Ca sĩ Tân Nhàn và hành trình “trở về” với âm nhạc truyền thống

Thứ Sáu, 08/03/2019, 07:00
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên, khi Tân Nhàn lựa chọn âm nhạc truyền thống để tiếp tục theo đuổi trên hành trình âm nhạc của mình. Còn tôi, người theo dõi và nghe Tân Nhàn nhiều năm nay, tôi hiểu, với chị đó là sự “trở về”…


Cách đây 3 năm, Tân Nhàn đã gây tranh luận khi chị mix chèo với jazz trong “Yếm đào xuống phố”.  Album gây tiếng vang lớn, được đề cử hạng mục Album của năm của Giải Âm nhạc Cống hiến, nhưng cũng gây tranh cãi khi Tân Nhàn đã biến hoá chèo cổ mới mẻ, lạ tai. Và từ đó, Tân Nhàn vẫn không ngừng nuôi giấc mơ khám phá âm nhạc truyền thống. 

Cuối năm 2018, Tân Nhàn cho ra mắt album “Níu giải lụa đào”, một album thuần chất truyền thống. Chị đã bỏ ra hơn 2 năm đi tìm các nghệ nhân để học lại đúng cách thức bài bản của các làn điệu truyền thống, của chèo, quan họ, xẩm… 

Nhiều người cho rằng, Tân Nhàn đang tự bó hẹp mình vì rõ ràng, đó không phải là dòng nhạc được khán giả ưa chuộng. Còn Tân Nhàn, chị lý giải cho tình yêu không tính toán của mình: 

“Tôi đến với nhạc truyền thống cũng chỉ trong thời gian mấy năm trở lại đây và vẫn còn đang trên con đường đi chinh phục những khán giả của mình hãy yêu nhạc truyền thống. Chính vì vậy, tôi hướng khán giả đến với những gì tôi theo đuổi bằng hành trình âm nhạc của mình. Tôi mong muốn khán giả nhớ về Tân Nhàn luôn có hai phần không thể tách rời: Tân Nhàn với những ca khúc mang âm hưởng dân gian và Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.

Việc hát các làn điệu, bài dân ca cổ trong album theo kiểu nghệ nhân của Tân Nhàn đã “lấy” mất 2 năm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và học tập. Để thực hiện được album, Tân Nhàn đã lặn lội đi tìm các nghệ nhân ở các vùng miền để “tầm sư học đạo”. Với mỗi làn điệu, bài ca cổ trong album Tân Nhàn đều tìm đến những nghệ sĩ, nghệ nhân hát hay nhất để học. Cô không giấu tham vọng muốn được chắt lọc tinh tuý từ thế hệ đi trước để có thể chuyển tải vào album theo cách hát, cái hồn của riêng mình.

Tân Nhàn chia sẻ: “Có đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống mới thấy rằng những khán giả đã yêu nghệ thuật truyền thống thì say mê và trung thành lắm. Tôi thấy mình không nhiều khán giả nhưng lại là những khán giả thực sự chung thuỷ và với tôi đó là nguồn cảm hứng bất tận để tôi không ngừng cống hiến. Tôi nghĩ là người nghệ sĩ chân chính ai cũng mong mình có những khán giả yêu mến thực sự chứ không phải những người nói yêu quý theo phong trào, hời hợt...”.

Tân Nhàn nói chị là người thường đi ngược với các trào lưu. Với vai trò một giảng viên, một nghiên cứu sinh âm nhạc, Tân Nhàn muốn nghiên cứu âm nhạc truyền thống qua nhiều góc độ khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. 

Mọi người luôn ấn định rằng âm nhạc truyền thống là một cái gì đó rất cũ và khó thưởng thức, chỉ những người xưa cũ mới thích. Nhưng, với những nỗ lực không ngừng, Tân Nhàn muốn đem âm nhạc truyền thống đến với khán giả qua nhiều góc độ khác nhau để có thêm nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau. 

Chị ấp ủ một tham vọng sẽ giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống bằng cách biên soạn những làn điệu âm nhạc truyền thống ở các thể loại chèo, ca trù, xẩm, hát văn, quan họ... để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học sinh. Hiện tại, Tân Nhàn đang dành nhiều thời gian để tiến hành thực hiện công trình nghiên cứu khoa học này.

“Có thể tôi không làm được hết tất cả những gì tôi mơ ước, nhưng ít nhất tôi tin những việc tôi đang làm sẽ là nguồn cảm hứng cho những bạn có niềm đam mê giống như tôi. Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng đó ra rộng hơn, không chỉ ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà còn tới các trường: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, các trường văn hóa nghệ thuật địa phương… 

Hiện nay, nghệ thuật truyền thống đang được quan tâm, các nghệ sĩ trẻ cũng đã chọn những bài nhạc truyền thống phối khí lại mới mẻ, được khán giả đón nhận và đi thi đạt giải thưởng cao. Đây là xu thế đang rất phát triển và trong tương lai tôi nghĩ nếu được đầu tư thì không chỉ gìn giữ được âm nhạc truyền thống mà còn làm cho nó lan tỏa rộng rãi và có thêm nhiều khán giả trẻ cũng sẽ có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống hơn” - Tân Nhàn tràn đầy hy vọng nói.

