“Hoàng tử bé” Lê Thanh Sơn

Thứ Năm, 05/05/2016, 15:32
Kệ cho cuộc sống ngoài kia ầm ào biến động thét gào thế nào, Lê Thanh Sơn dường như vẫn có chỗ trú ngụ an bình nơi "tiểu tinh cầu B612" cùng những mộng mơ chỉ riêng anh biết. Thế giới của Sơn bởi vậy, tươi tắn êm đềm nhưng mong manh, rạo rực. 

Suỵt, nhẹ thôi, đi nhẹ, nhón gót nhẹ nhàng, cả sự trầm trồ cũng nên rất nhẹ, đứng trước các bức tranh sơn dầu phong cảnh khổ lớn - vốn là tấm danh thiếp nhận diện Lê Thanh Sơn - cứ phải trong veo điềm tĩnh thế, nhu mì bẽn lẽn thế, nếu không vạn vật đương rạng ngời đắm đuối ngay tầm mắt có thể lắm chứ, sẽ tan vèo trôi biến vào hư ảo.

1. Căn biệt thự thừa thãi tiện nghi cùng hoa và ánh sáng trong khu đô thị Ciputra, nơi Lê Thanh Sơn lựa chọn để tránh mọi nhộn nhạo tạp nham đời thường sau nhiều địa chỉ lưu trú thời thượng không kém, cũng thừa thãi cả những sắc màu xinh non rạng rỡ. Có lẽ, chính sự ấm áp lạc quan tỏa ra từ những bức phong cảnh đầy sức sống đang treo trên tường nhà đã khiến tranh Lê Thanh Sơn lâu nay bị làm nhái hàng loạt một cách công khai. 

Sơn kể, có đầu nậu tranh giả nào đó còn móc nối cả với bảo vệ (hay quản gia) nhà anh, nhân lúc chủ nhân vắng mặt mò lên tận phòng vẽ hý hoáy sao chụp ngay tại chỗ tác phẩm vừa mới ra ràng. 

Giới kinh doanh tranh chép quan sát và dõi theo Lê Thanh Sơn từng đường đi nước bước, dẫu anh trước sau chỉ một thái độ: Không bận tâm. Hay nữa, con gái một nhà ngoại giao nước ngoài tới Việt Nam, vác một bức tranh đến gặp anh chỉ để muốn thẩm định cho chắc chắn thật giả. Cô tiết lộ bố cô được người ta tặng, với lời nhắn đã mua với giá rất đắt. 

Họa sĩ Lê Thanh Sơn.

Chẳng cần giở ra xem, Sơn đã khẳng định giả bởi anh không bao giờ vẽ trên thứ toan đó. Bảo trên mạng đầy những trang web xưng xưng rao bán tranh nhái Lê Thanh Sơn, quảng cáo ầm ầm, nhắm nhiều nhất vào những người vừa hoặc chuẩn bị ăn mừng nhà mới, anh chỉ cười xòa, thây kệ. Kiểu anh vậy, tưởng bàng quan không liên đới tới mọi thứ bên ngoài, thực ra luôn giữ cho mình sự tĩnh tâm, an yên tự tại.

Sinh năm 1962 (lạ cho cái tuổi 1962), cùng tuổi, cùng "một lứa bên trời lận đận" với những Hồng Việt Dũng, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Lê Thanh Sơn cực ít xuất đầu lộ diện, gần như tuyệt nhiên không lui tới các cuộc vui tụ bạ ồn ào. Anh từa tựa một khối mâu thuẫn khổng lồ, tĩnh đấy mà động đấy, an đấy mà biến đấy, không ưa đám đông, không hay la cà đàn đúm, ngại ngần cả thanh âm cường độ mạnh nhưng (từng có thời) mê xe phân khối lớn, ham phượt, thích lãng du trên những dặm dài cheo leo vắng vẻ. 

