NSND Trần Phương: Tôi đã thuộc về quá khứ

Thứ Hai, 25/07/2016, 16:21
Ông ngồi lặng yên trong ngôi nhà vắng. Tuổi 85, ký ức nhớ - quên. Đạo diễn, NSND Trần Phương bảo, ông đã thuộc về người “thiên cổ”.  Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ già ấy vẫn còn đau đáu nhiều nỗi niềm về một thế hệ vàng tận hiến cho điện ảnh, về con đường đi của điện ảnh Việt trong tương lai.

1. Ông ngồi lặng yên trong ngôi nhà cũ. Những câu chuyện của ông đã thuộc về ký ức xa xôi. 10 năm nay, kể từ khi vợ mất, ông sống một mình. Đồ đạc giản tiện, nếu không nói là quá đơn sơ. Cậu con trai học điện ảnh để nối nghiệp bố mất vì tai nạn, lấy đi của ông niềm hy vọng.

Ông thấy mình cô độc. Cô con gái thương bố, chuyển về ở cùng, nhưng rồi cũng bận tối mắt vì công việc. NSND Trần Phương gần như chỉ còn một mình, tự lo cơm nước. Bạn bè cùng thời đã đi xa.

Trần Phương vai A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

“Tôi bây giờ chỉ còn chờ chết thôi. Bạn bè đi hết rồi, từng người lần lượt bỏ tôi mà đi. Nhiều người tôi tận tay chôn cất họ. Nhưng có lẽ đến lúc tôi mất chắc chẳng còn ai đưa tiễn tôi”. Giọng ông xót xa…  Năm ngoái NSND Trà Giang ra Hà Nội có ghé thăm ông. Đó gần như là người bạn cao niên duy nhất còn lại. "Ngày xưa cô ấy với tôi cũng thân lắm. Hồi làm diễn viên chúng tôi hay đóng cặp. Khi làm đạo diễn tôi cũng hay mời cô ấy đóng.

Cách đây không lâu cô ấy lặn lội ra tận đây, đuổi con đi chơi để nói chuyện với tôi. Tôi bảo, cô tưởng tôi chết nên ra đây viếng à. Tôi cứ đùa thế. Cô ấy bảo không, em nhớ anh nên đến thăm anh. Cô ấy lại bảo anh em mình gặp nhau lần này chắc là lần cuối”.

Mấy năm trước gọi điện cho ông, vẫn thấy ông đang rong ruổi đi làm phim. Giọng sang sảng, nhiệt huyết. Nhưng ba năm nay, ông bị gãy chân, đi lại khó khăn. Ở nhà, ngồi ngắm những giấc mơ đang tan dần theo thời gian, NSND Trần Phương thở dài.

Tôi hỏi ông có buồn không? NSND Trần Phương cười, ông đã quen với cuộc sống một mình, tự lo cơm nước, tự chăm sóc bản thân. Ngày của ông bây giờ giản đơn lắm. Sáng đọc báo, để thấy mình không tụt hậu. Chiều đi bộ ra Hồ Tây tập thể dục, nói chuyện với những người dân xung quanh.

“Những lúc đó, tôi thấy cuộc đời cũng giản dị và đáng sống lắm. Mình cứ mơ những giấc mơ ở tận đâu ấy, mà thực tế cuộc sống chỉ giản đơn thế này thôi”. Nhưng tôi biết trong lòng ông buồn lắm. Nhưng có lẽ ông đã quen với nỗi buồn chăng?

Trong ký ức người nghệ sĩ già gần đất xa trời ấy, những câu chuyện xưa nhớ -  quên. Tôi thấy gì đó như là nỗi tiếc nuối, khi ông nói về Hãng phim truyện Việt Nam, về một thế hệ làm phim tận hiến cho nghệ thuật.

Mọi người bảo, đó là những hào quang xưa cũ, không thể sống mãi bằng hào quang. Nhưng hào quang đó đã được dựng lên từ chính tâm huyết và niềm say mê, dấn thân của những con người như ông, đạo diễn, NSND Trần Phương.

