Diệp Vấn: Từ cảnh sát đến Nhất đại tông sư võ học

Thứ Tư, 03/01/2018, 18:26
Khi nói đến Diệp Vấn, nhiều người biết đến ông với tư cách là một võ sư Vịnh Xuân Quyền lừng danh và là thầy của Lý Tiểu Long. Nhưng ít ai biết rằng công việc đầu tiên của ông lại là một sĩ quan cảnh sát.


Cậu bé mê võ thuật

Diệp Vấn tên đầy đủ là Diệp Kế Vấn, sinh ngày 1-10-1893, trong một gia đình giàu có ở Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cha ông là Diệp Lợi Đô và mẹ là Nguyên Lợi. Ông là người con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em gồm  anh trai, chị gái và em gái.

Diệp Vấn đam mê võ thuật từ nhỏ. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu theo học Vịnh Xuân Quyền của sư phụ Trần Hoa Thuận. Khi đó sư phụ đã 70 tuổi nên Diệp Vấn là đệ tử cuối cùng của thầy. Do tuổi tác của sư phụ Trần Hoa Thuận đã cao, Diệp Vấn chủ yếu học phần lớn các kỹ năng và kỹ thuật từ đại đệ tử của sư phụ là sư huynh Ngô Trọng Tố.

Trước lúc lâm chung, lão võ sư Trần Hoa Thuận đã không quên dặn dò người học trò trưởng tràng của mình là Ngô Trọng Tố tiếp tục nhiệm vụ truyền dạy môn Vịnh Xuân Quyền cho Diệp Vấn. Nhờ vậy, Diệp Vấn đã sớm trở thành một trong những tay cao thủ Vịnh Xuân Quyền, từng nổi tiếng bách chiến bách thắng qua các trận so tài trong bổn môn cũng như những lần thử lửa với các môn phái võ thuật khác ở khu vực Phật Sơn, Quảng Đông.

Năm 18 tuổi, do tình hình Trung Quốc không ổn định, ông được gia đình gửi sang học tại Trường St. Stephen's College, Hồng Kông. Đây là ngôi trường danh giá chỉ dành cho con cái các gia đình thế lực và giàu có ở Hồng Kông cũng như người nước ngoài sinh sống tại đó.

Trong thời gian theo học, Diệp Vấn từng chứng kiến cảnh sát ngoại quốc đánh một phụ nữ và ông đã can thiệp giúp người phụ nữ đó. Tay cảnh sát to cao cố gắng tấn công ông nhưng Diệp Vấn đã quật ngã hắn và chạy đến trường với một bạn cùng lớp. Người bạn này sau đó đã kể lại chuyện này cho một người đàn ông lớn tuổi sống cùng tòa nhà. Người đàn ông sau đó đã đến gặp và hỏi về loại võ thuật mà Diệp Vấn đã luyện tập. Người đàn ông nói với Diệp Vấn rằng "các chiêu thức của anh không phải quá xuất sắc".

Ông ta thách đấu, còn Diệp Vấn nhận thấy đây là một cơ hội để chứng minh khả năng võ thuật xuất sắc của mình. Thế nhưng, Diệp Vấn đã bị người đàn ông này đánh bại chỉ sau vài chiêu. Đối thủ của Diệp Vấn tiết lộ mình là Lương Bích, con trai của Lương Tán, sư phụ của Trần Hoa Thuận. Theo vai vế thì Diệp Vấn phải gọi Lương Bích là sư bá. Cơ duyên để Diệp Vấn gặp được Lương Bích giống như do trời định vậy. Nhận thấy công phu Vịnh Xuân của mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết, ông tiếp tục tập luyện hoàn thiện võ công với sự chỉ dẫn của sư bá Lương Bích.

Sĩ quan cảnh sát

Năm 24 tuổi, Diệp Vấn trở về quê hương Phật Sơn và trở thành sĩ quan cảnh sát với đam mê duy nhất là luyện tập võ thuật, dạy võ và đấu võ.

Từ năm 1914 đến 1937, Diệp Vấn trở nên nổi danh sau hàng loạt cuộc thư hùng võ thuật. Những lúc rảnh, ông thường giao du và trao đổi với các võ sư khác để nâng cao trình độ. Tuy có dạy võ cho bạn bè, cấp dưới và họ hàng nhưng Diệp Vấn không mở lò võ - như truyền thống các đời trước của môn phái. Ông cũng không có ý định truyền hết nghề cho 2 con trai.

Một số đệ tử thành danh của ông giai đoạn này có Lạc Diêu, Chu Quang Dụ, Quách Phú, Luân Giai, Trần Chí Tân và Lã Ưng. Trong số đó, Chu Quang Dụ được xem là người xuất sắc nhất, nhưng cuối cùng theo con đường kinh doanh và dừng luyện võ. Quách Phú và Luân Giai tiếp tục dạy võ và truyền bá Vịnh Xuân quyền ở Phật Sơn và vùng Quảng Đông. Trần Chí Tân và Lã Ưng cũng không nhận bất cứ một đệ tử nào. Diệp Vấn kết hôn với bà Trương Vĩnh Thành trong khoảng thời gian này.

