Bệnh nhân ung thư lạc trong bão COVID: Sợ không còn sức mà chờ đợi…
- Hơn 2.200 cử tri ở Bệnh viện K đang bị phong tỏa đã tham gia bầu cử
- Bệnh viện K gỡ bỏ phong tỏa 2 cơ sở từ ngày 24/5
“Ở nhà trọ, mấy ngày rồi chúng tôi không được ngọn rau nào, thèm rau xanh lắm cô ơi”, “Giãn cách nên đến nước uống cũng không mua được, nước ở nhà trọ tôi không uống nổi”, “Em mệt mỏi rồi chị ạ, sự chờ đợi bây giờ là quá dài, có lẽ em đành buông xuôi…”. Bên tai tôi vẫn văng vẳng những tiếng than não nề, thống thiết của bệnh nhân điều trị ngoại trú Bệnh viện K những ngày qua khi cả 3 cơ sở của bệnh viện cùng phải cách li y tế để phòng dịch.
Không chỉ lo nỗi lo bệnh tật, người bệnh còn phải chật vật xoay xở miếng ăn hằng ngày trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Cơn bão COVID-19 ào đến đã đánh bạt người bệnh ra xa bệnh viện - nơi bấu víu duy nhất của họ để được sống thêm từng ngày, bào mòn tinh thần và ý chí chiến đấu với bệnh tật, bẻ gãy niềm hy vọng mà họ đang cố nhen lên…
Cơm không rau, đau không thuốc
Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (BVK) bị phong tỏa, có lẽ chưa bao giờ đường Cầu Bươu lại đìu hiu vắng vẻ như những ngày này. Dọc hai bên đường, hàng rào cách ly cứng chăng thành dãy dài, hàng quán đóng cửa im ỉm. Phía bên kia, cổng BVK tịnh không một bóng người, barie cứng lẫn dây phong tỏa lớp trong lớp ngoài, bảng thông báo đặt ngay cổng “Do tình hình COVID-19, tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân".
Bệnh nhân ung thư đang chờ đợi từng ngày được sang Bệnh viện K chữa trị. |
Bên này đường là ngõ 97 thuộc phường Kiến Hưng - con ngõ quen thuộc của những bệnh nhân ung thư lên BVK chữa bệnh, hiện đang thực hiện giãn cách, cũng im lìm, khác hẳn vẻ nhộn nhịp hằng ngày. Ngay đầu ngõ, dải phân cách chắn ngang đường khiến mọi hoạt động bị ngáng trở tuyệt đối. Bảng thông báo của tổ dân phố số 15 phường Kiến Hưng ghi rõ: “Yêu cầu các gia đình tự cách li. Các nhà trọ không được nhận thêm người trọ, cũng không cho người đang trọ về quê”. Dưới nắng hè oi bức, lều dã chiến của chốt kiểm soát dịch bệnh dựng ngay đầu ngõ như chảy nhão ra, không khí căng thẳng và lo âu.
Trong vẻ bề ngoài vắng lặng ấy, sâu trong các ngõ ngách, các phòng trọ, những bệnh nhân ung thư đang mệt thỉu, oằn mình chịu đựng cơn đau. Từ nhiều vùng quê xa xôi, họ cùng nhau lên BVK chữa bệnh, thuê trọ quanh bệnh viện. Chẳng ngờ, nhiều người đang mắc kẹt ở đây đã nhiều ngày.
Cổng Bệnh viện K Tân Triều vắng lặng chiều 14-5. |
Gần 4 giờ chiều ngày 14-5, xuất hiện những dáng người gầy gò khắc khổ ở đầu ngõ. Họ đeo khẩu trang, ngồi phệt xuống chân cột điện hay bậc thềm nhà, giữ khoảng cách xa nhau, không ai nói với ai lời nào, ánh mắt mong ngóng dõi sang bên kia đường nơi cổng viện. Họ không phải là người dân ở con ngõ này, mà là người bệnh và người nhà bệnh nhân đang điều trị dở dang ở BVK. Chiều nay, nhóm từ thiện “Từ trái tim đến trái tim” phát lương thực, dù lo sợ bệnh tật nhưng vì thiếu thốn, đói khổ mà họ phải kéo xuống đường chờ đợi. Từ bên ngoài hàng rào chắn, tôi chứng kiến cảnh tượng não nề và thảm thương ấy.