Đó là những hào quang có thực. Chỉ có điều, những thế hệ sau đã không viết tiếp được câu chuyện đó. Vì họ không có tài, vì cơ chế thay đổi, hay vì lẽ gì khác. Trần Phương không hiểu. Nhưng rõ ràng, những giấc mơ về điện ảnh Việt vẫn còn đau đáu trong tâm hồn ông.

2. 85 tuổi, bước chân đã run. Người nghệ sĩ già cô độc trong ngôi nhà của mình. Những câu chuyện của Trần Phương lẫn lộn. Ký ức nhớ quên. Nhưng có lẽ, khán giả sẽ không bao giờ quên ông, với vai diễn A Phủ để đời trong điện ảnh Việt. Đó cũng là bộ phim đầu tay của Trần Phương với tư cách diễn viên. Thế mà nổi tiếng, thế mà đình đám.

Với những nghệ sĩ như ông, cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, không phải để nổi tiếng, để có danh vọng. Với ông, hạnh phúc là được sống với niềm đam mê của mình. Khi nhận vai A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”, Trần Phương đã đi thực tế ở miền núi, sống cùng với người Mông cả năm trời, để hiểu văn hóa, phong tục của họ.

Sự thành công không đến từ bản năng, mà từ ý thức làm nghề của người nghệ sĩ. Bởi đơn giản, với ông, nghệ thuật phải đi ra từ đời sống, từ sự thẩm thấu cuộc sống của người nghệ sĩ, chứ không phải ngồi trong tháp ngà mà tưởng tượng ra cuộc sống. Ông nói, cuộc đời ông may mắn vì được làm quen và trò chuyện với những người nổi tiếng.

Những Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, vì hồi đó ông làm nhân viên của ông Tố Hữu. “Tôi được hấp thụ cả một bề dày văn hóa của các cụ. Đi làm phim, tôi chỉ nghĩ, mình phải sống như thật. Chính ông Nguyễn Tuân đã dạy tôi bài học đầu tiên về đóng phim.

Ông ấy ở Tây Bắc về, gặp nhau ở ngã ba Tuần Giáo. Biết tôi đóng A Phủ, ông hỏi, cậu hiểu thằng A Phủ thế nào. Lúc đó tôi cũng hơi lý thuyết. Ông cười, cậu đóng phim phải hiểu A Phủ sống thế nào, sinh hoạt ra sao, đi chơi thế nào. Sau đó, tôi sống cùng với người Mông, hiểu phong tục, tập quán của họ, lăn lộn cả năm trời.

Do vậy, tôi mới rút kinh nghiệm, làm nghệ thuật phải sống với đời, từ đó phả vào nghệ thuật, như thế nghệ thuật mới không giả dối. Rồi sau này, vào vai chồng chị Tư Hậu, năm 1962, tôi chưa biết gì về miền Nam, nên lăn lội với bộ đội tập kết, và vào vai cũng rất Nam Bộ. Mình cứ sống, tìm hiểu đời sống nó phả vào mình rồi trả lại cho nghệ thuật từng vai diễn”.

Những vai diễn của Trần Phương đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ. Bởi sự chân thực và sự lăn lộn với nghề. Ông không phản đối những người trẻ, những tư duy làm phim mới mẻ, bởi Trần Phương nói, ông không phải là người thủ cựu, tự chôn mình vào những giá trị xưa cũ.

Nhưng dù mới mẻ đến đâu thì nghệ thuật cũng phải đi ra từ cuộc sống, nhuốm màu cuộc sống. “Bây giờ mọi quan niệm đã khác xa thời chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ, dù đổi mới, hay cách tân thì nghệ thuật cũng phải đi ra từ cuộc sống, nó không thể là ánh trăng lừa dối”.

Nỗi buồn khi nhớ về những chặng đường đã qua.

Không chỉ thành công ở vai trò là diễn viên, đạo diễn Trần Phương còn thể hiện tài năng của mình khi làm đạo diễn. Con người ưa xê dịch, luôn quậy cựa đi tìm cái mới ấy đã không dừng lại trong hào quang của mình.

