Tây Giang ngổn ngang sau bão lũ
Ký ức kinh hoàng
Bốn ngày sau trận lũ, chị Pơlong Pớp (38 tuổi, trú thôn Ahu, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về trận lũ xảy ra vào sáng 18-9. Chỉ trong tầm hơn một giờ đồng hồ, nước sông A Vương dâng cao bất thường, gây ngập hết nhà cửa, cuốn trôi nhiều tài sản, vật dụng của người dân. "Hôm đó, chồng tôi ở bệnh viện chăm con ốm, trong nhà chỉ còn mình tôi thôi. Nước lũ lên nhanh quá. Tôi không kịp di dời được thứ gì cả. Tôi chỉ sợ nước chảy xiết trôi nhà nên trèo lên cây mít phía trước kêu cứu", chị Pớp kể.
May mắn cho chị Pớp là một lúc sau, lực lượng Công an huyện Tây Giang đã có mặt, phối hợp với lực lượng chức năng và người dân địa phương cứu hộ thành công, đưa chị cùng một số người dân khác đến nơi an toàn.
Công an huyện Tây Giang hỗ trợ dọn vệ sinh sau lũ lịch sử. |
Ông Abing Trái (52 tuổi, trú thôn Ahu, xã A Tiêng) cũng bảo rằng đời ông chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến thế. Chỉ trong chốc lát, nhà cửa bị nước lũ dâng cao nhấn chìm; vật dụng trong nhà, lợn, gà bị lũ cuốn trôi hết. Cầm nắm thóc đã nảy mầm, ông Trái nói như khóc rằng: "Hoa màu, lúa thóc hư hỏng hết rồi. Giờ đây người dân chúng tôi đang đứng trước nguy cơ thiếu đói sau mưa lũ!".
Cách thôn Ahu không xa, thôn Tà Vàng, xã A Tiêng, cũng bị thiệt hại nặng nề. Thôn Tà Vàng được bố trí tái định cư đã được nhiều năm với những căn nhà xây khang trang. Nhưng trận lũ đã nhấn chìm cả thôn, có nơi sâu đến gần 2m. Cụ Pơlong Dích, 70 tuổi, bảo rằng chưa từng chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến thế.
Chị Bhling Thị A Kiều, Trưởng thôn Tà Vàng, xã A Tiêng, cho biết thôn có 87 hộ với 320 nhân khẩu đều là đồng bào Cơ Tu. Đợt lũ vừa qua đã gây cô lập cả thôn. Do chưa từng bị lũ lớn như vậy nên người dân trong làng rất khiếp sợ. "May khi lũ lớn xảy ra có lực lượng Công an xuống giúp đỡ di tản người dân đến nơi an toàn, chứ không thì không biết được hậu quả sẽ như thế nào", chị Kiều nói.
Liều mình cứu dân
Trung tá Mai Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện Tây Giang, cho biết từ chiều 17-9, Công an huyện Tây Giang đã triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 5. Đến sáng 18-9, Công an huyện Tây Giang đã huy động toàn bộ lực lượng xuống địa bàn để hướng dẫn người dân tránh lũ, di dời tài sản đến nơi an toàn.
Một cây cầu treo tại xã Bhalêê, huyện Tây Giang bị nước lũ cuốn trôi. |
Thượng úy Lê Minh Dương, cán bộ Công an huyện Tây Giang, là một trong những người xuống thôn Ahu đầu tiên nhớ lại: Khi xuống đến thôn Ahu, phát hiện nhiều người đang bị mắc kẹt, cần phải di dời khẩn cấp, anh em quyết định bắc sợi dây thừng nối từ ngọn cây bên thôn Ahu qua bờ bên này để di tản người dân. Thượng úy Lê Minh Dương đã bơi qua dòng nước lũ cuồn cuộn chảy để mang dây thừng qua phía thôn Ahu.
"Khi xung phong cầm sợi dây thừng để bơi qua dòng nước lũ đang chảy siết, lúc đầu tôi cũng có chút e sợ. Nhưng nhìn thấy cảnh người dân đang ở trên ngọn cây kêu cứu, tôi đã cầm sợi dây thừng nhảy ùm xuống dòng nước để bơi qua phía làng Ahu", Thượng úy Lê Minh Dương chia sẻ. Nhờ có anh em Công an cùng các lực lượng khác và người dân địa phương đã kịp thời cứu được 9 người dân làng Ahu thoát khỏi nguy hiểm.