Ông Nguyễn Duy Mươi người gầy gò, thất thểu từ trong ngõ đi ra. Mấy ngày vừa rồi ông thực hiện nghiêm việc giãn cách, ở suốt trong nhà trọ, đồ ăn thức uống thiếu thốn nhưng cũng đành chịu. Nghe tin chiều nay có nhóm từ thiện hỗ trợ lương thực, ông mừng quá, liền ra đầu ngõ để nhận. Xách theo chiếc vỏ chai 1,5l, ông Mươi chỉ mong có nhà người dân nào mở cửa thì xin một chai nước đã lọc kiềm về đun cho vợ ông uống. Ở khu trọ này, khổ nhất là nước ăn.
Ông Nguyễn Duy Mươi từ quê lên chăm vợ bị ung thư đang chờ đợi nhận đồ từ thiện. |
Nước ở đây nhiều kiềm, không thể ăn uống nổi, chỉ để tắm giặt thôi. Dân ở đây có máy lọc kiềm để lấy nước ăn uống nhưng người bệnh thì lấy đâu ra máy lọc, đành phải đi mua. 20 nghìn mua được 6 lít nước, ông bà tằn tiện để đun nước uống và nấu cơm trong 2 ngày. Giờ thì muốn mua nước cũng không có chỗ mua nên phòng trọ không còn giọt nước uống nào.
“Bà nhà tôi ung thư đã ở giai đoạn nặng rồi cô ạ, mấy ngày nay không được điều trị lại càng nặng thêm. Tôi sốt ruột lắm, như ngồi trên đống lửa. Thương bà ấy người mệt, khó thở, ho rút ruột rút gan mà vẫn phải ở phòng trọ vài mét vuông, thiếu thốn đủ thứ, đi lại mấy mét tôi cũng phải dìu. Chưa bao giờ vợ chồng tôi lại ở vào hoàn cảnh khổ sở như thế này. Không biết bà ấy còn chịu đựng được bao lâu nữa”, ông lão nói mà giọng lạc đi, gương mặt méo xệch. Rồi ông khóc! Giọt nước mắt của người đàn ông trong hoàn cảnh ấy mới cùng cực làm sao.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Ruộng, 74 tuổi, bị ung thư phổi. Bà phát hiện bệnh từ tháng 3 năm ngoái. Đã hơn một năm ròng rã, hai vợ chồng già dắt díu nhau từ xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, Hưng Yên lên BVK không biết bao nhiêu lần, hết truyền hóa chất lại xạ trị. Lần này, ông đưa bà lên viện từ hôm 31-3 điều trị ngoại trú và ở trọ trong ngõ 97. Đang dở đợt điều trị thì BVK dừng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân do dịch COVID-19 bùng phát.
Lúc đầu, ông Mươi định đưa bà về quê nhưng nghĩ đến con cháu ở nhà, nhỡ mình mang dịch bệnh về nhà thì khổ. Mà ở đây thì thiếu thốn, bí bách quá, thành ra về cũng dở mà ở cũng không xong. Dù sao cũng phải tuân thủ giãn cách để không bị nhiễm COVID. Bởi ông hiểu, vợ ông nhiễm COVID mà có bệnh nền như vậy chắc sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi, cũng cố lết từ phòng trọ xuống đường chiều nay. Người chỉ còn da bọc xương, đầu đã rụng hết tóc, lại bị tật ở chân, mỗi bước đi với bà là một sự gắng sức. Mắc ung thư vú đã ở giai đoạn nặng, bà từ quê ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, Phú Thọ xuống BVK điều trị suốt từ tháng 8-2020 đến nay. Sau khi phẫu thuật, hóa trị 8 lần thì bà chuyển sang xạ trị.
