Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Những nhà sản xuất có nghề đang “ngủ đông”

Thứ Hai, 17/12/2018, 07:09
Tôi hỏi nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, điều gì giúp anh đi đường dài trên con đường sáng tạo của mình. Anh nói: "Sáng tạo phải xuyên suốt cả quá trình làm nghề. Để không bế tắc, mỗi giai đoạn tôi chọn một hướng đi mới để làm mới mình".


Vì thế, ta luôn bắt gặp một Võ Thiện Thanh không ngừng mới mẻ. Sau thử nghiệm Jazz với Hồ Trung Dũng trong "Saigon Feel", anh lại khám phá "Classic meets dance" cùng Phạm Thu Hà. 

- Tôi rất ấn tượng với MV "Vũ điệu bình minh" do ca sĩ Phạm Thu Hà hát - một bài hát đánh động đến vấn đề môi trường đang nóng hiện nay. Anh nói gì về dư án này?

+  "Vũ điệu bình minh" là bài hát mở đầu cho dự án "Classic meets dance" sẽ ra mắt vào mùa hè năm sau. Đây là dự án kết hợp nhạc điện tử, nhạc dance và nhạc cổ điển trên nền tiết tấu mạnh mẽ. Toàn bộ sáng tác trong dự án này tôi  dành để mô tả phong cảnh thiên nhiên.

Sau khi xem xong hậu kỳ MV "Vũ điệu bình minh", tôi rất xúc động, ê kíp sản xuất đã hiện thực hóa ước mơ của tôi là mô tả, tái hiện cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam bởi vì tôi là người tin vào thiên nhiên. Có lần tôi xem một bộ phim nước ngoài, nói về những người thổ dân, tôi nhớ họ phát biểu rằng, con người phải biết quý trọng thiên nhiên, không có thiên nhiên, con người không tồn tại. Tôi rất cảm động vì ý tưởng đó.

- Tất cả những bài hát trong dự án mới này sẽ hướng về thiên nhiên.  Vì sao anh chọn đề tài này thay vì những đề tài hot hơn như tình yêu đôi lứa chẳng hạn?

+ Tôi tin và rất yêu thiên nhiên. Tình yêu đối với người sáng tạo nghệ thuật rất tự nhiên, càng trải nghiệm tôi càng cảm nhận được thiên nhiên là người Mẹ, không có thiên nhiên thì chúng ta không tồn tại. Tôi tin thiên nhiên, học ở thiên nhiên sự sáng tạo, sự nhẫn nại, sự bình thản.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không có thiên nhiên, tôi không sáng tạo được. Hầu như tất cả bài hát của tôi đều có bóng dáng thiên nhiên trong đó, hoặc biển, cây, rừng, ít khi tôi viết về tình yêu đôi lứa đơn thuần. "Vũ điệu bình minh" là bài hát mang lại cho tôi niềm hạnh phúc nhất khi viết về thiên nhiên, đó là khát khao của con người để đạt đến chân thiện mỹ.

- Anh mất 6 năm để có một "Saigon Feel" với Hồ Trung Dũng đậm chất jazz và bây giờ anh lại thử nghiệm một dòng nhạc khác với Phạm Thu Hà "Classic meets dance". Vì sao anh chọn con đường kén khán giả vậy?

+ Đơn giản là vì tôi thích, đối với tôi, người làm sáng tạo phải thích mới làm. Trong mỗi giai đoạn có một loại nhạc mình thích, đam mê. Nếu chỉ thạo một dòng nhạc thì tuổi thọ nghề ngắn và biên độ nghề hẹp nên tôi phải tìm tòi, thử nghiệm nhiều thể loại âm nhạc khác nhau.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và ca sĩ Phạm Thu Hà.

- Anh nổi tiếng là nhạc sĩ khó tính, kỹ tính, vì sao anh nhận lời kết hợp với những giọng ca an toàn như Hồ Trung Dũng, Phạm Thu Hà?

