Phần Lan:

Thủ tướng dự định cho phép người lao động làm việc 24 giờ/tuần

Thứ Ba, 07/01/2020, 22:43
Thủ tướng Sanna Marin đề xuất kế hoạch cho phép người Phần Lan làm việc 4 ngày/tuần, 6 giờ/ngày để dành thời gian cho gia đình.


"Tôi tin mọi người xứng đáng được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, người thân, các sở thích và những khía cạnh khác trong của cuộc sống của họ, như văn hóa", Thủ tướng Marin, 34 tuổi, nói tuần trước nhân kỷ niệm 120 năm thành lập Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) ở thành phố Turku, Tây Nam Phần Lan.

Hiện người lao động Phần Lan hiện làm việc 5 ngày/tuần, 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, tân Thủ tướng nước này muốn áp dụng một chương trình làm việc linh hoạt hơn cho người dân, trong đó cắt giảm một ngày làm việc mỗi tuần, hai tiếng mỗi ngày. "Đây có thể là bước tiếp theo cho chúng ta trong cuộc đời làm việc", bà nói.

Trước khi trở thành Thủ tướng, bà Sanna Marin từng Bộ trưởng Giao thông Phần Lan và đã đề xuất rút ngắn tuần làm việc để người dân cải thiện các mối quan hệ và năng suất lao động. 

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Giáo dục Li Andersson, lãnh đạo Liên minh Cánh tả. "Việc người dân Phần Lan được phép làm việc ít hơn là rất quan trọng. Đó không phải là sự lãnh đạo theo phong cách nữ giới mà là đề nghị hỗ trợ và giữ lời hứa với các cử tri", bà Andersson nói.

Phần Lan hiện là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn truyền thống, có chuyên môn hoá cao như Công nghiệp gỗ giấy; Luyện kim; Đóng tàu và vận tải; Cơ khí; Điện tử, viễn thông; Công nghiệp hoá chất, dược phẩm. Về nông nghiệp, Phần Lan có 2.504 ngàn héc-ta đất trồng trọt (chiếm 8% diện tích), tự túc 85% lương thực. 

Chính phủ Phần Lan luôn chú trọng gắn giáo dục với nghiên cứu và sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế, trong đó hiện nay tập trung vào công nghệ thông tin. Theo xếp hạng của Ủy ban Sáng tạo Châu Âu (EIS), Phần Lan được xếp là nền kinh tế sáng tạo thứ ba thế giới, vượt xa mức trung bình của châu Âu và Mỹ.

Phần Lan hiện nằm trong nhóm các nước hạnh phúc nhất thế giới.

Hai năm 2018- 2019, Phần Lan liên tiếp là lọt vào danh sách những nước hạnh phúc nhất thế giới. Theo Báo cáo về Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan nằm trong tốp ba những nước bình đẳng giới, chỉ sau Iceland và Na Uy, và là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trường cao nhất. 

Quốc gia này có GDP cao và tiền thuế cũng cao nhằm hỗ trợ cho các chương trình xã hội, đổi lại người dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc với chi phí thấp.

Xếp hạng cao của Phần Lan trong báo cáo của Liên hợp quốc còn dựa trên sự hạnh phúc của những người nhập cư sống tại nước này. Năm 2015, hơn một triệu người nhập cư vào châu Âu, vài nghìn người đã đến Phần Lan, một quốc gia tương đối đồng nhất với khoảng 300.000 người nước ngoài và có gốc gác nước ngoài trên tổng số 5,5 triệu dân.

Hướng tới mô hình an sinh xã hội Bắc Âu, mà theo đánh giá của nhà xã hội học Phần Lan Erisk Allardt, là khá toàn diện, hệ thống an sinh xã hội (giáo dục, y tế, phúc lợi) của Phần Lan được hình thành trong 3 thập niên đầu tiên sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh và được đánh giá là một trong những hệ thống an sinh xã hội rộng rãi nhất thế giới.

Phần Lan chia phần lớn các chương trình an sinh xã hội thành các chương trình bảo đảm an sinh thu nhập và các chương trình cung cấp dịch vụ sức khỏe và xã hội. 

Nguồn thu của các chương trình an sinh xã hội gồm có hai lĩnh vực là: bảo hiểm xã hội, bảo đảm thu nhập cho người già, ốm đau, phụ nữ có thai, người thất nghiệp, hoặc bị thương tật liên quan đến lao động; và an sinh thu nhập được phân thành các loại như phúc lợi, bao gồm chuyển thu nhập để trợ cấp cho các gia đình thông qua các biện pháp như trả cho trẻ em, trợ cấp người mẹ, trả cho nạn nhân chiến tranh và gia đình họ, trợ cấp tài chính cho những người tàn tật hoặc có nhu cầu bức thiết. Các chương trình của bảo hiểm xã hội chiếm tới 80% quỹ phúc lợi xã hội.

Riêng về bảo hiểm thất nghiệp, vào năm 1984, Phần Lan cải cách Luật An sinh thất nghiệp. Theo đó, tất cả công dân từ 17 - 64 tuổi đều được hưởng bảo hiểm khi thất nghiệp với mức trợ cấp 70 Fmk/ngày; được hưởng trợ cấp ít nhất là 500 ngày trong vòng 4 năm sau khi thất nghiệp. 

Người lao động cao tuổi (60 tuổi trở lên) nếu không có khả năng tìm việc làm có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp tương đương với mức trợ cấp khuyết tật cho tới khi đến tuổi được nhận lương hưu. Chủ sử dụng lao động, Nhà nước đóng góp 95% cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, còn người lao động chỉ phải đóng 5%.

Không chỉ vậy, bắt đầu từ ngày 1-1-2017, Phần Lan còn khiến rất nhiều người lao động của các quốc gia trên thế giới “ghen tị” khi tuyên bố kế hoạch hướng tới thay thế mô hình phúc lợi bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập bằng chương trình thu nhập cơ bản; theo đó, trong hai năm 2017-2018, thí điểm mỗi tháng cấp 587 USD (khoảng 13,5 triệu đồng) vô điều kiện cho 2.000 người. 

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.