Chuyện về người đã vẽ 2418 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ Sáu, 04/06/2021, 11:53
Họa sĩ Đặng Ái Việt (sinh năm 1948) - người kỳ lạ nhất trong giới hội họa từng thực hiện một cuộc viễn du bằng xe máy khắp đất nước để vẽ chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đã hơn 10 năm (từ 2010), bà rong ruổi hàng trăm ngàn cây số. Đó là cuộc hành quân hối hả như thời bà tham gia kháng chiến. Bởi phía trước những người mẹ cô đơn, đang chờ bà..


Vẽ theo mệnh lệnh từ trái tim

Mới đây họa sĩ Đặng Ái Việt báo cho tôi biết bà đã vẽ được 2.418 chân dung Mẹ  Việt Nam Anh hùng (tính đến 29-4-2021). Vậy là hàng ngàn vùng quê bà đã đi dọc chiều dài đất nước. Khi tôi hỏi vì sao bà lại thực hiện một việc vất vả đến vậy, theo dự án nào hay hợp đồng ra sao. Nữ họa sĩ lắc đầu rồi vỗ vào ngực bên trái nói đó là mệnh lệnh từ trái tim mình. Ngay sau đó bà đọc mấy câu thơ đã viết: "Ta đi đâu phải để cầu danh/ Chẳng phải thiền sư, chẳng thỉnh kinh/ Ta tìm hình ảnh người mẹ Việt/ Để lại ngàn năm cho thế nhân". Từ đó biết bao ký ức tràn về...

Một số chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt.

Nữ họa sĩ có một cuộc đời rất sôi nổi. Bà tham gia chiến đấu từ quê hương Mỹ Tho ở tuổi 15. Trong nhiều cuộc chiến đấu, nữ chiến sĩ Đặng Thị Bông (tên khai sinh của họa sĩ) đã cầm súng đánh giặc càn và tiêu diệt lính Mỹ. Có những trận bà cùng đồng đội đánh tan đoàn xe tăng. Ở tuổi 18, Đặng Thị Bông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và "Dũng sĩ diệt cơ giới". Quả là điều bất ngờ trong bản lý lịch đầy sắc màu lãng mạn của nữ họa sĩ này. Bởi sau đó Đặng Thị Bông được điều về Đoàn văn công Giải phóng và trở thành ca sĩ. Bà có giọng hát hay và cùng biểu diễn với Tô Lan Phương một thời rực lửa. Nhưng bước ngoặt lớn trong đời khi Đoàn Thị Bông bất ngờ tham gia lớp học hội họa được tổ chức tại chiến khu R (1964). Từ đó những bức ký họa chiến tranh bắt đầu mang tên Đặng Ái Việt. 

Cuộc đời họa sĩ Đặng Ái Việt gắn bó với cuộc chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt. Bà vẽ ngay trên chiến hào, giữa khói bom đạn lửa. Những đêm hành quân cùng chiến sĩ ra mặt trận, nữ họa sĩ trẻ luôn đi đầu đoàn quân với lời ca rạo rực tâm hồn. Hàng trăm ký họa chiến tranh đã ra đời. Đặc biệt bà nhớ lại chiến dịch tổng tấn công lớn nhất của giặc Mỹ vào Trung ương Cục miền Nam. Chiến dịch lớn mang tên Junction City (từ 22/2 đến 14/5/1967) diễn ra tại Tây Ninh. Mỹ đã huy động 35.000 giặc Mỹ và ngụy cùng nhiều vũ khí, tàu xe tối tân và máy bay tấn công trực diện chỉ huy sở cách mạng. Họa sĩ Đặng Ái Việt đã cùng đồng nghiệp theo sát từng trận địa để vẽ. Đó là những bức ký họa đẫm máu và nước mắt trong cuộc chiến đấu kéo dài hơn 50 ngày. Cuối cùng giặc Mỹ thất bại đã phải rút chạy để lại hàng ngàn xác chết và hàng trăm chiến xa bị cháy rụi.

Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Có lẽ sự hy sinh của đồng đội và các chiến sĩ trên các chiến trường đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho họa sĩ Đặng Ái Việt. Đó là cuộc chiến đấu kiên cường cho đến ngày giải phóng miền Nam (1975). Họa sĩ luôn nghĩ tới những người mẹ có con đã hy sinh với nỗi thương cảm sâu sắc. Vậy nên sau khi về hưu từ Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (2007), họa sĩ đã bắt tay vào cuộc viễn du âm thầm và đầy cô đơn của mình. Đó là việc bắt tay vào công trình vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng. Có người khuyên bà tập trung sáng tác để lưu danh. Hơn nữa lại tuổi cao sức yếu, đâu còn thân gái dặm trường như xưa. Nhưng không, dường như trái tim mách bảo giữa những người mẹ có nỗi niềm ẩn giấu. Phải vẽ thôi. 

Họa sĩ Đặng Ái Việt lặng lẽ lên đường sau ba năm để tang chồng. Đó là nhà đạo diễn, NSND Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của bộ phim phóng sự, 74 tập "Mê Kông ký sự" nổi tiếng. Họa sĩ Đặng Ái Việt khởi hành (19-2-2010) bằng chiếc xe máy nhỏ (Charly) với hành trang trên vai là những hộp màu và cây cọ.

