Tình yêu thơ và nhạc của một nhà khoa học
Ai có thể ngờ rằng, sự lãng mạn, tình yêu thơ, yêu nhạc luôn thấm đẫm trong tâm hồn một nhà khoa học, một bác sĩ như ông, để rồi vào ngày 9-9 vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong một chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội đã tổ chức hẳn một đêm nhạc Nguyễn Anh Trí. Đây cũng là dịp để ông tri ân với cuộc đời, bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Hơn hai tiếng đồng hồ diễn ra đêm nhạc, hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị quốc gia luôn đông kín. Những khán giả đến với ông, với đêm nhạc của ông không chỉ thưởng thức những ca khúc do chính ông sáng tác, mà họ đến với đêm nhạc còn bởi vì kính trọng ông, một nhà khoa học, một bác sĩ luôn hết lòng vì bệnh nhân của ông.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí (ngoài cùng bên trái) trong một buổi hiến máu nhân đạo. |
Những bài hát mà với ông, không chỉ là tình yêu âm nhạc, mà còn vì tiếng lòng của ông, tình cảm của ông với quê hương, đất nước, với những con người, tuổi thơ, nơi có những điệu hò khoan Lệ Thủy quê ông. “Hơn 40 ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí sáng tác trong những năm tháng bộn bề công việc của một giáo sư đầu ngành, của một nhà khoc học, nhà giáo với tâm hồn thấm đẫm tình yêu đất nước, yêu từ lời ru của mẹ, lời dặn dò của người cha, yêu từ những làn điệu dân ca mặn mà, đằm thắm, đặc biệt là âm hưởng dân ca Quảng Bình hò khoan Lệ Thủy quê ông đã thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ, chắt chiu, ngưng tụ.
Những ca khúc là tiếng lòng, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình người, tình đất, là kết quả lao động nghiêm túc, miệt mài” (lời phát biểu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Sinh năm 1957 ở miền quê Lệ Thủy, Quảng Bình, vào thời điểm đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, ông cũng như những học sinh nghèo miền quê thuở ấy, việc học hành rất khổ cực. Trường học, nhà cửa bị ném bom, bắn phá, đốt cháy, việc học hành nhiều khi bị gián đoạn, rất vất vả, thường xuyên phải chuyển địa điểm học, có khi phải học cả trong giao thông hào.
Nhưng những ký ức khó khăn ngày ấy giờ đây lại trở thành kỷ niệm quý giá để ông viết nên những ca khúc về miền quê nghèo Quảng Bình của ông. Cũng như những người con của những miền quê nghèo khác, ký ức thiếu thốn, sự đói nghèo có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Tuổi thơ ấy có người mẹ nghèo luôn luôn mong mỏi nuôi con ăn học thành tài. Mẹ ông cũng vậy. Và vượt qua những khó khăn, những người anh em của ông luôn có ý chí phấn đấu học hành trở thành những người thành đạt và có ích cho đất nước.
Bài hát được ông sáng tác đầu tiên có tên “Tiếng gọi mẹ ơi”, đây cũng là tiếng lòng của ông với mẹ không bao giờ vơi cạn. Năm 2011, trong một lần bị tai biến mạch máu, mẹ ông đã mãi mãi ra đi, để lại cho ông sự trống trải, nhớ nhung, như ông viết trong một câu thơ nhân mùa “Vu lan nhớ mẹ”: “Biết bao nhiêu nỗi nhớ nhung/ Kiệt cùng câu chữ vẫn không cạn nguồn”.
Và bài thơ “Tiếng gọi mẹ ơi” cũng là bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc. Những câu chữ rất mộc mạc, chân thành, đau đáu của một người con với mẹ. Sinh ra, lớn lên và từng trải; rồi đến lúc thất bại hay thành công, ai ai cũng muốn thông báo cho người biết tin đầu tiên là Mẹ.
Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong đêm nhạc của Giáo sư Nguyễn Anh Trí. |
“Con đã sống qua quá nửa cuộc đời/ Vẫn ước ao nhiều hơn có Mẹ/ Vẫn hồn nhiên như ngày tấm bé/ Sướng khổ buồn vui đều gọi Mẹ, Mẹ ơi/ Sẽ cứ mỗi ngày con vẫn gọi Mẹ, Mẹ ơi./ Để vững tâm hơn sống giữa cuộc đời/ Để vững niềm tin đời luôn có Mẹ”.
Bài thơ đã được ông viết và cho phóng to, treo ở phòng làm việc để mỗi lúc ông lại đọc khi nhớ mẹ. Mỗi lần đọc lên, tâm hồn ông như dịu lại, như mẹ ông vẫn luôn ở bên ông, dõi theo con đường ông đi. Bài hát được trình bày trong đêm nhạc với giọng hát của NSƯT Tố Nga thật tình cảm, da diết.
Công việc của một nhà khoa học cần ở nơi ông một sự khoa học, chính xác; nhưng ở một mặt nào đó, thơ và nhạc lại khiến cho tâm hồn ông bay bổng, nó nuôi dưỡng tâm hồn ông, để ông có được những lúc thư giãn, tiếp thêm tinh thần cho ông làm việc tốt hơn. Với cương vị là một bác sĩ, một Viện trưởng, ông phải làm việc nhiều, dành thật nhiều thời gian cho khoa học.
Ông thường dậy sớm, và đến Viện sớm, và làm việc đến hơn 12 giờ đêm. Là một nhà khoa học, ông biết cách sinh hoạt và ăn ngủ điều độ, tuy ông ngủ rất ít, nhưng buổi trưa ông luôn tìm cách chợp mắt, dù chỉ một ít như ông chia sẻ. Những bài hát ông viết, hay những câu thơ đến bên ông thường vào cuối giờ chiều, khi không khí đã “bình lặng” hơn nơi bệnh viện, để khi ấy tâm hồn ông được lắng lại, được sẻ chia vào những ca khúc, những vần thơ. Ông đề cập đến nhiều đề tài: tình yêu đất nước, quê hương, nguồn cội và cả những con người, những thân phận. Tất cả những gì ông cảm nhận bằng trái tim nồng hậu nơi ông.
Xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ trên đảo Gạc Ma, và thấu hiểu tấm lòng những người mẹ của chiến sĩ ấy, ông viết: “Mẹ cứ tin con sẽ về/ Như mẹ tin Trường Sa là máu xương Tổ quốc/ Chiều biển Đông bóng mẹ nhòa sóng bạc/ Mỗi bữa ăn mẹ vẫn cứ dành cơm”.
Hay tình cảm của những người con với mẹ, với quê hương cũng chính là tình cảm của ông còn thể hiện qua những câu thơ mà như ông nói, đã đi quá nửa cuộc đời, và sống giữa cuộc sống hối hả ngày hôm nay, ông vẫn không sao quên được, vẫn luôn khắc khoải trong tâm trí ông.
Những tình cảm rất chân thật nhưng cũng rất nên thơ: “Nơi quê mình/ Có cánh đồng xanh/ Với bao phận đời lặn lội/ Chiêm mùa được thua no đói/ Tắt đèn tối lửa/ Biết bao nghĩa tình/ Xóm thôn./ Quê mình, người ơi/ Dung dăng nồm nam ngọn gió/ Nơi bến xưa với con đò nhỏ/ Ai đợi ai chờ/ Tình yêu nông nổi ngây thơ/Nhớ người em gái/ Tháng năm xa ngái/ Khắc khoải niềm thương”.
