“Thu muộn” của Phú Quang

Thứ Sáu, 20/10/2017, 11:56
Với những người yêu Hà Nội, sống ở Hà Nội, thì mùa thu là một nỗi đợi chờ mong ngóng, một điều gì xôn xao không thể gọi thành tên. Phú Quang cũng vậy, ông là một người Hà Nội, từng lăn lộn đời mình đến những miền đất khác, sống trong những không gian khác, mùa khác. Rồi ông lại quay về Hà Nội, thương nhớ một mùa chưa bao giờ cũ trong tình cảm của mình, trong tinh thần của mình. Càng nhiều tuổi đời, càng “thu muộn”, ông càng nhìn thấy vẻ đẹp thực sự của mùa thu.


Phú Quang bảo, gặp câu thơ của Chu Hoạch: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang” trong ông có cái giật mình nhè nhẹ. 

Sống qua bao nhiêu mùa thu Hà Nội, sáng tác rất nhiều bài hát về thu Hà Nội, ông mới nhận ra một điều giản dị, rằng thu Hà Nội đẹp nhất, thật nhất là lúc cuối thu, là khi mùa đông vừa chớm đến. 

Đó là thời điểm gió heo may xao xác nhất, cái lạnh bắt đầu lùa trong gió, mùi rét mướt thấm dịu dàng vào da thịt, đủ cho người ta cần nhau, yêu nhau, thương nhau hơn trong cuộc đời. 

Thu muộn còn có nghĩa nhắc nhở, khi một người đi đến đoạn đường chiều, là lúc thời gian đủ độ ngấm sâu sắc trong tâm hồn, để ngộ ra những điều được mất, những có và không hư thực. Bao nhiêu lao xao ngoài kia đôi khi chẳng đáng bằng một chút tĩnh lặng ngồi một mình, nghe xung quanh lá vàng rơi, nắng vàng rơi, thu vàng rơi.

Phú Quang yêu mùa thu đến độ, ông chỉ có cảm hứng sáng tạo, làm việc nhiều nhất vào mùa thu. Thu đến, hồi hộp như tâm trạng đón đợi người yêu, gặp lại người yêu. Rồi suốt những ngày của một mùa hồi hộp ấy, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu ý tưởng trào dâng. Dễ hiểu vì sao Phú Quang viết rất nhiều bài hát về thu Hà Nội. 

Cứ gặp một bài thơ hay về mùa thu, Phú Quang “bắt sóng” ngay với nhà thơ được. Ông “cảm” ngọn ngành tinh thần của bài thơ, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ và có thể biến bài thơ thành bài hát. Trong Phú Quang, những thanh âm của mùa thu từ lâu đã trở thành máu thịt, mỗi cái chạm nhẹ của cảnh sắc, của tình người cũng có thể rung lên thành nốt nhạc, đi vào lòng người. 

Hỏi Phú Quang, người ta mặc định mùa thu màu vàng, riêng ông thấy mùa thu màu gì? Phú Quang không ngần ngại trả lời, mùa thu màu chết. Màu chết, nghe hoang mang làm sao. 

Nhưng Phú Quang bảo, chẳng có gì hoang mang cả. Trong đất trời có quy luật, có sinh và có tử. Mùa thu mang màu chết vì nó đứng ở cuối chu kỳ của vòng quay. Cây lá hay con người đứng trước mùa thu để chiêm nghiệm sự lụi tàn, và cũng là để chiêm nghiệm sự tái sinh. 

Trong sự tàn lụi, trong sự chết, cái đẹp trở nên rực rỡ, huy hoàng hơn bao giờ hết. Nên màu chết là màu đẹp, màu của sự chuẩn bị cho việc bắt đầu lại. Cái màu đó đánh thức con người, biết quý trọng những giây phút trôi qua trong cuộc đời ngắn ngủi hữu hạn này.

Phú Quang chầm chậm tổ chức đêm nhạc mùa thu. Năm nào cũng phải là thu, và đều đặn thường niên, như một thói quen, như một lời hẹn, như một nỗi nhớ, một sự lệ thuộc không thể dứt bỏ. Bạn có thể hỏi nhiều lý do, nhiều góc cạnh, nhiều ý nghĩa xung quanh việc Phú Quang tự tổ chức những đêm nhạc của mình. 

Vì tiền? Có vì tiền. Người nhạc sĩ cũng cần sống như bao người khác, cần có tiền. Nhưng âm nhạc bán được ra tiền, nghĩa là nó có công chúng và có đời sống của nó. Năm nào cũng bán được ra tiền, thì đó là thứ âm nhạc mà có một số đông công chúng nào đó đã nghiện, đã xem là món ăn không thể thiếu cho tâm hồn của họ, mỗi độ thu về. 

Vì mình? Có vì mình. Bởi hạnh phúc của một người làm nghệ thuật nằm ở việc những gì họ sáng tạo ra có được công chúng đón nhận hay không. Người nghệ sĩ cần hạnh phúc ấy, cần niềm vui ấy, để tái tạo mình, để tiếp tục con đường phía trước.

Những bài hát của Phú Quang mỗi năm, trong mỗi đêm nhạc, vẫn thường được lặp lại. Nhưng nhà hát bao giờ cũng chật chỗ ngồi, vé bao giờ cũng bán hết. Năm trước người ta đã nghe, rồi năm sau, năm sau họ vẫn còn muốn nghe lại. Phú Quang chẳng bận lòng chuyện “món mới”. 

