Chuyện chưa biết về người 53 năm làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Thứ Tư, 10/05/2017, 09:57
Trong cuộc đời 10 năm làm báo của tôi, nhà thơ Việt Phương là một trong những người tôi yêu quý và tôn trọng nhất về cả tri thức lẫn nhân cách làm người. Mấy năm trước, tôi thường có thói quen đến nhà ông chơi. Những cuộc ghé thăm lúc nào cũng sôi nổi và dễ chịu.


Tôi đi Sài Gòn cả năm mới về, cứ tự dặn mình hôm nào phải ghé qua thăm ông. Thế mà chiều qua, bạn tôi gọi điện, báo tin ông đã mất. Tin báo thật buồn! Và tôi chỉ có thể  nuối tiếc về sự vô tâm của mình…

1. Tôi quen nhà thơ Việt Phương  từ 7 năm trước, khi mà lãnh đạo tòa soạn yêu cầu tôi đến gặp ông và thực  hiện một cuộc trò chuyện sòng phẳng nhất từ trước đến nay về tập thơ Cửa mở nổi tiếng của ông.

Tập thơ ấy đã đem lại cho con người thơ ca của ông danh tiếng nhưng lại khiến con người chính trị của ông lao đao, khốn khổ.

Tôi không biết sản phẩm của tôi sau buổi gặp với ông có đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo tòa soạn hay không. Nhưng từ hôm đó, tôi và nhà thơ Việt Phương trở nên thân thiết. 

Đôi khi, ông mail cho tôi những bài thơ ông mới viết; đôi khi ông kể tôi nghe về những chuyện nhân tình thế thái. Đôi khi, vào những buổi chiều rảnh rỗi, tôi thích đến nhà ông. Bao giờ sau khi bấm chuông cửa, tôi cũng thấy ông xuất hiện cùng con chó nhỏ, hiền từ đón tôi vào nhà. Và tôi thường ngồi ôm con chó nhỏ đó, lắng nghe những suy tư của ông suốt cả buổi chiều.

Tôi từng dành rất nhiều buổi để trò chuyện với ông về những năm tháng ông làm thư ký cho Thủ tướng.

Ông kể, lần đầu tiên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng là tại Đại hội Thanh niên cứu quốc ở Nam Trung Bộ. Ông Phạm Văn Đồng - lúc đó là đặc phái viên của Chính phủ khu vực Nam Trung Bộ - đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi khả năng diễn thuyết lưu loát, mạch lạc mà không cần bất cứ sự chuẩn bị trước nào của chàng thanh niên Việt Phương, năm đó mới 19 tuổi. 

Khi biết Việt Phương là cựu học sinh trường Bưởi, nói thông viết thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, ông Phạm Văn Đồng ngay lập tức đề nghị Việt Phương về làm thư ký cho mình. 53 năm làm thư ký Thủ tướng (từ 1947 - 2000), Việt Phương chắc hẳn là thư ký trẻ nhất và lâu nhất của một chính khách Việt Nam, cũng là người đáng tin nhất, uy tín nhất, trung thành nhất.

Đáng tin đến mức, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị vợ chồng Việt Phương sống trong ngôi biệt thự trên phố Khúc Hạo, để thay ông coi sóc người vợ bệnh tật của mình trong những lúc ông bận rộn, lo toan trong Phủ Thủ tướng.

Uy tín đến mức, không chỉ Phạm Văn Đồng mà cả TBT Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đều đề nghị Việt Phương về giúp việc cho mình, khiến ông có những thời điểm phải làm việc cùng lúc cho ba người.

Trung thành đến mức, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng gần như không thể nhìn thấy gì những năm cuối đời, thì Việt Phương lúc đó đã ngoài 70 tuổi vẫn ở bên cạnh ngày ngày giúp Thủ tướng ghi chép lại mọi tâm tư, suy nghĩ của mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận nhà giáo Tú Lan (vợ của nhà thơ Việt Phương) là em gái nuôi. Thi thoảng, trong những buổi chiều ngồi ăn cơm với Bác Hồ, Thủ tướng thường dẫn hai người con của Việt Phương theo.

Giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Việt Phương, càng về những năm tháng sau này, càng giống mối quan hệ của anh em trong gia đình, chứ không phải mối quan hệ cấp trên, cấp dưới...

2. Tôi nghĩ là, bất cứ ai gặp Việt Phương cũng đều yêu mến và trân trọng nhân cách của ông. Và trong hai ngày qua, sau khi ông mất, nhìn những lời chia sẻ của bạn bè trên Facebook về ông, tôi tin cảm nhận của mình là đúng.

Nghề nghiệp đòi hỏi tôi đôi khi phải xác minh một vài thông tin lịch sử. Bất cứ lúc nào lăn tăn nhất, tôi sẽ bấm máy gọi cho ông, và câu trả lời của ông luôn cho tôi sự vững lòng kỳ lạ. Năng lực tạo niềm tin cho người đối diện dường như là khả năng thiên bẩm của Việt Phương...

Một mẩu thông tin mà ông kể luôn khiến tôi cảm thấy đáng tin hơn cả một suối tin tức trôi nổi trên mạng mà tôi đọc được. Dù là một trí thức nổi tiếng, có được sự kính trọng từ những người có địa vị trong xã hội, tôi luôn thấy ông đối xử với tôi khiêm cung và dịu dàng. Mỗi khi tôi gọi điện cho ông, ông luôn bắt đầu bằng câu “Dạ, bác nghe, Lan Hương ơi” và kết thúc bằng câu “Vâng, chào cháu, bác biết rồi ạ”... luôn luôn là thế.

