Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần: Màu thời gian

Thứ Hai, 13/06/2016, 12:43
Ông được khán giả yêu mến gọi là “ông Phần nông dân” kể từ dạo Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng những bộ phim do ông đạo diễn về đề tài nông thôn: “Ma làng”, “Đất và người”, “Gió làng Kình”, “Bão qua làng”… 


Không chỉ thành công ở mảng đề tài về vùng đất con người chốn đồng quê mà trước đó ông đã gây ấn tượng khi chạm tay vào đề tài thơ mộng, đắm say, tình yêu: “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Bản tình ca trong đêm”,  giờ đây chỉ một hai năm nữa thôi, bước sang tuổi 70 ông vẫn ấp ủ những dự án phim ảnh, vẫn nồng nhiệt mỗi khi nói đến môn nghệ thuật thứ bảy. 

Cuộc sống của ông không ra ngoài quỹ đạo của phim trường, làm giảng viên dạy lớp đạo diễn - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, lại nằm trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, tính trung bình mỗi tuần xem 4 phim để duyệt. Ông có người con trai kế nghiệp là Nguyễn Hữu Trọng, đạo diễn của bộ phim dài tập “5S online”. Bạn bè thân thiết toàn diễn viên, nhà quay phim… Điện ảnh như một thứ keo dính theo ông từ cuộc sống thường nhật đến cả vào giấc ngủ.

Người ta bảo nghề chọn người hoặc người chọn nghề, nhưng với ông thì rõ ràng là có sự tương tác rất lớn, như ma lực của từ trường, đó là cả hai cùng chọn nhau. Như một định mệnh. Đầu đời, cuộc sống của ông không êm đềm, suôn sẻ. Ông là con út trong gia đình có bảy anh chị em. 

Khi ông tròn 3 tuổi, cha ông qua đời, một mình mẹ ông chèo chống nuôi một đàn con thơ. Mẹ ông vốn là một người đàn bà nhan sắc và đảm đang. Quê ông ở Hưng Yên nơi mà từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Phố Hiến vốn là thương cảng đô hội sầm uất bậc nhất ở Đàng Ngoài. 

Thuyền bè ngược sông Hồng lên Thăng Long, Kẻ Chợ đều dừng chân nơi Phố Hiến đợi giấy phép, người Tàu, người Nhật, người phương Tây qua nước ta coi phố Hiến là con phố vàng. 

Chính mảnh đất “Thứ nhất kinh kì, thứ nhì phố Hiến” và tình mẫu tử phải cáng đáng đàn con thơ đã hun đúc làm nên người đàn bà bản lĩnh, làm kinh tế giỏi. Và rồi, bà cũng như bao người là bi kịch của một thời kì lịch sử. Có một nỗi buồn vương vấn khi lịch sử đã qua đi và điều đó ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của ông sau  này.

Có hai loại người trong xã hội, một loại khi gặp hoàn cảnh đau buồn thì đầu hàng số phận, nhắm mắt đưa chân cho nước chảy bèo trôi. Loại người thứ hai khi gặp cảnh khó thì càng có ý chí, quyết tâm, nghị lực. Hoặc là loại người khi gặp cảnh xấu họ trở nên xấu, hoặc là khi gặp cảnh xấu họ càng trở nên tốt hơn. Ông là loại người thứ hai. Cuộc sống không êm đềm, ông kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề từ thợ điện, thợ hàn, kéo xe… 

Và rồi, ông vào học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, ra trường làm giáo viên dạy văn. Công việc đứng trên bục giảng dạy học không lôi cuốn được ông. Nghề thầy giáo đã tạm gác lại khi một lần ông tới chơi với một người bạn thân đang công tác tại xưởng phim truyện, công việc làm phim khiến ông bị hút vào. Ông nghĩ đây mới chính là công việc của ông. 

Ngày hôm nay không giống với ngày hôm qua, và ngày mai thì khác ngày hôm nay. Ông thấy yêu thích, thú vị vì công việc này mỗi ngày khác nhau và được tha hồ sáng tạo, luôn đi khắp nơi. Sau đó, ông quyết định bỏ nghề dạy học để được theo chân các bậc sư phụ làm phim. Ông làm thư kí cho đạo diễn đàn anh Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyên, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ…

Nhưng có lẽ, trong tử vi của ông đã được lập trình sẵn nên nhiều năm sau này ông lại quay trở lại với việc dạy học, nếu trước đây ông dạy học sinh môn văn thì giờ ông dạy nghề đạo diễn - một công việc cần phải có phương pháp tư duy và cá tính sáng tạo độc đáo.

Năm 1979, ông cùng những người bạn là Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu trở thành sinh viên khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Vốn xuất thân từ một giáo viên dạy văn nên ông thích sau những giờ ồn ã bận rộn ở phim trường có khoảng thời gian một mình để đọc sách trong không gian yên tĩnh. 

Cuộc đời ông là những chuyến đi, có khi ngắn ngày, có khi dài ngày từ miền núi cho đến vùng biển, từ hải đảo xa xôi đến đèo heo hút gió, giữa chốn thị thành sầm uất đến vùng dân tộc ít người sinh sống. Cả cao nguyên nắng gió ngút ngàn hay những đêm thơ trên vùng đồi cát trắng.

