Tình người sau quyết định xử phạt vi phạm giao thông

Chủ Nhật, 08/03/2020, 15:01
Trên các mạng xã hội những ngày qua liên tục chia sẻ câu chuyện về những cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông- trật tự (CSGT-TT) Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh, sau khi tịch thu chiếc xích lô của ông Trần Văn Bình (53 tuổi, quê Tiền Giang, sống lang thang tại TP Hồ Chí Minh), đã góp tiền mua tặng ông 1 chiếc xe máy làm phương tiện mưu sinh. Ông Bình đã bật khóc vì bất ngờ và cảm động khi nhận món quà này.

1.Chúng tôi gặp Thiếu tá Lê Thanh Trọng, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận 1, khi câu chuyện về ông Trần Văn Bình đang được các mạng xã hội chia sẻ liên tục. Tiếp chuyện, Thiếu tá Trọng bảo rằng bất ngờ việc làm nhỏ của anh em trong đội lại được dư luận hưởng ứng và hoan nghênh như vậy. Bởi khi gom góp tiền cho ông Bình, anh em trong đội cũng chỉ muốn giúp ông Bình có phương tiện mưu sinh.

Ông Bình trong một lần đi tìm tổ CSGT, những người đã làm thay đổi cuộc sống của ông để cảm ơn.

Thiếu tá Trọng cho hay, quận 1 là quận trung tâm nơi khách nước ngoài đến du lịch làm việc đông. Rất nhiều thông tin phản ánh về tình trạng bát nháo của xe taxi dù, xe xích lô lấn chiếm lòng lề đường, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Không chỉ vậy, nhiều người nước ngoài còn bị những đối tượng chèo kéo, mời mọc đi taxi, xe xích lô. Xích lô là phương tiện mà người nước ngoài thích thú khi tham quan TP Hồ Chí Minh bởi đây là nét lạ tại thành phố này.

Tuy nhiên nhiều khách nước ngoài dở khóc dở cười vì bị những đối tượng xấu mời mọc chở đi tham quan với quãng đường ngắn nhưng lại "chặt chém" với giá cắt cổ; có khách còn bị lừa tiền, bị trấn lột.

Trước tình trạng này, Đội CSGT-TT Công an quận 1 đã thực hiện chuyên đề xử lý các phương tiện xe taxi dù, xe xích lộ trên địa bàn trung tâm thành phố. Sau nhiều ngày triển khai chuyên đề, Đội CSGT-TT đã kiểm tra, thu giữ 15 phương tiện xích lô, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 22 trường hợp taxi dừng đỗ sai quy định, lưu thông vào khu vực cấm.

Những cung bậc cảm xúc của ông Bình khi bị giữ phương tiện cho đến khi được các cán bộ chiến sĩ hỗ trợ.

Ngày 26-2, khi làm nhiệm vụ xử lý các phương tiện dừng đỗ sai quy định trước chợ Thái Bình, đường Cống Quỳnh, tổ công tác phát hiện xe xích lô của ông Bình đậu dưới lòng đường (đoạn đường này cấm xích lô hoạt động) nên yêu cầu ông Bình cho kiểm tra giấy tờ và đưa ông Bình và phương tiện về trụ sở. Tại đây, ông Bình mong muốn được xử phạt và trả lại phương tiện để ông Bình tiếp tục mưu sinh.

"Loại phương tiện xích lô bị cấm từ lâu, nhất là những người hành nghề riêng lẻ. Nếu muốn hoạt động phương tiện này phải vào các nghiệp đoàn, có đồng phục hay được quản lý bởi các công ty khai thác du lịch. Trường hợp của ông Bình không thể giải quyết bằng cách lập biên bản xử phạt mà phải tịch thu phương tiện.

"Trong lúc chúng tôi lập biên bản xử lý, ông Bình cứ nắm chặt chiếc mũ lưỡi trai đã sờn vải, vừa nghẹn ngào trình bày hoàn cảnh khó khăn khiến anh em thấy thương cảm. Vậy là dù không bàn trước, anh em mỗi người góp một ít để ông Bình kiếm chiếc xe gắn máy chạy xe ôm, kiếm công việc mưu sinh", Thiếu tá Trọng cho biết.

2.Những người sống ở khu vực chợ An Đông, quận 5 quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông khắc khổ cứ tối đến lại đẩy xe về đây ngủ nghỉ. Ăn thì ăn lề đường, tắm rửa, giặt giũ vệ sinh thì vào nhà vệ sinh công cộng trong chợ. Ông Bình kể, trước đây ông Bình có vợ và sinh được 3 người con.

Cuộc sống dưới quê không kham nổi, biến cố xảy ra khi đứa con đầu đến năm 6 tuổi chết vì bệnh sốt xuất huyết, hai vợ chồng ông ly dị. Hai đứa con còn lại bên ngoại nhận nuôi, vợ ông đi bước nữa với một người sửa khóa. Ông từ quê lên TP Hồ Chí Minh làm đủ thứ nghề, sau đó gom góp mua chiếc xích lô để chạy kiếm cơm qua ngày.

Ông Bình nhận số tiền hỗ trợ mà cán bộ chiến sĩ Đội CSGT TT - Công an quận 1 gom góp.

Vậy mà cái nghề đạp xích lô cũng theo ông Bình hơn 30 năm qua. Hai đứa con ông Bình lớn lên, lập gia đình cũng nhiều lần lên thành phố tìm ông. Thấy chúng cũng không khá giả gì lại sợ chúng nhìn thấy tình cảnh của mình, gặp được vài lần lần rồi ông Bình trốn luôn. Có bữa có đứa lên thành phố tìm ông, nhác thấy bóng dáng con, ông Bình đẩy xe bỏ trốn.