Hôm 29-4 bà xuống viện, tưởng xạ trị xong thì được về nhà, nào ngờ phải ở đây luôn. Chồng bà sức khỏe yếu, con trai con dâu đi làm công nhân không nghỉ được nên anh con trai chỉ kịp đưa mẹ lên đến viện rồi lại về quê. Nhưng, về đến Phú Thọ thì cả nhà bà phải tự cách li 3 tuần vì có người nhà là bệnh nhân BVK, thành ra không tiếp tế cho bà được chút gì
Hôm đi, bà gom góp được gần 2 triệu đồng, giờ trong túi chỉ còn 300 ngàn nhưng vì xác định còn phải trụ ở đây nhiều ngày nữa nên bà không dám tiêu pha. Đơn thuốc bác sĩ kê đã uống hết rồi nhưng cũng không còn tiền để mua thêm. Hằng ngày, các nhóm từ thiện cho gì thì bà ăn nấy. Bữa thì mỳ tôm, bữa ăn cơm với lạc rang muối, người đau và mệt lả nhưng vẫn cố nuốt cho khỏi đói. Một ngày ở nhà trọ, bà đã mất 80 nghìn tiền phòng và điện nước, có khi đợt này phải khất nợ chủ trọ.
“Bà ở dưới đó có bị đói không, có mệt không, tôi sốt ruột quá mà không sao được”, ngày nào ông Đinh Văn Lũy từ Phú Thọ cũng gọi điện hỏi vợ. Bà Thanh giấu nhẹm tình cảnh hiện tại, chỉ bảo mọi thứ vẫn tốt để ông đỡ lo. Thực ra bà đau nhức và mỏi mệt lắm, chỉ mong có người thân bên cạnh nhưng lúc này thì đành chịu đựng một mình. Bà ước bây giờ có bát canh hay đĩa rau muống luộc ăn cho đỡ xót ruột, chứ cứ sống dở chết dở trong cảnh “cơm không rau, đau không thuốc” thế này, cơ thể sẽ ngã quỵ trước khi được bệnh viện tiếp tục chữa trị.
Ca cấp cứu từ phòng trọ
Ngày 7-5, BVK bị phong tỏa thì ngày 8-5, tại một phòng trọ ở ngõ 93 đường Cầu Bươu, cô gái trẻ đáng thương tên Nhân lên cơn khó thở và ho rũ rượi. Năm ngoái, Nhân phát hiện bị ung thư vú. Từ huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Nhân xuống BVK điều trị. Sau khi phẫu thuật, truyền hóa chất và xạ trị, Nhân được xuất viện về nhà với chồng con. Tưởng sức trẻ của cô gái sinh năm 1994 sẽ át được bệnh tật, nào ngờ 7 tháng sau, bệnh tái phát.
Từ xóm trọ, cô gái tên Nhân phải nhập viện K cấp cứu vì bệnh trở nặng. |
Ngày 22-4, Nhân xin nghỉ việc, gửi con mới 3 tuổi cho ông bà nội, một mình xuống BVK khám, bác sĩ kết luận ung thư đã di căn vào phổi. Nhân nuốt nước mắt để bước vào cuộc chiến mới. Chẳng thể ngờ dịch COVID-19 lại bùng phát, Nhân chỉ còn biết ở lại nhà trọ trông ngóng từng ngày. Đêm đêm, cơ thể đau nhức, Nhân liên tục nhờ chị Mến - một bệnh nhân ung thư cùng phòng trọ cho uống thuốc giảm đau. Thương Nhân, chị Mến động viên Nhân cố chịu đựng, đừng lạm dụng thuốc. Rồi chị ngồi vỗ lưng cho em, họ cùng nhau vật lộn với bệnh tật.
Sức khỏe của Nhân chuyển biến xấu khiến cô không chờ đợi nổi một ngày. Khi thấy Nhân càng lúc càng khó thở, mặt mày tím tái, chị Mến và những bệnh nhân còn lại ở nhà trọ cuống cuồng liên hệ với bác sĩ bên BVK. Nhận thấy bệnh tình của Nhân nguy kịch, dù bệnh viện đang bị phong tỏa nhưng các bác sĩ vẫn cho Nhân vào thẳng Khoa Cấp cứu.