Cùng lúc đó, một tổ công tác khác của Công an huyện Tây Giang do Thiếu tá Ngô Văn Thìn dẫn đầu cũng được cử đến thôn Tà Vàng, xã A Tiêng để di tản người dân đến nơi an toàn khi lũ lớn đang dâng cao. Nhờ có mặt kịp thời mà anh em Công an đã đưa được người già và trẻ em, phụ nữ đến Gươl của thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu) để tránh trú…
"Gượng dậy" sau lũ
Những ngày này, nhiều xã ở huyện Tây Giang vẫn đang ngổn ngang, cầu treo bắc qua suối Arung nối thôn Chlang qua thôn Bhlôốc, xã Bhalêê, huyện Tây Giang bị dòng nước lũ cuốn trôi, trụ cầu bị ngã nghiêng nằm chỏng chơ bên dòng suối. Không chỉ có cầu treo dân sinh bị lũ cuốn trôi, trên tuyến đường nối từ xã A Tiêng đi xã A Nông, cây cầu bê tông cốt thép kiên cố bắc qua dòng suối Breen cũng bị nước lũ cuốn trôi mất nhịp giữa.
Ngành Giao thông Quảng Nam khắc phục sạt lở trên tuyến ĐT606 nối lên các xã vùng cao, biên giới huyện Tây Giang. |
Sáng 21-9, lực lượng chức năng và người dân địa phương đang chặt cây keo, tre rừng, lồ ô để làm chiếc cầu tạm bắc qua dòng suối cách cây cầu chừng 70m nhằm phục vụ việc đi bộ qua lại của người dân địa phương trong khi chờ đợi cây cầu bê tông cốt thép được sửa chữa.
Theo UBND huyện Tây Giang, trận lũ lịch sử ngày 18-9 mặc dù không gây thiệt hại về người, song đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Ước thiệt hại ban đầu trên địa bàn huyện Tây Giang khoảng 173,4 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất là về giao thông, nhất là tuyến đường lên 4 xã vùng cao. Thống kê sơ bộ huyện Tây Giang có 130 điểm sạt lở đất đá trên ta luy âm, ta luy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy. UBND huyện Tây Giang đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, các Sở, ngành liên quan trước mắt hỗ trợ nguồn kinh phí 65 tỷ đồng để kịp thời khắc phục giao thông trên tuyến đường huyết mạch, cầu treo, nước sinh hoạt, thủy lợi, xử lý các điểm giao thông xung yếu, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho nhân dân.
Do tuyến đường độc đạo ĐT606 nối lên các xã vùng cao, biên giới của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được khắc phục xong tình trạng sạt lở nên các xã vùng cao này vẫn đang bị cô lập. Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam, cho biết dự kiến đến ngày 27-9 mới cơ bản khắc phục xong các điểm sạt lở trên tuyến đường ĐT606.
Ông Bhling Mười, Bí thư Đảng ủy xã Tr'hy, huyện Tây Giang, cho biết mặc dù tuyến ĐT606 qua địa bàn xã đã thông xe, song vẫn còn 2 thôn trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn là A Riêu có 36 hộ dân do tuyến đường vào thôn bị sạt lở nặng; thôn A Banh 2 có 62 hộ dân bị cô lập do cây cầu treo bắc qua suối K'noonh vào thôn bị lũ cuốn trôi.
Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết huyện đang phối hợp với ngành Giao thông khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở để đảm bảo giao thông được thông suốt trở lại, phục vụ việc đi lại, sản xuất của người dân. Theo ông Bhling Mia, trong đợt lũ lịch sử xảy ra vào ngày 18-9, rất may trên địa bàn huyện Tây Giang không có thương vong về người.
Cán bộ Công an huyện Tây Giang xuống từng bản làng, động viên người dân sau mưa lũ lịch sử. |
Có được điều đó là nhờ trong 5 năm qua, huyện Tây Giang đã tập trung triển khai 115 mặt bằng để di dời người dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Huyện Tây Giang đang tiếp tục chỉ đạo các xã, các cơ quan chức năng huyện rà soát, thống kê để di dời người dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở, ven sông, ven suối đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện Tây Giang đã củng cố lại phương án phòng chống lụt bão của huyện vì mùa mưa lũ năm nay còn nhiều diễn biến phức tạp.
Đánh giá cao vai trò của Công an huyện Tây Giang trong việc giúp đỡ người dân trong đợt lũ lịch sử này, ông Bhling Mia cho rằng cùng với các lực lượng khác, lực lượng Công an đã đi đầu, tiên phong trong việc di tản, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mưa lũ. Đồng thời, lực lượng Công an cũng đã làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả do mưa lũ lịch sử, qua đó giúp đời sống của người dân sớm trở lại bình thường.