Park Hang Seo: Bài học "thiên thời" từ một người "hết thời"

Thứ Ba, 11/12/2018, 11:10
Đến Việt Nam cầm quân trong bối cảnh là một người hết thời ở Hàn Quốc, ông Park Hang Seo không được  giới bóng đá Hàn Quốc đánh giá cao, và cũng không được làng bóng Việt đặt quá nhiều kỳ vọng. 


Bản hợp đồng của ông với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ kéo dài 2 năm, và ở vạch xuất phát đầu tiên nhiều người trong cuộc từng nghĩ đấy là 2 năm "chơi xổ số". 

Không ai ngờ con người đã hết thời và tưởng như sẽ kết thúc sự nghiệp trong lặng lẽ ở Hàn Quốc lại bỗng tìm thấy thiên thời ở môi trường làm việc mới toanh.

"Hết thời" không phải là từ mà người viết bài này tự nghĩ ra và tự đánh giá. Nó là từ mà chính tờ báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc đã dùng trong một bài viết mới đây về Park. Và đấy là một đánh giá khách quan, chính xác. Bởi thời đỉnh cao nhất trong sự nghiệp huấn luyện của Park đã diễn ra cách đây 16 năm, khi ông là trợ lý số 1 cho HLV trưởng Hàn Quốc tại VCK World Cup 2002 - Guus Hiddink. 

Cũng trong năm đó, ông Park được giao nhiệm vụ dẫn dắt Đội tuyển Olympic Hàn Quốc tại kỳ Olympic ngay trên sân nhà. Từ đệ tứ anh hào World Cup đến huy chương vàng bóng đá nam Olympic, đấy là mục tiêu chắc nịch mà giới mộ điệu bóng đá xứ Hàn đặt ra. Và đấy cũng là một thách thức, một áp lực lớn chưa từng thấy trong cuộc đời cầm quân của Park Hang Seo. 

Kết quả: Đội tuyển Olympic Hàn Quốc chỉ giành được huy chương đồng, và Park Hang Seo thất vọng với chính bản thân mình. Không biết có phải vì sự thất vọng lớn quá hay không mà mãi đến năm 2005 ông mới chính thức cầm quân trở lại, ở cấp độ CLB, và gặt hái một vài thành công nho nhỏ. 

Đến năm 2015, khi ông chấp nhận về dẫn dắt đội bóng quê hương Changwon thì ở Hàn Quốc, ai cũng bảo ông coi như đã đoạn tuyệt với sự nghiệp đỉnh cao. 

Thực tế năm 2017, ngay cả khi đã nhận lời làm HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam, Park Hang Seo vẫn còn nhiệm vụ dẫn dắt Changwon trong một vài trận đấu cuối cùng của mùa giải, và đấy là những trận đấu mà đội bóng của ông phải vật lộn đủ kiểu để... không xuống hạng.

Nhìn ở phương diện hình ảnh, khi ông Park tới Việt Nam thì rất nhiều tờ báo Việt Nam khai thác cái biệt hiệu "Mr ngủ gật" mà báo giới Hàn Quốc từng đặt cho ông. 

Chẳng là, một tay phóng viên ảnh láu lỉnh nào đó chộp được cảnh ông đang... nhắm mắt khi ngồi trên cabin huấn luyện. Đấy có thể chỉ là một khoảnh khắc nhắm mắt để cầu nguyện - như một thói quen mà ông vẫn hay thể hiện sau này trên ghế thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam. Đấy có thể chỉ là một khoảnh khắc nhắm mắt nghỉ ngơi trong một trận đấu căng thẳng. Hoặc đơn giản, đấy có thể chỉ là một khoảnh khắc nhắm mắt lơ đễnh, đầy cơ học.

Chứ thực tế là ông không hề ngủ gật. Thế nên trong ngày ra mắt vai trò thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam, khi nghe một chị phóng viên đề cập thẳng đến 3 chữ "Ngài ngủ gật" thì ông Park nói ngay: Ồ! Đó chỉ là câu chuyện của truyền thông, chứ không có thật. 

