"Sao mai" Ngọc Ký: Nghệ sĩ đừng sống ảo

Thứ Tư, 29/06/2016, 10:00
Ngọc Ký vẫn giản dị và mộc mạc như những ngày đầu bước chân lên Hà Nội học thanh nhạc. Nhiều người phản ứng với sự mộc mạc của Ký, bởi họ cho rằng, đã chọn con đường nghệ thuật, phải biết tự làm đẹp, thậm chí làm màu cho mình. Còn người yêu tiếng hát đẹp, ngọt ngào của Ký thì yêu luôn cả sự mộc mạc, chân tình đó, họ coi nó như một đặc sản trong thế giới quá nhiều phù phiếm. Còn Ký, anh biết mình đang đứng ở đâu, bởi dù sống trong thế giới ảo thì Ký vẫn luôn tâm niệm, làm nghệ thuật không thể sống ảo.


- Ngọc Ký sở hữu một giọng hát đẹp nhưng ngay từ đầu, anh đã bị so sánh với một đỉnh cao trong làng nhạc là Trọng Tấn. Với nghệ thuật, đó là một điều không may mắn.Anh làm thế nào để thoát ra khỏi cái bóng của Trọng Tấn?

+ Tôi vẫn còn nhớ, năm 2004, tôi thi giọng hát hay Hà Nội, tôi hát xong, mọi người bảo "Trọng Tấn phẩy" rồi, tôi buồn kinh khủng. Tôi không muốn như thế, nhưng cái bóng của anh Tấn quá lớn.Chính NSND Thanh Hoa ngồi đó bảo tôi rằng, tôi muốn thành công, trước hết tôi phải là chính tôi đã, phải thoát khỏi cái bóng đó.

Tôi vắt tay lên trán suy nghĩ, không biết thoát ra bằng cách nào đây vì mọi thứ hoàn toàn là bản năng, tôi không cố tình bắt chước. Khi tôi thi vào nhạc viện, mọi người còn hỏi, em Trọng Tấn phải không.Không còn cách gì khác là tôi không hát bài của anh nữa, nhất là những bài quá nổi tiếng.Tôi phải hát những bài mới bằng cảm nhận riêng của mình.

Hai, ba năm sau tôi mới thoát ra khỏi cái bóng của Trọng Tấn. Nhiều ca sĩ trẻ có giọng đẹp nhưng đều bị cái bóng quá lớn của thế hệ Trọng Tấn, Anh Thơ nên họ không bứt phá lên được. Làm nghệ thuật, đau khổ nhất là mình bị so sánh với một ai đó, mình không được là chính mình.

- Anh ra khá nhiều album, nhưng rồi ngắt quãng tận 5 năm, Ngọc Ký mới trở lại với album về quê hương. Điều gì khiến anh ngắt quãng vậy?

+ Tôi muốn dành thời gian "ủ mưu" cho những dự định mới. Sau một thời gian hoạt động từ 2010 đến 2012, tôi phải lập gia đình, sinh con, làm những công việc bình thường của một người đàn ông.Thực ra, tôi ấp ủ album này từ lâu rồi, nhưng chờ cơ hội, tôi muốn có những ca khúc gắn với quê hương của mình, nơi mình sinh ra. Ở đó có tuổi thơ tôi nghèo khó, có những năm tháng tôi lẽo đẽo theo bà đi hầu đồng, ở đó, dù gian khổ, nhưng cũng là cội nguồn cho tôi lớn lên. Hơn nữa, làm một album không hề đơn giản, đối với tôi đó là một tài sản lớn mà chúng tôi phải tích cóp, dành dụm mới có tiền để làm.Ca sĩ không phải ai muốn ra album là được, bây giờ đều phải có tiền.

- Theo đuổi một dòng nhạc có nhiều ca sĩ, nữ ca sĩ nổi tiếng, anh có bị áp lực vì mình sẽ luôn ở trong tâm thế bị cạnh tranh, bị so sánh?

+ Tôi là người đi sau, nên tôi luôn phải ý thức về sự mới mẻ, về chất riêng của mình để đi vào lòng khán giả, tôi luôn tìm tòi và phát huy điều đó. Tôi hát bằng cảm xúc của chính mình, đó là một cảm xúc hồn hậu, chân thực và nguyên sơ về quê hương, đất nước.Những ca khúc dân gian mượt mà không cần kỹ thuật kinh viện, nhưng rất cần cảm xúc, tình yêu của người nghệ sĩ.Tôi sinh ra và lớn lên ở những vùng quê nghèo khó, đó cũng là một lợi thế giúp tôi hát dòng nhạc này cảm xúc hơn.

