Thiên đường bí mật của tuổi thơ tôi

Chủ Nhật, 19/04/2020, 20:19
Chỉ là chiếc ao nhà rộng hơn nghìn mét vuông ấy vậy mà nó có thể mang lại niềm vui bất tận cho tôi suốt những tháng năm thời thơ ấu nơi quê nhà.


Thậm chí tôi còn thầm đặt tên nơi đó là "thiên đường bí mật" của riêng mình để rồi sau này khi đã rời xa quê nhà, sống và lập nghiệp ở một nơi chốn khác, tôi không khỏi có lúc ngồi bần thần ngồi hình dung lại những ngày tháng cũ với nỗi nhớ nhung khôn xiết.

Ao làng (ảnh minh họa)

"Thiên đường" ấy tôi có khám phá suốt ngày cũng không chán. Bởi quanh bờ ao bốn mùa trong xanh, soi bóng mây trời, bố trồng đủ loại cây trái: nào hàng chanh, dăm gốc bưởi đoạn sát bờ ao nhà bác Sì, nào rặng tre và luống khoai nước đoạn giáp nhà bác Thủy, nào luống rau ngót, rau đay và khóm mía ở dọc lối đi từ cổng vào, nào hoa hồng, hoa cúc, mười giờ, địa lan ở khoảnh đất nối giữa ao với sân nhà. Xen giữa các luống đất mẹ tranh thủ gieo khóm rau thơm, sả, và hương nhu. 

Chưa hết, phía góc ao bên trái bố còn bắc giàn để trồng mướp vào mùa hè và bầu bí vào mùa đông. Lạ là mùa nào quả cây cũng cống hiến những trái sai trĩu cành. Thành thử chưa kể đến mảnh vườn phía sau nhà, chỉ dạo quanh bờ ao, tôi cũng đã có đủ bộ sưu tập các loại cây cho mình. 

Những hôm nghỉ học ở nhà, tôi thích tha thẩn quanh bờ ao bắt chuồn chuồn bay dập dờn quanh đám hoa mướp vàng rực, hoặc lục tìm những trái chanh đầu mùa bé tí teo, bẽn lẽn trổ ra từ những nách lá xanh thẫm. Có lúc tôi còn tìm được con bọ ngựa cái với bầu trứng căng tròn bám trên thân cây. 

Tháng ba mùa hoa bưởi, tôi hay xăng xái giúp mẹ trẩy hoa vào dâng lên bàn thờ. Nhớ có hôm được mẹ sai hái rau ngót, tôi tẩn mẩn cả buổi không hái xong rổ rau chỉ vì mải ngồi trên bờ hóng đám cá cờ bơi lội dưới ao. Nhưng tôi thích hơn cả vẫn là mùa hè, vì khi ấy chị em tôi thỏa sức ôm thân chuối bơi lội tung tóe, hò hét ầm ĩ váng cả mặt ao. Có hôm mải làm "rái cá biển xanh" chúng tôi quên cả nấu bữa cơm chiều.

Nhà văn Phong Điệp, phongdiepbvn@gmail.com

Quan trọng hơn cả, chiếc ao là nguồn lương thực dồi dào cho gia đình tôi trong những năm tháng khó khăn, đói kém. Bữa nào thiếu thức ăn, bố lại thả vó cất mẻ cá lên kho. Nhẹ nhàng hơn thì thả thính thơm lừng, bắt mớ tép. 

Hay tiện sẵn buồng chuối xanh trong vườn, được lệnh mẹ là tôi lao ra ao, xăng sái lục tìm đám ốc bám quanh chân cầu ao. Nhưng dấu ấn đặc biệt nhất với tôi vẫn là mỗi dịp bố tổ chức tát ao. Tôi gọi đó là "lễ hội tát ao" bởi suốt cả ngày hôm đó nhà tôi sẽ tưng bừng, náo nhiệt như có hội hè.

Từ sáng sớm, bố mượn máy bơm, bơm nước từ ao nhà tôi sang ao nhà bác Sì. Hàng xóm láng giềng bắt đầu lục tục kéo sang. Tôi nhanh nhẩu đun nước cho bố pha ấm trà mời khách, mọi người ngồi chuyện trò rôm rả đợi đến lúc ao cạn nước. 

Ở làng tôi vẫn có lệ ấy. Nhà nào có việc, từ ma chay, cưới xin đến đổ móng, cất mái nhà hay tát ao đều sẽ có sự hỗ trợ của hàng xóm. Đúng nghĩa là "hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau". 

