Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi ở xa quê hương, nhưng vẫn rất gần

Thứ Năm, 01/09/2016, 09:49
Gần như năm nào cũng vậy, cứ vào dịp mùa thu, nhạc trưởng Lê Phi Phi lại thu xếp công việc để về Việt Nam thăm bố mẹ và cũng là dịp anh tham gia các chương trình hòa nhạc trong nước như “Điều còn mãi”… Con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: “Việt Nam là địa điểm đầu tiên tôi lên lịch biểu diễn hàng năm của mình. Ở đó có bố mẹ, họ hàng, bạn bè… nơi mình đã sinh ra và lớn lên”.


- Hình như tháng 9 nào anh cũng về Hà Nội. Cảm giác thích nhất của anh là gì? Anh có thể nói gì về những chuyến trở về của mình, một người sống xa đất nước, xa Hà Nội?

+ Đã sống xa quê hương 30 năm, những năm gần đây tôi đều thu xếp công việc của mình để về với bố mẹ vào dịp Hà Nội vào thu. Đó cũng là dịp để cộng tác với các dàn nhạc trong nước. Thu 2016 tôi đã có những buổi biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… Cảm giác những buổi sáng sớm mùa thu đạp xe quanh khu phố cổ, Hồ Tây, nghe cái mơn man của gió, của nắng, ngồi trong những quán cà phê ven hồ… chỉ có được ở Hà Nội.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

- Đã 7 năm gắn bó với chương trình hòa nhạc đặc biệt “Điều còn mãi”, điều gì khiến anh cảm xúc nhất, để cứ đến dịp này anh lại thu xếp về Việt Nam?

+ Duy nhất năm đầu tiên của “Điều còn mãi” là tôi không kịp thu xếp về, như vậy mình đã có 6 năm đồng hành. Điều làm tôi cảm xúc nhất là được chỉ huy một chương trình hoà nhạc quốc gia vào thời khắc kỷ niệm thiêng liêng của dân tộc - 14h chiều 2/9, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi biểu diễn như một đoá hoa hoà chung vào ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

- Năm nay “Điều còn mãi” sẽ vang lên bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của thân phụ anh, nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây cũng là ca khúc nổi tiếng của ông. Ông có thường trò chuyện và chia sẻ với anh những câu chuyện âm nhạc, về thế hệ của ông?

+ “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa mới…” - Những giai điệu, ca từ của “Quảng Bình quê ta ơi” đã đi vào tôi từ lúc trẻ thơ cho đến tận bây giờ. Những lúc rảnh rỗi, hai bố con lại ngồi nghe các ca khúc của ông và tôi luôn rất sung sướng khi được ông kể về lịch sử ra đời của các ca khúc đó, những con người, sự kiện liên quan.

“Quảng Bình quê ta ơi” được viết vào năm 1964, khi quân đội Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, Quảng Bình là một trong những tuyến lửa, nhưng bài hát thì lại hết sức tươi mát, lạc quan, yêu đời, đậm nét nhân văn, động viên trực tiếp cho tinh thần của bà con lúc đó…

Gia đình ấm áp của Lê Phi Phi.

- Anh chịu ảnh hưởng như thế nào từ người cha của mình về con đường anh đi hôm nay, về cách sống và tư duy âm nhạc?

+ Làm bất kể nghề gì cũng thuận lợi hơn nếu được tiếp nối truyền thống của gia đình. Tôi cũng có cái hạnh phúc đó. Từ nhỏ đã được nghe những giai điệu âm nhạc của các tác giả, của người cha mình khi ông sáng tác, tự hát, tự chơi đàn guitar hay piano đệm, những buổi đi thu nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, những chuyến đi thực tế cùng với cha về các miền đất nước… Tôi tiếp thu được phong cách làm việc không mệt mỏi, đầy sáng tạo của cha mình. Những giai điệu đẹp tuyệt vời, những lời ca đầy cảm xúc. Nhạc của ông rất lãng mạn, như con người của ông vậy.

- Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc chỉ huy dàn nhạc mà không phải là một nhạc sĩ hay một ai đó khác?

+ Khi bắt đầu học nhạc, tôi học đàn piano. Hết sơ cấp thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) trung cấp khoa Lý luận. Tuy nhiên trong những năm trung cấp cùng với cha và các giảng viên trong trường nhận thấy là tôi nên theo học ngành Chỉ huy - phù hợp với con người và tính cách của mình hơn. Và tôi đã không nhầm khi chọn ngành Chỉ huy dàn nhạc.

Vợ chồng Lê Phi Phi trong một chương trình hòa nhạc ở Việt Nam.

- Một chỉ huy dàn nhạc, theo anh cần những tố chất gì? Nếu có một lời mời về Việt Nam làm việc, anh có nhận lời không? Đây là một khoảng trống mênh mông của âm nhạc cổ điển Việt Nam.

