Ca sĩ, tài sử điện ảnh Thanh Lan: Con đường tình ta đi

Thứ Năm, 10/08/2017, 11:29
So với Khánh Ly, Thanh Lan nói chuyện không duyên dáng và cũng chẳng hấp dẫn bằng. Thậm chí, hơi khô khan và cụt lủn nếu như người đối thoại không khéo gợi chuyện. 

Và mới tiếp xúc, cứ nghĩ bà là người giữ kẽ, cẩn trọng trong từng lời nói. Nhưng xâu chuỗi lại tất cả thì mới vỡ lẽ, cái sự đơn giản, đơn thuần đó chính là bản tính của bà. Và ở người đàn bà này, dường như, bao nhiêu ý nghĩ, tâm tư, bà đều giấu vào trong, kể cả có những thời đoạn, trời đất tưởng chừng sụp đổ vì… điều tiếng của người đời.

Đã có một thời, cả Sài Gòn "náo loạn" bởi thông tin ca sỹ, tài tử điện ảnh Thanh Lan bị người chồng đầu tiên bạo hành hoặc người đẹp cặp với nhạc sỹ này, cặp với diễn viên kia. Thậm chí, câu chuyện tình ái qua lời kể của mỗi người lại theo một dị bản" khác nhau, khiến bà trong mắt người đời là một ẩn số chưa có lời giải.

Có người còn gọi Thanh Lan là "kì nữ đa đoan". Thanh Lan cười, "kì nữ đa đoan" ư? Bịa, toàn là chuyện bịa. Bà bảo: "Người ta viết về tôi 10 phần thì tới 8 phần là sai rồi. Họ viết về tôi cứ như thể tôi đã kể cho họ nghe tất cả những chuyện ấy vậy. Họ muốn tạo sự giật gân để bán báo; để có lợi cho mình, họ tự cho mình cái quyền vùi dập người khác".

Thanh Lan không biết họ là ai. Bà bảo, bà cũng không muốn biết điều đó bởi với bà, đó là người xấu. Tại sao mình lại phải đi tìm người xấu? Mình chỉ thích gặp những người tốt, thương mình mà thôi. Giống như một cái hộp kí ức, cái gì thích thú thì mở ra ngắm nhìn, chuyện gì không vui, không thích thì đóng lại.

Lúc còn sống, ba Thanh Lan nói với con gái rằng, trong vũ trụ rộng lớn này, loài người có đáng gì đâu? Bà thấy đúng. Khi những tai bay vạ gió xảy đến, bà cảm thấy trời đất như sụp đổ xung quanh mình. Nhưng vài năm sau nhìn lại, bà lại thấy khác, cái chuyện mà mình từng nghĩ là kinh khủng đó, từng vắt kiệt mình đó, thực ra chẳng có gì ghê gớm cả.

Với những cuộc tình đã qua, ai yêu nhau mà không nghĩ tình yêu là điều đẹp đẽ nhất, thần tiên nhất. Nhưng cuộc đời đâu có giản đơn vậy? Khi yêu thì chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì. Khi đang trong cơn mê tình, "có biết đâu niềm vui, đã nằm trong thiên tai"? Dù cho tình ấy vui trong phút giây thôi thì như một bản nhạc của nhạc sỹ Vũ Thành An, vẫn "xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền".

Người đàn bà nồng nàn tình ái Thanh Lan là như vậy. Bà tự nhận mình có một cái bệnh, đó là bà không thấy ai xấu cả. Ai đến với mình, bà cũng thấy người ta tốt. Kể cả khi yêu nhau, bà cũng không có tính dò hỏi, kiểm soát. Mình hết lòng và thẳng thắn trong tình cảm của mình, và bà nghĩ một nửa còn lại cũng thế. Nhưng không phải. Mình nhầm lẫn. Mình chọn sai người, đó là lỗi của mình. Thế nên mới "khóc mộng thiên đường", mới có những giọt nước mắt xót xa rơi trong những ngày xanh.

Riêng người chồng đầu tiên thì sao? Có đúng như người ta đồn thổi hay không? Thanh Lan nói đừng nghĩ vậy mà tội nghiệp ông ấy. Ông ấy học trường Tây, lịch sự lắm. Chỉ là không hợp tính nên không ở với nhau nữa thôi. Hồi đó còn trẻ, cả hai chưa suy nghĩ chín chắn. Lấy nhau trong một cơn điên tình, rồi nên tình, nên tội.