Đến những tình cảm lớn lao hơn, là tình yêu quê hương đất nước, ông nhìn thấy ở đó, thật sâu và có những cái nhìn, những suy ngẫm thật sâu sắc. Nguyễn Anh Trí giỏi ở góc độ khai thác đề tài. Từ những quan sát ấy, ông viết thành những câu thơ, rồi thành bản nhạc. Trong bài “Bản trường ca trên mặt trống đồng”, ông phát hiện ra: “Tôi nhìn trên mặt trống đồng/ Thấy miên man chiều sâu đất nước/ Những là con Hồng/ Những là cháu lạc/ Tề tựu bên nhau/ Chung sống kết đoàn…/ Tôi thấy từ trong sâu thẳm hồng hoang/ Con gà cất tiếng gáy/ Giục bình minh sáng dậy/ Con hươu ăn đêm/ Bầu trời trăng/ Lấp lánh ánh vàng/ Những mái nhà sàn/ Che chở dân làng qua mùa mưa nắng”.
“Bản trường ca trên mặt trống đồng” cũng là một bài hát đậm chất hào hùng, hoành tráng, khiến người xem cảm thấy một không khí phấn chấn, đáng tự hào. Ông chia sẻ, ông đã phải quan sát những hình ảnh trên mặt trống rất kỹ, và suy ngẫm rất nhiều thời gian để viết nên những câu thơ ấy.
Tiếp xúc với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói về nhạc, về thơ một cách say sưa. Công việc bận rộn là thế, nhưng ông luôn sắp xếp khoa học để được “thả hồn”vào thơ và nhạc. Thơ nhạc và khoa học làm cân bằng tâm hồn ông, tạo niềm đam mê trong ông càng bất tận. Ông dẫn lời một nhạc sĩ khi sáng tác xong một bài hát, và ông cũng thấy đúng với tâm trạng của mình: Viết xong một bài hát, cảm thấy thực sự sung sướng, và cảm giác ấy cứ lâng lâng trong ông, cứ “gặm nhấm” sự sung sướng.
Cũng chính niềm đam mê âm nhạc sau này, mà ông mới biết đến Tùng Dương đã từng “lên đồng” với Chiếc khăn piêu, trước đó, như ông tâm sự, ông biết rất ít về các ca sĩ. Còn với ông, ông cũng mời bằng được Tùng Dương thể hiện ca khúc của ông “Xúy Vân giả dại”.
Tùng Dương khi lên sân khấu biểu diễn đã chia sẻ, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí đã nói với anh, chỉ có Tùng Dương mới thể hiện được ca khúc ấy. Và đúng vậy, Tùng Dương đã như lên đồng, như giả dại với ca khúc. “Xúy Vân giả dại” có thể nói đã là một thành công của Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Tùng Dương sau khi thể hiện xong bài hát này, khán giả vỗ tay rất nhiệt liệt.
Một số tác phẩm thơ và nhạc của Giáo sư Nguyễn Anh Trí. |
Để viết được thơ, làm được nhạc, trước hết phải có một tâm hồn nhạy cảm, nồng hậu, một trái tim ấm nóng, biết rung động. Điều này hội tụ đầy đủ trong con người nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí. Nói chuyện với ông trong hơn một giờ đồng hồ, cảm nhận của tôi, ông là một con người nhân hậu, gần gũi. Tuy không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp (mặc dù ông đã được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam), song đêm nhạc của ông với 18 ca khúc được trình bày đã ghi nhận sự đầu tư công sức cũng như niềm đam mê của ông với thơ và nhạc.
Nhưng với một con người giản dị như ông, đêm nhạc của ông chỉ như một sự tri ân đối với những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả bệnh nhân, cả những người đã biết đến ông, đã sát cánh cùng ông trên con đường khoa học và âm nhạc.
Qua đêm nhạc, ông nói lời cảm ơn, và sự hiện diện của khán giả trong đêm nhạc cho ông niềm tin các ca khúc của ông sáng tác đã có địa chỉ, đã có người nghe, và sự có mặt của quý vị khán giả góp phần làm thăng hoa hơn cho các ca sĩ biểu diễn trong chương trình. Còn về phần ông, ông thực sự xúc động trong suốt chương trình.