Ngôi nhà, người cha và Hà Nội...

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:35
Tối 19-5, VTV2 truyền hình trực tiếp chương trình "Khai mạc năm du lịch - Lung linh sắc màu Yên Bái", ca sĩ Tùng Dương biểu diễn bài "Chiếc khăn piêu" (do nhạc sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê phối khí). 

Nguyên Lê người mang dòng máu Việt Nam, sinh ở Pháp, không nói được tiếng Việt, lại mê mải đắm say với âm nhạc dân tộc và bền bỉ, khuếch tán và tôn vinh âm nhạc ấy bằng sự nổi tiếng và ảnh hưởng của một nghệ sĩ âm nhạc tầm cỡ quốc tế. 

Ít ai biết, Nguyên Lê là cháu ngoại ruột của cựu Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín. Ông ngoại và mẹ của anh đều là dược sĩ tên tuổi với đại gia đình gia thế tại Hà Nội mà nhiều thành viên gắn với ngành Y, Dược. Một phần bí mật của nhà họ Thẩm được hé lộ qua bài viết của kĩ sư Thẩm Hoàng Long (con út của Thẩm Hoàng Tín), cậu ruột của nhạc sĩ Nguyên Lê.

Thẩm Hoàng Long tốt nghiệp Khoa Điền kinh Đại học TDTT Từ Sơn, là Trưởng Bộ môn Cờ vua trước khi sang Pháp định cư năm 1988. Ông trở lại Việt Nam, ăn tết Hà Nội sau 30 năm không về dịp tết, vào xuân Đinh Dậu. Và ông cũng vừa trở lại Sài Gòn.

Những mạch ký ức đan nhau cuộn chảy làm tôi được sống lại thời ấu thơ, tuổi trẻ, khi còn bố mẹ, sống cùng các anh chị tại nhà đầu phố Cửa Nam. Mỗi ngày, ý nghĩ của tôi vẫn bay về ngôi nhà ấy.

Ngôi nhà xưa sum vầy, nay còn đó mà không người ruột thịt nào của tôi cư trú. Đại gia đình chúng tôi đã định cư Paris lâu năm. Chỉ còn 2 anh Thẩm Vũ Tùng, Thẩm Vũ Can sống tại Hà Nội. 

Nhạc sĩ Nguyên Lê, đứa cháu thành đạt nhất của bố tôi, mỗi lần về Việt Nam, gặp 2 cậu ruột là nói tiếng Pháp. Nguyên cũng chỉ giao tiếp được Pháp ngữ với cha mẹ, ông ngoại Thẩm Hoàng Tín và các dì, cậu, các em họ ở Pháp mỗi lần đại gia đình họp mặt. Song tình yêu nguồn cội Việt Nam, yêu Hà Nội, chất Hà thành trong máu cháu tôi, một nghệ sỹ hậu bối sáng danh của dòng tộc họ Thẩm. 

Đại gia đình tôi nhiều người theo ngành Y, Dược, nhưng đều yêu nghệ thuật là nhờ gen từ cha tôi và chú ruột tôi - Thẩm Oánh vẫn truyền tiếp. Sau 1954, nhạc sĩ Thẩm Oánh (1916-1996, tác giả Tôi bán đường tơ) đã khuyên thiếu nữ Nguyễn Minh Phụng (SN 1940) đang học nghệ thuật hãy theo học điện ảnh, cô nghe theo và thành công. Cô đã lấy nghệ danh Thẩm Thúy Hằng để tri ân nhạc sĩ đã cho lời khuyên tuyệt vời.

Nhạc sĩ Nguyên Lê. Ảnh: Thẩm Hoàng Long.

Thẩm Hoàng Tín - người cha kính yêu, con người Tây học ấy nổi tiếng sành ăn, mặc đẹp, lịch duyệt, quảng giao, trọng nghệ thuật và nghệ sĩ, đã truyền cho anh em tôi nếp sống thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội xưa. 

Nhà tôi hội tụ của nhiều bậc tài danh: soạn giả, đạo diễn cải lương lừng danh Sỹ Tiến (ông tổ cải lương miền Bắc), nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ (HS) Bùi Xuân Phái... Bùi Xuân Phái đã vẽ chân dung bố tôi, chính bản được trưng tại Pháp, anh Thẩm Vũ Can giữ bản sao ở Hà Nội.

Chị cả Hồng Anh của tôi định cư tại Pháp gần hết đời người. Chị kết hôn với GS Lê Thành Khôi (1923) và sinh ra Lê Thành Nguyên (1957), tức nhạc sĩ Nguyên Lê. Nguyên Lê sinh ở Pháp, sống cùng bố mẹ và ông nội, nhưng không nói được tiếng Việt. Đấy là một khiếm khuyết trong giáo dục của anh chị tôi. 

Song tôi nghĩ: Điều quan trọng là Nguyên Lê không mất gốc. Nguyên học về mỹ thuật, ra trường sẽ là thầy giáo dạy vẽ, xong nó thích nhạc, học guitar, dần dần tự sáng tác phối hợp nhạc Jazz với nhạc dân tộc và trở nên nổi tiếng.

