NSƯT Đăng Dương: Cứ yêu và đam mê, mọi thứ sẽ đến
- Những người bạn của anh, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh đều có những đêm nhạc của riêng mình khá lâu rồi, còn Đăng Dương, sao đến tận bây giờ, sau 22 năm ca hát?
+ Có lẽ, một lý do quan trọng là dòng nhạc tôi theo đuổi không phổ biến, hơn nữa, tính tôi cầu toàn, chỉn chu. Tôi mong muốn tổ chức đêm nhạc của mình với dàn nhạc giao hưởng, điều này khá tốn kém và công phu. Đặc biệt là âm thanh, ngoài Bắc tôi chưa tìm thầy dàn âm thanh nào ưng ý. Âm thanh không tốt sẽ hạn chế giọng hát của nghệ sĩ. Cho đến khi tôi vào TP Hồ Chí Minh, hát trong đêm nhạc do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và ê kíp của anh làm, tôi nhận ra, đây chính là điều mình đang tìm kiếm. Thật tuyệt vời. Tôi ngỏ lời và may mắn, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho chương trình của tôi, phối mới toàn bộ các ca khúc tôi sẽ hát trong đêm "Mặt trời của tôi". Tôi mê dàn nhạc giao hưởng và tôi cảm thấy mình được thăng hoa nhất khi hát với dàn nhạc. Đạo diễn Tất My Loan làm sân khấu. Chỉ huy dàn nhạc Lê Ha My. Có thể nói là một ê kíp hoàn hảo như giấc mơ của tôi vậy.
- Một đêm nhạc thính phòng đúng chất của cổ điển với một ê kíp âm thanh, ánh sáng mang từ thành phố Hồ Chí Minh. Một cuộc chơi tốn kém và khá công phu?
+ Đây không phải là một cuộc chơi, với tôi, làm nghệ thuật tử tế không phải là một cuộc dạo chơi, mà đó là sự lao động, dấn thân một cách nghiêm túc. Tôi muốn làm những gì tử tế cho khán giả. Tôi muốn tri ân những người đã đồng hành cùng tôi suốt hơn 20 năm qua mà tôi trân trọng gọi họ là "Mặt trời của tôi". Dòng nhạc này có những giá trị khác, nó chạm tới vẻ đẹp hoàn mỹ của đời sống và đòi hỏi người nghệ sĩ cũng phải có một tâm thế làm nghề như vậy, cẩn trọng, cầu toàn để có thể chuyển tải được phần nào vẻ đẹp của nó đến với khán giả.
- Tình yêu với âm nhạc cổ điển, yêu một cách đắm đuối và say mê như Đăng Dương, khởi nguồn từ đâu?
+ Niềm say mê âm nhạc cổ điển khởi nguồn từ khi tôi còn rất nhỏ, khi nghe các bản nhạc không lời và các chương trình ca nhạc của Đài TNVN cho đến khi được học và tiếp cận âm nhạc tại môi trường chuyên nghiệp thì dòng âm nhạc đó càng ăn sâu vào con người tôi một cách rất tự nhiên.13 tuổi, tôi đã lên Hà Nội học đàn bầu. 8 năm học đàn bầu cho đến khi vỡ giọng, tôi mới được nhận vào khoa thanh nhạc. Tôi đã đề nghị ngay với cô giáo chủ nhiệm cho học thính phòng. Càng học, tôi càng yêu nó cho đến khi nhận ra là mình không thể rời bỏ dòng nhạc này vì nó rất hợp với mình.
- Hơn 20 năm đi hát, anh làm thế nào để luôn giữ được cảm xúc và niềm say mê của mình, để mình không bị cũ và nhàm?
+ Để cảm xúc luôn thăng hoa trong suốt hơn 20 năm qua tôi luôn phải rèn luyện, học hỏi, tìm ra cách hát phù hợp nhất với dòng nhạc của mình và quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là niềm đam mê bất tận. Không phải ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, một nghệ sĩ cần rất nhiều yếu tố, từ tri thức, bản lĩnh sân khấu, tài năng, sự cống hiến... nghệ thuật biểu diễn rất khắc nghiệt, vì nó chỉ cần tinh hoa thôi, những người bình thường nó không cần và sẽ không sống được với nghề. Nó khác hoàn toàn nghề khác, cứ bình thường vẫn sống được, chứ nghệ thuật phải tinh hoa, phải giỏi, phải chinh phục được khán giả.
- Có thể nói, hành trình của Đăng Dương cũng là hành trình đi tìm kiếm cái đẹp, sự hoàn mỹ của cái đẹp trong âm nhạc. Và đến lúc này, anh đã đi tới đâu trong hành trình của mình?
+ Có thể nói sự tìm tòi và phát triển trong nghệ thuật nói chung và thanh nhạc nói riêng thật là bao la và rộng lớn. Đó là một con đường vô tận và tôi vẫn đang ở trên hành trình đó. Cuộc đời làm nghệ thuật của Đăng Dương cho đến thời điểm này, hơn 20 năm gắn bó, tìm tòi và phát triển, tôi đã có những thay đổi rất lớn trong cách hát và xử lý tác phẩm, luôn được thăng hoa cùng dòng nhạc của mình với khán giả và cho đến những ngày này, khi chỉ còn ít ngày nữa Đăng Dương sẽ được thăng hoa cùng với dàn nhạc giao hưởng với một ekip vô cùng chuyên nghiệp để kỷ niệm 20 năm ca hát của mình, tôi vẫn luyện tập không ngừng để mang đến cho khán giả những gì hay nhất có thể.
