"Sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình..."

Thứ Tư, 14/08/2019, 15:50
Đó là hai câu chuyện có tính chất tương phản, một diễn ra ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, và một diễn ra ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20.

Chuyện thứ nhất: Ngày 3-8, một cụ ông Nhật Bản có tên Oki Toshiyuki đang đi dạo quanh trung tâm Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) thì có một người đạp xích lô đi theo mời chào. Khi gần đến chợ Bến Thành, cụ đồng ý để người đạp xích lô chở mình về khách sạn Liberty trên đường Tôn Đức Thắng. 

Toàn bộ quãng đường chỉ dài 1,5km, nhưng cụ Oki vẫn hào hiệp trả người đạp xích lô 500.000 đồng. Nhưng cụ chưa kịp trả thì người lái xích lô đã chủ động cho tay vào ví cụ rút thêm mấy tờ mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng khác. Tổng cộng, người đạp xe lấy của cụ 2,9 triệu đồng cho quãng đường 1,5Km. 

Rõ ràng là bị "chém đẹp" nhưng khi trả lời báo chí Việt Nam, cụ Oki vẫn nhận phần lỗi về mình với lý do: "Trước khi ngồi lên xe đã không hỏi giá".

Cụ Oki sang Việt Nam vừa để du lịch, vừa để thăm con trai đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 5 cụ đến Việt Nam kể từ khi con trai cụ lập gia đình và chọn TP Hồ Chí Minh là quê hương thứ 2 của mình cách đây 10 năm. Có nghĩa là con trai cụ đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó với "quê hương thứ 2" Việt Nam, và cụ cùng những người thân của cụ có thể sẽ còn trở lại Việt Nam để thăm con. 

Nhưng với việc "phải trả" (mà thực chất là bị "ăn cướp") tới 2,9 triệu đồng cho một quãng đường 1,5Km, không hiểu nếu trở lại Việt Nam, bản thân cụ Oki và những người thân của mình sẽ phải đối diện với trạng thái cảm xúc nào? 

Sẽ luôn tự nhủ phải cẩn thận, đề phòng, hay thực chất là sẽ nơm nớp sợ mỗi khi phải gọi một cuốc xe, mua món đồ Việt Nam? Những câu chuyện kiểu này không mới, vì nó đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đặc biệt là ở những vùng du lịch biển. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Nhưng khi nó diễn ra ở ngay TP Hồ Chí Minh, một trung tâm du lịch lớn của cả nước, nơi mà các quy định cùng các chế tài kiểm soát về việc phục vụ khách du lịch được thực hiện khá chặt chẽ thì đấy lại là cả một vấn đề. Rất có thể chỉ từ một "con sâu" mà hình ảnh của cả một trung tâm du lịch lớn sẽ bị hoen ố, và tạo ra hàng loạt những hệ luỵ khó lường.

Chuyện thứ hai: Năm 1905, khi đang hoạt động ở Nhật Bản thì Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ rủ nhau lên Tokyo để tìm một người bạn Trung Quốc có tên Ân Thừa Hiến. 

Khi xuống tàu hỏa, Phan Bội Châu liền gọi một người phu xe và đưa cho anh ta tấm danh thiếp của Ân Thừa Hiến để nhờ tìm địa chỉ. Người phu xe này không biết chữ Hán, nên đã đề nghị Phan Bội Châu đợi, để mình tìm một người phu xe khác biết chữ Hán để có thể giúp đỡ. 

Cuối cùng, người phu xe biết chữ Hán cũng xuất hiện và đã đưa Phan Bội Châu - Tăng Bạt Hổ đến địa chỉ của Ân Thừa Hiến. Nhưng khi xe đến Chấn Võ Học Hiệu - nơi tá túc của Ân Thừa Hiến thì mới vỡ lẽ, người bạn Trung Quốc này đã chuyển đi nơi khác, và không ai biết "nơi khác" cụ thể ở đâu. 

Nghĩ ngợi một lúc, người phu xe liền nói với hai vị khách Việt Nam: "Xin các ngài cứ chờ tôi một chút, tôi sẽ đi tìm địa chỉ mới của Ân Thừa Hiến rồi quay lại đón 2 ngài".

Hai vị khách Việt Nam đứng chờ từ 2 giờ chiều, đến 3 giờ, rồi 4 giờ chiều vẫn không thấy người phu xe quay lại, liền nghĩ: Tokyo rộng thế này, biết tìm Ân Thừa Hiến ở đâu. Nhưng đến 5 giờ chiều thì người phu xe bất ngờ quay lại và cho biết đã tìm được nơi cần tìm. 

Thế là người phu xe đưa hai vị khách Việt đi thêm 1 tiếng nữa đến một lữ quán có treo biển "Thanh quốc Vân nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến". Tất cả cho thấy người phu xe Nhật Bản đã tận tuỵ với công việc của mình như thế nào.