Cùng người bạn từ thuở hoa niên, họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thanh Sơn cũng xe máy tới lui không thiếu một cung đường đèo hiểm trở nào khắp vùng Tây Bắc. Sơn ngày thường sống chậm mà cực mê tốc độc. Trong trí nhớ (dai) đến kinh điển của Hoàng Phượng Vỹ thì Lê Thanh Sơn phóng xe máy phân khối lớn từ nhà ở Giảng Võ chớp mắt đã tới nhà bạn tận Ngô Quyền. 

Những chuyến đi bất tận thế, đồng hành cùng bạn, cùng đất trời, thiên hạ, có thể là cách Lê Thanh Sơn giải tỏa bớt năng lượng sục sôi luôn được đè nén chế ngự của mình, hoặc cũng giúp anh thấu hiểu trọn vẹn hơn nữa thiên nhiên, tự nhiên mà anh, bằng tài hoa được trui rèn qua năm tháng, đã luôn miệt mài yêu thương, tụng ca và dâng hiến...

Từ đầu thập niên 90 thế kỷ 20, khi hội họa Việt Nam được hưởng trọn thành quả từ công cuộc đổi mới, trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà sưu tập đến từ bên ngoài biên giới quốc gia, Lê Thanh Sơn cũng xác lập mình như một họa sỹ dồi dào sinh lực, đầy đặn bút lực. 

Tên tuổi anh được biết đến và được giới sưu tập săn lùng, các phòng tranh o bế, "đeo bám" đến tận giờ. Đủ sự nhạy cảm nghệ sỹ và tinh tế bẩm sinh, thừa biết mình làm gì, muốn gì, theo đuổi gì, Lê Thanh Sơn cũng chấp nhận dẹp bớt cái tôi để sự tỉnh táo lấn lướt, rồi tự tin với hành trình mình sắp đặt, định liệu. Khối mâu thuẫn trong anh có thể đang (vẫn) là một thách đố với chính anh.

Nằm trong số (ít) đại gia thuộc hàng khủng của đời sống mỹ thuật đương đại, Lê Thanh Sơn kiệm lời, không phô trương bề nổi, anh ngược lại, thường náu mình kín tiếng đến kỳ quặc, một sự kín tiếng thậm chí thành ra ngại ngùng, nhút nhát. 

Hoặc giả, vì có thừa sự tinh nhanh của loài hổ, cả sự nhạy cảm nghệ sỹ, Sơn đang tìm mọi phương cách tự bảo vệ mình trước những tấn công của thị phi thường tình, của nghiệt ngã đời thường để vẽ, ngẫm ngợi, để suy tư, dày vò và cả thưởng ngoạn những thành công. 

Anh từa tựa "chú bé hoàng tử" bất hủ của Sanit - Exupéry, đơn côi trong vương quốc của mình, an tâm trong thế giới riêng tuyệt đối, đơn phương trút những âu lo vô cớ vào công việc, quần quật lao động, mê mải cuốc cày, liên tiếp cho ra đời những mùa màng vạm vỡ bội thu... 

Và cũng là cách để anh truyền đi thông điệp: "Những gì quan trọng ở đời không thể nhìn bằng mắt, mà phải nhìn bằng trái tim...”. 

Từ trái tim dễ chạm đến trái tim, nên dễ hiểu khi Lê Thanh Sơn luôn nằm trong số những họa sỹ được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài, được nhiều nhà sưu tầm tìm kiếm, hâm mộ... 

Đã có quá nhiều những cái gạch đầu dòng đáng giá mà một người đàn ông muốn có, cả sự vương giả tiện nghi trong đời sống mà anh chăm chút cho gia đình, Lê Thanh Sơn vẫn vẽ, làm việc như một lực điền thực thụ, vẫn chắt chiu ngày tháng cho những hữu ích thực thể và cách ly mọi buông tuồng lãng phí cả sức khỏe lẫn thời gian... 

