Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Sáng tạo riêng biệt và chạm sâu cảm xúc

Thứ Năm, 21/04/2022, 22:08

Nhắc đến Nhà báo, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Việt Văn, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bộ sưu tập giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế đồ sộ cũng như những bài viết sắc sảo, mang đậm cá tính của anh.

Chưa kể anh còn là người có nghề trong lĩnh vực điện ảnh khi là thành viên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia và có nhiều bài phê bình điện ảnh mang tính chuyên môn cao. Dẫu vậy, anh luôn là người điềm đạm, khiêm tốn và chưa bao giờ tự mãn trên con đường sáng tạo đầy thăng hoa nhưng không ít nhọc nhằn.

Tôi gặp Trần Việt Văn lần đầu tiên vào một ngày Hà Nội mùa xuân hiu hiu lạnh trong chính căn nhà của bố mẹ mình, khi anh đến tặng một số cuốn sách quý cho “Gallery Ký ức nhiếp ảnh”. Còn nhớ, anh đội một chiếc mũ lưỡi trai phớt tỉnh, cổ quàng chiếc khăn rằn đỏ nổi bật trên nền áo Adidas màu đen, và dĩ nhiên, vẫn luôn là quần bò lãng tử.

ảnh chụp bởi họa sĩ bằng lâm.jpg -0
Ảnh chụp bởi họa sĩ Bằng Lâm.

Hàng râu rậm cương nghị, mái tóc đổ sóng lăn tăn ngẫu hứng khiến anh vừa mang vẻ lạnh lùng lại vừa ẩn chứa chút gì lãng mạn. Bố nhờ tôi chụp cho mấy bức ảnh lưu niệm, theo thói quen, ông nghĩ anh sẽ cầm bộ sách lên trao tặng như bao người. Song anh lại chỉ đặt những cuốn sách ấy hồn nhiên ở trên bàn, đứng thoải mái bên cạnh ông với hai bàn tay sục vào túi quần, như không hề có sự trao nhận nào đang diễn ra ở đó cả. Lối cư xử ấy khiến tôi cảm nhận được ở anh một cốt cách nghệ sỹ rất riêng, không màu mè...

Trần Việt Văn đến với báo và ảnh khá thuận lợi khi được sinh ra trong một gia đình trí thức, bố là nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ, mẹ là PGS.TS, nhà nghiên cứu Văn học Lê Thị Đức Hạnh và anh trai là người rất am hiểu về nhiếp ảnh. Trần Việt Văn trong mắt mọi người rất đa tài và có lối sống đàng hoàng, tự trọng. Trong nghề viết, đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và cả thể thao, anh thể hiện tư duy sắc bén, tinh thông và hóm hỉnh. Các bài báo, bài tản văn cho thấy một Trần Việt Văn có nội tâm tinh tế, đầy thấu cảm và cũng thật phóng khoáng, tự tại. Trong bối cảnh nhiều người làm nghề đang ngoi ngóp bấu víu lấy những thứ chung chung nhàn nhạt để tồn tại, rất cần một ngòi bút có chính kiến, không nhượng bộ như Việt Văn. Anh cho rằng, ngành nào càng ít phụ thuộc vào nguyên vật liệu, phương tiện, thiết bị mà chú trọng vào trí tưởng tượng và sự sáng tạo của tác giả thì càng được đánh giá cao.

Nói về sự nghiệp nhiếp ảnh của Việt Văn, nhiều người thường bị cuốn theo sự danh giá của các giải thưởng uy tín mà anh đạt được. Cũng phải, anh được xem là nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam giành nhiều giải thưởng ảnh quốc tế nhất, được giới nhiếp ảnh và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Chưa kể anh còn là giám khảo có uy tín trong các cuộc thi ảnh trong nước. Danh xưng, vị trí ấy đâu dễ gì có được. Nhưng sâu xa hơn, mấy ai nhìn lại chặng đường anh đã đi qua và đặt câu hỏi vì sao anh lại thành công đến vậy. May mắn thì đúng rồi, như anh tự nhận. Nhưng nếu đơn thuần chỉ là may mắn thì được mấy lần trong đời, huống hồ giải thưởng trong các cuộc thi ảnh chuyên nghiệp quốc tế đã lên tới con số 90. Tôi cho rằng, thành công đó bắt nguồn từ chính quan điểm, thái độ, nhận thức của anh đối với nghề.

