Nghệ sĩ Trung Bảo: Không chọn con đường an toàn

Thứ Tư, 25/07/2018, 16:32
Beatbox là môn nghệ thuật sử dụng miệng, giọng để mô phỏng âm thanh của bộ gõ, là nghệ thuật gắn liền với văn hóa hip-hop. Ở Việt Nam, cái tên Trung Bảo không còn xa lạ trong cộng đồng beatbox Việt Nam cũng như thế giới.


"Là một người trẻ, tôi nghĩ mình nên trải nghiệm, thử sức với nhiều thể loại văn hóa, dòng nhạc khác nhau. Đó là tinh thần tôi muốn theo đuổi" - Trung Bảo chia sẻ.

- Chào mừng Trung Bảo trở về Việt Nam. Năm nay cộng đồng beatbox hẳn sẽ "xôm trò" hơn khi có sự kết nối của Trung Bảo?

+ Tôi vừa hoàn thành việc tổ chức cuộc thi Beatbox Việt Nam để tìm ra nhà vô địch. Đây là lần đầu tiên, cuộc thi này được tổ chức quy mô lớn như thế và tôi là thành viên Ban giám khảo. Lần này, chúng tôi tìm ra nhà vô địch của Top 8 và sẽ đi tham gia giải quốc tế ở Đức. Tôi là người kết nối các hoạt động của cộng đồng beatbox và rất vui khi cộng đồng đó đang lớn mạnh dần. Dù sao tôi cũng là người đi trước và tôi muốn kết nối để đưa các bạn say mê bộ môn nghệ thuật này ra nước ngoài.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ beatbox Trung Bảo.

- Có thể thấy, nhiều nghệ sĩ Việt Nam thành công ở nước ngoài và quay trở về làm cầu nối cho các nghệ sĩ Việt. Là một người trẻ, ra nước ngoài từ năm 15 tuổi, vì sao Trung Bảo có mong muốn đó?

+ Tôi muốn làm điều gì đó cống hiến cho cộng đồng. Không có cộng đồng thì không có tôi. Khi thành công, tôi muốn trả lại cái gì đó cho cộng đồng, đấy là một sự thôi thúc rất tự nhiên trong trái tim mình. Tôi không chỉ là một beatboxer giỏi mà tôi còn có thể kết nối cộng đồng, điều đó có ý nghĩa hơn nhiều. Tôi bắt đầu những việc này từ rất lâu rồi, lúc đầu chỉ làm các video, dịch bài để các bạn xem, đi đấu các giải nước ngoài, tôi quay clip đưa lên mạng cho các bạn tham khảo để mọi người có động lực tự tập. Tôi rất hiểu vai trò của cộng đồng vì khi tôi theo đuổi con đường này, tôi chỉ có một mình, rất đơn độc.

- Tôi rất ấn tượng với cuộc đối thoại thú vị của Trung Bảo - Ngô Hồng Quang trong đêm nhạc "Nam Nhi" ở Hà Nội. Cơ duyên nào khiến một người ở Mỹ và một người ở Hà Lan có thể gặp nhau, để làm nên cuộc đối thoại độc đáo giữa hai chất liệu âm nhạc khác biệt như thế?

+ Tôi và nhạc sĩ Ngô Hồng Quang gặp nhau qua sự kết nối của nghệ sĩ Nguyên Lê trong show diễn "Over sea" của các nghệ sĩ Việt Nam từ khắp thế giới. Trước khi gặp anh Quang, tôi chưa bao giờ chơi cùng nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới, rất bất ngờ với tôi và Quang. Chúng tôi không thể tưởng tượng được nhạc cụ dân tộc với beatbox có thể kết hợp nhau hài hòa như thế. Thực ra âm nhạc dân tộc rất gần gụi, tôi đã lớn lên cùng nó, đó là những chất liệu âm nhạc thân quen đối với mình. Là một người trẻ, tôi nghĩ mình nên trải nghiệm, thử sức với nhiều thể loại văn hóa, dòng nhạc khác nhau. Đó là tinh thần tôi muốn theo đuổi.

- Điều gì kết nối một người trẻ với âm nhạc mới mẻ như Trung Bảo với Ngô Hồng Quang?

+ Đó là tư duy âm nhạc và nghệ thuật, là khát vọng trải nghiệm và khám phá của những người trẻ. Tôi cũng rất bất ngờ phát hiện ra những nhịp phách của nhạc dân gian Việt Nam cũng rất giống nhịp phách của beatbox. 