***

Trong những ngày này, Tân Nhàn và ê kíp của chị đang nỗ lực chuẩn bị cho live show lớn nhất trong cuộc đời, “Trở về” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. “Trở về” mang những giấc mơ âm nhạc riêng của Tân Nhàn. Ở đó sẽ khắc hoạ nên một chân dung Tân Nhàn bằng âm nhạc. 

Đó là một ca sĩ Tân Nhàn với giọng hát rót mật, như ru lòng người cùng những ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng đã gắn với tên tuổi cô. Đó là một Tân Nhàn với vai trò nhà giáo, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi chị đưa lên sân khấu những thế hệ học trò ưu tú của mình, để khán giả có thể thấy được “hậu duệ” được chị hết lòng dạy dỗ, định hướng. 

Đó là một Tân Nhàn với khát khao cháy bỏng được tôn vinh giá trị đặc sắc trong âm nhạc truyền thống của người Việt, nối dài dự án hát nhạc truyền thống Việt Nam của chị từ album “Yếm đào xuống phố” đến “Níu dải lụa đào” với những bài ca cổ vừa phát hành, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. 

Và, ở đó sẽ có cả một Tân Nhàn táo bạo, đam mê khám phá, không ngừng làm mới nghệ thuật trên con đường sáng tạo khi đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu cùng mình khai mở những không gian âm nhạc mới cho những ca khúc mang âm hưởng dân gian, và đặc biệt là những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống của Việt Nam. 

“Trở về” của Tân Nhàn chính là trở về với những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam, trở về với quê hương nguồn cội, với tình người tình đời… mà cuộc sống có biến thiên, thay đổi đến thế nào vẫn không bao giờ mai một.

Tân Nhàn mong muốn, “Trở về” với sự sáng tạo của Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng và chỉ huy Đồng Quang Vinh sẽ mang đến cho khán giả một món ăn mới lạ, hấp dẫn về âm nhạc truyền thống. Nó sẽ tạo nên một tiếng vang để khán giả “giật mình”, để nhiều người sẽ quay lại với âm nhạc truyền thống. 

Lâu nay âm nhạc truyền thống của chúng ta vẫn phát triển nhưng nhỏ lẻ, manh mún, ở góc nào đó của sân khấu, trong các gameshow cũng có sự gắn kết liên đới đến âm nhạc truyền thống nhưng với quy mô rất nhỏ. Tân Nhàn muốn là người tiên phong, để nối dài sức sống nghệ thuật truyền thống Việt cho các lớp thế hệ nghệ sĩ và khán giả kế cận, từ đó cộng đồng sẽ quan tâm hơn.

Chị sẽ hát nhạc truyền thống với tâm thế của một người trẻ: “Âm nhạc truyền thống, cái cổ truyền sẽ không bao giờ mất đi. Cái mới chỉ đem lại sự thú vị cho người trẻ thế hệ sau này vì âm nhạc truyền thống dân gian phát triển theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử chứ không phải 1000 năm sau vẫn sẽ hát như thế. Âm nhạc truyền thống phát triển cùng với các giá trị của đời sống xã hội, của dân tộc. Tôi tin chắc sau tôi, sẽ có thế hệ kế tiếp tiếp tục làm mới và vẫn giữ được bản sắc, giá trị của âm nhạc truyền thống. Đó là sự tiếp bước, là sự nối dài sức sống của âm nhạc truyền thống...”.

Đó cũng là cách Tân Nhàn muốn ghi dấu trong cuộc đời mình, trả ơn cuộc đời vì chị được tổ nghiệp ưu đãi. Người nghệ sĩ không chỉ lo chăm chút cho giọng hát và tên tuổi của mình, chị muốn cống hiến cho cuộc đời bằng những dự án có ý nghĩa. Hơn 5.000 album “Níu dải lụa đào” của Tân Nhàn đã được chuyển tận tay những người yêu nhạc và hoàn toàn miễn phí. Đó là bằng chứng cho những gì Tân Nhàn nỗ lực đang được khán giả đón nhận.

Tân Nhàn có một mái nhà bình yên để trở về. Tuấn Anh, chồng chị luôn ở cạnh vợ, ủng hộ những dự án của chị. Anh nhường sân để cho vợ tỏa sáng. Đó cũng là hạnh phúc riêng mà không nhiều nghệ sĩ có được, để Tân Nhàn dành dành năng lượng cho tình yêu của mình, để chị được phiêu trong thế giới mà chị đang mê đắm. 
Linh Vân
.
.
.