"Vàng trắng" xứ trầm hương

Thứ Tư, 16/03/2016, 03:00
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu như nói đến Khánh Hòa – vùng đất xứ trầm hương, mà không nói đến sản vật yến sào được ví như ”vàng trắng” do loài chim yến kết tổ trong các hang đá trên những hòn đảo. Bên cạnh những người thợ chuyên nghề khai thác yến sào treo mình trên giàn giáo kết nối bằng cây lồ ô ở độ cao hàng chục mét tính từ mặt nước biển, còn có đội ngũ bảo vệ chuyên trách ngày đêm vất vả canh giữ đảo yến...


1. Ngồi trên chiếc tàu cao tốc rời bến cảng Cầu Đá ở phường Vĩnh Nguyên, hướng mũi lái ra vịnh biển Nha Trang giữa buổi sáng tháng giêng đầy nắng gió, tôi đã nghe những người chuyên nghề khai thác yến sào ở các hòn đảo kể về huyền tích đền thờ Tổ nghề yến ở Hòn Nội. 

Sử xưa Khánh Hòa truyền rằng, trong một chuyến công cán phương Nam năm 1328, Đề đốc thủy quân nhà Trần - Lê Văn Đạt cùng binh tướng gặp phải bão lớn trên biển, sóng gió xô đẩy đoàn thuyền dạt đảo Hòn Tre thuộc vùng biển phủ Bình Khang – nay là tỉnh Khánh Hòa. Khi nguồn lương thực mang theo trên thuyền cạn kiệt, Đề đốc điều binh lính tìm kiếm thực phẩm tự nhiên và đã phát hiện yến sào trong hang đá trên các hòn đảo. 

Với tầm nhìn của một vị tướng, Đề đốc Lê Văn Đạt thành lập các đội thủy quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn sản vật yến sào. Cũng từ đó nghề khai thác yến sào hình thành, được các thế hệ tiếp nối suy tôn Đề đốc Lê Văn Đạt là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam. 

Kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang, sinh năm Kỷ Hợi (1719) - hậu duệ đời thứ 21 của Đề đốc Lê Văn Đạt cùng và con gái Lê Thị Huyền Trâm, sinh năm Quý Dậu (1753). Với vị thế chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm Tổng quản cụm đảo Hòn Tre cùng và các sở lưới đăng, đảo yến dưới thời Tây Sơn, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào để tạo nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu. Từ năm 1788, bà chỉ huy liên quân thủy bộ, trấn thủ một số vùng biển trọng yếu. 

Trong cuộc chiến bảo vệ các đảo yến và chủ quyền lãnh hải Tổ quốc ngày 10-5-1793 (Kỷ Sửu), Đại đô đốc Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và một số tướng sĩ hy sinh anh dũng. Người dân suy tôn Đại đô đốc Huyền Trâm là Bảo yến đảo chủ Thánh mẫu và lập miếu thờ bà trên các đảo yến, chọn ngày 10-5 âm lịch hằng năm là ngày tưởng niệm Thánh mẫu Huyền Trâm cùng các tướng sĩ Tây Sơn và sau này là Lễ hội yến sào Khánh Hòa tổ chức tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo Hòn Nội để tri ân các bậc tiền nhân.

Những căn nhà thường trực bảo vệ nguồn lợi "vàng trắng" treo trên vách núi.

2. Sau hải trình hơn 10 hải lý, chiếc ca nô tiếp cận Hòn Nội – một trong 24 đảo yến trên vịnh biển Nha Trang do Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa quản lý, phát triển đàn yến và khai thác “vàng trắng”. Từ một góc đảo ngước nhìn lên vách núi dựng đứng cheo leo, hiểm trở với nhiều hang đá lớn nhỏ lỏm chỏm là những cây lồ ô kết nối thành giàn giáo phục vụ khai thác yến sào. 