Điều thú vị là nhạc dân gian (mà anh Quang chơi) thiếu bộ gõ, tôi lại mạnh về cái đó. Cuộc đối thoại của chúng tôi, vì thế, như là một sự bổ sung cho nhau. Tôi mong muốn đưa được khán giả của nhiều nền văn hóa tới với nhau. 

Tôi rất vui khi có các beatboxer tham gia đêm nhạc vừa rồi tại Việt Nam. Và họ đã có những thay đổi về nhận thức. Có một bạn chia sẻ với tôi rằng đêm nhạc quá thú vị, nhạc truyền thống chơi với beatbox rất hợp, không bị gượng. Cái hay là anh Quang thực sự thích beatbox, còn tôi thực sự thích nhạc cổ truyền. 

Anh Quang chơi theo tinh thần đương đại, thử nghiệm. Hồi trước, tôi cứ nghĩ về nhạc cổ truyền rất cổ kính, nghiêm ngắn nhưng khi chơi với Quang tinh thần rất mở, phóng khoáng, không bị đóng khung. Mục tiêu của tôi là góp phần đưa được bản sắc Việt đến với giới trẻ nhiều hơn. 

Giới trẻ Việt bây giờ chú ý tới văn hóa phương Tây, Mỹ, họ nhìn những cái bóng loáng đó và rất dễ bị hấp dẫn. Họ không nhận ra văn hóa Việt Nam hay đến thế, cái hay nhất nó là của mình. Đồng thời tôi cũng đưa được văn hóa beatbox, một bộ môn nghệ thuật rất thú vị tới khán giả lớn tuổi của anh Quang. Đó là sự giao thoa, kết nối.

- Nhưng ở Việt Nam, bộ môn nghệ thuật này chưa được đánh giá cao, họ chỉ coi nó như một trò diễn cho vui trên đường phố?

+ Ở Việt Nam hiện nay có nhiều bạn học beatbox, một số làm nghề nhưng chưa có con đường rõ ràng, chưa chuyên nghiệp. Tôi đang trên con đường chuyên nghiệp, tôi muốn mọi người thấy con đường đó có thể thành hiện thực. 

Thực tế, trên thế giới cũng ít người theo đuổi beatbox chuyên nghiệp, chỉ một số nước phát triển như Mỹ, Anh, và châu Âu, nó quá lạ mới ở Việt Nam. Nhưng beatbox thực ra rất gần gũi. Trong mỗi người chúng ta luôn có nhịp điệu, nhịp điệu mình nghe gần nhất là tim mình và tim của mẹ, nhịp điệu gần với ngôn ngữ, nó là hơi thở của mình, nó thân thuộc với mọi người. 

Mọi người nhìn beatbox là môn gì đó thuộc về đường phố và chỉ chơi cho vui, dành cho giới trẻ. Vì họ chưa nhìn thấy beatbox trên những sân khấu lớn để cảm nhận nó thực sự hay. Beatbox là bộ môn duy nhất vừa là nhạc cụ, vừa là thể thao, vừa là ngôn ngữ.

- 13 tuổi đã bắt đầu tự tập beatbox và sau đó ra nước ngoài tham dự các cuộc thi. Dấu mốc nào khiến Trung Bảo quyết định theo đuổi beatbox chuyên nghiệp?

+ Tôi đi du học từ năm 15 tuổi, sang bên kia tự học một mình. Lúc đầu chơi vì thích thôi. Đến năm 2015, tôi lọt vào top 8 của giải đấu quốc tế đầu tiên mà tôi tham gia ở Áo. 

Lần đầu tiên, tôi được gặp các beatboxer nổi tiếng mà từ trước đến giờ tôi chỉ học theo họ trên mạng, coi họ là thần tượng. Mọi người coi tôi như là một phần của họ. Tôi có nhiều cảm hứng từ đó và càng ngày càng hăng say luyện tập hơn. 

Cuộc thi World Beatbox Camp 2017, tôi được mời đến Ba Lan tham dự giải, tôi chuẩn bị kỹ nên lên sân khấu khá tự tin và được giải quán quân. Tôi chủ yếu luyện tập qua các video, tự học, lâu lâu có cơ hội gặp gỡ cộng đồng beatbox Việt Nam và thế giới. 