- Nhiều sinh viên nhạc viện ra trường, loay hoay mãi không tìm được chỗ đứng của mình. Còn Ngọc Ký, anh nhớ gì về những tháng ngày khởi nghiệp để bắt đầu có một cái tên trong làng nhạc vốn khắc nghiệt này?

+ Tôi xuất phát từ một anh nông dân, yêu ca hát, và hát bằng bản năng. Nhưng từ trong lam lũ tôi đã nhận ra con đường của mình, phải lên Hà Nội để học thanh nhạc. Khóa của tôi vào trung cấp có 60 người, qua 8 năm còn 18 người, tôi được giải Sao Mai còn được biết đến, còn 17 người kia mất hút, rồi cũng bỏ nghề vì không sống được bằng nghề. Nhiều người nhìn từ ngoài thấy hào nhoáng, nhưng thực tế không như thế.Người nổi tiếng hiếm lắm.Nhưng tôi nghĩ, quan trọng là phải bền bỉ với con đường của mình.Không vội vàng được.

- Điều gì khiến một cậu bé nhà quê dám xách ba lô một mình ra Hà Nội tìm học thanh nhạc vậy?

+ Đó là niềm đam mê của tôi.May mắn ông trời cho tôi giọng hát để được là chính mình, được thỏa mãn đam mê. Tôi là một nông dân, nhà quê chính hiệu nhưng tôi luôn tâm niệm sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật. Tự mình khám phá ra con đường đó, và kiên quyết làm bằng được, từ bé tôi đã thế. Ông bà, bố mẹ ngày xưa cấm vì cho rằng ca sĩ là "xướng ca vô loài".

Tôi lên Hà Nội học hoàn toàn tự lập, để mình có được một cái tên trong dòng nhạc chính thống này.Ngoài giờ học, tôi xin hát ở các quán, 30, 40 ngàn đồng một tối. Thế cũng là may mắn rồi. Kể cả  không có tiền mà được hát cũng vui. Hồi đó, NSND Thanh Hoa có mở phòng trà Aladin, tôi được hát ở đó, dù cát xê không cao, mỗi đêm 80-100 ngàn, nhưng rất vui. Đó là một sân chơi nhiều ca sĩ mơ ước, đúng với dòng nhạc mình đang theo đuổi. Anh Trọng Tấn, Đăng Dương cũng từng đi qua sân khấu đó.

Một sân chơi mình vừa thực tập, trải nghiệm.Nhưng trong đầu tôi cũng nghĩ, mình phải học và tham gia một cuộc thi nào đó để mọi người biết đến. Đó là những nỗ lực không mỏi mệt trong một hành trình dài, tôi tham gia khá nhiều kỳ thi, và được giải, riêng cuộc thi Sao Mai, tôi phải mất 4 lần, mới giành giải. Nhưng tôi thi hoàn toàn bằng thực lực chứ không phải bằng quan hệ, tôi có thể tự hào vì điều đó.Tôi không giàu có, cũng không con ông cháu cha, không có quan hệ, tôi chỉ là con nhà nông, nên phải đi đường vòng.

Chầu văn cũng là niềm đam mê của Ngọc Ký.

- Dòng nhạc anh theo đuổi, rõ ràng phụ nữ có nhiều lợi thế hơn nam giới? Anh có chạnh lòng vì điều đó?

+ Các ca sĩ nữ một ngày chạy nhiều show bằng tôi đi hát cả tháng. Hơn 10 năm lại đây, hát bàn tiệc nở rộ và người ta chỉ thích ca sĩ nữ.Vì thế, họ sống khá xông xênh.Còn chúng tôi vất vả hơn nhiều.Tôi phải nỗ lực rất nhiều, nếu không chẳng ai biết đến mình.

Mỗi năm có nhiều lứa ca sĩ ra đời.Thời xưa còn hiếm.Xưa, vàng là vàng, còn bây giờ vàng thau lẫn lộn. Có nhiều giọng hát hay mà không nổi tiếng được. Nghề ca sĩ rất vất vả, phải có thực mới vực được đạo, mình không thể ăn cơm muối vừng mà hoạt động nghệ thuật được. Phải sống thực chứ không sống ảo được. Như tôi phát hành một album rất vất vả, phải đắn đo, mình không chỉ sống cho mình nữa, mà còn gia đình, con cái, bố mẹ. Rất nhiều thứ muốn làm nhưng bất lực, chỉ là mơ ước thôi.

Muốn nổi tiếng cũng phải có kinh tế, có người đỡ đầu, tôi bây giờ vẫn đi thuê nhà, sống vất vả. Nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn chọn con đường đó, con đường tự lập và độc lập.  Và khi tiếng hát chạm tới trái tim khán giả thì sẽ được họ đón nhận.