Cháu tôi đã thay mặt bố mẹ già mang cổ vật về đóng góp cho Bảo tàng Dân tộc học, vẫn làm từ thiện và thường xuyên tham gia các dự án âm nhạc tại Việt Nam, hướng về nguồn cội trong tâm thức của một người con Hà Nội, của đứa cháu ngoại có người ông từng làm Thị trưởng Thủ đô. Mặc dù cha tôi sống 10 năm cuối đời và an nghỉ tại Pháp, tôi hằng tin, cha vẫn hướng linh hồn về Thăng Long yêu dấu.

...Thời thanh niên, tôi có cơ duyên chở xe máy đưa chú Sỹ Tiến lên chùa Thầy lấy tài liệu để viết. Tôi đi bộ đội, NSND Sỹ Tiến quen tác giả chèo Tào Mạt, muốn giới thiệu tôi về chơi accordéon ở Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần, nên tôi được dịp chở ông Sỹ Tiến vào chùa bằng xe máy Peugeot BB màu nâu da lươn.

Mấy cô văn công Tổng cục Hậu cần mê chàng trai Hà Nội, đang là sinh viên ĐH TDTT, 21 tuổi, cao to, da trắng hồng... Hai ông gặp nhau, chuyện trò mãi không dứt. Tôi may mắn được hiểu biết và trưởng thành nhờ việc "nghe lỏm" những người bạn tuyệt vời của bố nói chuyện, đều là bậc thầy ở lĩnh vực của mình. Lệ Quyên cũng là người thầy đầu tiên của Nguyên Lê về đàn bầu. 

Sau hòa bình, mùa hè năm 1977, gia đình anh chị Lê Thành Khôi - Thẩm Hồng Anh về Hà Nội. Lần đầu tiên, Nguyên Lê về học đàn bầu do cô Lệ Quyên dạy ngay trong buồng của tôi ở 13 Cửa Nam. Lúc ấy Lệ Quyên bắt đầu nổi tiếng rồi. Chỉ 4 năm sau, 1981 Lệ Quyên giành giải thưởng quốc tế tại Đức, Tiệp và được mệnh danh "Nữ hoàng nhạc nhẹ" đầu tiên của Việt Nam.

Sau này, bố tôi sang Pháp, gặp lại con út của chú Sỹ Tiến là danh ca Lệ Quyên, một ca sĩ  Việt Nam đầu tiên có phong cách đặc biệt, đoạt giải quốc tế ở châu Âu. Người con gái Hà Nội này có giọng nói giàu nhạc cảm, nấu ăn ngon và đặc biệt yêu quý bố, tình nghĩa với các bạn tốt của bố mình. Năm 1988, tôi sang Pháp định cư. 

Hiện tôi sống cách nhà Lệ Quyên 25km, vẫn gọi điện hỏi thăm, "gặp" thường xuyên trên Facebook, gặp tại các sự kiện mà Lệ Quyên thường là giọng ca không thể thiếu, như dịp đón tết Nguyên đán, Quốc khánh tại Tòa Thị chính Paris và Đại sứ quán Việt Nam. 

Chúng tôi, người Hà Nội sinh trưởng ở trung tâm Hoàn Kiếm, đều xúc động khi nhớ về chuỗi kỉ niệm đẹp nhất cuộc đời,  đều là con út, tự hào về người cha lớn lao của mình.

...Năm 1932, bố tôi trốn ông nội và người vợ đầu tiên sang Pháp, bởi muốn tìm nghề để nuôi 2 con gái: chị cả tôi - Thẩm Thị Hồng Anh và chị thứ Thẩm Đôn Thư. Đến kinh đô ánh sáng mà không có tiền, công tử Tín định học bác sỹ (BS), nhưng học BS thì thời gian lâu quá, nên học dược. 

Đến năm 1937, ông về Hà Nội, mở hiệu thuốc tây ở tại số 5 và 7 phố Cửa Nam (sau này là Hiệu thuốc 8/3, thuộc Công ty Dược phẩm - Thiết bị Y tế Hà Nội - Hapharco). Nhà tôi 3 tầng, ở 11 và 13 cùng phố, trên sân thượng, bố tôi trồng hoa, cây cảnh rất đẹp. 

Chân dung Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín (tranh sơn dầu). 

Danh họa Lương Xuân Nhị (GS, Nhà giáo nhân dân) đã thiết kế tất cả khung cửa sổ nhà tôi ở Cửa Nam (1954) là hình hai chữ T (tên bố mẹ tôi: Thành - Tín), lồng nhau thành hình trái tim. Dãy nhà tôi do ông nội Thẩm Phác gây dựng, ông tôi làm thư ký Sở Lục lộ (Sở Giao thông công chính bây giờ).

