Daniel Kritenbrink: Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
- Tổng thống Donald Trump chỉ định tân Đại sứ Mỹ tại Afghanistan
- Vài nét về Ted Osius, tân Đại sứ Mỹ trong tương lai tại Việt Nam
- Tân Đại sứ Mỹ đề cao quan hệ hợp tác với ASEAN
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thượng nghị sĩ Ben Sasse nói: “Mỹ cần một đại sứ tại Việt Nam có thể làm việc để đảm bảo các hiệp định thương mại và dẫn dắt các cuộc đối thoại ngoại giao. Ông Dan Kritenbrink có thể làm được cả 2 nhiệm vụ này”.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đề cử ông Kritenbrink làm đại sứ tại Việt Nam vào cuối tháng 7.
20 năm kinh nghiệm
Là người gốc Virginia, ông Kritenbrink tham gia hoạt động ngoại giao từ năm 1994 và từng đảm trách nhiều cương vị khác nhau. Kritenbrink lớn lên ở nông trại bên ngoài Ashland, Nebraska, con trai của Joyce và Donald Kritenbrink. Ông học trường Trung cấp Ashland High School, nơi ông nổi tiếng với khả năng chơi bóng rổ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kritenbrink là một cố vấn cấp cao phụ trách các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Trước đó, ông từng là Giám đốc phụ trách Các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong cương vị này ông đã từng làm việc với Việt Nam và tham gia các cuộc đàm phán nhằm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Ông cũng từng đảm đương chức vụ Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và “chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ nhân viên ngoại giao gồm 2.200 người tại 48 văn phòng”.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kritenbrink đã có 20 năm làm nhiệm vụ ngoại giao ở châu Á trong các vai trò nhà phân tích, chuyên gia ngoại giao và nhà hoạch định chiến lược. Ông được miêu tả là người “có thể quản lý một đội ngũ đa dạng và năng động, xoa dịu sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương” và có kinh nghiệm trong các vấn đề khác nhau, từ an ninh cho đến xây dựng mối liên kết thương mại. Ông được coi là “ứng cử viên hoàn hảo để đảm đương chức vụ Đại sứ Mỹ tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Kritenbrink đã có bằng tiến sĩ tại Đại học Virginia, bang Virginia vào năm 1993, sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân tại Đại học Nebraska - Kearney, bang Nebraska (Mỹ) năm 1991.
Ngoài những chức vụ nêu trên, ông Kritenbrink đã từng giữ chức Cố vấn Chính trị ở Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc (từ 2011 đến 2013), Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ (2009 - 2011) và làm quan chức chính trị tại Trung Quốc (2006 - 2009).
Ông cũng từng là quan chức chính trị và quân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Nhật Bản, sau khi kết thúc một khóa huấn luyện tại thủ đô Tokyo (2000 - 2001). Ông Kritenbrink là nhân viên trợ lý của Cục Các vấn đề vùng Cận Đông (1999 - 2000), sau khi làm nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Kuwait từ 1997 đến 1999.
Trong nhiều năm làm nhiệm vụ, ông đã nhận được 10 giải thưởng tuyên dương của Bộ Ngoại giao Mỹ vì những đóng góp lớn của ông. Sau nhiều năm làm việc ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông Kritenbrink có thể nói thông thạo ngôn ngữ của hai nước này.
Năm 1995, ông Kritenbrink và bà Nami gặp nhau ở Tokyo, Nhật Bản. Năm 1996, họ kết hôn và có 2 người con.
Sẽ tạo sự khác biệt
“Tôi thật sự muốn tạo sự khác biệt với những gì tôi làm hoặc công việc nào tôi chọn” là câu nói nổi tiếng của ông Kritenbrink.
Hôm 27-9 vừa qua, ông Kritenbrink đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về những công việc sẽ làm nếu được phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam.
Tại buổi điều trần, ông Kritenbrink nhận định trong 40 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ có những chuyển biến sâu sắc, Việt Nam đã trở thành một "đối tác mang tính chiến lược và quý giá", nhờ nỗ lực của các chính quyền Mỹ trước, quốc hội, cựu binh, cộng đồng doanh nhân và nhiều người trong số hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt.
"Nếu được phê chuẩn, tôi mong muốn làm việc chặt chẽ với thượng viện nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ và xây dựng dựa trên mối quan hệ mạnh mẽ sẵn có giữa Mỹ và Việt Nam", ông Kritenbrink nói.
Ông Kritenbrink tuyên bố sẽ cố gắng tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, hỗ trợ một loạt lợi ích chung, trong 5 lĩnh vực: an ninh, thương mại và đầu tư, nhân quyền, giao lưu nhân dân và các vấn đề nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh.
Được biết, tháng 5-2016, Kritenbrink từng tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này, ông Kritenbrink từng khẳng định “Việt Nam là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi trong Chiến lược tái cân bằng sang châu Á từ những ngày đầu tiên”.
Khi đó, ông Kritenbrink đã nói với báo giới: “Phát triển các mối quan hệ đối tác với những quốc gia như Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chúng tôi. Mỹ mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với những đối tác mới nổi trong khu vực như Việt Nam, sau đó là thắt chặt quan hệ với các đồng minh, cụ thể là Nhật Bản vốn là trọng tâm trong chiến lược châu Á của Mỹ. Chúng tôi muốn cho người dân ở Mỹ thấy một thực tế rằng mối quan hệ đối tác với Việt Nam rất quan trọng cho nền kinh tế của 2 đất nước”.
Được tiền nhiệm ủng hộ
Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Việt Nam dành lời khen cho người được Tổng thống Trump đề cử giữ vai trò kế nhiệm ông. "Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam", Đại sứ Ted Osius đã đăng trên tài khoản Facebook. Osius cho biết ông đã quen biết ứng viên Daniel Kritenbrink từ lâu.
Đại sứ Osius cho biết sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ ở lại Việt Nam và làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hy vọng tiếp tục đóng góp cho quan hệ 2 nước. Ông Osius cho biết dự định như vậy tại buổi chào từ biệt Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác (2014-2017) hôm 17-10, tại Hà Nội.