Thú chơi tranh Tết
- Hồn dân tộc qua tranh Tết xưa
- Cùng bé vẽ lại “màu xưa” với tranh Tết Việt
- Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Chợ tranh Tết đương đại
Thú chơi tao nhã của người xưa
Và bây giờ, trong cuộc trò chuyện cuối năm với nhiếp ảnh gia Lê Bích, người vừa tham gia hoàn thành hai cuốn sách “Tranh Hàng Trống” và “Tranh Kim Hoàng”, tôi nhớ lại những bức tranh ngày Tết đã đi vào ký ức.
Theo Lê Bích, đây là một thú chơi tao nhã của các cụ xưa. Chơi tranh thể hiện một đẳng cấp văn hóa khác, vượt lên khỏi những lo nghĩ thông thường của cái ăn, cái mặc. Anh cho rằng, thú chơi tranh không phân biệt đẳng cấp sang hay hèn.
Ở nông thôn, nhà tranh vách đất, hơi tối nên ngày Tết người dân sắm sửa mấy bức tranh màu hồng điều, cho nhà sáng lên. Phần để trang trí, phần thể hiện ước vọng của người dân nghèo về một cuộc sống no đủ như tranh gà con, lợn con. Nhà nghèo mấy, không có tiền bày biện mâm ngũ quả ngày Tết thì họ mua tranh về treo. Không vì cái nghèo mà bỏ qua một nét đẹp của ngày Tết. Điều đó chứng tỏ, người xưa rất coi trọng đời sống tinh thần, kiểu “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhà giàu thì sắm sửa những bức tứ quý, đắt tiền hơn, làm sang ngôi nhà và hài hòa với phong cảnh chung quanh.
Theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, xưa, “những ngày trước Tết, người Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mang tranh đi bán khắp nơi, người khắp nơi về đây cất tranh. Tranh Hàng Trống cũng rậm rịch trước đó vài tháng, in in, vẽ vẽ và trưng bày với một số lượng lớn các mẫu hàng hơn thường ngày cho dù lượng khách của thể loại tranh này kén hơn.
Các đề tài trong tranh Đông Hồ hay Hàng Trống cũng vô cùng phong phú. Tuy nhiên là tranh treo Tết thì nội dung bao giờ cũng là cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất. Chúng là sự thể hiện của ước vọng hay lời cầu chúc cho gia chủ một năm mới sung túc đầy đủ.
Các bức như Tiến Tài, Tiến Lộc, thường được dán ở cổng như muốn mời gọi thần tài đến nhà. Bộ tranh Phúc - Thọ với lời cầu “Phúc như Đông hải” và “Thọ tỷ Nam sơn” là những chữ Hán rỗng, với hình minh họa rất phong phú nội dung câu chúc phía trong. Đây cũng là kiểu chơi thư họa đồng nguyên rất độc đáo của người Việt.
Chữ Hán bao ngoài chỉ là cách mượn hình còn nét vẽ ở trong mới là sự tả ý. Nhiều chữ Phúc được vẽ một cách rất cầu kỳ với 24 hình ảnh về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, hay ở chữ Thọ có tới 28 chòm sao.
Các bức tranh này phần nhiều do các nghệ nhân Hàng Trống làm, bởi chỉ có giới thị dân mới ưa chuộng sự tinh tế, tỷ mỷ, cầu kỳ. Và chúng không chỉ được họ treo trong dịp Tết, mà còn được đóng khung cẩn thận để treo một cách trang trọng giữa phòng như một bức hoành phi, hoặc bày đăng đối hai bên”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền: “Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam. Không chỉ kẻ có tiền mới chơi tranh, người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia. Tranh Tết là một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu và đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt”.
Tranh dân gian đã tồn tại hơn 500 năm và nó vẫn còn sức sống đến tận bây giờ, nhất là trong xu thế trở về với những giá trị xưa. Điều đáng nói, trong mỗi bức tranh xưa đều ngầm chứa một câu chuyện. Nó không chỉ mang vẻ đẹp của hình ảnh, màu sắc mà còn là ngữ nghĩa.
Như bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt”, một bức tranh điển hình của tranh Đông Hồ, dạy con người đừng sống ảo tưởng, bởi bóng trăng đớp mãi không chạm tới. Con người ngày nay đang có xu hướng chạy theo những giá trị ảo, vì thế thông điệp cách đây 500 năm của các cụ vẫn còn giá trị thời sự. Hình ảnh con cá chép là biểu tượng của một người hiếu học. Chỉ một bức tranh mà có hai thông điệp có giá trị đến bây giờ. Tranh Đông Hồ có 300 bức như vậy. Đó là một kho tàng quý giá của ông cha để lại.