Gặp tôi sau khi vừa xong một cuốc xe, ông Bình hồ hởi kể: "Cứ như giấc mơ vậy. Khi bị tịch thu chiếc xích lô cứ nghĩ là mình đã rơi vào ngõ cụt rồi nhưng khi nhận số tiền mà mấy anh Cảnh sát giao thông cho, tôi nghĩ cũng đến lúc chuyển hướng mưu sinh. Tuổi cũng lớn, đạp xe không còn được khỏe như hồi thanh niên, mà giờ ít còn ai đi xích lô nữa.

Người muốn đi chỉ là những người phụ nữ lớn tuổi, thương tình bắt xe đi chợ, cho vài đồng đủ 2 bữa cơm, khách nước ngoài thì làm gì thích ngồi chiếc xe cà tàng như mình. Từ hồi có xe máy, mỗi khi đi ngủ, dù đã khóa cổ, khóa bánh rồi nhưng tôi ngủ cũng không ngon giấc vì lúc nào cũng sợ mất xe".

Nhắc lại chuyện được anh em Cảnh sát giao thông hỗ trợ tiền mua xe gắn máy, ông Bình kể lúc ngồi trong trụ sở của Đội Cảnh sát giao thông, ông chỉ nghĩ đến chuyện mong các chú Cảnh sát giao thông trả xe, cho mình nộp phạt để đem chiếc xe về tiếp tục chạy kiếm cơm, để làm chỗ ngủ qua ngày.

"Mấy chú Cảnh sát giao thông giải thích việc chiếc xe tôi bị tịch thu theo đúng qui định của nhà nước, tôi nói tôi biết nhưng không có chiếc xích lô tôi không biết làm gì. Một chú giúi vào túi tôi 200 ngàn nói kiếm cái gì ăn tạm, tôi nói tôi chỉ cần chiếc xe không muốn nhận tiền. Mấy chú kiên nhẫn giải thích với tôi, sau đó chú Đội trưởng (Thiếu tá Trọng-PV) sau khi giải thích đã nói với mấy chú trong trụ sở ai còn tiền thì "gom cho chú để chú mua chiếc xe chạy xe ôm".

Việc mua chiếc xe gắn máy cũ chạy xe ôm tôi cũng nghĩ từ lâu, cũng gom góp nhưng vẫn không đủ. Mấy chú Cảnh sát giao thông người góp 500 ngàn, người góp 300 ngàn, có người móc hết tiền trong người ra được khoảng 100 ngàn. Thấy mấy anh góp tiền rồi an ủi tôi, tôi chẳng dám nhìn, nước mắt cứ chảy ra.

Chú đội trưởng còn nói thêm với mấy chú là: "Anh em nào không có tiền thì mượn anh em khác để góp cho chú ấy". Cầm số tiền 4 triệu mà các chú Cảnh sát giao thông đưa khiến tôi bật khóc. Rời khỏi trụ sở Cảnh sát giao thông, tôi nhờ một người từng chạy xích lô chung qua quận 8 mua liền chiếc xe gắn máy. Nhờ mấy chú Cảnh sát giao thông mà bây giờ mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn. Nếu không được mấy chú ấy hỗ trợ chắc giờ tôi không biết mình như thế nào nữa. Chắc lang thang, xin được gì thì ăn chứ nghề nghiệp không có, chỗ ở cũng không, xin làm công hay bảo vệ không biết ai dám nhận", ông Bình xúc động nói

Khi nghe chúng tôi thuật lại câu chuyện này, Thiếu tá Trọng cũng không ngờ rằng việc làm nhỏ của các anh em trong đội lại để lại dấu ấn sâu sắc như vậy đối với người đàn ông đạp xích lô.

"Chuyện cũng qua lâu rồi, anh em cũng không nghĩ tới bởi còn nhiều người khó khăn trong xã hội, họ phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Anh em vui vì họ nhớ đến mình. Cách đây khoảng vài ngày, tôi và tổ công tác đang đi làm nhiệm vụ thì ông Bình đi xe máy đến tập vào hỏi: "Anh Trọng với mấy anh em có uống nước gì không tôi mua". Thật tình lúc đó anh em cũng không nhớ, ông Bình nhắc. "Tôi là người chạy xích lô hôm bữa mà mấy chú cho tiền mua xe chạy xe hon da ôm nè" rồi khoe chiếc xe với cả tổ. Chỉ cần có bấy nhiêu thôi mà anh em cũng cảm thấy ấm lòng".

Với anh em, việc giúp người khác đơn giản vậy thôi nhưng nhiều người khi đọc được câu chuyện trên đã cảm kích về hành động này. Anh Trịnh Xuân Hoàng (nhà ở quận 5) cho hay: "Đọc được mẩu tin trên mới thấy các chiến sĩ CSGT quận 1 thực thi đúng nhiệm vụ nhưng không xử lý một cách cứng nhắc, khô khan mà có tình, có lý.

Những người chiến sĩ CSGT này thấu hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, xử lý có tình người. Một chiếc xe cũ đối với người khác thì chẳng đáng gì nhưng đối với người khó khăn, để có vài triệu mua một chiếc xe máy cũ mưu sinh, quả thật rất trần ai. Hành động đẹp của Đội CSGT TT-Công an quận 1 đáng ngợi khen và trân trọng. Đọc thôi mà cũng thấy ấm lòng".

Anh Thư
.
.
.