Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Phim Việt chưa có công nghệ làm kịch bản”

Thứ Hai, 10/11/2008, 09:41

Ông vốn nổi tiếng với nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn như “Đất và Người”, “Ma làng” ở Việt Nam, được tôn vinh trong làng điện ảnh nước nhà. Nhưng gặp chúng tôi khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vừa mới trở về từ Nhật sau cuộc hội thảo của các nhà biên kịch châu Á do Kofice tổ chức thì ông đã than ngắn thở dài rất nhiều điều.

Khi "Ma làng" xuất ngoại...

Ông Nguyễn Hữu Phần mở đầu câu chuyện về phim trường của chúng ta một câu rất chí lý rằng phim ta rất thiếu tính quốc tế. Từ trước đến nay chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đem bán phim cho ai cả, chúng ta chỉ chiếu trên sóng rồi cất vào kho.

Vì chưa nghĩ đến vấn đề bán phim nên nội dung phim vẫn nặng về giáo huấn và gắn liền với những vấn đề xã hội cụ thể, riêng biệt của đất nước nên rất khó hiểu đối với những người không sống ở Việt Nam.

Thí dụ, những vấn đề như "khoán 10", "bao cấp", "đổi mới" v.v… người dân Nhật, hay các nước khác làm sao hiểu được (nếu không nghiên cứu về Việt Nam?). Ông nói: "Tôi có gửi đến Hội thảo Kofice một tập của “Ma làng” nhưng người ta nói rằng phim của ta khó hiểu quá. Tôi đành lấy phim “Em còn nhớ hay em đã quên” mà tôi đã làm từ lâu, để thay thế. Ấy vậy mà họ vẫn chê là… khó hiểu".

Những bộ phim của ông như “Đất và Người”, “Ma làng”… phản ánh về tình hình cuộc sống nông thôn thời bao cấp. Có nhiều người Việt thích nhưng chắc chắn là giới trẻ của ta bây giờ vẫn không hiểu hết về ý nghĩa của bộ phim. Điều đó có thể là nguyên nhân khiến giới trẻ chưa quan tâm đến phim truyền hình Việt Nam chăng.

Trong khi những vấn đề ở tận Hàn Quốc lại có thể làm cho nhiều người Việt (đặc biệt là những người trẻ tuổi) hiểu và xúc động. Không phải là không hấp dẫn mà là không có những vấn đề mang tính nhân loại và những ước muốn chung mà con người ở nhiều hoàn cảnh sống khác nhau cùng có, cùng khao khát.

Phải lấy một thí dụ về phim điện ảnh cho dễ. Hai bộ phim “Anh hùng” (Trương Nghệ Mưu) và “Thích khách” (Trần Khải Ca) của Trung Quốc cùng đề cập đến chuyện giết Tần Thủy Hoàng, một hoàng đế say sưa với mục tiêu thống nhất Trung Quốc. Người ta có thể hiểu bộ phim đang nói đến vấn đề "toàn cầu hóa" hiện nay. Nếu Trương Nghệ Mưu cho rằng thống nhất Trung Quốc (toàn cầu hóa) là điều quan trọng, đúng đắn, nên chuyện có những người phải hy sinh cho lý tưởng cũng là tất nhiên và không quan trọng nếu so với mục đích cao cả ấy. Ngược lại với Trần Khải Ca, thống nhất Trung Quốc, về lý thuyết thì cao đẹp, nhưng để thực hiện được nó thì rất đau thương, khổ ải.

Không dễ gì người ta có thể từ bỏ một quốc gia, một nền văn hóa, dòng họ, gia đình… để đi theo lý thuyết (cứ cho là đúng đắn) ấy. Vậy là ngay cả phim về đề tài lịch sử nhưng vấn đề mà họ đưa ra gắn bó với quan niệm của con người hiện đại hôm nay, của thế giới nói chung và khiến cho khán giả ở nhiều quốc gia, dân tộc đều có thể hiểu được.

Theo quan niệm của Kofice, cũng như của các nền công nghệ sản xuất phim truyền hình trên thế giới thì các nhà biên kịch chính là lực lượng chủ yếu, lực lượng đi đầu, có vai trò quyết định trong việc tạo ra, thay đổi, định hướng cho các xu thế phim truyền hình của một cơ sở sản xuất phim, một đài truyền hình hay một quốc gia. Cho nên tập hợp các nhà biên kịch để tìm ra hướng đi chung cho phim truyền hình châu Á là hợp lý.

Tuy nhiên vẫn bị bất ngờ vì trước nay chúng ta thường hiểu biên kịch là những cá nhân (nhà biên kịch, người viết kịch bản) mang tính cá biệt, chủ quan để nhìn nhận, phản ánh hiện thực cuộc sống trong kịch bản của mình.

Còn ở các nước châu Á khác, tác giả kịch bản (phim truyền hình) luôn luôn là một nhóm người. Họ biết cách làm việc chung, phát huy được thế mạnh của từng người cho một dự án (kịch bản) cụ thể.

Phim truyền hình của ta mới bắt đầu có từ năm 1994, phát triển trong điều kiện chỉ có Nhà nước sản xuất và phát sóng trên đài truyền hình của mình, không có mục đích phát hành, xuất khẩu ra nước ngoài. Thêm vào đó, chúng ta thường làm phim truyền hình theo cách làm phim điện ảnh… Do đó chúng ta chưa cập nhật được các xu hướng, phương pháp làm phim của các nước khác.

Nhìn người mà tủi phim ta?

Trong những năm gần đây, các nhà làm phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã từng đến hợp tác với những người làm phim Việt Nam. Họ có nhận xét, Việt Nam có đội ngũ làm phim rất có nghề. Khả năng sản xuất phim của chúng ta không thua kém các nước trong khu vực… Nhưng chúng ta vẫn còn khá lạc hậu ở khâu viết kịch bản. Các cơ sở làm phim truyền hình cũng không biên chế đội ngũ biên kịch, do đó tình trạng kịch bản thiếu và chất lượng chưa cao là tất nhiên.

Cách nghĩ của ông Phần rằng chẳng việc gì phải né tránh vì thực sự những hoạt động văn hóa, giải trí đã và đang huy động lực lượng sáng tác, sản xuất, thiết bị kỹ thuật, tài chính khá lớn. Các sản phẩm của nền công nghệ này phải được mua bán, trao đổi, thu lợi nhuận (bằng tiền và bằng những ảnh hưởng văn hóa, xã hội nữa).

Để cho nền "công nghệ văn hóa" của chúng ta có thể phát triển được, ngang tầm với các nước châu Á, chúng ta không thể thụ động được nữa rồi. “Những khóa đào tạo, những cuộc hội thảo như vừa rồi tôi được tham dự có rất nhiều… Nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các đài truyền hình, cơ sở đào tạo, sản xuất phim ở nước ta hình như không hay biết gì và không có sự chủ động tìm đến, cử người đi trao đổi, học hỏi”.

Ông lại quay ra tôi giải thích: Cần có những chủ trương đúng đắn và chi phí cần thiết cho việc mở cửa hội nhập về văn hóa nói chung và về hoạt động sáng tác sản xuất phim điện ảnh - truyền hình để mở ra những điều kiện giao lưu, trao đổi, mua bán sản phẩm văn hóa nghệ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới

Thành Văn - Lương Trần
.
.
.