Về chủ đề sáng tác, anh tự nhận mình không phù hợp với mảng ảnh thiên nhiên, du lịch đẹp đẽ và tròn trịa. Anh bị cuốn hút bởi những chủ đề đa dạng, trần trụi và cụ thể của đời sống. Đồng thời, chủ đề tâm linh và nội tâm con người với những thứ trừu tượng, ẩn sâu bên trong họ cũng lấy nhiều tâm huyết của anh. Việt Văn cho rằng người nghệ sỹ phải có tư duy sáng tác nên anh chú trọng mảng ảnh ý niệm, song không phải là những sắp đặt vụng về hay triết lý khiên cưỡng. Anh từng chia sẻ trên báo chí “ảnh phải khiến người ta suy nghĩ, khiến người ta xôn xao, phải đem đến cảm xúc về cuộc sống” thì mới là bức ảnh thành công. Những dự án như “Hà Nội động và tĩnh”, “Tồn tại hay không tồn tại”, “Màu mặt trời”, “Ký ức tình yêu”, “Đạo và Đời”... thể hiện rõ quan điểm ấy.

Đáng chú ý, bộ ảnh “Tướng trận thời bình” (triển lãm cá nhân tại Hà Nội năm 2009 và 2014) chụp 12 vị tướng nổi tiếng, tiêu biểu cho một thế hệ tướng lĩnh từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong các cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, trong sinh hoạt đời thường, đã tạo được ấn tượng đậm nét đối với người xem. Những tác phẩm này đã giành Huy chương vàng cuộc thi ảnh Px3 - Paris (Pháp, 2014) và Giải nhất Ảnh báo chí (Editorai) tại Liên hoan ảnh toàn cầu tại Anh (2011). Ngoài ra, bộ ảnh “Câu chuyện của Châu” với hơn 30 bức ảnh ấn tượng xoay quanh cuộc sống và nghị lực của họa sĩ Lê Minh Châu, nạn nhân chất độc da cam, cũng tạo cho công chúng những cảm xúc sâu sắc. Các tác phẩm Văn chụp Châu không sa vào lối mòn là khơi gợi lòng thương cảm, mà thể hiện sự trân trọng đối với một nghị lực sống, từ đó truyền cảm hứng tới cộng đồng. Bộ ảnh này đã giành nhiều giải thưởng lớn tại Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, được triển lãm tại Ấn Độ và xuất bản trên tạp chí Getinspired của Hà Lan…

Đặc biệt nhất là bộ ảnh “Mẹ tôi” mà anh chụp người mẹ của mình, một người phụ nữ trí thức của Hà Nội, bằng tất cả yêu thương, gần gũi và thấu hiểu. Đó là những khoảnh khắc đời thường với những sinh hoạt hàng ngày hay những đồ vật thân thuộc mà mẹ anh luôn gắn bó như chiếc thớt, chiếc mâm đồng, chiếc áo dài, những bức thư... Qua đó anh đã tái hiện xúc động những miền hồi ức, lột tả sâu sắc tâm tư, niềm tin và cả nỗi nhớ của bà dành cho người chồng đã khuất. 27 bức thuộc bộ ảnh này đã được chọn để triển lãm cá nhân tại Liên hoan Ảnh quốc tế Photometria (Ioannina, Hy Lạp, 2017). Trước đó, một phần của bộ ảnh cũng đã được nhận bằng danh dự tại cuộc thi IPA (Mỹ), ND Awards (Anh) và vào chung kết SIPA Contest (Ý), PH21 Gallery (Hungary).

