Với Park Hang-Seo, đã có 2 Việt Nam ở bán kết

Thứ Sáu, 07/12/2018, 15:49

Sau hai trận bán kết, có nhiều điều để bàn về chiến thuật của ông Park Hang-Seo nhưng có lẽ điểm đọng lại lớn nhất chính là sự đa dạng trong các bài tấn công mà HLV người Hàn đã lựa chọn để làm đối sách trước đối thủ của mình…



Hết hiệp 1 trận bán kết trên sân Mỹ Đình, truyền hình chiếu cảnh ông Park Hang-Seo ngồi cúi đầu. Đó không phải là cái cúi đầu mệt mỏi, hay bất lực. Nó là giây phút HLV trưởng ĐTVN đang suy nghĩ rất trầm tư. Ông đã hình dung rõ diện mạo đối thủ, cách họ thể hiện trong hiệp 1 trận lượt về và ông đang tìm kiếm đối sách hợp lý nhất để ĐTVN phải giành thắng lợi chung cuộc và lọt vào chung kết.

Những đối sách của ông, mà như ông thổ lộ sau đó trong cuộc họp báo, đã cho kết quả khả quan là hai bàn thắng của Quang Hải và Công Phượng. Thực sự, cách thay người của Park Hang-seo là vô cùng tinh tế, hợp thời điểm. Nhưng nếu nhìn vào tổng thể cả trận đấu, và so sánh với trận lượt đi, chúng ta mới thấy tính toán của ông Park tinh tế đến mức nào. Trước Sven Goran-Eriksson, ông đã bày trận để trình diện 2 ĐTVN khác nhau ở hai lượt đi-về. Hay nói cách khác, ở lượt về, ông đã xây dựng một phương án tiếp cận khung thành Phillippines khác hẳn ở trận lượt đi.

Quang Hải - Ảnh: LT 

Hãy nhớ lại hai bàn thắng của chúng ta ở lượt đi, và sau đó đối chiếu lại với những gì xảy ra ở lượt về, chúng ta sẽ nhận ra khác biệt rất lớn trong phương án tìm kiếm bàn thắng của tuyển Việt Nam. Hai bàn của trận lượt đi là hai đường chuyền dài với điểm rơi là sau lưng hàng thủ đối phương để tiền đạo thoát xuống dứt điểm. Và điểm phát xuất của hai đường mở bóng đó đều bắt đầu từ hai cầu thủ chạy cánh (winger) của Việt Nam là Văn Hậu và Trọng Hoàng. 

Cũng trong trận lượt đi ấy, Việt Nam khai thác rất tốt các đường chuyền vượt tuyến như vậy. Chính vì việc ĐTVN dùng vũ khí chủ đạo là các đường chuyền vượt tuyến với điểm rơi sau lưng hàng thủ như thế mà ở lượt về, Sven Goran-Eriksson đã “bắt bài” bằng cách sử dụng hàng thủ 3 người với ý đồ tăng cường khả năng bọc lót ở tuyến sau.

Nhưng Park Hang-Seo lại không dùng lại bài đánh cũ ở trận lượt về. Điều đó khiến Phillippines khá bất ngờ. Tình huống Anh Đức lao vào đón đường căng ngang cận thành nguy hiểm ở phút 34 của hiệp 1 là minh chứng rõ rệt nhất cho việc thay đổi cách tấn công của ĐTVN ở lượt về. Thay vì chuyền dài vượt tuyến làm chủ đạo, ĐTVN lại tổ chức phối hợp nhóm 3-4 người ở không gian hành lang cận biên (half space) của hai biên đối thủ và dùng những đường chuyền ít chạm, chuyền ngắn. Với lối đánh này, chúng ta đã tạo ra được nhiều cơ hội tốt và lại khiến đối thủ không thể tổ chức tấn công theo đúng kế hoạch mà họ đã đề ra.

Phan Văn Đức - Ảnh: LT 

Cả trận lượt về, hầu như rất ít tình huống các cầu thủ Việt Nam mở bóng dài mà thay vào đó là chơi bóng ngắn, duy trì khoảng cách và cố gắng duy trì quyền kiểm soát bóng. Các nhóm phối hợp chủ đạo trong tấn công là trung phog Anh Đức - Văn Đức - Quang Hải và một cầu thủ chạy cánh, tùy theo phía biên tấn công. 

Việc Văn Hậu hoặc Trọng Hoàng dâng lên tạo thêm điểm phối hợp đã buộc cầu thủ chạy cánh của đối thủ phải lui lại hỗ trợ phòng ngự và do đó ít cơ hội dùng tốc độ khoét sâu vào biên của Việt Nam như ý đồ. Chính vì thế, khi có bóng, thường Phillippines phải chọn phương án tạt sớm, ít gây nguy hiểm cho khung thành của thủ môn Văn Lâm.

Và với bài đánh ngắn đó, ông Park Hang-Seo để các cầu thủ Việt Nam tăng tốc ở nửa cuối của hiệp 2, khi lý do mới vừa điều chỉnh đội hình khiến các cầu thủ Phillippines chưa thể tạo được thế trận mới. Pha Anh Đức thoát xuống nách trái vòng cấm địa Phillippines (theo hướng tấn công của Việt Nam) nhưng không thể đón được đường chuyền 1 chạm tinh tế của Quang Hải chính là dấu hiệu báo trước thời khắc những pha phối hợp nhóm nhỏ tốc độ cao của Việt Nam sẽ phát tác. Để rồi cũng chính từ vị trí mà Anh Đức đã thoát xuống ấy, lần lượt Văn Đức và Công Phượng khoét vào để mở toang ra cơ hội cho hai bàn thắng của ĐTVN.

Hai trận bán kết là hai kịch bản tấn công hoàn toàn khác nhau mà cơ bản về nhân sự thì không thay đổi gì nhiều (trừ vị trí của Xuân Trường thay cho Hùng Dũng), điều đó cho thấy sự cơ động, linh hoạt và đa dạng của ĐTVN dưới bàn tay dẫn dắt của Park Hang-seo là ghê gớm như thế nào. Và ở điểm đáng chú ý này, khen ông Park là chưa đủ mà chúng ta còn cần phải khen ngợi cả ý thức chiến thuật của tập thể các tuyển thủ. Họ đã rất “thuộc bài” mà HLV đưa ra và hi vọng rằng, với sự đa dạng trong ý tưởng cùng khả năng ‘thuộc bài’ này, ĐTVN sẽ tiếp tục làm Malaysia phải bất ngờ.

 Chúng ta vẫn nhìn vào Malaysia ở bán kết để nói rằng đó không phải là Malaysia ở vòng bảng. Song, chúng ta cũng có thể để người Malaysia hiểu rằng ĐTVN ở chung kết cũng không phải là ĐTVN mà họ có thể bắt bài từ những gì đã chứng kiến chúng ta ở những trận vừa qua.


Hà Quang Minh
.
.
.