- Sau 13 năm lăn lộn, anh vẫn giữ cái chất mộc mạc, chân quê, hồn nhiên. Nhưng làm nghệ thuật bây giờ, tôi nghĩ đòi hỏi nhiều thứ hơn thế.Anh có nghĩ mình đang bị lạc tông không?

+ Bạn bè cũng bảo tôi quá mộc mạc, chân thành. Cuộc sống đô thị không làm tôi thay đổi.Trong khi nhiều bạn thay đổi chóng mặt.Tôi thì không, mọi thứ đều tự nhiên và bản năng như thế.Bây giờ tôi về quê, làng xóm vẫn rất yêu quý, vì họ biết chất của tôi như thế.Tôi luôn ý thức về điều đó, sống chân thành, tình cảm.Tại sao mình ở quê ra mà vẫn được mọi người yêu quý, giúp đỡ.

Tôi không giàu có, không đẹp trai, mọi thứ đều bình thường, tôi cứ giữ được sự bình thường đó, tôi may mắn tiếp xúc với đạo Phật sớm, nên có sự thư thái, nhẹ nhóm, coi mọi thứ vô thường, đừng tham vọng nhiều, bỏ bớt những tham sân si…

Ngọc Ký trong buổi ra mắt album về quê hương Nam Định.

Hiện tại cuộc sống của tôi đang khó khăn nhưng lúc nào cũng vui, hạnh phúc. Vợ tôi cũng thấu hiểu và ủng hộ con đường của tôi, tôi may mắn có một người phụ nữ như thế, yêu và trân trọng con đường tôi đang đi. Chậm nhưng chậm chắc.Kệ thôi, làm nghệ thuật vội cũng không được.

Năm 2009, tôi cũng vừa đủ độ chín. Từ giải Sao Mai được nhiều người biết và cát xê cũng cao hơn, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nuôi em ăn học, thuê nhà cửa… Có những tháng không đủ chi tiêu, khi kinh tế suy thoái.Nhiều khi nghĩ quẩn, hay bỏ nghề đi buôn.Nhưng rồi tôi cũng chẳng làm được.

- Bởi anh sinh ra để làm nghệ sĩ?

+ Mỗi con người sinh ra ông trời đều định hướng cho một nghề, may mắn mình đi đúng sở trường của mình, tại sao đứng núi này trông núi nọ, nhiều khi tôi cũng hoang mang, bạn bè ca sĩ tôi cũng hoang mang, có người bỏ đi buôn. Nhưng rồi thất bại. Nhìn lại, tôi thấy mình may mắn vì vẫn còn ở lại được với nghề. Vì thế, cứ miệt mài, nghiền ngẫm con đường của mình thôi.

- Anh có bao giờ cảm thấy mình đơn độc?

+ Tôi có cảm giác cô đơn. Nhiều lúc thấy tủi thân, vì chẳng quen biết ai, một mình một đường. Nhưng tình yêu âm nhạc đã giúp tôi vượt qua cảm giác đó. Tôi cũng may mắn vì có những người bạn chân thành, ở bên cạnh tôi trong mọi gian khó của cuộc đời. Bây giờ, ngẫm lại chặng đường mình đã qua, để một anh nông dân rũ bùn bước đi và được như ngày hôm nay, quả là một hành trình gian nan.

- Vâng, một hành trình gian nan và đi cùng với nó là tình yêu, đam mê. Tôi còn biết anh hát chầu văn rất hay.Mối duyên nào đưa một ca sĩ thính phòng đến với chầu văn vậy?

+ Những năm trước tôi mải tập trung vào học kỹ thuật thanh nhạc, nhiều bạn bè khuyên đi hát chầu văn thì nổi tiếng từ lâu rồi. Tôi còn trố mắt ngạc nhiên.Nhưng duyên đến thì không đỡ được. Sau 8 năm học, tốt nghiệp Nhạc viện, tôi không muốn về các đoàn, vì muốn bay nhảy, tôi ngồi với một người chị, chị ấy đang học chầu văn. Thế là kéo tôi đi học cùng.Học mất một năm, sau đó tôi đã có một sản phẩm âm nhạc đầu tiên là chầu văn.Mặc dù trong túi không có một đồng nào, làm đĩa chầu văn rất tốn kém, thế nhưng, tôi vẫn làm được.Mọi sự trên đời là tùy duyên. Bà nội tôi là một đồng cựu, hồi nhỏ tôi theo bà đi hầu, để xin lộc, vì thế, chầu văn đã ngấm vào máu tôi từ những ngày thơ bé ấy.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

PV (thực hiện)
.
.
.