Hẳn nhiên, báo chí Hàn Quốc và giới bóng đá Hàn Quốc cũng thừa hiểu đấy là chuyện không có thật. Vậy thì tại sao họ vẫn cố gán cái biệt hiệu "Ngài ngủ gật" vào ông? Rất có thể, biệt hiệu ấy để ám chỉ một con người đã đi qua thời sống động nhất, tươi sáng nhất của một cuộc đời cầm quân.

Về phía Việt Nam, dù cũng có không ít mĩ từ được lãnh đạo VFF đưa ra, nhưng có một sự thật, thời điểm ấy, ông Park cũng chỉ thuộc diện "phương án 2" mà thôi. 

Năm 2017, sau khi HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng từ chức, và sau khi bới tung các mối quan hệ - các tập hồ sơ, VFF thoạt tiên chốt một ông thầy châu Âu. Thậm chí những thương thảo đầu tiên đã diễn ra, nhưng vì vấn đề lương thưởng mà bất thành phút cuối. 

Đúng lúc ấy, ông phó chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức đọc được hồ sơ của ông Park, và thế là dàn lãnh đạo VFF bay nhanh sang Hàn Quốc đặt vấn đề - chụp ảnh lưu niệm - rồi thông báo mọi thứ trên Website Liên đoàn - nhanh và bất ngờ đến mức ngay cả những tay săn tin giỏi nhất cũng phải giật mình. 

Thế đấy, Park Hang Seo sang Việt Nam trong bối cảnh mà nơi tiễn ông đi thì tin rằng ông đã "hết thời" còn nơi đón ông về thì cũng chỉ nói những câu chung chung "chúng tôi tin tưởng...", "chúng tôi hy vọng..." như trong bất cứ một cú bắt tay, một cuộc giao kèo làm ăn nào khác.

Nhưng có một chi tiết lạ, đáng chú ý, đó là ngày đầu tiên hiện diện ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) cùng người trợ lý trẻ trung của mình, Park Hang Seo mặc một chiếc áo vest màu xanh da trời. Chiếc áo giúp ông nhìn trẻ hơn so với cái tuổi 59 và tươi hơn so với cái thần thái và sắc mặt mình. Cái áo màu xanh da trời ấy, rất có thể là một chủ ý của "người hết thời". Bởi với cái áo màu xanh da trời - màu hy vọng ấy, "người hết thời" hy vọng sẽ có một trang mới mở ra?

Và đúng là trang mới đã mở ra, trơn tru, thuận lợi đến mức mà có thể trong thâm tâm mình, chính ông cũng không dám nghĩ. Lần đầu tiên cầm Đội tuyển U.23 Việt Nam đá giải giao hữu M.150 Cúp tại Thái Lan, Park có được thắng lợi 2 sao trước chủ nhà Thái Lan. Thắng Thái, trong lần đầu gặp Thái, trong giải đầu cầm quân - đấy là điều không nhiều người tin Park làm được. 

Cũng giống như ngay sau đó, chẳng ai tin Đội tuyển U.23 của Park có thể vào tới chung kết giải vô địch U.23 châu Á tại Thường Châu - Trung Quốc, cái địa danh mà bây giờ đã trở thành vết son chói lọi trong ký ức của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. 

Hai chiến tích sau đó thì dễ tin hơn, vì nó ít nhiều nằm trong kế hoạch: bán kết môn bóng đá nam Asiad và chung kết AFF Suzuki Cup 2018. Thế là từ chỗ "hết thời", Park Hang Seo bỗng trở thành một người làm chủ "thiên thời". 

Thế là từ chỗ bị chính báo giới Hàn Quốc ví von là "Ngài ngủ gật" Park khiến một số phóng viên Hàn đã phải cất công sang Việt Nam, bám theo Park, bám theo Đội tuyển Việt Nam để trả lời câu hỏi: Rốt cuộc, điều gì đã xảy ra với người đàn ông này?

Điều gì vậy?

Về mặt khách quan, phải thấy Park may mắn hơn một số người tiền nhiệm của mình ở Đội tuyển Việt Nam khi được làm thầy của một thế hệ cầu thủ sạch tinh tươm. Các HLV ngoại trước đây như Riedl, Tavares, Calisto, Falko Goetz, Miura... không hề có được điều đó. 

