NSƯT Bùi Công Duy: Cần đưa nhạc cổ điển vào trường học
Được bắt đầu từ năm 2015, Liên hoan Âm nhạc cổ điển Vietnam Connection (VNCMF) đã trở thành một trong những chương trình nghệ thuật đặc biệt được đón chờ hàng năm. Các chương trình hòa nhạc trong Liên hoan này được đánh giá cao bởi những tác phẩm kinh điển và sự góp mặt của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới.
Nhìn vào chương trình qua các mùa, mỗi năm đều có những gương mặt nghệ sĩ mới. Nếu 2 năm đầu, chủ đề âm nhạc Baroque thì năm nay, tính chất lễ hội nhiều hơn, mở rộng hơn, không giới hạn chủ đề nào cố định, số lượng nghệ sĩ tham gia cũng đông hơn. Là một trong hai "chủ xị" của 2018 VNCMF 2018, NSƯT Bùi Công Duy đã có cuộc trao đổi về âm nhạc cổ điển tại Việt Nam hiện nay.
- Ý tưởng làm Liên hoan thường niên này được bắt đầu ra sao, thưa anh?
+ Những người làm âm nhạc luôn muốn tạo ra những hoạt động để giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với những nghệ sỹ quốc tế trong lĩnh vực này. VNCMF được thành lập vào năm 2015 bởi Tiến sỹ Chương Vũ, một trong những nghệ sỹ violin xuất sắc người Mỹ gốc Việt và tôi, bắt nguồn từ nhu cầu trên.
Qua các hoạt động giao lưu văn hoá đầy ý nghĩa, VNCMF mong muốn đưa âm nhạc bác học đến gần hơn nữa với công chúng yêu nhạc. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn qua Liên hoan, bắc một chiếc cầu văn hóa Việt Nam với quốc tế. Mang những giá trị văn hóa tốt nhất đến trong mùa hè khó chịu này, tôi cho rằng, đây là một chương trình có ý nghĩa với công chúng, với xã hội.
- 4 năm qua, VNCMF đã đi một hành trình như thế nào?
+ Qua từng năm, VNCMF đều có sự đổi khác, để phù hợp cũng như cập nhật xu hướng của thế giới. Năm nay, chúng tôi đã giới thiệu 11 buổi hòa nhạc tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong khuôn khổ VNCMF sẽ có 3 buổi hòa nhạc với dàn nhạc lớn trình bày các tác phẩm từ thời kỳ tiền cổ điển đến cuối lãng mạn.
VNCMF 2018 có sự góp mặt của 4 nghệ sĩ đặc biệt - nghệ sĩ violin Stephanie Chase, nghệ sĩ contrabass Jeff Bradetich và hai tứ tấu đàn dây Arod và Ulysses - cùng với gần 50 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và 4 châu lục trên thế giới.
Các đơn vị hợp tác mới của VNCMF năm nay cũng mở rộng ra, bao gồm Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Đại học Văn Lang, Học viện Âm nhạc và nghệ thuật Soul và Nhà Văn hoá Thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Đó là một tín hiệu tích cực.
- So với hơn 10 năm trước, lúc anh quyết định từ Nga về Việt Nam làm việc, nhạc cổ điển ở Việt Nam có chuyển biến gì không?
+ Những năm trước, các chương trình hòa nhạc cổ điển phải có tài trợ mới có thể tổ chức được, vì thế, lịch diễn của các dàn nhạc bị động và ngắn hạn, công chúng thì rất thưa thớt. Một tháng có 1-2 chương trình là nhiều.
Hiện giờ, việc tiếp thị của ngành âm nhạc cổ điển đã chuyên nghiệp hơn, có lịch diễn theo mùa, thậm chí Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có lịch diễn trước hai, ba năm - hướng đi này theo đúng chuẩn mực của các nhà hát châu Âu. Một tháng có khi có 15 - 20 chương trình. Đó là tín hiệu tích cực đấy chứ?
- Phía công chúng đón nhận thì sao? Có gì tích cực không?
+ Có chứ. Chúng tôi thấy có một lứa công chúng trẻ và văn minh, coi âm nhạc cổ điển như một thực đơn tinh thần không thể thiếu. Hơn nữa, so với trước đây, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa.
Cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã có những tụ điểm để khán giả hàng tháng đến nghe nhạc cổ điển, xuất hiện khá nhiều nhóm hòa tấu thính phòng, chơi nhạc ở các điểm diễn nhỏ, thậm chí ở ngoài đường. Điều thú vị là khán giả của nhạc cổ điển ngày càng mở rộng, bạn có thể gặp những em nhỏ, cụ già về hưu, người lao động phổ thông say sưa nghe hòa nhạc… Tôi thấy nhạc cổ điển đang phổ cập hơn, và trẻ hóa.
- Anh có lạc quan quá không?
+ Tất nhiên, vấn đề trẻ hay già không quan trọng. Điều đáng nói ở đây là vấn đề ý thức; thể hiện bằng việc mua vé xem nghệ sĩ biểu diễn, qua cách hiểu biết như thế nào về dòng nhạc này. Ở châu Âu, đối tượng của dòng nhạc này cũng phải có tuổi một chút, ít nhất trên 30.
