Chuyện bây giờ mới kể về “ông quan” Trương Đình Tuyển...
- Ông Trương Đình Tuyển nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Tôi chọn chữ Tâm”
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nhân vật tiêu biểu nhất năm 2006
- Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Tôi đồng tình với Báo CAND và Chuyên đề ANTG
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là "tư lệnh" Việt Nam trong 14 phiên trường kỳ đàm phán kéo dài 11 năm, trực tiếp là 8 năm 2 tháng và 26 ngày ròng rã. Công lao và tâm huyết đó nhất định sẽ được lịch sử ghi nhận.
"Chất quan" Trương Đình Tuyển là chất ham học, ham đọc. Một lần tôi về sân bay Phú Bài đón ông từ Nam ra Huế. Khi xuống máy bay, ông một tay xách cặp, một tay ôm vào ngực một tập dày tài liệu, báo. Hình như trên máy bay ông mải đọc tài liệu, đọc báo, nên khi máy bay dừng, ông quên sắp xếp vào cặp.
Thấy đoàn Huế ra sân bay đón, ông quên mất là mình đang ôm chồng tài liệu, liền giơ tay chào, thế là tài liệu bay tung toé khắp nơi. Ông tranh thủ đọc và đọc chăm chú từng phút một.
Khi ngồi chủ trì cuộc họp, ông ít khi cà vạt, comple, kể cả khi đón thủ tướng hay phó thủ tướng về làm việc với hội nghị của Bộ, hình như ông không thích loại y phục lễ lạt gò bó này.
Ngồi họp, tay ông chống má, mắt lim dim như ngủ. Mặt ông hốc hác, phong trần. Nhưng khi có đại biểu nào đó nói ý gì đó "có vấn đề", ông ngồi bật dậy, mở cuốn sổ trước mặt ghi ghi, rồi lại ngồi lim dim lắng nghe.
Ở một cuộc họp nọ tại Quảng Trị, khi thấy giám đốc một doanh nghiệp đọc bản báo cáo viết sẵn, ông bỗng rời vị trí đến vỗ vai, ngắt lời:
- Anh là giám đốc hay cán bộ công ty?".
Giám đốc mặt tái mét, run như cầy sấy:
- Dạ, báo cáo Bộ trưởng, em là giám đốc ạ!
- Giám đốc sao không nhớ việc công ty mà phải đọc báo cáo viết sẵn. Đưa bản này cho nhà báo Ngô Minh. Tôi hỏi gì anh trả lời nấy, được không? Anh xem, tôi là Bộ trưởng, công việc cả ngành mà họp với các anh tôi có đọc bài viết sẵn bao giờ đâu!
Ảnh: L.G. |
Ông Tuyển là người không thích quan cách. Hồi ông làm Bí thư Nghệ An, tôi đến phòng Bí thư của ông, thấy góc phòng có bếp ga, xoong nồi, chén bát. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Thế không có ai phục vụ cho anh à?".
Ông cười: "Làm sao phải có thêm một người phục vụ! Mình ăn được thì nấu được chứ". Ông tự đạp xe đạp đi chợ Vinh mua thực phẩm về nấu lấy ăn. Nấu một bữa, ăn cả ngày.
Ngày nghỉ cuối tuần, không họp hành gì, ông nhảy tàu hỏa ra Hà Nội với vợ con. Tôi nghe anh em cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An kể, văn phòng tỉnh uỷ trang bị cho ông cái tủ lạnh, nhưng ông không nhận. Ông chỉ đề nghị mua cái bình gas, hết bao nhiêu tiền ông trả.
Trong lúc bí thư, chủ tịch nhiều tỉnh, huyện, giám đốc các sở đi xem bóng đá phải là xe con, dù nhà chỉ cách sân vận động cây số thì Bí thư Tỉnh uỷ Trương Đình Tuyển vẫn đạp xe đạp ra sân vận động mua vé xem bóng đá.
Ông Tuyển là người thẳng thắn và liêm khiết. Khi ông làm Bí thư Nghệ An, lãnh đạo tỉnh bàn nhau định phân phối một mảnh đất và xây nhà cho ông. Ông liền từ chối với lý do: "Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi".
Dịp Đại hội Đảng bộ các huyện, văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An bố trí xe con cho Bí thư, các phó bí thư, các Trưởng ban, còn anh em chuyên viên thì đi chung xe 16 chỗ ngồi. Đó là "tập tục" xưa nay, nên họ không cần hỏi ý kiến Bí thư mới.
Đến giờ xuất phát, thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông Tuyển ngạc nhiên hỏi: "Xe đi đâu mà nhiều thế này?". Một ông văn phòng thưa: "Thưa anh, xe đi Đại hội huyện…". Ông đỏ mặt phán: "Các xe con về. Còn tất cả lên xe ca. Tiền đâu mà xe cộ rầm rầm thế?".
Lần khác, ông nhận được giấy mời dự Đại hội Đảng bộ huyện nọ. Đúng giờ ông nhờ một anh cán bộ chở xe máy xuống huyện. Toàn cán bộ huyện ủy vì không biết mặt bí thư mới, nên cứ ra cổng để đón đoàn xe của tỉnh ủy về. Chờ mãi, đến khi thấy chiếc xe ca chở cán bộ tỉnh, hỏi ra mới chưng hửng: Bí thư tỉnh uỷ mới đang ngồi đọc tài liệu trong hội trường đại hội từ lâu rồi!
Lên dự Đại hội Đảng bộ một huyện miền núi, sau khi bầu bán xong, kết thúc hội nghị, huyện uỷ chiêu đãi rất thịnh soạn.
