Lê Bá Đảng: “Người sống bằng giấc mơ của thiên đường đã mất”

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:18
Tháng 10 vừa qua, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhắn tôi đến Bảo tàng TP Hồ Chí Minh để tham dự buổi lễ trao học bổng Quỹ sáng tạo nghệ thuật Lê Bá Đảng và xem bộ phim tài liệu của ông về người họa sỹ nổi tiếng thế giới này.

Mặc dù đã nghe danh người họa sỹ từ lâu, lần đầu tiên tôi được “tiếp xúc” với Lê Bá Đảng qua những thước phim tài liệu quý giá được Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh sang Pháp quay về ông trong giai đoạn cuối đời. 

Bộ phim tài liệu: “Lê Bá Đảng, từ Bích La đến Paris” chỉ dài 25 phút, nhưng điều đọng lại thật lâu trong tôi là tiếng cười hào sảng của một cụ già 93 tuổi cất lên khi gọi điện về quê nhà: “Cho tôi gửi lời thăm hỏi tất cả nhé, làng Bích La và bà con trong làng nhé. Thôi, chào nhé!”. 

Hơn 70 năm xa quê hương, sinh sống ở Paris, Pháp và chu du khắp thế giới, nhưng họa sỹ Lê Bá Đảng chưa bao giờ rời bỏ quê hương của mình, trong tâm tưởng...

Tìm lại thiên đường đã mất

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể, ông được Hãng phim Khánh An (một hãng phim tư nhân của Huế mới thành lập) mời để đạo diễn bộ phim tài liệu về họa sỹ Lê Bá Đảng vì ông đã già yếu và có thể không còn nhiều thời gian trên trần thế. 

Đặng Nhật Minh và nhà quay phim của ông bay sang Paris, Pháp và đến nhà họa sỹ Lê Bá Đảng. Lê Bá Đảng lúc đó đã 93 tuổi, trí nhớ của ông không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên và phát âm rất khó nghe. 

Nhưng Đặng Nhật Minh vẫn kiên nhẫn ghi hình người họa sỹ trong không gian thân thuộc của ông, không gian đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và được trưng bày khắp thế giới. Bên cạnh ông luôn có hình bóng người vợ, bà Myshu Lebadang, người phụ nữ đã gắn bó với cuộc đời của ông và cùng vượt qua bao nhiêu hạnh phúc, cay đắng ở đời, nhất là khi đứa con trai duy nhất của họ qua đời  năm 18 tuổi. 

Những ký ức đã phai dần theo năm tháng, tuy nhiên, thật kỳ lạ là khi nhắc đến quê hương thời thơ ấu, đến ngôi làng Bích La Đông mà ông được sinh ra và lớn lên đến năm 18 tuổi, ông bỗng tỉnh táo lạ kỳ. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng, lúc đó ông liên tưởng tới hình ảnh của một ngọn đèn luôn rực sáng trước khi tắt. 

“Cho tôi gửi lời thăm Bích La và bà con trong làng nhé. Thôi chào nhé!”. Tiếng cười hào sảng ấy vang lên ở cuối phim khi những dòng credit đã hiện lên, tiếng ngoài hình, mà dư âm còn đọng lại mãi trong lòng người xem. Sau thời gian quay hình ở Paris, đạo diễn Đặng Nhật Minh về nước.

Ông tiếp tục đến ngôi làng Bích La ở Triệu Phong, Quảng Trị để ghi lại những hình ảnh về quê hương, bản quán của Lê Bá Đảng. Sau bao nhiêu năm, ngôi làng thuần nông ấy vẫn bình dị, hiền hòa và nghèo khó. 

Vẫn bờ rào, cây mít, vẫn những củ sắn, củ khoai, vẫn cánh đồng xanh mướt, vẫn cụ già chắp đít thong dong đi trên con đường làng; ta chợt hiểu tại sao Lê Bá Đảng lại thương nhớ làng quê của mình như thế.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh trong bộ phim tài liệu ngắn này. Ông không dùng bất cứ đoạn phỏng vấn nào, không có đoạn tư liệu người này người kia chia sẻ về Lê Bá Đảng như những bộ phim tài liệu quen thuộc khác, đặc biệt là dòng phim tài liệu chân dung. 