Dòng chảy tranh dân gian trong đời sống đương đại
Thú chơi tranh Tết tưởng chừng đã biến mất trong cơn lốc của thị trường và sự xâm nhập của những cái mới. Nhưng trong vài năm gần đây, tranh Tết, cùng với trào lưu trở về những giá trị truyền thống đang trở lại. Những người làm tranh cũng biết nương theo thời thế mà thay đổi cho phù hợp với thời đại.
Ở Hà Nội, ngõ 15 Chân Cầm có một cửa hàng của con gái nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bán tranh Đông Hồ rất chạy. Họ đã thức thời hơn, biết làm tranh trên mành, có thể cuộn nhỏ lại để tặng bạn bè, tiện mang đi xa. Còn tranh Hàng Trống với dạng trục cuốn lại tạo nên sự sang trọng và quí phái vốn có. Mặc dầu vậy, tìm mua được một bức tranh Hàng Trống hiện nay để chơi Tết không phải là dễ. Dòng tranh Hàng Trống chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là ông Lê Đình Nghiêm.
Nghệ nhân cuối cùng của dòng họ tranh Hàng Trống, ông Lê Đình Nghiên. |
Năm nay, đặc biệt bức tranh “Đám cưới chuột”, một bức tranh điển hình của tranh dân gian được làm rất nhiều, với các khổ khác nhau. Ra đời cách đây 500 năm, “Đám cưới chuột” đến hôm nay vẫn mang ý nghĩa thời sự bởi sự hài hước và châm biếm sâu cay của nó. Năm Canh Tý, hình tượng chuột được các nghệ sĩ đương đại vẽ khá nhiều. Nhưng “Đám cưới chuột” với những nét đẹp dân gian, vừa ngộ nghĩnh, đáng yêu, vừa hàm ý sâu xa của nó vẫn có giá trị riêng không trộn lẫn.
Bức "Đám cưới chuột" được sản xuất nhiều vào dịp năm mới. |
Theo nhiếp ảnh gia Lê Bích: “Đó là một thú chơi cao sang của các cụ xưa. Và rất tiếc nếu nó bị dứt đoạn, hay biến mất. Nhưng tôi nghĩ, những gì tồn tại, còn lại với thời gian đều có giá trị của nó. Điều này phụ thuộc vào nỗ lực của rất nhiều người, từ người vẽ tranh, truyền thông đến các nhà phân phối, nghiên cứu thị trường xem tranh trong nhà kích thước như thế nào, treo đâu cho đẹp. Đấy là thú chơi mà tôi nghĩ sẽ trở lại, dần dần. Nhưng các nghệ nhân cũng phải thay đổi cách làm để phù hợp với đời sống đương đại.Năm 2019, hai cuốn sách về tranh được xuất bản, đó là nỗ lực của những người muốn lưu giữ lại các giá trị truyền thống.Nhiều người hỏi mua tranh ở đâu. Người làm tranh phải biết vẽ tranh phải làm đẹp hơn, phân phối dễ hơn”.
Thực tế, vẫn có những cá nhân ngày đêm gìn giữ, bảo tồn tranh dân gian như ông Nguyễn Đăng Chế và gia đình đã bảo tồn và duy trì tranh Đông Hồ, ông Lê Đình Nghiên với tranh Hàng Trống… Nhưng những cá nhân đó quá ít để có thể giúp tranh dân gian lan tỏa hơn nữa trong đời sống.
Bên cạnh đó, có các bạn trẻ, họ biết trân quý những giá trị truyền thống và lấy chất liệu từ truyền thống để sáng tạo nên các giá trị mới phù hợp với đời sống hôm nay. Nhiều bạn trẻ đã lấy chất liệu từ tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống để đưa vào các sản phẩm như khăn, giấy kẹo, bao bì, túi, sổ tay. Truyền thống được nhận diện trong một diện mạo mới.
Nhóm “Họa sắc Việt” với sự khởi xướng của Trần Thu Trang sau hai năm nghiên cứu đã bắt đầu mang họa tiết của tranh dân gian vào những ứng dụng cụ thể như bao lì xì, bao kẹo… được đông đảo công chúng đón nhận. Truyền thống, ở đây là tranh dân gian được hồi sinh trong một diện mạo mới. Đó là cách tiếp cận với truyền thống trong cuộc sống đương đại. Nó cũng góp phần kích hoạt đời sống tinh thần của người Việt biết tìm lại các giá trị xưa.
“Thú chơi tranh Tết sẽ trở lại, dù không phải một sớm một chiều” - Nhiếp ảnh gia Lê Bích khẳng định như vậy.