Abiy Ahmed người kiến tạo hoà bình cho Ethiopia

Thứ Tư, 16/10/2019, 10:42
Vị Thủ tướng 43 tuổi của quốc gia châu Phi được vinh danh nhờ những nỗ lực "nhằm xây dựng hòa bình và hợp tác quốc tế" khi Ethiopia đạt thỏa thuận hòa bình với Eritrea vào năm 2018, chấm dứt 20 năm bế tắc quân sự sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000.


Giải Nobel Hòa bình năm 2019 đã được quyết định trao cho ông Abiy Ahmed, Thủ tướng Ethiopia. Vị Thủ tướng 43 tuổi của quốc gia châu Phi được vinh danh nhờ những nỗ lực "nhằm xây dựng hòa bình và hợp tác quốc tế" khi Ethiopia đạt thỏa thuận hòa bình với Eritrea vào năm 2018, chấm dứt 20 năm bế tắc quân sự sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000. Để được giải thưởng danh giá này, ông đã vượt qua 301 ứng viên được đề cử, trong đó có 223 cá nhân và 78 tổ chức.

Từ sĩ quan tình báo quân đội trở thành Thủ tướng

Abiy Ahmed sinh ngày 15-8-1976 tại thị trấn Beshasha, miền Tây Ethiopia, có cha là người Hồi giáo và mẹ theo đạo Thiên chúa. Ông lớn lên trong một ngôi nhà thiếu điện, nước và phải ngủ trên sàn nhà, chưa từng nhìn thấy đường nhựa cho đến khi học lớp 7. 

Abiy Ahmed có niềm đam mê với công nghệ và gia nhập quân đội. Sau này ông được đào tạo rất bài bản khi có bằng tiến sĩ về an ninh và hòa bình của Đại học Addis Ababa (Ethiopia) và hai bằng thạc sĩ của Anh và Mỹ. Không chỉ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn do từng là trung tá quân đội, trước khi trở thành Thủ tướng, ông đã giữ các vị trí Giám đốc Cơ quan An ninh mạng lưới thông tin chuyên về tình báo mạng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Năm 2015, tình hình chính trị Ethiopia bắt đầu nảy sinh bất ổn khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối việc thu hồi đất đai tại vùng Oromo, tiểu bang rộng lớn và đông dân nhất Ethiopia, sau đó lan rộng sang các vấn đề chính trị rồi lan sang cả vùng Amharas, tiểu bang lớn thứ hai của Ethiopia. Tình trạng bất ổn khiến Chính phủ Ethiopia đã hai lần phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tháng 2-2018, Thủ tướng Hailemariam Desalegn phải tuyên bố từ chức.

Thế giới biết đến Abiy Ahmed khi ông làm lãnh đạo Tổ chức Dân chủ Nhân dân Oromo (OPDO), một trong bốn đảng của liên minh cầm quyền Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia (EPRDF). 

Ngày 27-3-2018, với 108/180 phiếu bầu, ông vượt qua 2 ứng cử viên của hai đảng khác trong liên minh cầm quyền và được EPRDF  bầu làm Chủ tịch liên minh. 

Việc liên minh cầm quyền EPRDF bổ nhiệm ông Abiy Ahmed làm Chủ tịch EPRDF đã đánh dấu một bước đi đúng đắn trong giải quyết những bất ổn và bạo lực khi những chính sách của ông phần nào đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình và phe đối lập.

Tháng 4-2018, Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia. Phát biểu tại Lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Ahmed cam kết sẽ xây dựng quan hệ ngoại giao hòa bình với Eritrea chống tham nhũng và mở rộng dân chủ để đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Ông cũng cho biết sẽ tăng cường vai trò của phụ nữ và thanh niên vì họ là nguồn lực chính cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Thủ tướng Abiy Ahmed.

Trở thành Thủ tướng, ông Ahmed đã hoá giải một loạt thách thức do người tiền nhiệm để lại. Là một lãnh đạo có kinh nghiệm thực tiễn và có những chính sách cải cách hiệu quả, ông giúp ổn định lại tình hình đất nước, đồng thời giúp EPRDF khôi phục được uy tín đối với người dân nước và duy trì được quyền lãnh đạo đất nước.

Chỉ sau một thời gian ngắn lên làm Thủ tướng, ông Abiy Ahmed đã khẳng định vai trò của mình khi đưa ra một chương trình cải cách chính trị và kinh tế. 

Ông thực hiện các cải cách thể chế lớn, trong đó có lĩnh vực an ninh và tư pháp khi quyết định xoá bỏ tình trạng khẩn cấp ở Ethiopia; ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân (trong đó có lãnh đạo đối lập Andargachew Tsege), cho phép những người bất đồng quan điểm quay về nhà và bỏ chặn hàng trăm trang web cùng kênh truyền hình. 

Ông cũng tiến hành gặp gỡ phe đối lập chính trị và xã hội dân sự để thảo luận về cải cách và mời các đảng lưu vong quay trở lại đất nước. 

Thủ tướng Ahmed thể hiện cam kết của mình đối với bình đẳng giới khi Chính phủ phủ của ông có 20 bộ trưởng thì có tới một nửa là nữ. Hơn 1 năm dưới sự điều hành của ông, kinh tế Ethiopia đã phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc gia châu Phi hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thủ tướng Abiy Ahmed đã cho lập các công ty viễn thông, điện và nhà hàng do nhà nước kiểm soát. Dự kiến tổng sản phẩm quốc nội của Ethiopia dự kiến đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2020. Ông cũng cho trồng hàng triệu cây xanh để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Người kiến tạo hoà bình

Một thành công lớn nhất của Thủ tướng Abiy Ahmed là chấm dứt tình trạng chiến tranh với nước láng giềng Eritrea khi đồng ý từ bỏ phần lãnh thổ biên giới còn tranh chấp và đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với quốc gia này.