+ Một chỉ huy dàn nhạc cần rất nhiều tố chất ngoài việc là một người nhạc công giỏi. Phải giỏi tâm lý, phải có kinh nghiệm về giáo dục, phải có thể lực khoẻ và một sự nhẫn nại, nghiêm khắc. Anh là “thầy giáo” của một tập thể trên 60 con người, làm sao phải thuyết phục, thu hút họ trong cùng 1 khoảnh khắc cùng với anh cảm nhận được tính cách âm nhạc, hoà cùng với nhau… Tôi luôn luôn sẵn sàng cống hiến và muốn hợp tác với các dàn nhạc, nhà hát… ở trong nước. Tôi sẵn sàng đón nhận lời mời về nước làm việc, nhưng không có nghĩa là tôi về ngay, mà sẽ thu xếp dần dần… Nhưng cho đến nay thì hình như vẫn chưa có một lời đề nghị chính thức và cụ thể nào…

- Thực tế, có nhiều nhạc sĩ Việt Nam viết khí nhạc, như thế hệ của nhạc sĩ Hoàng Vân, rồi sau này là Phú Quang, Nguyễn Cường…. Khi trò chuyện với các nhạc sĩ, tôi hiểu đó là những điều họ tâm đắc nhất. Thế nhưng, rất nhiều tác phẩm vẫn xếp kho, nằm im trên giấy, tác phẩm nào may mắn thì được biểu diễn một vài lần. Anh nghĩ gì về thực trạng này ở Việt Nam?

+ Theo sự nhận xét chủ quan của tôi, các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sỹ Việt Nam vẫn được vang lên trong các dịp khác nhau, chỉ có điều là có thể do truyền thông chưa thực sự chú trọng vào mảng này để chuyển tải đến người nghe ở mức độ cần thiết. Chính vì thế mới có “Điều còn mãi”, “Ngày âm nhạc Việt Nam”… những chương trình mà các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam được dàn dựng rất công phu và chuyên nghiệp…

- Sống và làm việc ở nước ngoài, anh nhìn nhận như thế nào về âm nhạc cổ điển Việt Nam. Anh có thấy buồn khi đời sống âm nhạc của chúng ta đang quá lộn xộn, những giá trị ảo đang chiếm lĩnh đời sống, trong khi âm nhạc cổ điển chưa được quan tâm đúng mức?

+ Có một nỗi buồn không hề nhỏ… Nhưng dần dần âm nhạc cũng có chỗ đứng trong đời sống văn hoá của hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để được như vậy là một sự nỗ lực rất lớn của các giám đốc dàn nhạc, nhà hát… Tuy nhiên kinh phí để phát triển loại hình nghệ thuật này cũng đòi hỏi phải nhiều hơn nữa mới có nhiều chương trình mới, những vở nhạc kịch, múa ba lê mới… Đất nước đang phát triển kinh tế tốt, đã đến lúc phải quan tâm phát triển hơn nữa các bộ môn nghệ thuật. Bởi văn hóa là cầu nối của chúng ta với thế giới.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” 2015.

- Các nghệ sĩ cổ điển Việt Nam sống khá chật vật, những người có tài thường ra nước ngoài để tìm kiếm những cơ hội. Bản thân anh nhiều năm định cư ở nước ngoài, anh nhìn nhận điều đó như thế nào?

+ Tôi gặp may là đã được mời làm nghề của mình ở nước ngoài từ cách đây 25 năm, ở châu Âu, cái nôi của âm nhạc cổ điển. Nhưng từ 1996, tôi đã về nước cộng tác, mang những hiểu biết, cập nhật, chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước. Tôi ở xa quê hương, nhưng vẫn rất gần. Đời sống hiện nay của những người làm nhạc cổ điển cũng đã khá hơn, nhưng cũng chưa thể xứng đáng với công học tập, rèn luyện và sức nặng lao động của việc đánh đàn - việc mà nhìn vào tưởng chừng như rất dễ dàng, nhẹ nhàng… Tôi hy vọng khi đời sống kinh tế của xã hội cao hơn thì đời sống của các nghệ sỹ cũng được quan tâm đúng mức hơn…

- Cuộc sống của anh ở nước ngoài thế nào? Vợ anh là người nước ngoài, vậy làm thế nào để gìn giữ văn hóa Việt trong gia đình anh?

+ Ăn cơm Việt, xem TV Việt, nghe nhạc Việt (cũ), mỗi năm về Việt Nam thăm quê hương 1 lần - đó là cách duy nhất để nuôi dưỡng tâm hồn Việt trong gia đình nhỏ bé với 3 thành viên của tôi.

- Anh từng tính tới kế hoạch định cư và Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên anh nghĩ đến. Kế hoạch đó bây giờ thế nào?

+ Đúng! Ý nghĩ chọn Việt Nam làm nơi tiếp tục một nửa còn lại của cuộc đời  luôn nung nấu trong tôi. Chỉ cần các yếu tố như cổ nhân đã nói “Thiên, thời, địa, lợi” là xách valy về thôi (cười).

- Có lần trò chuyện với NSND Đặng Thái Sơn, ông có nói với tôi rằng, không phải cứ về Việt Nam sống mới hướng về quê hương và mỗi người có một cách của mình. Anh thì sao?

+ Tôi cũng đồng ý với anh Sơn, mỗi người đều có cách yêu nước, yêu quê hương của mình. Chúng tôi tuy ở xa nhưng luôn luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp hết mình cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Việt Nam là địa điểm đầu tiên tôi lên lịch biểu diễn hàng năm của mình. Ở đó có bố mẹ, họ hàng, bạn bè… nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.