Kỷ lục gia nuốt 15 thanh kiếm trở thành "nghệ sĩ" đám cưới làng

Thứ Tư, 04/01/2017, 09:29
Có thể nuốt được 15 thanh kiếm dài 60cm, chọc kim loại sắc nhọn xuyên qua má, lưỡi, cũng như đập búa tạ vào đầu mà chẳng hề hấn gì. Để trở thành kỷ lục gia về thành tích nuốt kiếm, anh Nguyễn Đắc Điệu (xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã có một cơ duyên đặc biệt và quá trình luyện tập gian khổ.


Sau những năm tháng cùng các gánh xiếc, biểu diễn khắp nơi, đạt được những kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" thì nay người đàn ông đặc biệt ấy trở về quê hương làm "nghệ sĩ đám cưới" với lý do đơn giản vì "không muốn xa vợ con".

Cơ duyên đặc biệt để trở thành "dị nhân"

Từ khi còn là cậu bé, Điệu đã có thói quen rất lạ, sưu tầm những vật dụng như gạch đá, kim loại nhỏ về uốn cong thành các hình thù đặc biệt làm đồ chơi. Đặc biệt hơn nữa, Điệu có niềm đam mê nhạc cụ từ nhỏ.

15 thanh kiếm sáng loáng từng được anh Điệu biểu diễn khắp nơi.

Vì nhà nghèo không có tiền mua sắn nên anh thường xuyên lân la hỏi mượn những nhạc cụ từ những người già làm nghề bát âm trong làng. Không ít lần Đội bát âm trong làng thiếu người đã mời anh tham gia. Tuổi thơ của dị nhân này gắn liền với những đồ chơi từ đống sắt vụn, những nhạc cụ như sáo, nhị, trống, tam…

Do nhà đông anh em, cuộc sống lại rất khó khăn, học xong cấp 3 (năm 1992), anh Điệu xin phép gia đình vào Gia Lai, ở nhà anh ruột để tìm cách mưu sinh, lập nghiệp. Hàng ngày Điệu đi hái cà phê thuê, cạo mủ cao su, anh làm bất cứ việc gì kiếm được tiền.

Một lần nghe tin có đoàn xiếc về biểu diễn, Điệu xin phép anh trai để đi xem cho biết. Lần đó như thể là định mệnh, dẫn dắt anh đến với nghề xiếc đầy gian nan. Nhận thấy đoàn xiếc đang nháo nhác, đến giờ mà chưa thể biểu diễn được, lân la hỏi thì Điệu được biết người chơi đàn ghita bị ốm không thể biểu diễn.

Màn xuyên kim qua má cũng đòi hỏi người thực hiện luyện tập rất công phu.

Mạnh dạn đề xuất với Trưởng đoàn để mình chơi thử. Sau khi thử chơi vài ba bài, nghệ sĩ Hoàng Lộc - Trưởng Đoàn xiếc Đại Dương (nay trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên) vô cùng ngạc nhiên, Điệu không chỉ chơi ghita rất giỏi mà còn chơi cả trống, organ. 

Sau buổi "đóng thế" mỹ mãn ấy, Điệu được Trưởng đoàn cho gia nhập đoàn xiếc. Trong suốt quá trình từ năm 1992 -1995, anh Điệu trở thành người chơi nhạc chính tại gánh xiếc, kỹ năng của anh ngày một trở nên hoàn hảo hơn. Nghệ sĩ Hoàng Lộc phải thốt lên rằng, quá bất ngờ về một con người kỳ quái và đa tài như anh Điệu.

Không qua một lớp đào tạo bài bản nào, nhưng Điệu chơi nhạc tự tin, thuần thục. Chẳng mấy chốc anh Điệu trở thành người quan trọng bậc nhất trong mỗi chuyến lưu diễn của đoàn.