Trong các câu chuyện thể nào bố tôi cũng ngồi ước tính xem lần tát cả lần này thu hoạch được bao nhiêu cá. Bố tính kĩ từ thời gian thả mẻ cá giống xuống đến lúc có thể thu hoạch được. Vì sớm hơn cá sẽ nhỏ con, để lâu hơn cá tốn thức ăn hơn và không lớn thêm được. Thức ăn cho cá thực ra chủ yếu là rau cỏ tôi cắt từ vườn nhà thả xuống, thế nhưng phải tốn công vô ích thì tôi cũng tiếc lắm. 

Chừng vài ba tuần trà cà kê thì mặt ao dần hiện ra nhóng nhánh sắc bùn đen mượt. Đám cá vốn quen có nước để bơi lội tung tăng, giờ bấn loạn rúc vào đám bùn cạn và những đám nước ít ỏi còn đọng lại trên mặt ao. Đám đàn ông đồng loạt cởi trần, đánh mỗi chiếc quần đùi, chia nhau các góc ao và bắt đầu lội xuống. Cánh phụ nữ chờ sẵn trên bờ với xô chậu, rổ rá. Lũ trẻ con thì hau háu như đám cún con chầu chực chờ ăn quanh bờ ao. Thâm tâm đứa nào đứa nấy đều thèm khát được lội bùn như các bác, các chú dưới kia. 

Những tiếng reo hò chỉ trỏ chỗ cá trốn vang lên rộn rã. Cá bắt được chuyển dần lên bờ. Cùng với đó là tiếng trầm trồ suýt xoa. Đám trẻ thì lăng xăng ngó nghiêng và ra chiều sốt ruột đợi đến lượt mình. Cũng chẳng phải đợi lâu, khi ao đã cơ bản được "vét cạn" là đến giờ phút "tháo khoán". Đám trẻ được "tháo cũi sổ lồng" mặc sức nhào xuống ao, dù đáy ao lúc này đã nát nhừ bởi các dấu chân quần đảo trước đó của người lớn. Chẳng sao cả, sự hào hứng của đám trẻ trong đó có tôi không vì thế mà giảm sút. 

Chúng tôi vẫn hí hứng quờ tay vào lớp bùn êm mượt, sung sướng khi túm được một con cua rối trí tìm đường về hang. Chúng tôi vẫn săn tìm được cả bầy ốc nằm lăn lóc dưới chân rễ tre, và cọc chống quanh giàn mướp. Chúng tôi vẫn túm được những con lươn trơn nhẫy và vô cùng khôn ngoan trong việc trốn chạy. Tôi còn vớt được mấy chiếc thìa dưới chân cầu ao, hậu quả từ mấy lần rửa bát sơ ý đánh rơi. 

Chán mò cua bắt óc, lũ trẻ chúng tôi bắt đầu hè nhau chơi đuổi bắt và ném bùn vào người nhau. Tiếng hò hét inh ỏi, náo nhiệt cả lòng ao. Kết quả là xuất hiện một đội quân tí hon bê bết bùn đất, không còn nhận ra đứa nào với đứa nào. Chỉ còn những đôi mắt sáng rỡ, và nụ cười hoan hỉ nở trên khuôn mặt lấm lem. 

Tuyệt nhất là chúng tôi sẽ không bị người lớn la mắng dù mang bộ dạng nhem nhuốc đó. Vậy nên có đứa còn hứng chí đằm mình xuống lớp bùn nhão nhoẹt, chân tay quẫy đạp liên hồi, đầy khoái chí. 

Ký ức làng mãi đẹp trong mỗi người (ảnh minh họa)

Khi ao đã được đánh bắt sạch sành sanh, nước sẽ được tháo từ ao bên cạnh về lại. Người lớn trẻ con tranh thủ tắm táp, gột rửa bùn dơ trên người ngợm, đầu tóc. Các mẹ, các chị hối hả nhóm bếp, đặt nồi. 

Cả xóm rạo rực mùi nấu nướng, thơm đến tứa nước miếng. Nào mình cá kho riềng, đầu đuôi cá nấu canh chua. Nào trạch om dưa, lươn xào xả ớt. Nào cá sốt cà chua, cá bọc lá chuối nướng. Nào canh ốc chuối om đậu phụ. Nào tôm rang. Nào canh cua nấu rau đay mồng tơi. 

Chiếc ao đã làm nên cả một bữa tiệc đầy hương vị cho ngôi làng nhỏ của chúng tôi. Để rồi đêm ngủ, những đứa trẻ của làng lại nở những nụ cười hân hoan mơ về lễ hội tát cá lần tới. Chính nhờ những kí ức trẻ thơ ấy, làng cũ, nhà cũ vẫn hiển hiện trong tâm tưởng của tôi, không bao giờ mờ phai.

Phong Điệp
.
.
.