Bộ phim đầu tay, do chính ông viết kịch bản và kiêm luôn đạo diễn, “Tội lỗi cuối cùng” đã thành công và đạt giải Bông Sen bạc năm 1979. Ông cũng giành giải đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan phim năm đó. “Tôi với Trịnh Công Sơn và Phương Thanh còn vào trong trại cải tạo, sống cùng các phạm nhân để hiểu về đời sống của họ.

Tôi nhớ, có lần một phạm nhân nữ nói với Sơn: “Anh Sơn ơi, nhớ đời quá”. Cũng từ cái tứ đó mà Trịnh Công Sơn viết, “Đời gọi em biết bao lần”. Ông không làm phim vì giải thưởng, không làm nghệ thuật để được vinh danh. Nhưng cuộc đời ông, đều nhận được những danh hiệu cao quý.

“Cứ sống, cứ làm nghề hồn nhiên và tận hiến, thì mọi danh hiệu sẽ đến. nhưng có lẽ, không có danh hiệu nào bằng niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là được lao động và sáng tạo”.

Mấy năm nay phải ngồi ở nhà, Trần Phương chồn chân lắm. Cuộc đời ông sinh ra để dành cho những chuyến đi, cho sáng tạo. “Ngày đó, làm phim chỉ được 600 hay 6.000 đồng gì đó, đôi khi không đủ tiền mua vé thiết đãi bạn bè, thế mà chẳng ai nghĩ ngợi gì về tiền bạc. Còn bây giờ, mọi thứ đang bị thương mại hóa. Đạo diễn làm phim đôi khi cũng không còn vì sự trong sáng của nghệ thuật nữa”.

Ông cũng nhớ một thời tung hoành ngang dọc ở miền Nam, làm phim thương mại kiếm tiền. Nhưng những thước phim kiếm sống của ông cũng đáng lắm, vì kéo được khán giả đến rạp. Dù phim thương mại, thì ông vẫn cố gắng làm những gì tử tế nhất.

Hàng loạt những bộ phim ông làm ra như: “Săn bắt cướp”, “Dòng sông hoa trắng”, “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”... đều trở thành những “cái đinh” của các chiến dịch phát hành phim trên cả nước với lãi suất cá biệt có những thước phim lên tới gần gấp 5 lần tiền vốn bỏ ra. Tiền kiếm được, ông gửi ra Bắc, chia sẻ cùng anh em, đồng nghiệp. Có lẽ cũng vì thế mà 70 tuổi, ông vẫn xông pha trên “chiến trường” mà không về hưu.

“Bây giờ người ta làm phim khác xa chúng tôi quá, tôi cảm giác họ tính thành tiền hết cả. Ngày trước tôi làm, nhưng không hề tính đến chuyện sẽ được bao nhiêu tiền. Buồn nhất là bây giờ mọi thứ chúng tôi xây dựng rất nhiều, nhưng tan hết, làm phim không còn bóng dáng của ngày xưa. Đôi lúc tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình cổ hủ đến thế sao”.

Ông không cổ hủ. Bởi nghệ thuật có những chân giá trị của nó. Và nghệ thuật chỉ thực sự sống khi nó được làm bởi một trái tim trong sáng và cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ. Thời của ông, hay hôm nay cũng vậy mà thôi.

Nếu có một mong muốn cuối đời, NSND Trần Phương nói, ông muốn làm phim đến hơi thở cuối cùng. Con người ông sinh ra cho những chuyến đi, cho hành trình sáng tạo không mỏi mệt. Nhưng quy luật của tuổi già, ai cũng sẽ phải đối diện với tuổi già và nỗi cô đơn.

Nhưng tôi tin, ông sẽ không cô độc trong giấc mơ của mình, bởi ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa, cho niềm hạnh phúc được sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông, hay thế hệ của ông, những NSND Bạch Diệp, Trịnh Thịnh, NSND Trà Giang… không hề thuộc về quá khứ như cách ông đang nghĩ…

Việt Hà
.
.
.