Chúng tôi luôn tri ân những chiến sĩ Công an cả nước đêm ngày hiến máu cứu người ở khắp nơi. Nghĩa cử hiến máu cứu người đã trở thành thói quen, nét đẹp chiến sĩ. Nguồn máu từ lực lượng CAND được dự trù huy động trong nhiều tình huống: hiến máu thường xuyên ở các vùng sâu vùng xa khi nguồn máu thiếu; hiến máu hiếm cứu người; trong trường hợp khẩn cấp, cần huy động nguồn máu lớn”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế chia sẻ.