Tôi nghĩ, để có thể thưởng thức dòng nhạc đặc biệt này, chúng ta lại phải quay về câu chuyện giáo dục. Ở một số nước, nhạc cổ điển được đưa vào trường học như môn học bắt buộc ngay từ mẫu giáo. Việt Nam vẫn duy trì được một lượng khán giả tinh tuý, nhưng quá ít so với mặt bằng chung.
Tôi nghĩ nhạc cổ điển là kho tàng tri thức, văn hoá của nhân loại. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của nghệ sĩ, nó cũng cần được giới truyền thông quan tâm, để nhiều người biết đến. Trong nhà trường cũng nên có những chương trình giáo dục âm nhạc cổ điển bắt buộc từ độ tuổi mẫu giáo đến khi vào đại học, để làm giàu có hơn tâm hồn trẻ thơ, giúp các em đề kháng tốt trước những thứ nhạc rẻ tiền, phản nghệ thuật đang được phổ biến tràn lan trên truyền hình và nơi công cộng.
- Anh đánh giá như thế nào về việc đào tạo nghệ sỹ trẻ hiện nay?
+ Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong thời kì chuyển đổi từ cơ chế bao cấp qua cơ chế thị trường. Trong đào tạo, bao cấp không còn nhiều như trước nữa; mỗi năm rút bớt lại, chỉ bao cấp ở một số trường hợp đặc biệt mà thôi. Trong lộ trình 5 năm tới, buộc phải cạnh tranh để có những tài năng thực sự. Đó là một cuộc cách mạng, không chỉ trong âm nhạc mà ở nhiều ngành nghề khác nữa. Cơ chế thị trường sẽ trả lời tất cả. Đó cũng là cái hay nhưng cũng là thách thức đối với các nghệ sĩ chúng ta. Trong 5 -10 năm nữa, tôi nghĩ, sẽ có rất nhiều thay đổi và sẽ định hình rõ dần mô hình hoạt động trong lĩnh vực này ở nước ta.
- Nhưng có những lĩnh vực, chúng ta không thể "phó mặc" vào cơ chế thị trường được. Chẳng hạn, cải lương đã từng có một thời hoàng kim nhưng khi "ném" vào thị trường thì sống dở, chết dở…
+ Tất nhiên, không thể phó mặc hoàn toàn. Riêng lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, càng không thể phó mặc muốn ra sao thì ra được. Vẫn đồng thời cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ đó cũng phải có những người chuyên môn, hiểu biết "đụng" vào.
Có tiền mà đầu tư không đúng cách, hay đầu tư sai thời điểm cũng không được. Đây là một ngành nghề đặc thù, đào tạo trong độ tuổi nào, nam khác, nữ khác ra sao, đều có đặc điểm của nó. Chi không đúng thành lãng phí, không mang lại hiệu quả.
Chúng ta đang thiếu đội ngũ chuyên môn để tư vấn. Đó là điều hạn chế trong hệ thống bộ máy chính quyền Nhà nước; nên có những thứ chúng ta chưa thực hiện tốt được dù ý tưởng cũng như chủ trương rất tốt.
Nếu không có sự chăm lo mang tính chiến lược, chúng ta sẽ tiếp tục bị chảy máu chất xám, những người thực sự tài năng sẽ không về Việt Nam nữa. Song song với việc đào tạo, Nhà nước nên tìm ra một số người có uy tín trên thế giới để tổ chức những cuộc thi âm nhạc quốc tế thường xuyên tại Việt Nam. Phải giao lưu, cọ xát, cạnh tranh, tài năng mới phát triển được.
- Thuộc biên chế của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, có nhiều năm gắn bó với nhạc thính phòng, cổ điển, anh thấy đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực này hiện nay như thế nào?
+ Mấy năm trở lại đây, đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn đối với thế hệ trẻ tương lai. Có những chương trình, học bổng cũng như cơ chế đào tạo tài năng. Tuy nhiên, có một số chủ trương khi đưa vào thực tiễn thì còn chậm. Tại thời điểm này, tôi cho rằng cần kinh phí, cần hành lang pháp lí rộng mở thì may ra… Lúc đó, chúng ta mới có một thứ âm nhạc tử tế, chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế và hướng tới hội nhập một cách nhanh nhất có thể.
- Hội nhập nhưng vẫn có chất Việt Nam chứ?
+ Tôi đã từng chơi tác phẩm "Bài Ca chim ưng" của nhạc sĩ Đàm Linh và đây là một trong những tác phẩm khí nhạc xuất sắc nhất của Việt Nam viết cho violin và dàn nhạc. Hay là Giao hưởng thơ "Hào khí Thăng Long" của Trần Mạnh Hùng chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn có thể biểu diễn những chương trình hòa nhạc tại nước ngoài với 100% tác phẩm cổ điển của Việt Nam và một dàn nhạc 100% người Việt.
- Cảm ơn NSƯT Bùi Công Duy.