Ông bảo: “Trong nghệ thuật chẳng có mới và cũ, chỉ có hay và không hay. Chừng nào khán giả còn tình nguyện đến với tôi, nghe những bài hát cũ, là bởi họ còn thấy bài hát đó hay, còn nói một điều gì đó về chính cuộc đời họ. Liên tục những bài hát mới, nếu có tốt thôi, nhưng nếu nó không mang đến cảm xúc đáng kể cho người nghe, thì mới có nghĩa lý gì. Tôi vẫn sẽ bán những cái cũ chừng nào còn có người mua. Và tôi yêu thích điều đó, tự tin vì điều đó”.

Năm nay, cuối thu, tháng 11, đêm Phú Quang có tên gọi “Cho những ngày thu muộn”. Ông muốn Thanh Lam, Mỹ Hạnh - hai tên tuổi gắn với các ca khúc của ông từ lâu quay trở lại. 

Mỹ Hạnh vốn được xem là người hát Phú Quang phù hợp nhất lâu nay ít xuất hiện trong đời sống biểu diễn. Cô sẽ là một sự chờ đợi của khán giả thủ đô. 

Còn Thanh Lam, Phú Quang chưa khi nào xếp tên cô số 2 trong số các ca sĩ nữ Việt. Một giọng hát nội lực, bùng nổ, nhiều năng lượng chất chứa. Tuy nhiên, có dạo Phú Quang không mời Thanh Lam trong các chương trình của ông, chỉ vì cô “điên quá”. 

Phú Quang đùa, Thanh Lam lúc nào cũng “41 độ”, làm khó ông. Mà hát trong chương trình của ông, thì phải theo cách của ông, trong mức nhiệt độ ông cho phép. Thanh Lam rồi cũng đến độ tự điều chỉnh mình, để có thể hát Phú Quang mang tinh thần ông nhiều hơn. 

Nói chung cả nhạc sĩ và ca sĩ đều hiểu rằng, nghệ thuật cần cá tính, nhưng nghệ thuật cũng cần cả sự hài hòa. Tại thời điểm hài hòa ấy, công chúng sẽ được thưởng thức những gì là đẹp nhất, say đắm nhất.

Còn việc lựa chọn ca sĩ “ngôi sao” hay không “ngôi sao” cho các chương trình của mình, khi mà có vẻ như khán giả chỉ cần nghe tên Phú Quang là mua vé, không hẳn còn quan tâm quá nhiều đến yếu tố sao trong mỗi đêm diễn? 

Phú Quang cắt nghĩa, ông không chọn sao, ông chọn người hát hay nhạc của ông. Những Thanh Lam, Tấn Minh, Đức Tuấn là “sao” thì đúng với thị trường âm nhạc nói chung, nhưng với riêng ông, họ đơn giản là người hát hay nhạc Phú Quang. Ông cần họ xuất hiện trong các đêm diễn của mình. 

Với những ca sĩ chưa thuộc hàng sao chói sáng như Minh Chuyên, Minh Thu, Nhóm Con gái... thì ông cũng vẫn luôn xem là sao trong lòng ông. Vẫn đơn giản là “họ hát hay nhạc Phú Quang”. Nói như vậy để thấy quan điểm của Phú Quang trong lựa chọn ca sĩ, lấy cái căn cốt của vấn đề là “hát hay” chứ không dựa trên độ hot của tên tuổi. 

Chẳng hạn, với Minh Thu, một ca sĩ “mới toanh” với âm nhạc Phú Quang, ông nói: “Minh Thu hát nhạc của tôi một cách tự nhiên, mộc mạc, chân thật, hát hay không thua kém gì các ca sĩ khác. Thế thì chẳng có lý do gì tôi không mời cô ấy hát trong chương trình của tôi. Cô ấy đã là sao hay chưa là sao hay sắp là sao tôi không quan tâm”.

Phú Quang cũng quan trọng việc ứng xử nữa. Ca sĩ hát hay đến mấy, mà chuyện ứng xử không đẹp lòng ông cũng “xin thôi”. Chẳng hạn, ca sĩ nọ, vốn hát hay nhạc của ông, rất được khán giả Hà Nội chờ đợi. Nhiều năm rồi cô ấy vẫn miệt mài bay từ hải ngoại về hát trong chương trình của Phú Quang. Chú cháu hợp tác rất ăn ý. 

Nhưng năm nay cô có người quản lý mới. Người quản lý của cô nói chuyện hợp tác kiểu thị trường quá, nâng giá cát-xê theo kiểu đồng ý thì cháu hát không đồng ý thì thôi. Thế là Phú Quang thôi ngay. Ông bảo, không phải chuyện tiền nong nữa. Vấn đề là chú cháu trước giờ rất tình cảm trong công việc, nay lạnh lùng quá thì thôi.

Lãng mạn hết mực và khi cần cũng gay gắt quyết liệt thẳng thừng hết mực, đó là Phú Quang. Đi qua rất nhiều sóng gió cuộc đời, nhiều chuyện vui buồn không như ý ông càng trân trọng vẻ đẹp giản dị của mỗi ngày trong cuộc đời mình. Là khi được sống như mình muốn, được viết những điều mình nghĩ, được mang niềm vui đến cho công chúng của mình. 

“Cho những ngày thu muộn” hay là cho Phú Quang những  khoảnh khắc đầy xúc cảm khi nghệ thuật được thăng hoa cùng với khán giả. Ông mong muốn mỗi mùa thu lại đến sẽ đẹp hơn, để ông luôn còn được ngồi bên cây đàn piano trên sân khấu, sẵn sàng làm “một ca sĩ tồi nhất” trong đêm nhạc  của mình, hát tặng khán giả những bài hát mà ông gửi gắm rất nhiều tình yêu cuộc sống của mình vào đó.

Bình Nguyên Trang
.
.
.