+ Tôi nghĩ do sự khôn ngoan của nhà sản xuất. Cái khéo của nhà sản xuất là giấu đi nhược điểm của ca sĩ và tăng ưu điểm lên khi mang sản phẩm tới công chúng. Ca sĩ nào cũng có nhược điểm và nhà sản xuất phải tìm ra chìa khóa. Hồ Trung Dũng nếu chỉ hát ballad sẽ hơi nhạt, nhưng sự mạnh mẽ, liêu trai của jazz che bớt sự nhạt đó.

Còn Phạm Thu Hà, nếu làm thuần cổ điển sẽ không thành công được, phải dùng các thể loại khác để làm cho giọng của cô ấy hấp dẫn hơn. Điều quan trọng ở hai ca sĩ này là tình yêu và đam mê, họ quyết liệt với lựa chọn của mình.

- Điều tôi khá tò mò là vì sao anh giữ được phong độ làm nghề và sự bền bỉ như vậy, vì cái tên Võ Thiện Thanh nổi tiếng từ khá lâu rồi và nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ anh đã vắng bóng trong đời sống âm nhạc?

+ Thực tế, các nhạc sĩ Việt Nam thường rơi vào trạng thái hết thời. Họ chỉ nổi đình nổi đám một thời và sau đó rút vào bóng tối. Tôi suy nghĩ kỹ về điều đó, tại sao vậy trong khi nhạc sĩ nước ngoài họ làm việc dẻo dai tới già. Tôi phát hiện ra rằng, do tư duy của người Việt mình nghĩ rằng tới một thời điểm là rút.

Album của Hồ Trung Dũng.

Còn đối với tôi, sáng tạo là phải xuyên suốt từ lúc làm nghề đến già. Để không bế tắc, mỗi giai đoạn tôi chọn một hướng đi mới để làm mới mình thì sự sáng tạo sẽ lâu dài hơn, phải đa dạng dòng nhạc, đa dạng phong cách.

- Nhưng muốn nghe những sản phẩm của anh thường phải chờ rất lâu, nếu không nói là quá lâu?

 + Tôi là người cầu toàn, Hồ Trung Dũng mất 6 năm mới có một "Saigon Feel". Lâu như thế vì nhiều lý do. Trong đó có một phần do âm nhạc tôi đang làm không giống âm nhạc mà các ca sĩ đã từng hát. Đa số nhạc Việt đặc trưng là ballad. Cách hát, tư duy hát quen kiểu ballad, khi thử một kiểu nhạc mới, họ rất thích nhưng phải mất thời gian làm quen mới hát được.

Có nhiều bài của Hồ Trung Dũng và Phạm Thu Hà phải thu đến lần thứ 3, nghe đi nghe lại mới ngấm được dòng nhạc. Âm nhạc đương đại không đòi hỏi cách hát legato, quá kéo lê mà phải sắc nét, giọng hát như một nhạc cụ, đòi hỏi ca sĩ phải nghe nhiều, quên đi cách hát cũ. Đó là lý do tại sao album lúc nào cũng lâu.

- Có vẻ như cách anh đang làm đối với âm nhạc khá lạc nhịp với xu hướng sản phẩm âm nhạc xuất hiện nhiều và cũng nhanh chóng biến mất như hiện nay?

+ Bây giờ mọi người đang ngộ nhận về xu hướng âm nhạc. Thấy người này đi, hướng nào ăn khách, những người khác cũng ào ào chạy theo và cho rằng đó là xu hướng. Mình đang đi xuôi, họ đi ngược chiều và nói rằng đó là xu hướng nhưng đó là xu hướng của họ, chứ không phải là xu hướng của âm nhạc.

Tôi cảm giác, thế hệ nhạc sĩ ngoài Bắc nhiều người giỏi nhưng họ đang hoang mang vì cảm giác mình đang đi ngược chiều. Nếu thế hệ ấy đủ niềm tin, cứ làm những điều mình thích thì đời sống âm nhạc đã khác. Họ quên mất sáng tạo là từ trái tim. Nếu làm mà cứ lo, cái này ăn khách hay không, thì đừng làm.

- Anh đang nói đến sự mất cân đối của đời sống âm nhạc hiện nay?