Nhưng chưa hết, khi Phan Bội Châu hỏi tiền công thì người phu xe nói một con số khiến cụ Phan giật mình: "2 hào 5 xu". 

Thấy số tiền quá rẻ, Phan Bội Châu rút ra một đồng bạc để trả nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: "Theo quy định thì từ nhà ga Tokyo đến lữ quán này, giá chỉ là 2 hào 5 xu thôi. Thêm nữa, hai ông vì văn minh nước Nhật mà đến đây, chúng tôi hoan nghênh các ông, chứ không hoan nghênh tiền bạc của các ông. Nếu các ông cho tôi tiền xe vượt quá quy định thì không khác gì coi thường, khinh bạc người Nhật Bản chúng tôi".

Đây là một câu chuyện có thật, được viết lại trong tác phẩm "Tự Phán" nổi tiếng của Phan Bội Châu. Khi kể lại câu chuyện này, đặc biệt là tâm trạng của mình khi hỏi giá tiền người phu xe Nhật Bản, Phan Bội Châu cho biết: "Sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e cũng khốn nạn với vấn đề đòi tiền". 

Và sau khi bày tỏ sự cảm thán trước một người phu xe Nhật Bản giàu lòng tự trọng thì Phan Bội Châu đã thốt lên: "Chao ôi! Trí thức, trình độ dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm hay sao".

Đầu thế kỷ 20, một trí thức Việt Nam đã phải cảm thán ngưỡng mộ một người phu xe Nhật Bản đến như vậy thì ở đầu thế kỷ 21 này, trong câu chuyện bị "chặt chém" 2,9 triệu đồng cho quãng đường 1,5Km, không biết ông cụ Oki Toshiyuki sẽ cảm thán như thế nào về một người đạp xích lô ở TP Hồ Chí Minh?

"Tôi cảm thấy rất buồn và xấu hổ mỗi khi đọc tin về những vụ chặt chém khách du lịch như thế này" - đó là phát biểu của PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch. 

Còn bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng thốt lên: "Đây là một vụ việc xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sự việc này, một người bình thường cũng thấy quá đáng, bản thân chúng tôi và những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch thì vô cùng bức xúc" (Trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân trí ngày 5/8/2019). 

Theo những thông tin mới nhất thì công an phường Bến Nghé (Quận 1 - TP HCM) đã tìm ra và làm việc với người đạp xích lô có hành vi "chặt chém" cụ Oki. Người đạp xích lô thừa nhận thấy cụ Oki già cả, chậm chạp, lại thấy trong ví cụ có nhiều tiền nên đã nảy lòng tham. Đây là một hành vi rất đáng xấu hổ, và với hành vi này, chắc chắn người đạp xích lô sẽ bị xử lý thích đáng. 

Về phần mình, cụ Oki (hiện đã trở lại Tokyo) thông qua người con trai (vẫn sống ở TP HCM) đã bày tỏ sự cảm kích trước việc công an Việt Nam đã truy tìm bằng được người đạp xích lô "ăn cướp tiền" của cụ. Và cụ sẽ được hoàn trả lại khoản tiền.

Tuy nhiên câu chuyện không chỉ là mối quan hệ tiền bạc và cảm xúc giữa một người đạp xích lô Việt Nam với một du khách Nhật Bản. Hy vọng là với cách xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, tất cả các cá nhân, tổ chức phục vụ công tác du lịch phải hiểu rằng "chặt chém" du khách nước ngoài là điều không đơn giản. 

Và quan trọng hơn, bản thân những người phục vụ du lịch, từ một người đạp xe đến một người bán hàng nhỏ lẻ cũng phải ý thức rõ rằng mình chính là những "đại sứ" của đất nước trong mắt khách du lịch, cho nên phải có ý thức bảo vệ và xây dựng hình ảnh của đất nước trong bất cứ hành động nào.

"Chặt chém 500.000 đồng/ đĩa trứng: Bà chủ nhà hàng bị phạt 27 triệu", "Công an khống chế cô gái trẻ bán tăm giả "cắt cổ" ở Hồ Gươm", "Khách tố quán hủ tiếu chặt chém bị đánh chảy máu đầu"... đấy là hàng loạt những cái tít báo khi chúng ta gõ cụm từ "chặt chém khách du lịch" trên google. 

Nó cho thấy rằng câu chuyện "chặt chém" đã diễn ra từ lâu, đã bị xử lý rất nặng, nhưng sau đó lại vẫn tiếp tục diễn ra. Có thể tần suất và mức độ của nó đã giảm dần, nhưng để bảo vệ hình ảnh của "điểm đến Việt Nam" với khách du lịch nước ngoài thì phải làm mọi cách để nó không thể tồn tại nữa.

Hãy nhớ đến người phu xe Nhật Bản đầu thế kỷ 20 trong câu chuyện của Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ. Không ai nghĩ rằng lời cảm thán mà cụ Phan viết đến hơn 100 năm sau vẫn chẳng lỗi thời: "Sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e...".

Diệp Xưa
.
.
.