Anh Phạm Văn Hải – một công nhân có nhiều trải nghiệm, chia sẻ: “Nghề này đối mặt với nhiều nguy hiểm nếu xảy ra sự cố bất cẩn khi treo mình ở độ cao để thu hái tổ yến, chính vì thế doanh nghiệp thường xuyên chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, quy định về an toàn lao động, bảo hộ, bảo hiểm tai nạn lao động”. 

Ngồi kế bên, công nhân Tống Đình Hoàng tâm sự: “Vất vả, hiểm nguy nên đòi hỏi người thợ khai thác phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, có kỹ năng, nghệ thuật và tinh thần dũng cảm. Trước mỗi cuộc khai thác, từng nhóm thợ phải khảo sát địa hình, thiết kế giàn giáo phù hợp địa hình từng hang đá, đảm bảo an toàn, hiệu quả”. 

Nghe anh Hoàng trao đổi, chợt nhớ cách đây hơn hai năm tôi đã tiếp xúc cụ Phạm Lên, 86 tuổi – người có hơn 70 năm nối nghiệp cha ông từ thời niên thiếu, khi các đảo yến ở vịnh biển Nha Trang còn là điểm đến tự do của những người khai thác yến sào. 

Cụ Lên kể rằng: “Những nơi yến làm tổ trong hang đá rộng, thợ khai thác sử dụng lồ ô làm giàn giáo để tiếp cận tổ yến. Những nơi hang đá hẹp, phải “đi cội” - nghĩa là sử dụng cây sào tre, có móc sắt ở đầu ngọn để bẩy tổ yến rơi xuống tấm vỉ đan bằng lá buông. Gặp những tổ yến treo trên vách đá cheo leo, phải “đi dây” – nghĩa là tìm tảng đá có điểm tựa hoặc vị trí đóng cọc tre từ trên cao để buộc dây thừng vào đó cho thợ đeo bám, tiếp cận tổ yến. “Đi dăng” là sử dụng những đoạn tre kết nối giữa hai vách đá tạo thành bậc thang vươn lên nơi có tổ yến. “Đi bộ” là tự di chuyển bằng tay chân trên vách đá hẹp để đến nơi tìm thấy tổ yến. Ở những hang sâu không có ánh sáng, người thợ phải dùng đèn pin để tìm kiếm, khai thác yến sào”. 

Từ dưới chân Hòn Nội bước theo những bậc thang lên đỉnh Du Hạ ở độ cao hơn 90m, du khách không chỉ thỏa thích ngắm nhìn biển trời mở rộng mênh mông trước tầm mắt mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều hòn đảo trong cụm đảo yến Hòn Nội và bãi tắm đôi với hai dải cát hình vòng cung nối lưng với nhau ôm lấy những con sóng bạc đầu. Ở đó du khách có dịp thăm viếng đền thờ Tổ nghề yến sào, tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển nghề yến.

Rời Hòn Nội, chiếc tàu cao tốc đưa tôi về Hòn Ngoại, Hòn Mun đều là điểm đến của những đàn chim yến từ bao đời nay. Và từ nơi này, những chuyên gia kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa đã dẫn dụ chim yến di đàn sang các đảo khác. Trong số những người thợ khai thác yến sào có nhiều gia đình gắn bó truyền thống hàng chục năm. Ví như các anh Võ Văn Cam, Phạm Văn Hải, Đào Văn Song... đều là thế hệ thứ ba, thứ tư nối nghiệp cha ông.

Hơn 20 năm về trước, Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa quản lý 12 đảo yến với 40 hang yến. Bằng các biện pháp dẫn dụ, di đàn chim yến, đến nay đã có thêm nhiều đảo yến mới, như: Hải Đăng, Bàng Lớn, Đông Tằm, Mũi Tàu trên vịnh biển Nha Trang; Hòn Mai, Hòn Đỏ trên vùng biển Ninh Hòa; Hòn Cò, Hòn Nhàn ở vùng biển Cam Ranh... 