Nóng lòng muốn biết tình hình về Nhân, tôi bốc máy gọi cho em. “Vâng, em Nhân đây”, từ trong Phòng Hồi sức của BVK, Nhân vừa thều thào bắt máy đã ho rũ rượi từng chập và thở hổn hển. Nhân bảo hiện tại cô vẫn ho nhiều, người mệt lả. Nhân đau lắm, chỗ nào cũng đau, đau suốt đêm khiến cô không thể ngủ được. Vào viện đã một tuần, Nhân thấy rõ cơ thể cô gầy yếu đi nhiều.
Các bác sĩ cho Nhân thở máy, tích cực truyền thuốc, rồi uống thuốc ho, thuốc an thần. Một thân một mình trong viện trong những ngày nguy kịch, nếu không có các bác sĩ chăm sóc và những bệnh nhân cùng phòng hỗ trợ thì Nhân không biết bấu víu vào đâu. Chồng Nhân ở Lào Cai sốt ruột về tình hình của vợ nhưng đành bất lực. Nhân vừa lo lắng cho tình trạng bệnh của mình, vừa nhớ nhà nhớ con, vừa tủi thân, nằm trên giường bệnh, vừa ho vừa khóc.
Từ hôm Nhân nhập viện, chị Mến lo lắng, sốt ruột cho người bạn cùng phòng trọ nhưng cũng chỉ biết gọi điện hỏi thăm. Mến cùng quê và hơn Nhân 6 tuổi, là mẹ của hai con gái bé bỏng. Mến đợt này cũng đang xạ trị dở dang, còn 16 mũi đang chờ chị. Lúc đầu mới biết mình bị ung thư vú, Mến bủn rủn chân tay, trời đất như sụp đổ. Nhưng, lên đây rồi, thấy ai cũng giống mình nên dần dần nỗi buồn cũng chai sạn và cuốn theo nhịp xạ trị, hóa trị, xét nghiệm triền miên. Hai vợ chồng chưa có nhà riêng, ở cùng ông bà ngoại. Chồng chị đi làm công nhân ở huyện Bát Xát lấy tiền cho vợ chữa bệnh.
Hôm 30-4, chị Mến xuống BVK xạ trị, hẹn hai con gái sau một tuần mẹ sẽ về. Nào ngờ, lệnh phong tỏa và giãn cách quá bất ngờ khiến chị không kịp về với con. Chị mong từng ngày dịch bệnh qua đi, bệnh viện hoạt động trở lại. Nhiều lúc chị nghĩ, bệnh nhân nội trú thuộc diện cách ly nhưng còn được các bác sĩ chăm sóc hằng ngày, chứ bệnh nhân ngoại trú, giờ có đau đớn mấy cũng phải chịu.
Ngay bên kia đường thôi, các bác sĩ đang trong đó, mà mấy trăm bệnh nhân bên này không thể vào được, khổ tâm và lo âu hết sức. Mến biết người bị ung thư điều trị dài ngày thì hệ miễn dịch suy giảm, COVID-19 có thể lấy đi mạng sống của chị bất cứ lúc nào nên không dám ra ngoài, chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Chị nín thở lắng nghe cơ thể từng ngày và cảm nhận được bệnh đang diễn biến nặng hơn. Truyền thuốc và xạ nhiều, cơ thể nóng và suy nhược, một nắm lá diếp cá để giã uống giờ cũng thành xa xỉ với chị, thứ nước duy nhất chị uống trong mấy ngày qua chỉ là nước lọc. Ngày nào hai con gái nhỏ cũng gọi điện động viên mẹ, cứ nghe thấy tiếng con là chị Mến lại khóc nghẹn.
Trong những ngày này, bệnh nhân ung thư là người thân duy nhất của nhau. Như chị Mến và bà Vũ Thị Đào, hai người phụ nữ một già một trẻ ở cùng nhà trọ nên có gì cũng san sẻ cho nhau. Bà Đào 68 tuổi, ở thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định bị ung thư trực tràng, cũng một thân một mình lên đây chữa bệnh. Mới phát hiện bệnh từ cuối tháng 3, bà lên BVK khám và điều trị từ 30-3 và ở luôn đây đến bây giờ. Đây là lần đầu tiên bà xa nhà đi chữa bệnh, không thể ngờ chuyến đi chưa có ngày về.
