Lê Bá Đảng - Cõi tâm linh Việt

Thứ Tư, 18/03/2015, 09:03
Cố họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921, tại làng Bích La Đông, Quảng Trị. Ông say mê hội họa từ nhỏ. 20 tuổi ông sang Pháp và năm 1950 đã có cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Pháp.

Năm 1989, ông được Viện Quốc tế Sain Louis (Mỹ) tặng danh hiệu “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”; năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế ,Trường Đại học Cambridge (Anh) bầu là một trong 10 “người nổi tiếng trên thế giới trong năm 1992-1993”; năm 1994, nước Pháp tặng ông “Huân chương Nghệ thuật văn học Pháp”; ông đã được bầu là công dân danh dự của nhiều thành phố trên thế giới…

Nghệ thuật Lê Bá Đảng và sự nổi tiếng của ông mọi người đã được nghe qua sách báo, truyền hình. May mắn thay, trong các dịp Festival Huế, bắt đầu từ năm 2002 về sau, hàng chục nghìn người Huế và khách du lịch trong nước, quốc tế lần đầu tiên được đến với phòng triển lãm Lê Bá Đảng đầy cảm kích và ấn tượng ngay bên bờ sông Hương thơ mộng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể, khi đã ngoài tuổi 80, tóc bạc trắng, nhưng họa sĩ Lê Bá Đảng vẫn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh lắm; có lần đi nghỉ ở Lăng Cô, buổi sáng ông bơi như cá kình ngoài biển. Nhưng, đời người rồi như giấc chiêm bao… 

Lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dành ngôi nhà xinh đẹp kiến trúc kiểu Pháp tọa lạc ngay bên bờ sông Hương thơ mộng, trên con đường Lê Lợi để làm Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng. Vào dịp Festival Huế - 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã được khánh thành, trở thành một địa chỉ văn hóa mới, rất hấp dẫn của Huế.

Họa sĩ Lê Bá Đảng và phu nhân trong một lần đến Huế.

Trong ngày khai trương, họa sĩ Lê Bá Đảng tâm sự: “Tôi sinh ra từ chốn đồng quê nghèo nàn, thất học. Năm 1939, khi 18 tuổi, tôi làm liều bỏ cha mẹ, gia đình, làng nước ra đi. Hôm nay, tôi mang về Huế nhiều tác phẩm của nhiều đoạn đường sáng tác thân biếu Huế. Riêng tôi, mang thêm về với bà con cái mỹ cảm và cả tài - tình… Có tài phải có tình. Có tình mới có cảm…”.

Ông kể, những năm ông bị bắt đi lính thợ sang Pháp, sống nghèo khổ đến mức không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho đứa con đầu lòng trong một mùa đông lạnh giá trời Tây. Sau này, nhờ bán tranh vợ chồng ông giàu có…

Năm 1992, họa sĩ Lê Bá Đảng về làng tổ chức triển lãm tranh cho bà con nông dân xem. Cả làng Bích La (Quảng Trị) 3 ngày không gia đình nào đỏ lửa để đến ăn cơm do vợ chồng “người con quê hương” Lê Bá Đảng mời, rồi xem tranh của ông bày ở đình làng, tranh treo trên hàng rào, móc ở cành cây. Rồi ông bỏ tiền ra xây trường học, trạm xá, đường làng…

Nghệ thuật Lê Bá Đảng gồm nhiều loại hình đa dạng như tranh, điêu khắc gỗ, gốm… Và, các “Không gian Lê Bá Đảng” tạo dựng thành những hang động; hay các tác phẩm nửa tranh, nửa điêu khắc được tạo nên bằng những chất liệu hiện đại do ông tự tạo nên đều có một nét chung là vừa siêu thực vừa hiện thực, đó là  minh triết của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đó là tâm linh Việt trong cõi Vũ trụ - Con người - Thế giới.

Như tác phẩm điêu khắc “Hạt gạo Trường Sơn” (1996) bằng gốm màu đất đỏ phù sa châu thổ ấy chính là hình ảnh “hạt gạo làng ta” nguồn cội, nghìn đời hai sương một nắng. Hoặc, một loạt bức tranh siêu thực hoành tráng như Đất nước (1976), Phong cảnh bất khuất (1973), Hậu quả chiến tranh (1965)... đều là cuộc tìm về cội nguồn dân tộc, tìm về chốn thẳm sâu của lịch sử và thân phận con người để lý giải sức trường tồn của nòi giống Việt...

Sinh thời, họa sĩ Lê Bá Đảng thường tâm sự, như một lời khuyên chí tình đối với các đồng nghiệp trong nước: “Chúng ta sẽ làm ăn với lòng kiêu hãnh, để những kẻ xa lạ tới đây không thể nghĩ rằng chỉ có người họ giàu có, nhiều tiền của, máy móc nghệ thuật thì mới tạo ra nghệ thuật hiện đại”. Đó chính là tuyên ngôn của sức mạnh nghệ thuật khởi thuỷ từ cõi tâm Linh Việt.

Ngô Minh - Chiến Hữu
.
.
.