Theo đó doanh nghiệp này đã quản lý 33 đảo yến với hơn 170 hang yến; sản lượng yến sào khai thác được tại các đảo yến ở Khánh Hòa trong năm 2001 đạt 2.136kg, đến năm 2015 tăng lên 3.401kg, tổng doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Với kết quả đó, Tổ chức kỷ lục Guinness châu Á công nhận Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp quản lý, bảo vệ số lượng đảo yến, hang yến thiên nhiên nhiều nhất, với tổng sản lượng yến sào khai thác lớn nhất châu Á.

3. Trong chuyến đi thực tế các đảo yến trên vịnh biển Nha Trang, tôi có dịp tìm hiểu công việc những người canh giữ đảo yến. Trong số họ có không ít người gắn bó với nghề 20-30 năm trong các căn nhà treo bên vách đá để bảo vệ nguồn lợi “vàng trắng” thiên nhiên. 

Trong căn nhà thường trực bảo vệ Hòn Sam thuộc cụm đảo Hòn Nội, anh Nguyễn Ngọc Quý – người đã có hàng chục năm đảm nhiệm bảo vệ “vàng trắng” ở các đảo yến trên vịnh biển Nha Trang, nhớ lại: “Những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi hoạt động du lịch biển đảo Nha Trang chưa thu hút đông đảo du khách, chưa có điện thoại di động, mỗi lần có tàu thuyền đưa lương thực, thực phẩm ra đảo, anh em bảo vệ tranh thủ viết vài dòng thư tay gửi vào bờ động viên gia đình. Lắm khi nghe tin người thân đau ốm nhưng không thể về được vì những người mót yến luôn rình rập bên ngoài đảo”. 

Nói tới chuyện mót yến, nhiều nhân viên bảo vệ yến sào kể rằng, thời ấy hành lang pháp lý bảo vệ đảo yến chưa khép kín nên đến mùa thu hái yến sào, cư dân ở Vũng Me, Bãi Trũ – phường Vĩnh Nguyên đi thuyền đến các đảo để mót yến sào. Gọi là mót nhưng thực tế đã có một số đối tượng đột nhập vào những hang đá trên đảo để trộm yến sào, khiến cho đội ngũ bảo vệ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đến năm 1997-  khi các văn bản pháp lý được xác lập hoàn thiện và thực thi bằng nhiều biện pháp nghiêm minh, tình trạng mót yến mới được đẩy lùi.

Tiếp cận các đảo yến trên vịnh biển Nha Trang hôm nay, tôi thật sự cảm phục sức lao động bền bỉ của những người khai thác và bảo vệ nguồn lợi “vàng trắng”... Xuyên suốt ngày đêm, họ không chỉ tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt từng hang yến, tổ yến ở Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Đụn, Hòn Hố, Hòn Chà Là, Hòn Nọc, Hòn Xà Cừ, Hòn Mun... mà còn bảo vệ môi trường sống của những đàn chim yến từ chân đảo mở rộng ra biển. Bên cạnh việc sử dụng công cụ bẫy diệt kẻ thù chim yến là cú lợn, cú mèo, chim cắt, chuột... lực lượng bảo vệ đảo yến mở rộng tầm giám sát xung quanh để ngăn chặn ngư dân sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản. 

Đến thời điểm này lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa có hơn 800 người, đảm nhiệm canh giữ 169 hang yến tại 32 đảo yến trên vùng biển Khánh Hòa. Tất cả đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức pháp luật và huấn luyện quân sự, võ thuật khá bài bản, nên những nhân viên chuyên trách bảo vệ đảo yến luôn có đủ năng lực thực thi hiệu quả nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, tình huống. Và điều cần phải ghi nhận là lực lượng bảo vệ yến sào của Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa luôn phối hợp đồng bộ với Công an, Biên phòng, Quân sự tỉnh Khánh Hòa tạo nên thế trận bảo vệ đảo yến khép kín từ xa.

Rời đảo yến dưới nắng xuân lấp loáng, tôi biết hàng trăm nhân viên của Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa luôn ngày đêm bám đảo, bảo vệ nguồn lợi “vàng trắng” không chỉ để mưu sinh, mà ở một góc nhìn mở rộng hơn, họ đã và đang bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo mệnh lệnh của trái tim và lòng tự hào dân tộc.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.