Trong lúc chơi nhạc, Điệu như mê đắm với các tiết mục mạo hiểm như đâm dao vào người, công phá gạch đá, nuốt kiếm dài vào bụng. Nhận thấy anh là người đam mê, có tài, chẳng mấy chốc Điệu đã lọt vào mắt xanh của nghệ sĩ Ba Minh (bố vợ Trưởng đoàn Hoàng Lộc), anh nhanh chóng được nhận làm đệ tử chân truyền.

Dẫu biết rằng những màn biểu diễn ấy phải trải qua một quá trình khổ luyện và đầy hiểm nguy nhưng con người đặc biệt Nguyễn Đắc Điệu chưa khi nào nản chí. Anh kể: "Tôi đã xác định việc nuốt kiếm là vô cùng nguy hiểm, phải kiên trì, không thể ỉ lại sức mạnh của việc vận nội công. Có lần vì chảy máu nhiều quá, mọi người đã phải đưa đi cấp cứu, cũng may là có thuốc của sư phụ nên đã qua khỏi".

Mỗi lần xa nhà, bố mẹ hỏi, Điệu chỉ dám nói là đi làm với đoàn xiếc, đánh đàn, chơi nhạc chứ không có làm gì mạo hiểm. Nếu như biết con mình làm những việc mạo hiểm ấy chắc chắn anh sẽ bị bố mẹ ngăn cản, bắt anh đoạn tuyệt với đoàn xiếc.

Anh Điệu biểu diễn nuốt kiếm cong.

Những màn biểu diễn của anh Điệu luôn thu hút được rất đông khán giả, người xem không thể dời mắt, có phần lạnh sống lưng với màn nuốt kiếm mang thương hiệu của anh. Để nuốt được 1, 2 thanh kiếm đã là khó nhưng anh Điệu có thể nuốt tới 15 thanh kiếm dài 60cm, bản 3,5cm là điều không phải ai cũng làm được.

Mặc dù không còn theo gánh xiếc nhưng anh Điệu vẫn tỏ ra khá thành thục với màn nuốt kiếm của mình. Sân thượng là nơi anh vẫn thường xuyên luyện tập, một chiếc khăn đen trải ra, 15 thanh kiếm kèm theo có một thanh cong, một thanh hình răng cưa… Cứ như thế anh biểu diễn từ tiết mục dễ đến khó, kết thúc là cả 15 thanh kiếm nằm gọn trong miệng, cắm sâu xuống bụng.

Dù nhiệt độ ngoài trời khá lạnh nhưng anh Điệu vẫn thể hiện màn biểu diễn được coi là đặc sản của mình. Chiếc kiếm đơn cầm trên tay, anh vận nội công rồi từ từ há miệng, đưa kiếm vào miệng, ấn sâu xuống cổ. Thanh kiếm sáng loáng ngoan ngoãn đi sâu dần, sâu dần xuống đến bụng.

Điệu nhẹ nhành dùng tay ấn tiếp cho kiếm xuống kịch đến lút cán. Chưa cần rút chiếc kiếm đơn ra, Điệu lại tiếp tục đưa luôn chiếc kiếm hình răng cưa vào miệng … Chỉ sau vài phút tất cả 15 thanh kiếm sáng bóng được nhét thẳng vào miệng. Sau màn biểu diễn nuốt 15 thanh kiếm, anh Điệu còn "khuyến mại" thêm màn đâm xuyên kim bằng nan hoa xe đạp qua mặt.

Ba chiếc kim lớn được anh xuyên qua vùng má nhưng không hề bị chảy máu. "Thời tiết càng lạnh thì biểu diễn càng khó khăn hơn, vì trước khi làm phải vận nội công cho nóng người. Phải tập trung tối đa, nếu không rất có thể mất mạng" - anh Điệu nói.

Điều khó nhất của công phu nuốt kiếm, anh Điệu cho hay, để nuốt được thanh kiếm dài và thành thục là cả một quá trình khổ luyện. Khi nuốt kiếm, vừa phải đưa kiếm vào cổ họng vừa vận nội công, ép thực quản sang một bên và không để chạm đến bộ phận này vì dễ bị tổn thương.