Những kỷ lục khó tin

Đầu tiên phải kể đến chuyến đi xuyên Việt đầu tiên của họa sĩ Đặng Ái Việt. Tất cả những địa chỉ có danh sách bà mẹ anh hùng dọc tuyến đường số 1 họa sĩ đều dừng lại vẽ. Sau đó bà lần hồi từng tỉnh rồi đi tiếp ra Hà Nội. Trung bình bà tính mỗi ngày đi tới 250 cây số. Riêng vòng cung đi từ Tuyên Quang băng qua Thái Nguyên, rồi Bắc Giang, Quảng Ninh về Hà Nội. Một mạch bà đi như vậy là 312 cây số trong ngày. Bà đi nhiều đến nỗi chiếc xe Charly tàn tạ. Qua bao phen hư hỏng nhưng nó vẫn thủy chung cót két trên từng chặng đường. 

Cuối cùng nó cũng không chịu nổi với sức đi dẻo dai của chủ nhân và thua cuộc. Đến nay chiếc xe đó đã nằm trong Bảo tàng Hội Phụ nữ Việt Nam với con số ghi trên đồng hồ đo (39.000 cây số). Sau đó bà được đổi lấy một chiếc xe Honda khác từ năm 2012. Nhưng tính đến nay bà cũng đã hành xác và hành xe trên 67.000 cây số tiếp theo. Lần đầu tiên bà kể cho tôi nghe những con số đó với giọng cười sảng khoái. Bởi chặng đường tới đây của bà còn dài với bao cung đường mới. Hàng ngàn mẹ anh hùng vẫn còn đang chờ đợi. Có lẽ họa sĩ Đặng Ái Việt có sức mạnh phi thường khi mải miết trên mọi miền quê. Bà coi việc được gặp một mẹ anh hùng nào còn sống để vẽ là một ơn huệ mà ông trời ban cho. Đó là lẽ sống để bà vượt qua những bữa đói bữa no và rét mướt trên con đường tha hương.

Điều kỳ diệu ẩn sâu trong mỗi bức tranh chân dung bà mẹ anh hùng là những câu chuyện riêng biệt. Những nỗi lòng bao năm giấu kín trong tâm can, các mẹ đều tâm sự với bà. Họa sĩ đã vẽ với những ẩn ức gan ruột đó. Nhiều khi bà vừa vẽ vừa khóc. Bà luôn luôn quan niệm "Tôi không chỉ đặc tả khuôn mặt các mẹ mà còn gửi gắm vào ánh mắt, nụ cười và linh hồn của các mẹ". Cứ thế họa sĩ Đặng Ái Việt đi tới mọi miền quê với đồng lương hưu và không nhận bất cứ một sự đóng góp nào. Với ba, những khó khăn trải qua không thấm vào đâu so với sự hy sinh mất mát của những người mẹ anh hùng. 

Tác giả bên chiếc xe Charly của họa sĩ Đặng Ái Việt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (chụp 14-5-2021)

Điều đặc biệt với mỗi mẹ sau buổi làm việc, bà đều hôn lên má để tạm biệt. Đó là những nụ hôn như một nỗi chia sẻ sâu thẳm của tấm lòng yêu thương con người. Bà hôn các mẹ thay những người con đã hy sinh. Hàng ngàn nụ hôn ấm áp của họa sĩ là niềm an ủi cho những người mẹ mỗi khi nhớ đến những người con. Có những lúc lắng đọng trong tâm hồn bà đã viết: "Ta vẫn là kẻ lãng du, nợ đời chưa dứt/ Nợ không tên là nợ cuộc đời".

Món nợ không tên đó họa sĩ đã hơn 10 năm gồng gánh. Bà luôn lo sợ các mẹ sớm bỏ mình về cõi. Bởi bà nhớ có mẹ vừa vẽ xong thì chỉ một tuần sau mẹ đó đã qua đời. Vậy nên bà rà trong danh sách luôn ưu tiên những mẹ cao tuổi. Họa sĩ nói: "Mỗi hành trình vẽ chân dung của tôi là một chiến dịch. Đó là cuộc chạy đua nghiệt ngã với thời gian, để hoàn thành các tác phẩm vì sợ các mẹ sẽ đi mất". Nhiều đêm bà vẫn hằng mơ rằng: "Mẹ mình dầu ở nơi đâu/ Phải đi đến đó, nhớ câu nằm lòng/ Ta đi ta vẽ chân dung/ Mẹ đẹp thánh thiện trong như ngọc ngà...". Đó là tấm lòng yêu thương thật bao la cùng những giọt nước mắt mà họa sĩ đã gửi trao cho cuộc đời.

Họa sĩ anh hùng

Công việc vẽ hàng ngàn chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt được dư luận đánh giá cao. Đó là sự tiếp nối cuộc trường chinh vạn dặm của người chiến sĩ năm xưa. Họa sĩ đã đi qua 63 tỉnh thành bằng chiếc xe máy. Nhiều cuộc triển lãm đã trưng bày chân dung các mẹ do bà thực hiện vào những dịp kỷ niệm quan trọng. Hiện nay Bảo tàng Quân khu 7 và Bảo tàng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lưu giữ hàng trăm tác phẩm của họa sĩ Đặng Ái Việt. Đồng thời gần đây đã có một Website "Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng" công bố 2.000 bức tranh do chính bà tuyển chọn.

Sự lao động đầy miệt mài và chan chứa tình nhân ái mà họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện quả là hiếm có. Mới đây bà là một trong 5 gương mặt nữ được Chủ tịch nước vừa phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" (13-11-2020). Bà là nữ họa sĩ đầu tiên được phong danh hiệu cao quý này. Hơn nữa tổng số chân dung mẹ Việt Nam anh hùng chưa dừng lại. Hành trình của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt vẫn đang tiếp tục trên những nẻo đường xa xôi. Bởi ở mọi miền quê, các mẹ Việt Nam anh hùng đang chờ bà tới.

Vương Tâm
.
.
.