- Anh có quan tâm về đời sống âm nhạc hiện nay và xu hướng của những người trẻ?
+ Hiện nay, âm nhạc của chúng ta có rất nhiều dòng nhạc hội nhập, điều đó là tất yếu với sự phát triển chung của thế giới và đặc biệt, chúng ta nhận thấy điều đó ở các bạn trẻ. Nhưng theo cá nhân tôi, chúng ta vẫn phải định hướng cho các bạn hiểu được những giá trị đích thực của âm nhạc mang tính chính thống, truyền thống của đất nước.
Theo đuổi dòng nhạc thính phòng là một hành trình gian nan, học mãi vẫn chưa thấy mình đi tới đâu. Dòng nhạc này từ Châu Âu, môi trường phát triển của họ đồng bộ hơn. Các nghệ sĩ opera nước ngoài trong khi học đã được thực hành, đóng nhạc kịch, hát nhiều thứ tiếng, còn ở ta, chưa có được sự đồng bộ đó nên theo đuổi âm nhạc cổ điển vẫn chỉ vì đam mê thôi. Nhưng đã yêu thì học, phải chịu khó, chịu khổ mà học. Đó là văn minh của nhân loại, mình muốn tiếp cận và chinh phục nó, muốn khám phá để chạm tới cái đẹp.
Ngày xưa, tôi cũng chỉ là một cậu bé đi ra từ lũy tre làng. Nhưng nghe và yêu và đam mê. Tôi muốn nói với các bạn trẻ, nếu thực sự đam mê thì hãy dấn thân, còn lưng chừng, nửa vời thì không nên theo đuổi dòng nhạc này vì nó rất nghiệt ngã.
NSƯT Đăng Dương trong một chương trình nghệ thuật |
- Theo anh, vì sao âm nhạc cổ điển vẫn xa lạ với công chúng Việt Nam. Đăng Dương, Lan Anh và một số nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này đang nỗ lực làm cầu nối cho âm nhạc cổ điển đến với công chúng có bao giờ mỏi mệt?
+ Âm nhạc cổ điển là tinh hoa của nhân loại, mọi nền văn hoá trên thế giới đều hướng đến điều đó. Những năm gần đây âm nhạc cổ điển của nước ta đã được công chúng đón nhận nhiều hơn nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Để cho mọi người đến âm nhạc cổ điển nhiều hơn cần có một chiến lược phát triển của ngành văn hoá như đưa âm nhạc cổ điển vào giáo dục từ bậc tiểu học để các em được tiếp xúc từ sớm và trên các phương tiện thông tin đại chúng phải quảng bá thường xuyên để khán giả nghe và hiểu và cảm thấy nó không còn xa lạ.
Những người đam mê nhạc cổ điển như tôi hay ca sĩ Lan Anh.. vẫn đang cháy hết mình với dòng nhạc này và chưa khi nào thấy mệt mỏi, tôi luôn thấy ngày càng hạnh phúc và thăng hoa với dòng nhạc đã ăn vào máu thịt mình.
- Làm thế nào để khuyến khích những người trẻ lựa chọn và đi theo con đường này, theo anh? Và điều gì có thể quyết định sự thành công của những nghệ sĩ đi theo dòng nhạc giao hưởng thính phòng?
+ Điều đầu tiên và quan trọng nhất là các bạn trẻ phải có đam mê. Hãy tự hỏi mình có thực sự yêu dòng nhạc này không, mình đã làm tới chưa, đến tận cùng chưa, cứ làm tốt đi rồi mọi thứ sẽ đến với mình. Thực tế, khá nhiều người theo học dòng nhạc này, nhưng để sống và tồn tại được rất ít. Nếu các em đã yêu thính phòng cổ điển thì phải đam mê, hết mình với nó thì hẵng theo, vì rất vất vả, tốn thời gian. Làm nghệ thuật khắc nghiệt như thế, nếu mưu cầu điều gì thì đừng làm.
- Một sự nghiệp thành công, không tỳ vết, một gia đình hạnh phúc, có vẻ như cuộc sống của Đăng Dương được rải hoa hồng và không biết đến những muộn phiền?
+ Không có thành công nào đến một cách dễ dàng, đặc biệt với dòng nhạc thính phòng cổ điển nếu không muốn nói là cực kỳ khắc nghiệt, Đăng Dương cũng phải trăn trở rất nhiều, tìm tòi, rèn luyện và đam mê hết mình mới có được chỗ đứng trong lòng khán giả như ngày hôm nay. Theo tôi, mọi việc từ nghề nghiệp cho đến hạnh phúc gia đình tất cả đều xuất phát từ sự chân thành rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình.
- Sau live đình đám này, anh có dự định gì khác?
+ Sau liveconcert đặc biệt này, tôi hy vọng khán giả sẽ có cái nhìn khác về dòng nhạc này, nó không đến mức quá khó nghe. Thậm chí tôi nghĩ nó rất gần gũi và hy vọng sẽ có nhiều concert như vậy được diễn ra. Tôi cũng hy vọng concert này thật thành công và để Đăng Dương cũng như toàn bộ ekip sẽ có những dự án mới đến với khán giả!
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.