Cuối bữa tiệc, Bí thư tỉnh uỷ hỏi Bí thư huyện uỷ mới: "Ông làm sao có nhiều tiền mà chiêu đãi nhiều người thịnh soạn thế này?". Ông bí thư huyện tái mặt: "Dạ thưa anh, bốn năm năm mới có một lần".
Ông Tuyển nghiêm sắc mặt: "Tiền là tiền thuế của dân, miền núi lại nghèo, dân đang đói, ông không xót sao? Còn đi dự đại hội xã thì họp xong là ông về rất nhanh, vì ngại xã phải mời cơm. Rủ anh em cùng đi về dọc đường ăn quán. Khi ăn quán ông thường giành "quyền" trả tiền vì "Lương tôi cao hơn các cậu".
Bà con tiểu thương bán thực phẩm chợ Vinh do xem tivi nên biết mặt ông Tuyển. Khi mua rau, cá, ông hỏi bà con "có bán đắt không đấy?". Bà con trả lời ngay: "Làm bí thư tỉnh uỷ mà tự đi chợ nấu ăn, là bà con biết rồi. Bà con thương lắm, tin lắm, không bán đắt mô!".
Ông Tuyển về làm bí thư Nghệ An chưa trọn nhiệm kỳ, mà có huyện miền núi như Tân Kỳ ông đến thị sát tới 3 lần. Ông đi cơ sở không bao giờ báo trước. Không bao giờ để huyện hay nông trường, nhà máy lo chỗ ngủ, đãi đằng cơm nước, mà tất cả đều do Văn phòng tỉnh uỷ chuẩn bị theo sự chỉ đạo của ông.
Người dân Nghệ An còn kể nhiều giai thoại nữa, như chuyện ông Tuyển cứ sau mỗi cái Tết lại nộp vào ngân quỹ của tỉnh hàng tỷ đồng. Đó là tiền mà các quan chức Nghệ An mang ra Hà Nội "chúc Tết" gia đình Bí thư khi ông không ở nhà. Ông bắt vợ nhận và cho vào một cái hòm, như "hòm công đức"...
Một lần Đoàn công tác bộ Thương mại từ Huế ra Quảng Trị. Sở thương mại tỉnh cho hai chiếc xe đến chở đoàn. Một chiếc xe con 4 chỗ và một chiếc xe 22 chỗ ngồi.
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển ra khỏi khách sạn, lên thẳng chiếc xe ca ngồi vào vị trí thứ hai sau lưng lái xe. Lãnh đạo tỉnh thiết tha đề nghị Bộ trưởng xuống đi xe con.
Ông cười bảo: "Các ông vẽ chuyện. Đây ra Đông Hà xe này chở đoàn còn rộng, đi thêm xe con làm gì cho tốn!". Từ Quảng Trị ra Quảng Bình cũng vậy. Lần này thì Bộ trưởng nổi nóng đuổi anh lái xe con: "Em đưa xe về ngay!".
Còn có cả một bộ trưởng Trương Đình Tuyển rất yêu văn chương và quý mến các nhà văn. Ông hay đàm đạo văn chương với các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương…
Khi ông mới lên bộ trưởng, cái tên Phùng Quán vẫn gây "sợ sệt" đối với nhiều người. Thế mà ông dám mời nhà văn Phùng Quán đến cơ quan Bộ Thương mại đọc thơ. Vào Huế, dù họp hành cấp tập, tối đến ông vẫn bảo tôi rủ mấy anh chị nhà thơ Huế đến chỗ ông để gặp gỡ và đọc thơ cho vui.
Trong những cuộc như thế, ông chăm chú nghe thơ anh em và say sưa đọc những bài thơ mới của mình cho đến tận khuya. Thơ ông rất tâm trạng và rất mới. Trong chuyến đi thăm lăng mộ Taj Mahal, Di sản thế giới ở Ấn Độ, ông có bài thơ "Viết ở lâu đài Batmahal":
Bátmahan sừng sững giữa trời
Pho sử đá ghi cảnh đời nghịch lý
Vua khóc vợ xây đền đài kỳ vỹ
Tôi khóc người thợ đá
Đá ơi!
Sang Nga, đi bên sông Nê Va gặp cô gái Hồi choàng khăn che mặt, ông viết: "Mắt mồ côi anh gặp mắt em rồi". Có lần một số Tết báo Thương mại có in một bài thơ ông viết tặng vợ nhưng ký một bút danh khác. Bài thơ ghi công vợ bao năm chăm lo việc họ, việc nhà, "Còn anh năm tháng hành nghề phiêu diêu".
Tôi hỏi: "Sao anh làm Bộ trưởng lại gọi là "hành nghề phiêu diêu?". Ông cười: "Luật pháp, chính sách mình chưa chặt, còn nhiều kẽ hở để bọn xấu lợi dụng, nên làm bộ trưởng bây giờ "chết" lúc nào không biết, không phiêu diêu là gì nữa!".
Ông Tuyển có cả một tập thơ tình. Toàn những bài không có đầu đề. Đó là những bài thơ "khóc" một cuộc tình thời trai trẻ. Ông có câu thơ họa rất đúng chân dung của mình:
Tôi khảo cổ chính tôi và thấy
Một xấp dày ngu ngơ…
Có lần tôi hỏi ông: "Sao anh không xuất bản thơ mình? Ông cười nheo mắt: Mình in thơ bây giờ thiên hạ sẽ bảo Bộ trưởng lấy "tiền chùa" in thơ à! In thơ thì vội gì. Nàng thơ bỏ mình mới sợ...