Chuyện nghề của hai nhà giáo trẻ Công an tiêu biểu
1.Trước khi gặp Đại úy Ngô Sỹ Nguyên, giảng viên trẻ xuất sắc đang giảng dạy tại Khoa Nghiệp vụ cơ bản, Trường Cao đẳng CSND I, tôi có được đọc về thành tích trích ngang của anh. Năm nay 33 tuổi, Đại úy Ngô Sỹ Nguyên có 9 năm giảng dạy nhưng thật đáng khâm phục khi anh đã 5 lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó có 2 Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc" giai đoạn 2017 - 2018, giai đoạn 2018-2019; Bằng khen đạt danh hiệu "Giảng viên dạy giỏi, giáo viên dạy giỏi" cấp Bộ, năm học 2017-2018 góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy trong các học viện, trường CAND… Từ năm 2017 đến năm 2020, Đại úy Ngô Sỹ Nguyên liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Thầy giáo Ngô Sỹ Nguyên (ngoài cùng bên phải) tại một hội thảo nâng cao chất lượng dạy giỏi do Bộ Công an tổ chức. |
Năm 2011, tốt nghiệp khóa D32 Học viện Cảnh sát nhân dân, Ngô Sỹ Nguyên vượt qua kỳ thi tuyển giảng viên Trường Cao đẳng CSND 1 và trở thành giảng viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản.
Chín năm đứng trên bục giảng, Đại úy Nguyên đã dạy 8 khóa học viên của Trường Cao đẳng CSND I. Trước yêu cầu đổi mới cấp bách phương pháp giảng dạy đối với nhà giáo, anh không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để có được bài giảng chất lượng, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin thường xuyên để xây dựng tình huống nghiệp vụ trong thực tiễn, yêu cầu sinh viên giải "tình huống". Theo anh, để có bài giảng hay, chất lượng, giảng viên phải đạt 3 tiêu chí: Đó là sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm với bài giảng; đa dạng phương pháp giảng dạy và chú ý đến đối tượng giảng dạy để chuẩn bị nội dung giảng dạy phù hợp.
Mỗi bài giảng, ngoài sự sôi nổi, truyền cảm hứng cho học viên, anh còn dạy rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng; đặc biệt thường xuyên lấy những vụ án điển hình để soi chiếu vào bài giảng, nhờ đó, sinh viên tiếp thu nhanh hơn. Chính vì thế, tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các trường Cao đẳng CAND năm học 2016-2017, bài giảng về "Bắt, tạm giữ, tạm giam" của Đại úy Nguyên được Ban giám khảo đánh giá là bài giảng chuẩn bị chu đáo, công phu, phù hợp đối tượng đào tạo, sát thực tiễn và đã được chấm điểm thực hành bài giảng cao nhất trong số các giảng viên tham gia dự thi.
Đại úy Ngô Sỹ Nguyên còn tâm niệm, để nâng cao chất lượng giảng dạy chính là "tâm nghề". "Ngay từ khi còn là học viên, em thực sự ấn tượng và thần tượng những người thầy tâm huyết, trách nhiệm đối với bài giảng của mình. Chính những người thầy đi trước đã tiếp lửa và truyền cho em "tâm nghề" của một nhà giáo. Với anh, nghề giáo càng đặc biệt hơn khi là một nhà giáo CAND. Chính vì vậy, cùng với lòng yêu nghề, anh luôn chăm chút từng bài giảng để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học viên, những người sẽ trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh tại Lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. |
2.Có một điều thật thú vị đối với tôi khi gặp và trò chuyện với "nhân vật" thứ hai trong bài viết này. Đó là Đại úy Nguyễn Thị Quỳnh, công tác tại Khoa Lý luận chính trị, khoa học xã hội nhân văn và tâm lý, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I.
Năm nay 33 tuổi, Đại úy Quỳnh cũng có 9 năm giảng dạy, nhưng những thành tích trong quá trình giảng dạy của giảng viên trẻ Nguyễn Thị Quỳnh cũng dày dặn, đáng khâm phục. Chị đã thực hiện 6 bài dạy giỏi cấp trường, được hội đồng đánh giá cao. Nguyễn Thị Quỳnh 2 lần được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường; 1 lần được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ. Chị đã tham gia biên soạn nhiều tài liệu tham khảo, viết nhiều bài báo có chất lượng đăng trên các tạp chí chuyên ngành; đồng thời, cô còn tham gia viết bài hội thảo cho các hội thảo khoa học trong và ngoài trường.