Việc gặp nghệ sĩ Nguyên Lê và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã giúp tôi thay đổi nhiều về tư duy âm nhạc, giúp tôi chiến thắng giải Would Beatbox Camp. Tôi hiểu điều rất quan trọng khi đi ra thế giới là mình phải biết mình là ai, mình đến từ đâu. Với tôi beatbox là một môn nghệ thuật chuyên nghiệp, nó cũng như những nhạc cụ khác, có thể chơi với nhạc dân tộc, với jazz và tôi sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp.

- Điều gì làm nên sự khác biệt của Trung Bảo với cộng đồng beatbox thế giới?

+ Trong cộng đồng beatbox thế giới, cái tên Trung Bảo gắn với một âm thanh rất đặc biệt đến từ Việt Nam, đó là chữ Đ, cảm hứng để tôi sáng tác ra bài "Đom đóm đêm". 

Nó không giống chữ D của nước ngoài, chữ Đ đập lưỡi vào trong, nếu mình tập trung vào phần đập ấy và làm mạnh lên, tạo ra một âm thanh rất ấn tượng như tiếng gãy đàn. Người nước ngoài nghe và họ không hiểu làm kiểu gì? Sự phát hiện đó làm nên tên tuổi của tôi trên đấu trường quốc tế. Tôi rất tự hào khi được xướng tên beatboxer Trung Bảo đến từ Việt Nam.

Trung Bảo và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam.

- Tôi tò mò tự hỏi, Trung Bảo sẽ theo beatbox đến bao giờ?

+ Tôi sẽ theo đuổi đến khi nào miệng của tôi không beatbox được nữa. (Cười). Nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của tôi rồi. Tôi làm cả thiết kế đồ họa và beatbox, cả hai đều có thu nhập để theo đuổi con đường này lâu dài. 

Tôi thấy nhiều nghệ sĩ nản vì họ phải lo mưu sinh, chạy show ở đám cưới, bar, sàn để kiếm tiền. Điều đó khiến họ nản. Tôi có khả năng tránh được sự nhàm chán vì tôi có một công việc khác là thiết kế để cân bằng cuộc sống và luôn giữ sự mới mẻ cho mình.

- Những dự định sắp tới của Trung Bảo?

+ Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện đang du học tại Mỹ, chuyên ngành thiết kế đồ họa. Mọi người nghĩ thiết kế và âm nhạc không có sự liên kết nhưng trong cuộc sống và những trải nghiệm của tôi thì nó có mối liên kết chặt chẽ về tư duy và cách mình nhìn nhận về nghệ thuật thị giác hay nghệ thuật thính giác cũng giống nhau. 

Tôi còn trẻ nên thích thử thách và trải nghiệm, tôi nghĩ, mình không nên quá an toàn với cái gì đó. Tháng 10 tôi sẽ diễn cùng nghệ sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang tại Lion Pháp trong dự án "Over sea". Đây là một dự án khác, mới mẻ, khác với âm nhạc của Ngô Hồng Quang, nó mix (trộn) các thể loại văn hóa khác nhau, nhạc của nhạc sĩ Nguyên Lê rất Tây nhưng cũng rất Á Đông và tôi chơi theo tinh thần hoàn toàn đương đại.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Trung Bảo. 

Trung Bảo tên thật là Nguyễn Bảo Trung, bắt đầu đam mê  beatbox từ năm 13 tuổi. Năm 2017, Trung Bảo đã ghi danh vào bản đồ beatbox toàn cầu với giải quán quân thể thức đấu đơn của World Beatbox Camp 2017. Trung Bảo sở hữu 6 sản phẩm do mình tự sáng tác, trong đó sản phẩm mang tên "Bass Cannon" đã giúp Trung Bảo giành được chiến thắng thuyết phục tại World Beatbox Camp 2017. 

Bên cạnh đó, Trung Bảo còn xuất sắc khi khẳng định được tên tuổi trong cộng đồng beatbox nhờ giành giải nhì Beatbox toàn nước Mĩ 2016; Top 4 giải Beatbox thế giới Grand Beatbox Battle 2017; Giải nhất Lion City Beatbox Battle 2017 tại Singapore. 

Đam mê beatbox nhưng Trung Bảo còn có một niềm đam mê "ngang hàng" đó là thiết kế đồ họa. Trung Bảo hiện đang là sinh viên năm ba ngành Thiết kế đồ hoạ, Trường Đại học Pacific Northwest College of Art (thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ).


V. Hà (thực hiện)
.
.
.