Chỉ có giọng nói khó nghe của người họa sỹ già và những chia sẻ của ông về thời thơ ấu, về sự ảnh hưởng của thiên đường tuổi thơ đến con đường sáng tạo hay quan điểm nghệ thuật của ông, qua giọng đọc của một người khác, được đạo diễn sử dụng xen kẽ như tự sự nội tâm của họa sỹ.

“Tôi sinh ra từ chốn đồng quê nghèo nàn thất học, năm 1939, khi mới 18 tuổi, tôi liều bỏ cha mẹ, gia đình, làng nước ra đi. Hồi ấy tay không, đầu trống không, tôi đi sang Pháp trong hàng ngũ lính thợ, chỉ biết rằng là phải ra đi, đi đâu cũng được, miễn thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu”.

Để rồi hơn 70 năm sau, ông vẫn không nguôi được niềm thương nhớ làng quê của mình: “Tôi chưa bao giờ rời bỏ quê hương. Dù cho trên thực tế tôi sống xa quê, nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn gắn bó với quê nhà. Và trong lao động nghệ thuật, tất cả những gì tôi làm chỉ là phản ánh tình yêu vô cùng đa dạng đó”.

Ngày 7-3-2015, trong lúc đạo diễn Đặng Nhật Minh đang làm hậu kỳ bộ phim tài liệu thì ông được tin họa sỹ Lê Bá Đảng qua đời tại Paris, thọ 94 tuổi. Bộ phim tài liệu quý giá ấy trở thành những thước phim quý giá cuối cùng về người họa sỹ tài hoa.

Cũng trong năm đó, theo di nguyện của Lê Bá Đảng lúc sinh thời, bà Myshu Lebadang và những ngươi yêu nghệ thuật của ông đã thành lập quỹ sáng tạo tại Huế nhằm hỗ trợ cho sinh viên các ngành mỹ thuật, nghệ thuật trên cả nước. Học bổng lần đầu tiên được trao cho sinh viên ngành mỹ thuật tại Huế. 

Bộ phim tài liệu Lê Bá Đảng, từ Bích La đến Paris được trình chiếu lần đầu tiên trong niềm xúc động và ngưỡng mộ của khán giả. Bộ phim tiếp tục được mời tham gia tại Liên hoan Phim tài liệu quốc tế tại Hà Nội và Liên hoan Phim tài liệu tại Hàn Quốc sau đó. 

Tháng 10 vừa qua, tại lễ trao học bổng Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng lần thứ 3 được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, bộ phim tiếp tục được trình chiếu với bản phim hoàn thiện hơn. 

Họa sỹ Lê Bá Đảng trong không gian thân thuộc của ông.

Những sáng tạo của họa sỹ Lê Bá Đảng, người đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của thế giới như “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện Quốc tế Saint-Louis (Mỹ), Huân chương Văn hóa Nghệ thuật (Pháp), một trong những họa sỹ nổi tiếng nhất thế giới (Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge, Anh) hay được giới nghệ thuật phương Tây đánh giá là “bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây”... đã được gói gọn trong bộ phim tài liệu dài 25 phút nhưng truyền cảm hứng đến những bạn trẻ, những người tiếp nối con đường sáng tạo nghệ thuật của ông. 

Điều thú vị nữa là trong lần trao học bổng lần này, có thêm lá thư tay của bà Myshu Lebadang vừa được gửi về. Trong thư bà viết: “Bởi rằng nghệ thuật không có ranh giới nên chúng gắn kết chúng ta trong không gian và thời gian. Tôi đặc biệt quan tâm đến sự thông hiểu lẫn nhau. 

Sau nhiều thập niên chiến tranh tàn khốc, Việt Nam đang trên con đường hội nhập, và các tài năng trẻ sẽ đóng góp công sức để khôi phục lại vị thế đất nước mình trên trường quốc tế. 

Mỗi du khách đến Việt Nam, họ sẽ có cơ hội khám phá sức quyến rũ và ngắm nhìn cuộc sống năng động tại đất nước này. Sự hồi sinh chính là ước nguyện của chồng tôi - cố họa sỹ Lê Bá Đảng đã dành cho đồng bào của mình”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, bộ phim tiếp tục được trình chiếu mỗi năm tại các kỳ trao học bổng Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng cho sinh viên.

Không gian Lê Bá Đảng

Trong bộ phim tài liệu nói trên, những dòng tự sự của họa sỹ Lê Bá Đảng vang lên dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm của ông.