Đợt xạ trị đang dở dang, sau đó mới phẫu thuật và điều trị tiếp, bà nghĩ đến hành trình dài dằng dặc ấy mà lòng đầy hoang mang. Bà bảo bà đã từng vào chiến trường miền Nam chống Mỹ, cuối đời lại chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, đều khốc liệt như nhau. Số tiền mang theo đã hết, giờ bà chỉ sống bằng nguồn từ thiện. Chưa đi trọ bao giờ, tất cả với bà Đào đều thiếu thốn, lạ lẫm. Nhà trọ nóng nực, chật chội, chỉ có cái quạt thổi à à, nóng càng thêm nóng, đêm bà không ngủ được, nước mắt cứ trào ra. Mấy ngày qua, bà bấu víu vào đơn thuốc kê trước đó, thuốc cũng sắp hết mà chẳng có tiền mua.
Bữa cơm chung của chị Mến và bà Đào - những người mang trọng bệnh, đáng nhẽ phải đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng giờ chỉ có mấy miếng bí luộc, mấy hạt lạc rang muối và quả trứng thôi. Hôm trước được đoàn từ thiện tặng cho quả bí xanh, bà Đào chia cho mỗi người trong nhà trọ một khúc, cùng nhau vượt qua lúc khó khăn. Một ngày kéo dài lê thê, họ chỉ còn biết thở than cùng nhau, khóc cùng nhau, rồi lại động viên nhau cùng gắng gượng.
Phấp phỏng ở quê xa…
Chị Phạm Thị Kim Thúy, chủ nhà trọ An Bình ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông bảo với tôi rằng trong mấy con ngõ đối diện BVK có đến 600 người cả bệnh nhân ung thư và người nhà hiện còn mắc lại, riêng nhà chị vẫn còn 23 người trọ. Thường ngày bệnh nhân ung thư đã khổ sở vật lộn giành giật sự sống với tử thần, khi bị giãn cách, họ lại càng khổ hơn. Bởi bên cạnh nỗi lo bệnh tật là nỗi lo đói khát. Từng ấy căn phòng chị cho thuê trọ là từng ấy mảnh đời khổ cực từ khắp các vùng quê về đây. Ai chả muốn ở phòng rộng rãi nhưng tiền không có nên họ thường ở ghép 3-5 người trong một phòng trọ chật chội để tiết kiệm chi phí.
Nhóm từ thiện chuyển lương thực đến hỗ trợ người bệnh chiều 14-5. |
Có người một mình xuống viện, tự bơm xông ăn theo đường mũi, dây nhợ đầy người. Mấy hôm trước ở đây bệnh nhân đói lắm, mấy ngày liền toàn ăn mì tôm. Hôm nay có nhà từ thiện nên đỡ hơn, chị Thúy cũng cố gắng liên hệ với một vài người có tấm lòng hảo tâm để quyên góp cơm cháo giúp đỡ người bệnh chạy ăn từng bữa. May mắn là hiện tại bọn trẻ con ung thư đã được bố mẹ kịp đưa về quê chứ không thì còn khổ nữa.
Bệnh nhân kẹt lại xóm trọ đã vậy, bệnh nhân ung thư tưởng may mắn về được đến quê nhưng cũng đang phấp phỏng lo âu khi điều trị dở dang. Cách Hà Nội hàng trăm kilômét, chị Phạm Thị Băng, sinh năm 1966, ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang trong những ngày khổ sở vì bệnh tật. Cách đây 2 năm, thấy đau tức ngực, đi khám, chị rụng rời khi biết mình bị ung thư vú. Rồi sau đó là những ngày tháng chị đi viện triền miên, những chuyến xe khách Thái Bình - Hà Nội tốn kém và mệt mỏi để phẫu thuật và truyền hóa chất. Tóc trên đầu chị rụng rồi lại mọc đã mấy lần.