Cuối năm 1980, cha tôi sang Pháp chữa bệnh tim, sống với các con đến lúc mất. Ba ở số 12 phố Auteuil, quận 16, quận sang trọng bậc nhất Paris. 8 năm sau, tôi đoàn tụ với cha, thuê nhà bà Hoàng Xuân Hãn, số 58/60 phố Théophile Gautier, ở ngay sát cạnh đến lúc bố qua đời, thường sang để cắt tóc, chăm sóc ba. 

Chữ duyên với ngành Y vẫn tiếp tục, GS toán học, kỹ sư, nhà sử học - ngôn ngữ học - nghiên cứu văn hóa, giáo dục Hoàng Xuân Hãn (1908-1996). Năm 1936, GS lấy vợ Nguyễn Thị Bính (sinh 6-10-1911 tại Hà Nội). Bà vợ thứ 3, sau cùng của ba tôi là Nguyễn Thị Nhung (1921-2000), em ruột bà Bính. Bà Nhung đi cùng ba tôi sang Pháp, cả hai đều nhập quốc tịch Pháp. GS Hoàng Xuân Hãn định cư Pháp năm 1951, tro cốt cũng ở Trúc Lâm thiền viện Paris, cùng nơi an nghỉ với ba tôi.

Cứ mỗi mùa xuân, dịp giỗ bố, tôi lại đến Villebon-sur-Yvette, 91140, ngoại ô Tây Nam cách Paris gần 30 km, chốn yên tĩnh với nhiều biệt thự, ngôi chùa Việt trên khu đất 600m² ở lưng chừng đồi.

Người anh thành đạt nhất của tôi là Thẩm Võ Hoàng sang Pháp năm 1951, học quay phim tại trường Điện ảnh Lumière, về nước năm 1958, làm việc tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. 

Đến 1981, anh trở lại Pháp, ở quận 13 Paris đến nay cùng gia đình mình. Thẩm Võ Hoàng có một con trai với bà vợ đầu người Pháp (đã ly dị), tên là Thẩm Võ Minh (1955), làm BS, cũng đến dự đám tang vợ sau của bố. Minh không nói được tiếng Việt... 

Nhà Minh ở tỉnh Annecy, sát biên giới Thụy Sỹ. Anh Hoàng và chị Thanh có hai con: Thẩm Lê Mai (từng học trường chuyên Amsterdam) sống tại quận 13 và Thẩm Lê Khiêm (1973) học về kinh tế ở cùng quận với bố. Cả hai đều có gia đình và 2 con. Các cháu đều làm công chức nhà nước.

...Sau khi hiệu thuốc tư hiến cho Nhà nước thì ba tôi về Bệnh viện B (BV Đặng Vũ Lạc thời Pháp thuộc), sau này đổi là Việt Nam - Cu Ba), làm Phó phòng Dược ở 92 Trần Hưng Đạo. BV này cùng phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm với nhà tôi. 

Thẩm Hoàng Tín từng là Trưởng phòng Xét nghiệm ở BV Việt Đức, trước khi về hưu, ông thích Đông y nên một mình một phòng nghiên cứu Đông y ở BV này.

Lúc đó, GS Tôn Thất Tùng làm giám đốc. Sau khi về hưu, bố tôi là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu liệu pháp chữa bệnh "Vi lượng đồng căn" (VLĐC). Tiếng Pháp gọi là Homéopathie. Liều thuốc cực ít (vi lượng) và trị nhóm bệnh có cùng gốc rễ với nguyên nhân gây ra bệnh (đồng căn). Thuốc điều trị thông thường, càng uống nhiều thì càng dễ nguy cơ khỏi. VLĐC chữa được các bệnh mãn tính: hen suyễn, dị ứng, bệnh ngoài da như vảy nến...; các bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch... 

Nhận thấy hiệu quả rẻ tiền, chữa được nhiều bệnh, bố tôi gửi thư cùng tài liệu (do tôi đánh máy) phương pháp chữa bệnh lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Y tế, đề nghị được áp dụng ở Việt Nam. Thế giới đã áp dụng nhiều, ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa có(?!). 

Không theo nghề cha, song cùng chung với cha tình yêu âm nhạc, yêu cái đẹp, tôi vẫn tin không chỉ thuốc và các thủ thuật ngành Y chữa được bệnh cứu người, mà âm nhạc ngoài việc làm thăng hoa, vỗ về, đồng hành tâm hồn con người, có tác dụng chữa bệnh. Nguyên Lê cháu tôi cũng về Hà Nội tháng 3 vừa rồi và thường xuyên những năm gần đây. Đấy là cuộc tìm về nguồn cội, hành trình ý nghĩa nhất cuộc đời. 

Năm 2016, Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê thực hiện Hanoi Duo, album world music với nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam - cuộc đối thoại, trò chuyện hỏi và đáp giữa nghệ sĩ hai thế hệ. Cuối năm ngoái, cháu đã về Việt Nam đi Hà Giang 8 ngày thực hiện 2 MV Tình đàn và Về đồi non. Nguyên Lê không đoán được chỉ vài tháng sau, cậu của nó là tôi lần đầu lên Hà Giang địa đầu Tổ quốc.

Thẩm Hoàng L ong (Paris)
.
.
.