Cho đến khi đầu kiếm chạm gần đến vị trí dạ dày, lại phải ép dạ dày sang bên trái hoặc bên phải. Đặc biệt với loại kiếm hình cong lưỡi liềm thì quá trình ép dạ dày đi theo đường cong của kiếm. Nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, tâm lý không tốt, mất tập trung hay sức khỏe không ổn định là ảnh hưởng đến tính mạng.

Kỷ lục gia trở thành "nghệ sĩ đám cưới" làng

Anh Điệu được khán giả khắp cả nước biết đến khi tham gia chương trình "Tìm kiếm kỷ lục Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Khi ấy anh biểu diễn tới khán giả cả nước màn nuốt 15 thanh kiếm, tuy nhiên để đảm bảo an toàn, sân khấu biểu diễn được dựng ngay tại Bệnh viện Tràng An (Hà Nội).

Màn biểu diễn được giám sát hết sức chặt chẽ của máy móc hiện đại, các y, bác sĩ. Các máy móc chỉ ra rất rõ đường đi của thanh kiếm từ miệng xuống bụng trước sự ngỡ ngàng của khán giả cả nước.

Sau màn biểu diễn đặc biệt ấy, anh được công nhận kỷ lục gia, ghi vào sổ Guinness Việt Nam với tư cách người có thể nuốt nhiều kiếm nhất Việt Nam. Anh Điệu cho biết: "Mỗi màn biểu diễn lại có một phương pháp khác nhau. Như màn xuyên kim vào yết hầu, mặt và lưỡi thì phải đòi hỏi sự tập luyện công phu hơn.

Ngoài việc vận khí công, người tập luyện phải biết lựa chọn vị trí của mạch máu. Khi xuyên qua tránh được mạch máu mới không dẫn đến thương tích. Còn phần xuyên qua lưỡi là phức tạp nhất, bởi lưỡi là bộ phận khá phức tạp.

Có các mao mạch li ti, lại là cơ quan vị giác rất khó điều khiển theo ý mình. Đưa kim sắt qua phải tìm được đầu mối của điểm xuyên vào, lúc đó sẽ dễ dàng thực hiện".

Dù đã là kỷ lục gia nhưng anh Điệu quyết định về quê làm "nghệ sĩ" đám cưới làng.

Những tưởng màn biểu diễn trước hàng triệu khán giả, đạt kỷ lục trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" sẽ là bàn đạp để anh tiếp tục sự nghiệp biểu diễn xiếc của mình, thế nhưng anh lại quyết định trở về ở hẳn quê, sống vui vầy bên vợ con. Mặc dù được rất nhiều đoàn mời biểu diễn, nhiều chương trình mời tham gia nhưng anh Điệu đều từ chối.

Giải thích việc này, anh nhẹ nhàng nói: "Tôi không nhận lời ai vì muốn ở cùng gia đình, không muốn xa vợ con nữa". Với những tài lẻ của mình, anh Điệu chẳng khó khăn tìm cho mình một công việc phù hợp và có thu nhập ổn định. Hằng ngày gia đình anh luôn bận rộn trong việc cho thuê phông bạt, bát đĩa làm đám xá. Đồng thời anh phụ trách luôn việc chơi organ cho các đám cưới có nhu cầu. Với tài năng, sự nổi tiếng của mình đám cưới nào thuê được anh chơi nhạc đều thấy tự hào, vui vẻ hơn rất nhiều.

Cẩn thận cất những thanh kiếm, từng gắn bó với anh trong những lần biểu diễn trước đó, anh Điệu tâm sự: "Tôi không đi diễn xiếc và nuốt kiếm nữa không phải vì không  yêu nghề, cũng không phải vì sợ mà chỉ vì muốn ở bên gia đình, có thời gian chăm sóc vợ con".

Phong Anh
.
.
.