Họa sĩ, nhà văn U100

Thứ Năm, 16/06/2016, 15:15
Đam mê văn chương, hội họa từ thuở nhỏ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải đến ngoài 70 cụ mới có điều kiện thực hiện niềm đam mê của mình. Ngoài 70 tuổi, cụ bắt đầu học máy tính rồi tự mày mò vẽ tranh và sáng tác tiểu thuyết đầu tay của mình. Giờ đây đã 93 tuổi, cụ đã có trong tay một tài sản khổng lồ với gần 2.000 bức tranh, 1 cuốn tiểu thuyết và cụ đang tiếp tục đánh máy tính sáng tác cuốn tiểu thuyết thứ 2, vẫn tự mình lướt web, chơi facebook chứ không hề nhờ sự trợ giúp của một ai.

Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật về cụ Lê Thi ở ngay làng Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Để gặp được cụ, chúng tôi phải hẹn trước bởi tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn bận rộn nhiều việc lắm. Ngoài thời gian sáng tác tiểu thuyết, phần lớn cụ dành thời gian để vui đùa, nói chuyện với con cháu. Ngày nào con cháu cũng đến chơi với cụ phần để thăm hỏi sức khỏe, phần để được nghe cụ kể chuyện. 93 tuổi nhưng cụ Thi vẫn nói chuyện hóm hỉnh, có duyên lắm. 

Trước cụ ở cùng người con trai duy nhất ngay làng Xa La, nhưng mới đây cụ vừa chuyển đến ở cùng vợ chồng người cháu nội của mình ngay khu đô thị Xa La. Cụ bảo, ra đây ở rộng rãi, cụ có chỗ để bày biện những bức tranh là tài sản quý nhất của đời cụ và tập trung để sáng tác tiếp cuốn tiểu thuyết thứ 2 của mình.

93 tuổi, cụ Thi vẫn ngồi lướt facebook. 

Cụ Thi tâm sự, ngày xưa cụ đam mê văn chương, hội họa lắm nhưng không có điều kiện để học vì chiến tranh, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Ngoài 70 tuổi là lúc người ta mong muốn được nghỉ ngơi, an nhàn, chẳng ai còn nghĩ đến cái sự nghiệp học hành, ấy vậy mà cụ Thi mới bắt đầu thực hiện đam mê của mình. 

Theo lời gợi ý của anh cháu nội, cụ bắt đầu học gõ máy tính. Ban đầu chỉ là gõ không dấu, gõ cho quen tay, quen phím. Sau hai ngày cụ thấy học đánh máy dễ dàng, vậy là cụ bảo cháu cài cho phông chữ tiếng Việt và tự tập đánh. Cũng chính người cháu nội là người đã hướng dẫn cụ lướt mạng. 

Khi anh đi tu nghiệp ở nước ngoài, hằng ngày, cụ lại ngồi chat facebook, yahoo với anh, dù lúc ấy cụ đã gần 90 tuổi. Cháu chắt, họ hàng đông, định cư từ Bắc vào Nam, nhờ có facebook mà cụ có thể nói chuyện thường xuyên với con cháu. Như để minh chứng về điều đó, cụ Thi mở luôn trang facebook cá nhân cho tôi xem. 

Nhưng dạo này cụ Thi cũng bận rộn, không có thời gian để vào facebook, vì cụ đang phải tập trung viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ 2. Nếu cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tên Ngược dòng kể về cuộc đời của nhân vật chính từ năm cô 34 tuổi trở đi thì cuốn tiểu thuyết thứ 2, cụ kể lại cuộc đời cô từ năm 34 tuổi trở về trước.

Tiểu thuyết đầu tiên của cụ Thi.

Năm 1972, cụ hoàn thành cuốn tiểu thuyết Ngược dòng. Ngược dòng lấy bối cảnh lịch sử, những biến động đổi thay của đất nước từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đến khi hòa bình lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Nhân vật chính là cô Tám có một cuộc đời chìm nổi giống hệt cuộc đời cụ. 

Cụ bảo, cụ muốn mượn cuộc đời nhân vật chính để tái hiện cả trăm năm lịch sử của quê hương, của đất nước. Có những câu chuyện đau thương, mất mát của quê hương mà cụ gần như là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống cho đến bây giờ. 

"Tôi hay cô Tám như con cá bơi ngược dòng, gặp nước lũ đẩy xuống lại trồi lên, cuối cùng đã về đến đích với tấm thân trầy da trớt vảy... Giờ đây, đã gần 90 năm sống trong cuộc đời, tôi vẫn khát khao, vẫn yêu thương những con người tâm hồn trong trắng ngây thơ, vẫn thích kết bạn với lứa tuổi mới lớn. Lòng tin yêu cuộc sống còn nguyên vẹn. Vẫn muốn hát "Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời này" (Trịnh Công Sơn)", cụ đúc kết cuộc đời mình trong tiểu thuyết Ngược dòng".