Chiến tranh Eritrea-Ethiopia là một trong những xung đột dai dẳng nhất ở vùng Sừng châu Phi. Eritrea trước kia vốn là một tỉnh của Ethiopia. Từ năm 1961 đến năm 1991, người Eritrea đã chiến đấu chiến tranh giành độc lập lâu dài chống lại Ethiopia. Sau 30 năm chiến tranh đòi độc lập và tách khỏi Ethiopia, tháng 4-1993, Ethiopia đã đồng ý để Eritrea tách ra thành một quốc gia độc lập. 

Tuy nhiên, do việc phân định đường biên giới giữa Ethiopia và Eritrea chưa rõ ràng cùng với nhiều vấn đề khác đã khiến quan hệ hai nước ngày càng rạn nứt và dẫn tới bùng nổ cuộc xung đột tranh chấp khu vực đường biên giới chung vào tháng 5-1998. Cuộc chiến làm hơn 80.000 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải tị nạn…Cuộc xung đột này được mô tả là "cuộc chiến vô nghĩa nhất châu Phi", khiến hai quốc gia nghèo nhất châu lục phải chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí.

Tháng 6-2000, với những nỗ lực trung gian hòa giải của nhiều nước và tổ chức quốc tế, hai bên ký Hiệp định ngừng bắn; tháng 12-2000 ký Hiệp định hòa bình. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) đã được triển khai tại khu đệm ở dọc biên giới hai nước, vào sâu lãnh thổ Eritrea 25 km để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình. 

Theo Hiệp định hòa bình (tháng 12-2000), một ủy ban độc lập có nhiệm vụ điều hành khu vực tranh chấp (khu vực an ninh tạm thời) giữa Ethiopia và Eritrea và khoảng 3.200 binh sĩ LHQ tuần tra tại vùng đệm (rộng 25km dài 1.000km). Tuy nhiên, Eritrea không chấp nhận phán quyết của ủy ban này, theo đó thành phố Badme phải được trao cho Eritrea, vì vậy căng thẳng song phương vẫn ở mức cao.

Thủ tướng Abiy Amed (bên phải) và Tổng thống Eritrea Afwerki trong lễ ký Hiệp ước Hòa bình Jeddah, Arab Saudi ngày 16-9-2018.

Sau khi nhậm chức, một trong những việc làm đầu tiên của Thủ tướng Abiy Ahmed là tìm kiếm giải pháp hoà bình giữa hai nước. Tháng 6-2018, Thủ tướng Ahmed đã cam kết tôn trọng tất cả những điều khoản của hiệp định hòa bình năm 2000, trong đó sẽ bao gồm cả việc nhượng lại Badme cho Eritrea. 

Đáp lại thiện chí này, sau đó Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã sang thăm thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và hai lãnh đạo quyết định khôi phục các hệ thống liên lạc và giao thông hai nước. Lần đầu tiên trong hai thập kỷ, những gia đình bị chia cắt giữa hai nước được đoàn tụ trong nước mắt. 

Ngày 9-7, hai nhà lãnh đạo của Eritrea và Ethiopia đã ký "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị", đánh dấu việc bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từng xảy ra chiến tranh từ năm 1998 đến năm 2000. Tiếp đó, ngày 16-9-2018, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã ký Hiệp ước Hòa bình Jeddah tại TP Jeddah của Arab Saudi, kết thúc bế tắc quân sự kéo dài 20 năm sau chiến tranh biên giới.

Ngoài nỗ lực lập lại hòa bình với Eritrea, Thủ tướng Ahmed đã đóng vai trò hàng đầu trong việc làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của Sudan và cũng cố gắng hồi sinh thỏa thuận hòa bình của Nam Sudan.

Vì vậy, trong tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy đã khẳng định sáng kiến của ông mang tính quyết định trong việc giải quyết cuộc xung đột đường biên với quốc gia láng giềng Eritria. "Giải thưởng này cũng nhằm ghi nhận toàn bộ các bên đã tham gia vào tiến trình hòa bình, hòa giải tại Ethiopia và tại các vùng Đông, Đông Bắc Phi. Hòa bình không phải đến từ những hành động của chỉ một bên. Khi Thủ tướng Abiy chìa tay ra, Tổng thống Afwerki đã nắm lấy, và giúp chính thức hóa tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia". 

Còn Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: "Tôi thường nói rằng những cơn gió hy vọng đang thổi mạnh hơn bao giờ hết trên khắp Châu Phi. Thủ tướng Abiy Ahmed là một trong những lý do chính tại sao. Tầm nhìn của ông ấy đã giúp Ethiopia và Eritrea đạt được một sự nối lại quan hệ lịch sử".

Trong buổi lễ công bố diễn ra tại Oslo, Thủ đô Na Uy, bà Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, có những ý kiến về việc trao giải cho ông Ahmed lúc này là sớm, khi ông chỉ mới đắc cử và nhậm chức vào năm ngoái. Tuy nhiên, theo bà giải thưởng là kịp thời để ghi nhận công sức của nhà lãnh đạo cũng như để khích lệ những người khác. 

Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn nhất cho nền hòa bình thế giới. Trước đó, Nobel Hòa bình đã được trao cho 106 cá nhân (trong đó có 17 nữ giới) và 27 tổ chức. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế từng 3 lần nhận giải thưởng này, trong khi Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng đã 2 lần được vinh danh. Ngoài ra, người sáng lập Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế- ông Henry Dunant- cũng chính là người đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1901.

Khác với các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn học được trao tại Thụy Điển, giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Na Uy công bố và trao tặng. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ tổ chức tại Thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10-12 tới.

Ngọc Trang (Tổng hợp)

.
.
.