Tôi luôn cảm nhận một điều: không ai dịu dàng và khiêm nhường như Việt Phương, nhưng cũng không ai cá tính và kiên định như cách mà ông đã sống.

Ông từng nói với tôi rằng, trong con người ông có hai nửa, một nửa là con người thơ ca, một nửa là con người chính trị. Và dù là thư ký của Thủ tướng suốt một đời mình, dù con người chính trị luôn là phần chính trong cuộc đời ông, thì con người thơ ca của ông,  thì cá tính và sự kiên định trong thế giới quan của ông cũng không bị con người chính trị che lấp hay khuất phục.

Vì sự kiên định đó, ông đã gặp rắc rối không nhỏ khi xuất bản tập thơ Cửa mở năm 1970.

“Ta cứ nghĩ đồng chí thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc-Tư-Khoa còn hơn cả thiên đường
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao...

(Trích Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi - Cửa mở - 1970)

Những câu thơ ấy không chỉ gây xôn xao dư luận những năm đó mà còn nổi tiếng đến tận hôm nay.

Vì nó nói ra những điều cấm kỵ thời bấy giờ!

Vì  tác giả của nó lại là người vô cùng thân cận của Thủ tướng!

Và vì nó thật đến mức hiếm ai có đủ can đảm để mà đối diện!

Ít ai biết rằng, trước khi tập thơ xuất bản, Việt Phương không hề hỏi ý kiến ông Phạm Văn Đồng. Khi có người thắc mắc, ông khẳng khái đáp lời: “Tôi đã làm người thư ký trung thành của anh Phạm Văn Đồng bao nhiêu năm của đời tôi rồi, còn một khoảng riêng của tôi là thơ mà tôi lại tiếp tục làm “thư ký” đưa thơ cho thủ trưởng phê duyệt thì cái “tôi” của tôi còn gì nữa?”.

Và ông đón nhận mọi rắc rối do “cái tôi” của mình đem lại một cách an nhiên, bình thản.

Cửa mở xuất bản, có những người lính chép tay những bài thơ của Việt Phương và đem theo mình trong hành trang vào chiến trường. Nhưng cũng có những trí thức, những chính trị gia đã lên án, tố cáo Việt Phương “ngậm mực, phun đen chế độ”. Đài BBC đã bình  luận rằng: Thư ký của Thủ tướng Chính phủ  Phạm Văn Đồng đã ra một tập thơ “phá phách chế độ”.

Thậm chí có cả tin đồn ông được các tổ chức phản động ở nước ngoài chu cấp để ông làm loạn; cũng có tin ông đã phải trèo tường và Đại sứ quán Liên Xô xin tị nạn chính trị.

Sự thật là năm đó, Việt Phương đã bị nhà thơ Tố Hữu (khi đó là Trưởng ban Tuyên huấn) và nhà thơ Hoàng Trung Thông (khi đó là Vụ trưởng Vụ Huyấn luyện của Ban Tuyên huấn) phê bình trên báo chí và trong các hội nghị.

Ban Bí thư cũng mở một cuộc họp để xem xét về tập thơ Cửa mở. Nhưng hôm đó, đích thân TBT Lê Duẩn đã xuất hiện trong cuộc họp (dù ông không thường tham gia những cuộc họp này). Ông Lê Duẩn đã dành 90% thời gian cuộc họp để nói về văn học - nghệ thuật, về sáng tác của nghệ sĩ, về cái tôi, và sự tìm tòi cái mới. 

Cuối cùng, nói về Cửa mở, TBT Lê Duẩn kết luận: “Thứ nhất, Việt Phương là cán bộ tốt của Đảng. Thứ hai, tập thơ này không có vấn đề gì về mặt tư tưởng”.

Câu kết luận đó của TBT Lê Duẩn đã gỡ cho nhà thơ Việt Phương khỏi nhiều rắc rối và phiền phức sau này. 

Nhưng sau chuyện đó, Việt  Phương vẫn chủ động xin rút khỏi vị trí thư ký của Thủ tướng, vì không muốn những rắc rối cá nhân của mình trở thành cái cớ để người khác tấn công ông Phạm Văn Đồng. 

Thủ tướng không ngăn cản mong muốn của ông, nhưng chỉ cho phép ông rời Văn phòng Thủ tướng ra Văn phòng Chính phủ, chứ không được đi xa hơn: “Tôi không thích Phương đi xa quá. Nên Phương hãy ngồi một chỗ trong văn phòng và giúp việc cho tôi...”.

Việt Phương nghe lời ông Phạm Văn Đồng. Những năm sau này, ông giúp việc cho cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cả Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, cả TBT Lê Duẩn. Nhưng với riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông đã luôn ở bên cạnh, trở thành tai, mắt của Thủ tướng những năm tuổi già - cho đến tận ngày Thủ tướng qua  đời, với tất cả sự trung thành nhưng không thiếu tự trọng và kiêu hãnh của bản thân ông.

Cả một đời làm người thư ký trung thành và cống hiến, có lẽ chỉ sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, Việt Phương mới thực sự được sống trọn vẹn cho riêng mình, với “tính riêng, cách riêng, mong muốn riêng...” mà ông vốn luôn ý thức rất rõ ở bản thân mình; trọn vẹn với thi ca mà nhờ nó, ông thể hiện được những cái riêng ấy của mình. Có lẽ là thế... tôi không biết nữa... Tôi chỉ tin một điều, ông đã sống một cuộc đời để khi ông mất, tất cả những người còn sống đều phải cúi đầu...

Hà Nội, ngày 7/5/2017 

Tô Lan Hương
.
.
.