Năm 1937, phát xít Nhật chiếm đóng miền Nam Trung Quốc. Khi đó, Diệp Vấn vẫn ở Phật Sơn, ông đã phải chịu cảnh sống dưới ách thống trị ngoại bang. Và người võ sư này đã thề không bao giờ chịu khuất phục. Từ năm 1937-1945, ông tham gia hoạt động tình báo bí mật cho chính phủ Quốc dân. Năm 1940, ông được cử đi học tại Học viện huấn luyện Quý Châu, sau khi tốt nghiệp, trở về Phật Sơn tham gia tổ tình báo và được cử giữ chức Trưởng thẩm sát phòng vụ Quảng Châu.

Thẩm sát phòng vụ Quảng Châu là cơ quan giống như cảnh sát điều tra, có trách nhiệm xét hỏi các phạm nhân, lấy chứng cứ vụ án. Trụ sở chính của cơ quan này đặt tại Quảng Châu, tuy nhiên với các vụ án lớn thì các phạm nhân lại được chuyển về căn phòng đặc biệt tại Phật Sơn (cách Quảng Châu 50 km) để thẩm vấn. Và người chịu trách nhiệm điều tra các vụ án rất đặc biệt đó không ai khác chính là Diệp Vấn.

Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Diệp Vấn  là Đội trưởng cảnh sát Bộ tư lệnh Khu Nam Quảng Châu với hàm Thượng hiệu (tức Thượng tá).

Diệp Vấn luôn tâm niệm khi tham gia bất cứ việc gì cũng cố gắng làm hết sức mình, làm tốt nhất có thể. Vì vậy việc ông bị mang tiếng “ác ôn” khi làm lãnh đạo cảnh sát trong thời điểm lịch sử rối ren ấy cũng không có gì là lạ.

Truyền bá võ thuật tại Hồng Kông

Từng là sĩ quan cảnh sát dưới thời Quốc Dân đảng, nên sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chiến thắng sau cuộc nội chiến, Diệp Vấn lo ngại những liên lụy có thể xảy ra với gia đình mình, vì vậy ông cùng gia đình di tản đến Áo Môn, sau chuyển đến Hồng Kông vào cuối năm 1949. Đồng thời ông cũng cải đổi thân phận, đổi tên thành Diệp Dật, để tránh liên lụy đến người thân còn ở lại Phật Sơn.

Giai đoạn đầu, võ quán của Diệp Vấn rất khó khăn nên phải mượn tạm cơ sở của Tổng hội công chức Hương Cảng Cửu Long Phạn Điếm và thường xuyên phải di dời địa điểm. Tuy nhiên, uy tín của võ quán dần tăng lên sau những lần ông cùng các đệ tử giao đấu với các tay anh chị cảng Cửu Long và các võ sư khác. Hầu như trong các lần so tài, phe ông đều giành chiến thắng.

Cũng như sư bá Lương Bích, Diệp Vấn cũng là một người có quan điểm cởi mở trong việc tiếp thu và truyền dạy Vịnh Xuân quyền. Ông thường xuyên học hỏi, cải tiến các kỹ thuật của môn võ này. Ngay trong phương pháp giảng dạy, ông cũng tùy theo khí chất riêng của từng đệ tử để truyền dạy, nguyên tắc chung của Vịnh Xuân quyền ông vẫn giữ. Đây chính là lý do vì sao các hệ phái Vịnh Xuân Hồng Kông tuy cùng một thầy nhưng vẫn khác nhau về phương pháp tập luyện.

Những người được ông truyền dạy đã tiếp bước ông gây dựng lên Vịnh Xuân Hồng Kông hay Diệp Vấn Vịnh Xuân Quyền. Đệ tử nổi tiếng của ông là Lý Tiểu Long trở thành cao thủ trên màn ảnh và ngoài đời thật. Ngoài ra, sư huynh của ông là Nguyễn Tế Công cũng là sư tổ Vịnh Xuân Quyền Việt Nam.

Năm 1967, Diệp Vấn cùng các đại đệ tử của mình thành lập Hội Thể dục Vịnh Xuân quyền Hồng Kông. Đệ tử sau đó của ông đã đạt một con số kỷ lục lên đến 2 triệu người.

Ngày 2-12-1972, Diệp Vấn qua đời trong sự tiếc thương của nhiều người, 7 tháng trước khi học trò Lý Tiểu Long mất. Diệp Vấn được đánh giá là một trong số rất ít sĩ quan cảnh sát trở thành cây đại thụ của nền võ học và có nhiều đồ đệ danh tiếng.

Hình ảnh Diệp Vấn vẫn sống mãi với thời gian thông qua hàng loạt bộ phim ăn khách về cuộc đời ông. Thành công của nam diễn viên Chân Tử Đan gắn liền tên tuổi với hình tượng Diệp Vấn trên màn ảnh. Những cảnh võ biến hóa của Chân Tử Đan khiến người xem bị quyến rũ bởi Vịnh Xuân. Hình ảnh nam diễn viên luyện Vịnh Xuân với mộc nhân đã đi vào lòng người xem trên toàn thế giới.

Khi nói đến Diệp Vấn, nhiều người biết đến ông với tư cách là một võ sư Vịnh Xuân Quyền lừng danh và là thầy của Lý Tiểu Long. Nhưng ít ai biết rằng công việc đầu tiên của ông lại là một sĩ quan cảnh sát.

Hoa Nam (tổng hợp)

.
.
.