Thanh Lan thuộc típ người trầm lặng, có chuyện gì cũng im im, không thích chia sẻ. Bà nói, hồi đó bà ít nói lắm, không có như bây giờ. Và nếu nói ông ấy có tội lỗi, thì đúng là có một cái tội lỗi duy nhất, đó là đã lấy mình. Và ông ấy khổ vì lấy một người nổi tiếng như mình. Kể cả lúc già rồi, dư luận vẫn chưa buông tha cho ông ấy. Nhưng biết sao giờ?

Tôi hỏi, tại sao khi thông tin bùng nổ như vậy, bà không lên tiếng? Bà đã trải qua những ngày tháng ấy ra sao? Thanh Lan kể nhiều lúc bà cũng cảm thấy bất mãn vì bà không có tiếng nói. Người ta có quyền bịa đặt, trong khi bà không có quyền đính chính. Tính bà vốn không thích ồn ào, lùm xùm, tranh cãi với ai. Cái gì không hợp, không thích thì bỏ ngoài tai. Với lại, đâu phải mình đính chính là người ta tin? 

Dư luận đang muốn tin vào điều mà họ muốn tin cơ mà. Thiếu gì trường hợp người ta làm thiệt mà đính chính là không. Lúc đó, bà cho rằng, ai thương mình thì sẽ hiểu. Bà không cần những người không hiểu mình. Mà có nghệ sỹ nổi tiếng nào mà không bị người ta thêm thắt cho li kì, hấp dẫn đâu? Càng nổi tiếng, càng trở thành "kì nữ" trong mắt người đời. Lỡ bước chân vào nghề này rồi, đành chịu.

Sau vài chuyện không vui xảy đến với cuộc đời mình, Thanh Lan đã vài lần có ý định từ bỏ sân khấu. Nhưng nghỉ được một năm, nhiều người lại mời quá. Người ta đề nghị, bà lại chẳng bao giờ biết lắc. Thành ra, bà vẫn không bỏ được cái nghiệp của mình. 

Mà cũng may không bỏ vì cuối cùng, sau hơn nửa đời làm nghệ thuật, điều còn lại vẫn là âm nhạc, khán giả. Bà nói, cuộc sống của bà có nhiều điều khiến bà phát điên lắm. Nhưng âm nhạc và tiếng hát với sức mạnh của nó đã tẩy xóa hết. Vì thế, bà cảm thấy mang ơn. Tiếng hát của bà cũng là một tiếng hát biết ơn. Ơn đời, ơn người. 

Theo lời bà kể, mặc dù bà và người chồng đầu tiên chia tay nhưng cả hai vẫn coi nhau là bạn. Gia đình ông vẫn thương quý bà. Do ở hai tiểu bang khác nhau nên mỗi lần qua đó hát, họ vẫn lái xe chở bà đi chơi. Con cái hai bên cũng chơi với nhau thân thiết.

Thanh Lan không thuộc típ người "một đời cày xới nỗi sầu/ một đời vun tưới niềm đau". Ngay từ lúc còn trẻ, giữa một dàn đồng ca trầm buồn, sầu ai của Tân nhạc Việt Nam, Thanh Lan nổi lên với tiếng ca trong trẻo, thiết tha mà cũng nhẹ nhàng. Bà được mệnh danh là "tiếng hát học trò" của một thời.

Bà hát lần đầu tiên trên đài phát thanh vào năm 12 tuổi. Ca khúc Vui đời nghệ sỹ của nhạc sỹ Văn Phụng như mặc định cho tiếng hát của bà về sau này. Thanh Lan kể, từ cái thời cất tiếng hát đầu đời ấy, bà đã không thích hát nhạc buồn. 

Sau này lớn lên, trải qua nhiều chuyện, hát những bài hát buồn hơn hoặc người ta đề nghị bà hát những ca khúc buồn thì thực tâm, kể cả những bài buồn, bà cũng không thích hát theo kiểu thảm não quá. Với bà, buồn có nhiều cường độ của buồn. Chứ không phải trăm bài như một. Nếu khán giả để ý sẽ thấy bà hát không bài nào giống bài nào.