Trong câu chuyện với tôi, Nguyễn Thị Quỳnh chia sẻ, người giáo viên muốn giảng hay phải có kiến thức sâu rộng, có cách truyền đạt kiến thức truyền cảm tới sinh viên, vì thời đại cách mạng 4.0 là thời đại bùng nổ của thông tin, học viên có thể dễ dàng tìm được thông tin mà mình mong muốn trên Internet.Vì thế để định hướng được tính đúng đắn của thông tin, biến thông tin thành kiến thức thì phải cần đến vai trò của người "thầy" để dẫn dắt. Lĩnh vực cô giáo Quỳnh giảng dạy là lý luận chính trị, xã hội nhân văn và tâm lý, đây là lĩnh vực khó, nên người giáo viên phải có phương pháp dạy học tích cực để tăng hứng thú cho học viên, nâng cao khả năng ghi nhớ bài học. Mở đầu bài giảng phải hấp dẫn; nội dung sử dụng nhiều phương pháp tương tác với học sinh như phỏng vấn, nêu ý kiến ghi lên bảng, trò chơi; cuối bài phải tóm tắt khoa học, ngắn gọn cho học viên hiểu sâu sắc bài giảng.
Nhắc đến những vui buồn của nghề dạy học, Quỳnh kể: "Lúc mới vào nghề, lần đầu tiên thực hiện dạy giỏi trên lớp, lúc ấy kiến thức rất nhiều nhưng em chưa có kinh nghiệm. Cuối cùng hết giờ mà nội dung giáo án vẫn chưa thực hiện xong. Sau lần ấy em rút được kinh nghiệm sâu sắc cho mỗi lần thao giảng. Kỉ niệm này chắc không phải giáo viên nào cũng có và nếu có chắc không ai muốn nhắc lại, nhưng đối với em đó chính là bài học để mình trưởng thành hơn". Có một lần, sau giờ học, một sinh viên nói với chị rằng: "Cô dạy làm bọn em thấy lý luận chính trị không quá khó để học tập". Một câu nói ngắn vậy thôi nhưng khiến chị xúc động, vui cả năm học. Sau này, những lúc khó khăn, chị lại nghĩ về kỷ niệm đó như được tiếp thêm động lực.
Đại úy Nguyễn Thị Quỳnh nhiều lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp Bộ, để đạt được danh hiệu này không dễ chút nào. Chị chia sẻ, mục đích của hoạt động dạy giỏi là nhằm đổi mới nội dung, phương pháp, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng, để hoàn thiện các danh hiệu dạy giỏi các cấp và chức danh cho giáo viên.
Tác giả trò chuyện cùng Đại úy Nguyễn Thị Quỳnh và Đại úy Ngô Sỹ Nguyên. |
"Tuy nhiên, để có được 1 bài dạy giỏi trước hội đồng với những tiêu chí, tiêu chuẩn cao thì giáo viên thật sự rất vất vả, từ việc lên kế hoạch giảng dạy, thảo luận, lên khung các ý chính, dự kiến các phương pháp dạy học phù hợp, viết giáo án toàn văn, chuẩn bị 8 tập hồ sơ đảm bảo cả yêu cầu khoa học và yêu cầu thẩm mỹ. Có những năm em đăng kí và thực hiện liền 2 bài dạy giỏi. Lúc nào lên đơn vị, mọi người cũng thấy em đang cắm cúi với giáo án với hồ sơ. Còn không thấy thì có nghĩa là em đang trên giảng đường, gặp học sinh, triển khai kế hoạch giảng dạy. Nhưng rất may mắn là em không phải một mình làm tất cả mà luôn có lãnh đạo và đồng chí, đồng nghiệp hỗ trợ. Mọi người lắng nghe bài giảng, góp ý vào nội dung, phương pháp, cách thức triển khai để bài giảng của mình được hoàn thiện hơn trước khi ra hội đồng đánh giá. Và bài giảng của luôn được đánh giá cao"
Nguyễn Thị Quỳnh bảo rằng nghề giáo bên ngoài vất vả một thì nghề giáo trong lực lượng CAND vất vả mười. Vì các thầy cô ngoài chuyên môn còn phải chuẩn mực về điều lệnh, giờ giấc, lại không ngừng phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng trong và ngoài trường. "Nhưng em thật sự tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người giáo viên CAND. Cứ nghĩ đến việc sẽ đào tạo ra những chiến sỹ Công an có hoài bão vì nhân dân phục vụ thì em lại thấy vui vô cùng, thấy có động lực tiếp tục với nghề đã chọn", cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh tâm sự.