+ Nhạc Việt hiện nay có hai vấn đề. Thứ nhất là chúng ta đang thiếu căn bản, chuẩn mực. Một người làm nhạc pop, một người làm jazz trước hết phải đúng chuẩn đã. Âm nhạc Việt chưa đúng chuẩn, chưa định hình đã bị làn sóng internet, game show ùa vào phá hết.

Chúng ta thiếu nền móng căn bản. Muốn âm nhạc phát triển phải làm đúng căn bản rồi sau đó mới bàn đến những pha trộn, tính dân tộc, bản sắc. Bởi suy cho cùng, điều quan trọng nhất của âm nhạc đó chính là cảm xúc và sự hướng thượng, hướng tới cái đẹp.

Vấn đề thứ hai là những người có trình độ, năng lực không làm việc, không sáng tạo. Một cái chợ mà không có nhiều món hàng thì người mua biết mua gì. Nếu không có cửa hàng rau sạch thì người mua chỉ biết chọn rau bẩn mà thôi. Phải có quầy rau sạch, phải tung ra nhiều sản phẩm tử tế để khán giả lựa chọn. Hiện có quá ít nhà sản xuất nhiệt huyết.

Nhà sản xuất đóng vai trò rất quan trọng, những tư tưởng đẹp, những xu hướng mới đều xuất phát từ họ, nhưng chúng ta đang thiếu những người nhiệt huyết và dấn thân. Lý do tại sao thì tôi không biết, nhưng đó là nguyên nhân khiến đời sống âm nhạc mất cân đối.

Thật ra chúng ta không thể miệt thị dòng nhạc kia, bất cứ quốc gia nào cũng có dòng nhạc đó và nó tồn tại song song với dòng nhạc chính thống. Nó thỏa mãn một tầng lớp nhất định, nghe cho vui thôi.

- Theo anh, vì sao những nhạc sĩ có nghề lại hoang mang hoặc im lặng trước thị trường âm nhạc hỗn loạn hiện nay?

+ Tôi không hiểu rõ các nhạc sĩ khác. Riêng tôi, để duy trì niềm tin, tôi phải tạo cho mình cuộc sống tương đối bình yên. Nếu bị xoay vần bởi vật chất, cơm áo, gạo tiền thì không thể làm.

Mỗi người có một quyền lựa chọn. Mình lựa chọn con đường nào, phát triển vật chất hay bình an tâm hồn để làm nghề. Điều quan trọng là tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng cái đẹp phải tồn tại mãi mãi, cho dù có lúc nó bị che mờ, thất thế. Niềm tin đó giúp tôi không bao giờ hoang mang.

Phạm Thu Hà trong MV “Vũ điệu bình minh”.

- Vậy nguy cơ nào sẽ xảy ra với một nền âm nhạc bị mất cân đối như vậy?

+ Nguy cơ lớn nhất là người nghe chịu hậu quả. Hậu quả đáng ngại nhất tác động đến thế hệ học sinh cấp 1, 2, tạo ra một lứa thẩm mỹ thấp. Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa nhất là giáo dục âm nhạc từ mẫu giáo không được coi trọng.

Nếu giáo dục một đứa bé từ mẫu giáo đến cấp 2 có một tai nghe tốt, biết phân biệt rau sạch, rau bẩn thì ra ngoài chợ nó sẽ biết lựa chọn, đằng này kháng thể của nó yếu quá. Bây giờ cách tốt nhất để giải quyết là giáo dục âm nhạc trong trường học chuẩn cái đã. Nhật Bản, Hàn Quốc, dòng nhạc thị trường phát triển tự do, nở rộ nhưng dòng nhạc chính thống như nhạc cổ điển, nhạc jazz của họ cực kỳ bài bản.

Tôi từng nghe ở một ngôi làng hẻo lánh của Nhật, người già vẫn nghe nhạc jazz. Đó chính là hệ quả của giáo dục. Tôi nghĩ cốt lõi là giáo dục âm nhạc từ nhỏ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

V. Hà (thực hiện)
.
.
.