Nhưng do chiến tranh và cuộc sống khó khăn nên cụ chưa có điều kiện để xuất bản. Khi cậu con trai duy nhất vừa được 7 tháng tuổi thì chồng cụ mất sau một trận ném bom dữ dội của giặc Pháp. Cụ ở vậy, một mình bươn chải đủ thứ nghề để nuôi con khôn lớn. 

Năm 1974, cụ theo con trai ra Hà Nội sinh sống. Bẵng một thời gian có người hỏi xin bản thảo của cụ để xuất bản thì chị này không thể dịch nổi chữ viết của cụ nên mới ngỏ ý nhờ cụ viết lại. Mất 2 năm trời, từ 2007 đến năm 2009, cụ gác mọi việc gia đình lên trang trại của con trai ở Ba Vì để tập trung viết lại từ đầu. 

Lần này cụ nhớ ra được nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết hơn so với bản thảo ban đầu nên câu chuyện về cuộc đời cô Tám cũng đầy đủ hơn. Năm 2010, "Ngược dòng" được xuất bản và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của bạn đọc. Tuy nội dung câu chuyện không mới, cách viết cũng không văn hoa, nhưng chính sự hồn nhiên, cách kể chuyện bình dị, chân chất của một cô gái vùng nông thôn giàu nét nhân văn, giàu tình yêu thương là nét hấp dẫn nhất của tác phẩm.

Một góc phòng tranh của cụ.

Cũng từ khi ra Hà Nội, cụ Thi bắt đầu tự mày mò vẽ tranh và làm thơ. Đến nay cụ đã có trong tay một bộ sưu tập gần 2.000 bức tranh. Tranh của cụ đơn giản, không cầu kỳ mà mang bóng dáng cảnh sắc, con người xứ Thanh, là những hồi ức đẹp của cụ về quê hương, đất nước. Tuy không một ngày đi học vẽ nhưng tranh của cụ Thi vẫn rất đẹp và có hồn. Có lẽ gen văn chương, nghệ sĩ của cụ thân sinh đã mang đến cho cụ Thi một năng khiếu bẩm sinh. 

Cụ Lê Thi vốn sinh ra ở làng Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, nay là Hạc Thành, thành phố Thanh Hóa. Cha đậu cử nhân, làm chức quan nhỏ nên hồi nhỏ cô bé Thi thường theo cha đi khắp nơi trong tỉnh. Những địa danh nổi tiếng, cảnh đẹp của xứ Thanh in sâu trong trí nhớ của cụ. Sau này lớn lên, cụ lập gia đình với một giáo viên cùng quê. 

Chồng mất sớm, cụ ở vậy nuôi con. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ tham gia nhiều hoạt động để xây dựng chính quyền mới, từng là Thường vụ Cứu quốc tỉnh Thanh Hóa, chủ nhiệm hợp tác xã. Sau này cuộc sống có nhiều biến động, cụ làm đủ mọi việc để duy trì gia đình nhỏ, từ dệt vải, làm ruộng, đi bứt lá làm chổi, buôn chè, buôn mắm, làm bánh, đan len…

Năm 1997, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đó là ông Nguyễn Khoa Điềm đã đích thân đến thăm, tặng bằng khen và tổ chức triển lãm tranh cho riêng cụ. Câu chuyện về cụ bà đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn say sưa sáng tạo nghệ thuật cũng không ngừng gây sửng sốt và bất ngờ cho không ít người. 

Thậm chí, thời điểm đó rất nhiều người đã tìm đến nhà "đòi" gặp bằng được cụ Thi chỉ để tin rằng, câu chuyện về một bà lão lưng còng biết vẽ tranh, viết truyện là hoàn toàn có thật. 

Và đến giờ khi mạng xã hội phát triển thì hình ảnh cụ bà gần 100 tuổi vẫn lướt mạng, vẫn miệt mài vẽ tranh và viết tiểu thuyết đã quá nổi tiếng. Có rất nhiều người đến hỏi mua tranh cụ, cụ cũng đã mở nhiều cuộc triển lãm tranh, nhưng họ năn nỉ lắm cụ mới bán vài bức. Còn lại cụ cất giữ cẩn thận, vừa đóng khung, vừa cất trong rương để trong phòng mình. Cụ bảo đó là kỉ niệm, cũng là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời cụ muốn để lại cho con cháu.

Gần trăm tuổi, cụ Thi vẫn tự mình làm nhiều việc mà không cần nhờ đến con cháu, dù lưng đã còng, chân đã yếu. Cứ ngồi gõ máy tính một lúc cụ lại nằm nghỉ vì mắt đã mờ, lưng đã đau mỏi. Cụ bảo, cụ đang gấp rút hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ 2, chẳng biết bao giờ sẽ hoàn thành nhưng cụ sẽ cố gắng hết sức mình để tiếp tục làm giàu thêm nguồn tài sản quý giá của mình.

93 tuổi, cụ Thi vẫn ngồi lướt facebook. 

Một góc phòng tranh của cụ.

Tiểu thuyết đầu tiên của cụ Thi.

Mai Ngọc
.
.
.