Ông nói rằng: “Chính quê hương thời thơ ấu của tôi là nơi tôi đã học cách khám phá và yêu sự tươi trẻ vĩnh hằng của thế giới. Và luôn luôn có cái gì khác đằng sau và ở giữa các sự vật, luôn luôn có một thung lũng phía sau một ngọn núi, nhưng hạnh phúc với tôi là được khám phá lại quãng không gian đã định hình nên tôi. Quãng không gian đó có thể là không gian ngăn cách tôi với một ngọn đồi hay một con sông, nâng tôi lên cao hơn cả những ngọn cây cao nhất”.

Họa sỹ Lê Bá Đảng và các nghệ sĩ quốc tế.

Những dòng tự sự đó còn là suy nghiệm về sáng tạo và đôi lúc lấp lánh như một áng văn xuôi của một bậc văn sĩ tài hoa: “Trong không gian đó có thể có sự bình yên của những nơi cư trú vĩnh hằng bên bờ đêm tối, có thể có dáng dấp quen thuộc của những người thân yêu, giọng nói và những bước chân của những người chúng ta yêu thương và yêu thương chúng ta, nhưng trên hết là cái ánh sáng không thể nào quên được đang run rẩy kia. Ánh sáng của một ngày vừa tỉnh giấc và chuẩn bị rực rỡ vào ban trưa, ánh sáng mà đêm tối gom lại như một kho báu. Nghệ thuật đích thực luôn là thơ, là sự biểu hiện tinh tế những quang cảnh giản dị hay các phương thức chuyển hoá ẩn dụ những cảm xúc sâu kín. Điều tôi diễn đạt trong ngôn ngữ nghệ thuật của mình là chu kỳ muôn thuở của ánh sáng và của cuộc sống bên trong các sự vật, chung quanh các sự vật, bên trên các sự vật, và vượt ra ngoài các sự vật. Vượt ra ngoài những thể hiện của nét bút trần gian”.

Vì niềm thương nhớ quê hương, thương nhớ “những người chúng ta yêu thương và yêu thương chúng ta”, mà Lê Bá Đảng muốn làm nhiều điều cho quê hương ông.

Trong thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Lê Bá Đảng viết thư kêu gọi các trí thức quốc tế chống chiến tranh của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Trong bức thư ấy có đoạn: “Chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc về quyền độc lập. Nhất định phải chấm dứt với những đau khổ chịu đựng của dân tộc Việt Nam. Sự leo thang bắn phá có thể dẫn đến chiến tranh nguyên tử. Vì thế cần phải chấm dứt”.

Lời kêu gọi chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã thu hút được rất nhiều chữ ký của các trí thức, nghệ sĩ đương thời, trong đó có cả họa sỹ Picasso.

Sau chiến tranh, Lê Bá Đảng về nước nhiều lần và dành nhiều tâm nguyện cho quê hương của ông. Năm 2002, lúc đang còn khỏe mạnh, ông về quê ăn Tết và tham dự Triển lãm mỹ thuật tại Festival Huế. 

Tại làng quê Bích La Đông, ông xây dựng trường học cho trẻ em, dựng lại ngôi từ đường và tổ chức một cuộc triển lãm mời dân làng đến xem. Đó là những tác phẩm gần gũi như Thiền, Chân Giao Chỉ bằng gỗ, đá mà bất cứ ai, từ người trí thức đến nông dân vẫn có thể lĩnh hội được.

Và sau Không gian Lê Bá Đảng ở làng Bích La Đông và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tọa lạc bên bờ sông Hương, thành phố Huế được thực hiện lúc ông còn sống; vào năm 2017, với sự hỗ trợ của bà Myshu lebadang, họa sỹ Tô Bích Hải và những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước, một “Không gian Lê Bá Đảng” tiếp theo đã được xây dựng tại xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2018, nhằm hiện thực hóa giấc mơ nghệ thuật của họa sỹ Lê Bá Đảng lúc sinh thời.

Họa sỹ Lê Bá Đảng tự nhận mình là “người sống bằng giấc mơ của thiên đường đã mất”. Nhưng những “thiên đường nghệ thuật” mà ông tạo ra vẫn ở lại trên trần gian, đặc biệt là trên quê hương của ông!

Lê Hồng Lâm
.
.
.