Còn trong cuộc sống, phải có vui, phải có cả buồn. Buồn nhiều thì niềm vui mới có giá trị. Có những người sống ở hải ngoại, họ rất thành đạt, con cái đề huề nhưng tự nhiên tự tử. Họ cảm thấy vô nghĩa và bế tắc với chính cuộc đời mình. 

Với bà, trong cuộc sống phải có tranh đấu, bươn chải. Mình có khổ sở thì khi đạt được mới cảm thấy thích thú, hài lòng chính mình. Sống không phải hài lòng mọi người mà hài lòng chính mình trước; nếu không thì chẳng có gì vui cả.

Tôi hỏi bà, ở tuổi 70, bà có điều gì chưa hài lòng không? Thì cuộc sống không nên hài lòng với chính mình. Vì người ta đâu phải là thần thánh gì đâu. Ai cũng có những cái tốt, cái xấu. Nếu nói hài lòng thì không đúng lắm, bằng lòng thì đúng hơn. Bằng lòng với những gì mình đang có. Nếu có ao ước cái gì mà chưa làm được, chưa có được, cũng không sao. 

Nhìn lại con đường mình đã đi qua, Thanh Lan nói, mình được như thế là nhiều, là có phước lắm rồi. Còn những mất mát, những khổ đau thì bà không nhớ. Bà bảo tính bà "phổi bò". Dễ xúc động và nhanh quên.

Thanh Lan thời trẻ dễ tin người nhưng bây giờ thì chắc cũng bớt bớt tin người rồi chứ? Bà bảo, giờ cũng thế. Gia đình hay phê bà không biết nhìn người. 70 tuổi vẫn chưa biết nhìn người. Nhìn ai cũng thấy tốt, thấy đẹp. Thậm chí, có người làm điều xấu với bà, về sau bà cũng quên đi, khi gặp thì tay bắt mặt mừng. Người nhà nhắc, thì ô vậy à. Tính bà vậy. Không muốn chuốc sự bực dọc, bệnh tật vô người.

Khi có thêm một chút tuổi, người ta thường hoài niệm. Nhất là với những người nổi tiếng, tuổi già là một điều gì đó kinh hãi. Thanh Lan 70 tuổi và cười nói rằng, tuổi này chưa phải là lúc để bà nhìn lại cuộc đời mình. Lúc nào bà cũng bình thản, nhìn về phía trước, xem thử ngày mai mình sẽ làm gì, sắp tới mình sẽ làm gì. Thanh Lan không nhìn lại bóng lưng của mình. Những gì đã qua, chỉ cho bà thêm kinh nghiệm sống mà thôi.

Người ta hỏi bà, có hay nhớ lại hào quang của mình hay không? Bà lắc đầu. Bà chẳng biết lúc nào là hào quang, lúc nào là không hào quang vì lúc nào bà cũng là Thanh Lan. 

Bây giờ, thời vàng son đã qua đi rồi, Thanh Lan ngồi ở nhà, bình yên trong vai trò làm mẹ thì cũng là Thanh Lan mà thôi. Bà cũng không biết bao giờ mình thôi hát. Khán giả còn thương thì tiếng hát còn tìm về. Với một người đàn bà hát, ở tuổi này rồi, vẫn còn nhiều người nhớ, đó là một hạnh phúc không phải ai cũng có.

Giữa những vùng trời lênh bênh bất định, tiếng hát làm nỗi buồn hiện hữu hơn. Cũng làm con người gần nhau hơn. Đôi khi có những tiếng hát lấy đi phần đời thanh tân nhất. Lại có những tiếng hát, gieo một mùa hoa quả mới, thơm tho từ những buồn phiền cất lên.

Thanh Lan, người nghệ sỹ của thế hệ văn khoa, của những con đường Duy Tân "phố cũ hè xưa lá vẫn rụng đầy", của thế hệ "Trưng Vương khung cửa mùa thu" ngày xưa ấy, đã sống như tiếng hát của bà. Tiếng hát của một thời yêu dấu nhất. Trong trẻo, thiết tha và lạ kì. Ca sỹ Lệ Thu hát, sau cùng chỉ còn tiếng hát và nước mắt. Thì với Thanh Lan, giọt nước mắt ấy, đã tan nhẹ đi cùng với tiếng hát của mình. Tiếng hát trên những con đường tình ta đi.

Đậu Dung
.
.
.