Mỗi một địa danh ông lại thấy thêm thú vị trước sự khác nhau về văn hóa bản địa của các vùng, vốn sống cũng phong phú thêm lên, ông lại ấp ủ, thai nghén những kịch bản phim. 

Sống trong sự chuyển đổi của thời làm phim bao cấp sang cơ chế thị trường, hiểu rõ chân tơ kẽ tóc thời kì đỉnh điểm của phim mỳ ăn liền, với cá tính của mình ông không thể làm phim dành cho khán giả thích những tiếng cười dễ dãi, hời hợt ngay cả khi bộ phim có lợi nhuận khổng lồ, kịch bản thì chả đâu vào đâu nhưng có dăm ba diễn viên hài ăn khách.

Năm 1994, Đài Truyền hình Việt Nam mới có chương trình “Văn nghệ chiều chủ nhật”, cùng với một số bộ phim của các đạo diễn khác, bộ phim dài tập Mảnh đời của Huệ do ông đạo diễn tạo được hiệu ứng tốt cho khán giả truyền hình. 

Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, ông vẫn luôn nói ông muốn làm những phim tình cảm giàu chất thơ, điều đó có lẽ cũng từ xuất phát điểm từ nơi sâu thẳm đó là làng quê đất Hưng Yên với Văn Miếu Xích Đằng, và mảng di sản trù phú nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật. 

Nơi có hàng chục ngôi đền và chùa thiêng như: đền Trần, đền Mẫu, đền Thiêu Hậu, đền Bà, đền Ủng, đền Mây, Võ Miếu, chùa Phổ, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, chùa Khúc Lộng, chùa Ông Khổng… Nơi đó có câu chuyện tình Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung còn lưu truyền. 

Nơi đó có làng Nôm một ngôi làng cổ xưa đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ; cây đa, giếng nước, mái đình ăn sâu vào tiềm thức. Vốn sống cùng trí tưởng tượng phong phú, với chút phiêu linh ông thích những câu chuyện tình lãng mạn, phiêu bồng.

Một lần ông đã cùng một số  người bạn đánh quả liều, tự bỏ tiền túi ra làm phim Em còn nhớ hay em đã quên. Làm xong ông tự tay mang phim đi phát hành khắp các tỉnh thành cả nước. Cũng chính nhờ có sự vi vu xông xáo đó mà ông có kinh nghiệm về khán giả ở các vùng miền khác nhau. 

Những ngày mang phim đến các rạp tự phát hành, ăn vỉa hè ngủ nhà trọ là những tháng ngày cơ cực nhưng ăm ắp kỉ niệm. Dàn diễn viên đóng phim ngày đó đa phần đều xảy ra biến cố lớn mà bản thân ông không ngờ được. Cô diễn viên Hoàng Hồng Nhị đóng vai Khánh Ly sau 45 ngày quay phim đã không thể trở lại đời thường, sống trong mộng ảo, sau này, cô lên Sài Gòn làm gái nhảy tại một vũ trường. 

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh sau này đóng vai người mắc bệnh tâm thần cũng trong phim do ông đạo diễn Ngọt ngào và man trá. Sau khi bộ phim này lên sóng ít lâu, anh tự tử làm tốn vô số giấy mực của báo giới. Nguyễn Huỳnh đóng vai chồng Khánh Ly sau này nghiện nặng phải vào khám Chí Hòa.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gắn bó với phim trường hàng chục năm và thành công nhiều mảng đề tài khác nhau. Đặc biệt, ông là một đạo diễn có đôi mắt xanh chọn diễn viên cho vai diễn, mát tay khi dẫn dắt một số diễn viên trở thành gương mặt được đặc biệt yêu thích khi vào vai do ông bồi da đắp thịt. Từ Thu Hiền trong phim Mảnh đời của Huệ, Hán Văn Tình trong Đất và người, NSND Bùi Bài Bình với Ma làng… 

Nhiều người thường nghĩ đạo diễn thường rất ngầu, hay cáu kỉnh, quát nạt diễn viên khi ở phim trường, nhất là vào ngày nắng nóng hầm hập thì người nhiều việc cũng rất dễ nổi điên, nhưng với ông không có chuyện nạt nộ, mắng nhiếc, ông thường ôn tồn thị phạm cho diễn viên.

Bận rộn với hành trình làm phim, nhưng vào dịp ba tháng hè, ông không quên mang theo cậu con nhỏ đi theo đoàn làm phim. Cậu hăng hái đóng những vai phụ nhỏ trên phim của bố. Ông vô tình thổi vào lòng cậu con trai của mình tình yêu điện ảnh nồng nhiệt. 

Sau này, con trai ông, đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng đã đi tiếp con đường của cha mình. Căn nhà ở ngõ nhỏ, phố nhỏ Bát Đàn, Hà Thành nơi có hai cha con đạo diễn sinh sống, lại một mùa hè nữa đã tới, nắng chói chang đổ vàng trên phố, ngước nhìn bầu trời màu thời gian vẫn xanh mãi xanh.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.