Xót xa nạn tảo hôn khắp thế giới
- Hệ lụy đau lòng từ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- "Nóng" tình trạng tảo hôn trong làn sóng người tị nạn
- Vấn nạn tảo hôn tại Bangladesh
- Đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Những phụ nữ trẻ vẫn còn là bé gái, nhưng đã có chồng và có người thậm chí đã có con. Đó là số phận mà những bé gái như Abaynesh ở Ethiopia, Ramgani ở Ấn Độ và Nayane ở Brazil đang phải chịu đựng. Trong loạt bài này, CSTC sẽ lột tả một phần cuộc sống của những “bé gái làm mẹ”.
Góa phụ 15 tuổi
Nayane và người chị song sinh Nayara đang dán mắt vào màn hình điện thoại của họ. Chiếc điện thoại rung lên mỗi khi có tin nhắn tới. Nayara đã không ra khỏi nhà suốt 3 tháng nay. Đó là hình phạt của nhóm buôn bán ma túy “Tư lệnh Đỏ” dành cho cô vì có mối quan hệ với một người ở một nhóm kình địch.
Nayane ở với chị mình trong khi cô bị giam cầm. Họ thơ thẩn suốt ngày trong căn nhà chật chội ở Parque União, nằm ở Maré, khu ổ chuột phía bắc Rio de Janeiro. Nayane đang ẵm trong lòng đứa con gái 10 tháng tuổi Ana Sophia.
Bà mẹ đơn thân Nayane 15 tuổi, bế trên tay con gái 10 tháng tuổi. |
Hai chị em song sinh này chỉ mới 15 tuổi, nhưng đã nghỉ học. Nayane đang chuẩn bị đi tới một bữa tiệc nhảy nhạc funk (một loại nhạc pha trộn giữa nhạc soul, jazz và blue), tương tự bữa tiệc nơi cô gặp cha của con gái mình. Người mẹ trẻ có hình của anh ta trong túi áo. Anh ta liên quan đến các hoạt động buôn bán ma túy và đã bị bắn chết trong một chiến dịch trấn áp của cảnh sát cách đây 6 tháng.
Brazil là nơi có số vụ kết hôn trẻ em lớn thứ tư trên thế giới. Khoảng 1 triệu phụ nữ ở độ tuổi 20-24 đã kết hôn trước khi được 15 tuổi, và 3 triệu người kết hôn trước 18 tuổi. Tuổi kết hôn trung bình có sự đồng thuận của cha mẹ ở Brazil là 16 tuổi, trong khi tuổi trung bình có thai còn nhỏ hơn.
Có thai sớm là một trong những lý do tảo hôn ở nhiều nước, nhưng ở Brazil đó là lý do chính. Theo Vanessa Fonseca, điều hợp viên dự án của tổ chức phi chính phủ Promunda, có 2 lý do cho thấy tại sao các cô bé muốn kết hôn sớm: để được chu cấp tiền bạc và được tự do khỏi gia đình.
Không giống những nước khác, như Ấn Độ hay Ethiopia, những cuộc hôn nhân này lúc đầu là không chính thức. “Chúng giống như một thỏa thuận. Các cô bé “lấy chồng” rồi chia tay bất kỳ khi nào họ muốn”, Fonseca nói.
Bản thân Nayane cũng chưa bao giờ làm đám cưới với cha của con mình, như cô nói, bạn bè cô đều rời khỏi nhà cha mẹ để sống với “đối tác” và thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Hai người bạn của cô đã thiết lập một gia đình độc lập, và 2 người khác vừa trở thành mẹ.
Vẫn ham chơi
Khác với tình hình ở Ấn Độ hay Ethiopia, các cô bé không bị ép kết hôn ở Brazil. Hơn nữa, những vụ kết hôn thường không chính thức và diễn ra một cách tự nhiên, trong đó có bầu sớm thường là lý do, chứ không phải do hậu quả là có em bé.
Dù có những khác biệt đó, nhưng các cô bé ở Brazil cũng đối mặt với những vấn đề tương tự: bạo hành, bỏ học sớm và những vấn đề về sức khỏe do có thai sớm. Nhưng điều đáng buồn là những vấn đề này bị xã hội cũng như chính quyền làm ngơ và quên lãng.
Christiane, lấy chồng sau khi mang thai ở tuổi 16, sống trong cùng khu ổ chuột với Nayane. Nay, 19 năm sau, cô đã tái hôn và có 2 đứa con gái với người chồng mới. Đây là một điển hình được lặp đi lặp lại.
Bạn của Nayane đã đến đón cô tới buổi tiệc nhảy. Đó là nơi cuốn hút nhiều thiếu niên, có bé gái chỉ mới 11 tuổi. Họ nhảy múa điên cuồng, uống rượu, hút thuốc, chơi ma túy và thậm chí quan hệ tình dục.
(Còn tiếp)