Lão họa sĩ Hoàng Trầm: Thủy chung với “nghệ thuật của mình, của thời mình”

Thứ Tư, 04/05/2016, 07:55
Sau gần 6 năm kể từ ngày “Triển lãm Hoàng Trầm” ra mắt công chúng tại TP Hồ Chí Minh, đúng dịp lễ 30-4-2016, ở tuổi 88, họa sĩ, nhà giáo nhân dân (NGND) Hoàng Trầm lại có dịp hội ngộ với người yêu hội họa với triển lãm chuyên đề “Hội họa Hoàng Trầm” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. 

160 tác phẩm và hàng loạt tư liệu sáng tác qua nhiều thời kỳ chỉ tái hiện được một phần rất nhỏ hành trình hơn 2/3 thế kỷ của ông, nhưng cũng đủ để người xem cảm nhận được sự miệt mài và cẩn trọng trong lao động sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ lão thành này.

Họa sĩ Hoàng Trầm và nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh Mã Thanh Cao tại triển lãm “Hội họa Hoàng Trầm”.

Ngày khai mạc triển lãm, đến chia vui và chúc mừng họa sĩ, NGND Hoàng Trầm có đông đảo các học trò của ông. Thuộc lớp họa sĩ kháng chiến, “kho” tài sản của ông vẫn ngồn ngộn tư liệu – những ký họa về con người, cuộc sống, chiến đấu của quân dân tại mọi miền đất nước trong nhiều thập kỷ. 

Đó không chỉ là những tư liệu từ những ngày rời Sài Gòn theo kháng chiến, sống cuộc sống nơi bưng biền mà còn vô số các tư liệu ông “cóp nhặt” trong các chuyến đi thực tế cùng sinh viên suốt những tháng năm ông làm giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại triển lãm “Hội họa Hoàng Trầm”, người xem bắt gặp rất nhiều những ký họa, phác thảo bằng chì, than, màu nước… của lão họa sĩ từ những tháng ngày như thế.

Trong số tác phẩm thuộc hàng nổi tiếng của ông phải kể đến “Nữ pháo binh Ngư Thủy”. Tuy nhiên, hành trình 2 năm kể từ lúc ông đi thực tế lấy tư liệu đến lúc hoàn thành tác phẩm vẫn là câu chuyện không hẳn nhiều người được tường tận.

Đến “Hội họa Hoàng Trầm”, những câu chuyện hậu trường của bức tranh đặc biệt về một đơn vị pháo binh đặc biệt nhất thế giới (nữ pháo binh huyện Ngư Thủy, tỉnh Quảng Bình) ít nhiều được tiết lộ qua những phác thảo đã ố màu thời gian được lồng khung trang trọng… 

Cũng có những tác phẩm như tranh khắc gỗ “Cuộc sống miền quê” (Sinh hoạt miền cao), đi kèm là khá nhiều phác thảo. Có những tác phẩm, bản vẽ phác thảo của lão họa sĩ lên đến hơn nửa chục. Chỉ nhìn vào số lượng bản vẽ phác thảo được trưng bày, người xem cũng hiểu được phần nào tâm sức mà lão họa sĩ dành cho nghệ thuật hội họa.

Họa sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng chia sẻ: “Họa sĩ Hoàng Trầm trọn vẹn thuộc về một thời đặc biệt trong thế kỷ XX của Việt Nam và nghệ thuật của ông cũng trọn vẹn là nghệ thuật của thời đó… Hoàng Trầm tiêu biểu cho mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ – cán bộ và tranh ông tiêu biểu cho giai đoạn nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

N.H.
.
.
.