Tử tế và lương thiện, nhiệt tình, hào phóng với chung quanh mình, nhẫn nhịn và chịu đựng bạn bè thì như Hoàng Phượng Vỹ với cách chơi chữ của mình vẫn thường tự xuýt xoa: "Không phải Lương Triều Vỹ mà là Sơn chiều Vỹ…". Lê Thanh Sơn bù lại, cũng được chính cuộc đời quan tâm, yêu chiều, cưng nựng.

2. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội nề nếp, bố nguyên là giáo viên có tiếng của trường Trần Phú, họ hàng bên mẹ nhiều người liên quan đến nghệ thuật nên chuyện Lê Thanh Sơn mê hội họa, chọn Sân khấu & Điện ảnh làm trường đại học cho mình được coi như một lẽ đương nhiên.

Yêu mẹ, và như để bù đắp cho một thời bao cấp khốn khó, Lê Thanh Sơn dành riêng căn biệt thự ở một khu phố trung tâm Hà Nội để mẹ ở vì bà thích thế, dù nếu cho thuê sẽ được một khoản tiền không nhỏ. 

...và tác phẩm “Hoàng hôn đỏ” - Acrylic trên giấy báo của họa sĩ Lê Thanh Sơn.

Ba chị em trong nhà cực kỳ thành đạt, ít hay nhiều đều là người của công chúng, kiểu chị cả Lê Lan Anh vừa doanh nhân vừa nhà văn dù vẫn quầy quậy lắc đầu "đừng gọi tôi là nhà văn" nhưng sau tiểu thuyết Ở đất kẻ thù đã xuất bản, được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh lại chuẩn bị cho ra mắt hai cuốn sách mới dự kiến không kém cạnh ai về độ "hot". 

Tương tự chị gái mình ở sức làm việc cuồn cuộn và năng lượng mãnh liệt, Lê Thanh Sơn cũng thường phải giải tỏa bớt nhằm tránh sự tràn bờ quá ngưỡng. Không đi, không vẽ, anh lắng mình cùng âm nhạc. 

Tự chơi đàn, tự viết nhạc, phòng khách nhà anh vẫn thành một salon thời thượng tụ họp những tâm giao bằng hữu nghe chính anh chơi đàn, hát nhạc của anh, hoặc lúc thì Tùng Dương cất tiếng góp vui, lúc thì vợ anh, một thiếu phụ trẻ xinh đẹp đã tự nguyện bỏ nghiệp diễn viên để nương bóng tùng quân, cất giọng.

Đấy chính là chốn nuôi dưỡng sự yên ổn của Lê Thanh Sơn, giúp anh trốn tránh những mệt mỏi, một sự an toàn hơn hết cho "hoàng tử bé" khôn nguôi đăm chiêu, nhạy cảm. Trái ngược với một nghệ sỹ thông thường, Lê Thanh Sơn hạn chế truyền thông về mình, gần như anh cố tình tránh né. 

Vẽ là phương thức giản tiện nhất để anh diễn ngôn ý tứ của mình, tự sự chính mình, bày tỏ mình với người hâm mộ. Và Sơn, luôn có nhiều, vô cùng nhiều những đồng điệu của mình trong thế giới hội họa, những người một cách chân thành, chân phương và cả thành tâm nhất, yêu mến sắc màu, yêu mến cái đẹp của thiên nhiên, yêu những đời thường nhỏ nhoi giản dị. Yêu người, vị tha với đời, nên được hậu đãi, âu cũng là lẽ thuận thiên thường tình đơn giản. 

Không phải vô cớ tranh của anh được lùng sục tìm mua cả ở trong và ngoài nước. Đi từ trái tim đến trái tim luôn là hành trình ngắn nhất, và mặc dầu bị nhái tràn lan, mặc dầu có vô số những sự ăn theo trên thị trường hội họa, thì Lê Thanh Sơn vẫn ung dung với lựa chọn của mình, vẫn tự tại trong thế giới của mình đơn giản bởi, dẫu có kỹ xảo thượng thừa đến đâu, không ai đủ sức để mô phỏng con tim và tình cảm của mỗi cá nhân, mỗi con người...

Ngô Hương Sen
.
.
.