Trận sóng thần tàn khốc nhất lịch sử
- Cuộc tìm kiếm nạn nhân ở vùng hẻo lánh sau trận sóng thần tại Indonesia
- Giây phút sinh tử đối mặt động đất, sóng thần ở Indonesia qua lời kể của một phi công
- Hậu thảm họa sóng thần, Indonesia lại lao đao vì động đất kép
Mạng xã hội lan truyền những đoạn băng kinh hoàng ghi lại cảnh biển nước tràn vào đất liền, khiến nhiều ngôi nhà đổ sập và nhấn chìm một nhà thờ Hồi giáo lớn. Nhân viên cứu hộ cho biết họ vẫn nghe tiếng kêu cứu vọng lên từ nhiều nơi dưới những đống đổ nát.
Có thể nói thảm họa động đất - sóng thần ở Indonesia hiện nay là thiên tai gây chết chóc nhất thế giới từ đầu năm đến nay. Nhưng trong thế kỷ này, có một thảm họa động đất - sóng thần còn gây tang thương hơn gấp nhiều lần. Đó là thảm họa động đất - sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004.
Một ngôi làng ven bờ biển Sumatra đổ nát sau thảm họa. |
Động đất Ấn Độ Dương năm 2004, được biết đến trong cộng đồng khoa học như là Cơn địa chấn Sumatra - Andaman, là trận động đất xảy ra dưới đáy biển lúc 00:58:53 UTC (07:58:53 giờ địa phương) ngày 26-12-2004. Trận động đất kích hoạt một chuỗi các đợt sóng thần chết người lan tỏa khắp Ấn Độ Dương, những con sóng cao 30 mét tàn phá các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và những nơi khác, cướp đi sinh mạng của 225.000 người thuộc 11 quốc gia.
Cho đến nay, thiên tai này là một trong những thảm họa gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Các phương tiện truyền thông quốc tế và người dân châu Á gọi nó là Sóng thần Á châu, trong khi tại Úc, New Zealand, Canada và Anh người ta gọi nó là Sóng thần ngày lễ Từ thiện (Boxing Day) bởi vì nó xảy ra đúng vào ngày lễ này.
Cường độ của trận động đất lúc đầu đo được 9.0 (trên thang Richter), nhưng sau tăng lên ở khoảng giữa 9.1 và 9.3. Với cường độ này, đây là trận động đất lớn thứ hai từng được ghi nhận bởi địa chấn kế, chỉ đứng sau trận động đất lớn ở Chile ngày 22-5-1960 có cường độ 9.5.
Cơn địa chấn Ấn Độ Dương làm rung chuyển mặt đất với cường độ 100 lần mạnh hơn trận động đất Loma Prieta xảy ra năm 1989. Nó có thời gian kéo dài lâu nhất mà người ta có thể ghi nhận được, từ 500-600 giây.
Cường độ và độ lan tỏa của nó đủ lớn để có thể khiến tinh cầu của chúng ta dịch chuyển ít nhất là nửa inch (hơn 1cm). Nó cũng kích hoạt các trận động đất ở những khu vực khác, đến tận Alaska.
Trận động đất giải phóng năng lượng tương đương 23.000 quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Cơn địa chấn khủng khiếp này khởi phát ở Ấn Độ Dương ngay phía bắc đảo Simeulue, ngoài khơi bờ biển phía tây của miền Bắc Sumatra, Indonesia. Những đợt sóng thần sản sinh từ nó đã tàn phá vùng duyên hải Indonesia, Sri Lanka, Nam Phi, Thái Lan và những quốc gia khác với những con sóng cao đến 30 mét, gây thiệt hại nghiêm trọng và mang chết chóc đến tận bờ biển phía đông châu Phi, nơi xa nhất có ghi nhận tử vong do sóng thần là ở cảng Elizabeth, Nam Phi, 8.000 km cách xa chấn tâm.
Ngoài ra, đã có một trận sóng thần rất lớn tại Thái Lan ngày 26-12-2004. Độ cao của nó khoảng 20-30 mét, và độ xa của nó khoảng 500-800 mét, trận sóng thần đó khiến 3.000 người thiệt mạng, 4.500 người thương vong và 1.000 ngôi nhà bị cuốn trôi.
Một trong những lý do khiến thảm họa này gây chết chóc lớn là do không có cảnh báo sóng thần sắp xảy ra, khiến người dân không có thời gian để sơ tán, dù thời gian con sóng tấn công các châu lục cách nhau nhiều giờ. Trong khi đó, thảm họa hiện nay ở Indonesia một phần do người ta đã tắt cảnh báo sóng thần trước khi sóng thần ập vào.
Hoàn cảnh nguy ngập của dân chúng tại những quốc gia bị ảnh hưởng đã khiến dấy lên làn sóng trợ giúp nhân đạo trên toàn cầu.