time- finalist world master photography 2022-austria.jpg -0

Việt Văn tham gia các cuộc thi quốc tế là để nhìn lại chính mình, biết mình đang ở đâu trong dòng chảy nhiếp ảnh đương đại, để thấy mình đang vận động trên con đường sáng tạo luôn đòi hỏi sự đổi mới. Giải thưởng Quốc tế đầu tiên anh đạt được tại Nhật Bản vào năm 2000 với bức ảnh “Chia sẻ một niềm tin tôn giáo” là cột mốc đáng nhớ, mở đầu cho hàng loạt những thành tựu quốc tế liên tiếp sau này. Gần nhất, đầu năm nay, tác phẩm “Ngày nắng” của anh đã giành giải Nhất hạng mục “Văn hóa bản địa” (Indigenous Cultures) trong Cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế về Môi trường “International Enviromental Photography (CEFF, Mỹ). Tuy nhiên, anh tham gia các cuộc thi có chọn lọc. Đó phải là những cuộc thi mang tính chuyên nghiệp với ban giám khảo là những tên tuổi gạo cội, uy tín trong lĩnh vực nhiếp ảnh và sáng tạo. Trên hết, anh vẫn đề cao triển lãm cá nhân vì đây mới là dòng chủ lưu, là dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của người nghệ sỹ. Vì vậy, hẳn con số 11 triển lãm cá nhân sẽ còn được tiếp nối rất dài.

Anh cho rằng, nhiếp ảnh là môn nghệ thuật thị giác có sức biểu đạt phong phú, có khả năng diễn tả những câu chuyện của cảm xúc, của ký ức, của sự tưởng tượng, của sự kết nối mang tính cảm giác. Vì vậy, nghệ sỹ nhiếp ảnh phải có chiều sâu tư duy mới có thể tạo ra ý tưởng đủ sức lay động lòng người. Tùy thuộc thể loại ảnh và tuỳ vào mục đích của người chụp mà phương tiện kỹ thuật phát huy tác dụng đến đâu. Như để bắt đúng khoảnh khắc quyết định của một sự kiện thể thao thì đòi hỏi máy ảnh có tốc độ chụp liên tục từ 9 đến 12 hình/s và hơn nữa, hay chụp ảnh quảng cáo bắt buộc thiết bị phải rất hiện đại. Nhưng dù trong trường hợp nào, vai trò của thiết bị cũng chỉ chiếm 40% đến 45% là cùng. Có những bức ảnh nhìn rất chuẩn về bố cục và ánh sáng, nhưng khi xem lại không cảm xúc, có lẽ do tác giả chụp ảnh bằng lý trí. Văn cũng có lúc không tránh khỏi bế tắc, thiếu hụt cảm xúc và cạn kiệt ý tưởng. Khi ấy, anh sẽ làm các việc yêu thích khác như đọc sách (đặc biệt là Murakami với những tác phẩm thực ảo đan xen, mang lại nhiều suy tưởng), xem phim hay gặp gỡ những người bạn ở nhiều lĩnh vực. Rồi bất ngờ một lúc nào không biết trước, cảm hứng lại tươi mới ùa về. Tất nhiên nhiều thứ không thể đợi đến lúc có cảm hứng, như các bài báo đến lịch phải lên trang, chỉ còn cách làm việc miệt mài để mọi thứ hoàn thành đúng hạn.

Kiên định và đam mê, cân bằng và biết điều, tinh tế và sắc sảo, trừu tượng và cảm xúc, đó là những tính từ không thể thiếu khi nói về Trần Việt Văn.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn sinh năm 1971 tại Hà Nội, hiện là phóng viên báo Lao Động. Anh đã có 11 triển lãm cá nhân, trong đó có triển lãm “Mẹ tôi” tổ chức tại Photometria (Hy Lạp); tham gia hơn 50 triển lãm nhóm ở châu Á, châu Âu và Mỹ, trong đó có triển lãm “Fifth Exposure Annual Awards” tổ chức tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp). Anh cũng giành được hơn 90 giải thưởng ảnh quốc tế uy tín như: Px3 (Pháp), IPA, Master Cup, Art of Photography Show (Mỹ), MIFA (Nga), TIFA (Nhật Bản), ND Awards, Travel Photographer of the Year, Pollux annua Award (Anh)...; đã xuất bản 7 cuốn sách, đặc biệt là cuốn sách ảnh “Phật pháp và cuộc sống” do EU tài trợ. Nhiều tác phẩm của anh xuất hiện trên các ấn phẩm nổi tiếng như: Mythography Vol.1, Urban Unveil Vol.1, 2, 3, 4 (Italia), Journal (Mỹ), Photo (Pháp), Silvershotz (Úc), Dodho (Tây Ban Nha), Getinspired (Neitherland), F-Stop (US), v.v…

Phạm Thùy Dung
.
.
.