Phế liệu hay hung thần?
Cách đây chưa lâu, vụ nổ do cưa vật liệu nổ ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông ( khiến chết 2 mẹ con người đi đường) làm chúng ta chưa hết bàng hoàng thì vụ nổ ở Quan Độ, Bắc Ninh (khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương và gần 10 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn; hàng chục căn nhà trong bán kính 1km cũng bị ảnh hưởng) một lần nữa báo động sự chủ quan của chính quyền về cách quản lý lỏng lẻo vật liệu nổ.
Mưu sinh có trăm vạn nghề, nhưng cái nghề phế liệu luôn tiềm ẩn những mối đe dọa khó mà lường được. Những kho phế liệu luôn nằm trong khu dân cư. Khi thảm họa xảy ra, rất nhiều người không liên quan đã phải gánh nạn một cách oan ức.
Cách nhìn của cộng đồng với nghề phế liệu nói chung thông cảm đại khái chứ ít ai nhìn thấy rõ mỗi nguy hiểm tiềm tàng do phế liệu đưa lại. Mọi người đã quen với ô nhiễm phế liệu ra không khí và nguồn nước. Thậm chí họ đùa "ăn bẩn sống lâu". Nếu nguồn phế liệu có các vật liệu phóng xạ thì tốt nhất không nên đùa cợt.
Minh họa của Tả Từ. |
Những thông tin về Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng các quy định phòng cháy nổ dường như dành cho ai đó. Mạnh ai nấy sống. Nếu hàng xóm có ý kiến thì chắc chắn sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt "hình viên đạn".
Chắc chắn nếu quan sát việc tập kết vật liệu của chủ phế liệu sẽ thấy dấu vết các vật liệu nổ. Cơ quan chức năng thu gom tại hiện trường ít nhất 7 tấn vật liệu nổ đưa đi xử lý cho thấy lượng vật liệu nổ còn nhiều hơn thế. Tại sao những người hàng xóm không biết? Vì sao những người trong gia đình không có tiếng nói can ngăn?
Mối nguy này đâu phải chuyện nghề nghiệp riêng tư? Đây chỉ là một nơi xảy tai nạn. Còn bao nhiêu chủ phế liệu khắp Bắc Trung Nam đang làm những việc tương tự. Đó là những quả bom không hẹn giờ. Các cụ nói "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ". Thực ra lệ đổ nhiều rồi nhưng lệ ráo quá nhanh. Cơm áo gạo tiền mưu sinh làm "trí quên" phát triển.
Với việc nghiêm trọng này, hãy thay đổi cách sống dĩ hòa vi quý. Cần báo cơ quan chức năng ngay khi có hiện tượng tập kết vật liệu nổ. Chính quyền, hàng xóm và người trong gia đình cần thấy rõ trách nhiệm này. Chúng ta đã dần quên khẩu hiệu "Mình vì mọi người" lâu quá rồi. Chuyện tính mạng con người không thể đại khái, ba xoa hai đập được.
Chúng ta lo lắng chuyện thực phẩm bẩn với trăm ngàn bệnh dẫn đến tử vong nhưng lại vui vẻ sống chung với những kho chứa vật liệu có thể mang đến cái chết bất thình lình không trừ một ai.
Không nói đâu xa, ngay ở Thủ đô Hà Nội cũng có rất nhiều điểm tập kết phế liệu lẫn trong khu dân cư, làng, xóm, ngõ, khu tập thể. Họ tập kết đủ thứ bình gas, bình ô-xy, thùng hóa chất... Ai dám chắc trong đó không có vật liệu bom mìn được thu gom từ mọi miền.
Khu dân cư sạch không chỉ là khu dân cư đẹp mắt, không có rác mà phải là khu dân cư không có nguy cơ tiềm tàng chất nổ. Việc các chủ phế liệu thay đổi ý thức không dễ một sớm một chiều. Vậy cần có những phương án thay đổi nghề nghiệp cho những chủ phế liệu này. Việc thu gom rác trong thời đại công nghiệp cần những tổ chức chuyên nghiệp có kỹ thuật cao chứ không phải dành cho những "dũng sĩ cưa bom".
Còn bạn. Bạn có ngủ ngon không nếu hàng xóm phế liệu nhà bạn hoan hỷ nhập về một vật liệu quân dụng cũ hay không?