Một thời gian, chị thấy người khỏe lại, tưởng cuộc sống hồi sinh. Nào ngờ, chẳng được bao lâu, bệnh tái phát và trở nặng, bác sĩ nói đã ở giai đoạn cuối, chị phải chuyển sang BVK cơ sở 2 ở Tam Hiệp để điều trị tiếp. Truyền thuốc được 2 lần, chị đã kịp về quê trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng lại không kịp gặp bác sĩ để hỏi han, xin chỉ dẫn, thành ra đứt liên lạc với bệnh viện từ đó đến nay.
Ở Thái Bình cũng căng thẳng, toàn tỉnh đã thực hiện giãn cách từ trưa ngày 6-5 để chống dịch, chị đã khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Giờ có muốn cũng không di chuyển đi đâu được. Nhớ hôm rời viện, bác sĩ hẹn 20 ngày sau lên truyền thuốc. Đến nay đã quá lịch truyền mấy ngày nhưng đường đến viện còn xa vời. Những cơn rau cứ cắn rứt chị đêm ngày nhưng chị nín lặng chịu đựng, sợ chồng và các con lo lắng. Bởi chị biết, trong tình cảnh này chẳng thể làm điều gì khác được.
Ngày nào chị Băng cũng xem tivi xem có tin tức gì về BVK không, khi nào mình có thể lên điều trị được. Lòng chị lúc đầu như lửa đốt nhưng dần lại chuyển sang chán nản, muốn buông xuôi. Rồi giọng chị nghẹn ngào: “Có lẽ chị thôi... Chị thấy mệt mỏi lắm rồi, vừa lo bệnh mình, vừa lo COVID-19. Giờ chữa bệnh gián đoạn lúc được lúc không thế này, làm sao hiệu quả được. Chị ở nhà thôi, được ngày nào hay ngày ấy. Ung thư là án tử rồi...”.
Tôi biết, thốt ra những lời này, chị đã phải suy tính, dằn vặt, khổ đau rất nhiều trong hoàn cảnh hiện tại. Hơn lúc nào hết là nỗi mong mỏi dịch bệnh chóng qua, để những người như chị Băng có thể quay trở lại viện điều trị, kéo dài thêm quãng thời gian được ở bên người thân. Bởi, cái quý nhất của con người ta là sự sống, dù có ngắn ngủi đến đâu.
“Số phận đã sắp đặt tôi trở thành một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine chống COVID-19 của Việt Nam. Giờ đây, tôi tiếp tục xông pha vào tâm dịch để trao yêu thương và động viên người bệnh kiên cường vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đêm đêm, đọc những tin nhắn khẩn thiết của người bệnh đang thiếu cơm ăn nước uống, tôi không cầm lòng được. Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” chúng tôi đã nhanh chóng kêu gọi được gần 600 lượt người hảo tâm chung tay giúp sức cho các y, bác sĩ, bệnh nhân ung thư nội trú và ngoại trú của BVK Tân Triều, khu cách ly Pháp Vân. Ở tâm dịch, cuộc sống khó khăn gấp bội phần, chỉ mong các bác sĩ kiên cường nơi tuyến đầu và người bệnh không bị bỏ lại phía sau...” - chị Trần Thị Nhung - giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Chủ nhiệm câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim”. |
“Mấy ngày nay, hàng trăm bệnh nhân ung thư và người nhà đang giãn cách trong các con ngõ đối diện BVK Tân Triều thiếu thốn cơm ăn nước uống, xoay xở chật vật để lo bữa cơm hằng ngày. Chúng tôi trực ở chốt chắn này, sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ điều tiết các nhóm từ thiện phát đồ cứu trợ cho các bệnh nhân ngoại trú. Chiều nay, có 340 suất quà tiếp tế theo danh sách rà soát kĩ lưỡng của tổ dân phố. Trong những ngày này, từng gói mỳ, mớ rau, hộp sữa đều đáng quý với họ, nuôi họ sống từng ngày” - anh Nguyễn Thế Ninh, Tổ quản lý đô thị phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. |