Chính vì vậy mà họ luôn phải cầm quân trong cảnh soi từ đối thủ soi vào, rồi lại soi từ đội mình soi ra. Soi kỹ, soi cẩn thận mà đôi khi vẫn... phá sản như thường. 

Ngược lại, thế hệ cầu thủ của Park bây giờ không tạo ra bất cứ tỳ vết bí hiểm nào, cho nên "cầm" họ và "khiển" họ dễ dàng hơn. Đấy cũng là một thế hệ cầu thủ ít nhiều được đào tạo bởi những "công nghệ đào tạo" của các lò đào tạo trẻ có bản sắc như Hà Nội, PVF, Hoàng Anh Gia Lai... 

Chính vì thế, từ kỹ năng chơi bóng, tư duy chiến thuật đến các ứng xử với truyền thông, xã hội đều có nhiều điểm vượt trội hơn hẳn so với những thế hệ cầu thủ được tạo nên bởi chủ nghĩa kinh nghiệm trước đây. Tóm lại, Park là một ông thầy mới của một thế hệ cầu thủ mới - thế hệ đầu tiên cho một giai đoạn đào tạo mang tính rẽ lối của nền bóng đá nước nhà.

Nhưng nếu bảo chỉ nhờ có thế mà Park thành công thì phiến diện. Bởi vẫn những cầu thủ ấy, nếu rơi vào tay một HLV thiếu khả năng tổ chức nhân sự, đọc trận đấu thì kết quả nhận lại có thể đã rất khác rồi. Điểm ấn tượng nhất mà bản thân Park tạo ra chính là sự quyền biến của một vị tướng cầm quân đánh trận. 

Khi gặp Malaysia ở vòng bảng AFF Cup năm nay chẳng hạn, ai cũng nghĩ đội bóng của Park sẽ tận dụng lợi thế sân nhà để tấn công, nhưng thực tế đấy lại là trận đấu mà Park dùng bài phản công. Đến bán kết lượt đi trên đất Philippines, ai cũng nghĩ đội bóng của Park sẽ thủ sâu, thủ kỹ thì đấy lại là trận đấu mà Park xua quân lên cao, Pressing ngay từ khi bắt nhịp. 

Trong lối cầm quân của Park, không có những nguyên tắc theo kiểu, đã là đội trưởng thì nhất định phải vào sân, hay đã là quân Hoàng Anh thì phải được đảm bảo một tỷ lệ nhất định nào đó trong đội hình xuất phát, bất chấp việc người quyết định đưa mình về là ông chủ Hoàng Anh.

Cái sự "quyền biến" này thì Park rất giống với Calisto, và rất khác với những Miura, Riedl. Một điểm giống khác giữa Park và Calisto là cả hai cũng đều là những chuyên gia thổi lửa, và đều thực hiện những chỉ đạo rất mạnh mẽ trên ghế huấn luyện, dù xét về hình thức, hai người thuộc hai thế giới khác xa nhau.

Rất có thể sau bản hợp đồng ngắn hạn 2 năm, Park sẽ ở lại Việt Nam thêm một chu kỳ nữa. Và ở chu kỳ tiếp theo này, thành hay bại chỉ có thời gian trả lời. Nhưng đến lúc này, ít ra Park đã tạo nên một câu chuyện thú vị về một con người đi từ "hết thời" đến "thiên thời". Điều chúng ta suy ngẫm là liệu có thể tìm ra một nguyên tắc mang tính triết lý nào để đi qua hai cực rất khác nhau của cùng một chữ "thời" này không?

Trong ngày Park ra mắt vị trí thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam, một nhà báo Việt Nam từng hỏi: Quãng thời gian làm trợ lý cho HLV Guss Hiddink, điều lớn nhất ông học được là gì? Câu trả lời: Điều lớn nhất tôi học được là phải biết cách biến khó khăn thành cơ hội! 

À, ra thế!

Diệp Xưa
.
.
.