Nước Pháp tìm cách cứu vãn ngành du lịch hậu COVID-19

Thứ Năm, 04/06/2020, 13:55
Với một nỗ lực chưa từng có, Chính phủ Pháp đã quyết định huy động 18 tỉ euro từ ngân sách Nhà nước để giúp ngành du lịch thoát hiểm.

Đại dịch COVID-19, kéo theo đó là các biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa kéo dài… đang đẩy ngành du lịch Pháp vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Với một nỗ lực chưa từng có, Chính phủ Pháp đã quyết định huy động 18 tỉ euro từ ngân sách Nhà nước để giúp ngành du lịch thoát hiểm.

Chiến dịch quảng bá mới

Nước Pháp là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, mỗi năm thu hút tới 90 triệu du khách tới từ khắp nơi trên toàn cầu. Ngành du lịch, với các sự kiện thể thao, văn hóa mang lại gần 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Pháp, gần 8% GDP đất nước.  

Cứu ngành du lịch là một ưu tiên quốc gia. Đó chính là lý do Chính phủ Pháp quyết định đầu tư số tiền cao chưa từng có, 18 tỉ euro, để vực dậy ngành Du lịch, vốn bị tê liệt hoàn toàn kể từ 17-3 khi nước Pháp bị đặt trong tình trạng phong tỏa chống dịch COVID-19.

Những tháng hè là mùa du lịch cao điểm thường niên, nhưng nếu cứ theo đà này, theo ông Didier Arino, Giám đốc của Pro Tourisme, Văn phòng nghiên cứu về du lịch, thì chỉ tính riêng hai tháng 7 và 8 tới đây, ngành du lịch Pháp sẽ thất thu khoảng 50 tỉ euro. Không chỉ thất thu do vắng khách, các nhà làm du lịch còn một mối lo khác là chi phí phát sinh để bảo đảm an toàn vệ sinh, sức khỏe cho du khách và nhân viên các khu du lịch, khách sạn sẽ tăng.

Trong bối cảnh những tháng tới đây dịch bệnh vẫn còn nhiều bất trắc khó đoán định, Thủ tướng Pháp khuyên người dân nên thận trọng khi chọn đi nghỉ hè tại nước ngoài. Thông thường, có khoảng 9 triệu dân Pháp đi nghỉ hè ở nước ngoài. 

Thủ tướng cho rằng việc người dân hình dung sẽ sớm được đi du lịch xa ở nước ngoài là không hợp lý lắm, nhất là trong bối cảnh giao thông hàng không sẽ chưa sớm hoạt động lại trong những điều kiện tốt, các điều kiện nhập cảnh đến các nước khác cũng như trở lại nước Pháp sau kỳ nghỉ ở nước ngoài sẽ có thể rất chặt chẽ.

Ngoài ra, theo các nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chắc chắn lượng du khách ngoại quốc đến Pháp trong mùa hè sẽ giảm, nên người dân Pháp được khuyến khích đi nghỉ hè trong nước để chung tay cứu ngành du lịch nước nhà. Ý thức được về tầm quan trọng của du khách trong nước, Quốc vụ khanh Du lịch đã kêu gọi người dân Pháp nên coi "nước Pháp là điểm đến ưu tiên".

Chính quyền và các nhà làm du lịch đang hy vọng du khách Pháp sẽ ở lại với nước Pháp vào mùa hè để bù đắp doanh thu thiếu hụt do vắng khách ngoại quốc, cho dù chỉ được phần nào, vì thông thường có tới 17 triệu du khách ngoại quốc đến Pháp trong tháng 7 và 8 so với con số 9 triệu người Pháp đi du lịch nước ngoài trong cùng kỳ. Nhưng dẫu sao, "ít vẫn còn hơn không". Và điều này không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế, có tới 22 triệu dân Pháp, gần 1/3 dân số, chỉ đi du lịch vào kỳ nghỉ hè.

Thành phố pháo đài cổ Carcassonne, một trong những dịa danh du lịch nổi tiếng của Pháp.

Nước Pháp hướng tới nền du lịch bền vững, số hóa sau khủng hoảng

Trong vài năm gần đây, ngành du lịch Pháp đã trải qua nhiều cơn địa chấn do nạn khủng bố, phong trào đấu tranh Áo Vàng và gần đây nhất là đợt đình công kéo dài chống dự án cải tổ chế độ hưu trí của chính quyền Tổng thống Macron.

Trong giai đoạn hậu COVID-19, liệu ngành Du lịch Pháp cần có những thay đổi gì mới để thích nghi với thời cuộc? Theo ông Olivier Sichel, Phó Tổng giám đốc CDC, cơ quan quản lý các quỹ đầu tư và phát triển, cũng là cơ quan đầu mối được chính phủ Pháp giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đầu tư tái thiết ngành du lịch, nước Pháp cần một nền du lịch mới sau khi ra khỏi cuộc khủng hoảng. Một lĩnh vực du lịch bền vững hơn, với sự tham gia đóng góp của nhiều tác nhân hơn, mang tính công nghệ số hơn. 

Chẳng hạn, với dự án phát triển công viên giải trí Futuroscope, chúng tôi muốn đó là một dự án tạo ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu hao năng lượng, mức thải khí các-bon bằng 0. Và chúng tôi sẽ có những yêu cầu rất cao về chất lượng môi trường của các dự án. Nước Pháp cũng cần thay đổi quan điểm về khai thác du lịch, tránh tập trung chỉ theo mùa vụ.

Ông Sichel giải thích: "Trước tiên, đó là ý tưởng về nền du lịch bền vững hơn, tránh sự tập trung và nên dàn trải dịch vụ cung cấp trên khắp lãnh thổ. Cần để du khách khám phá vùng núi dưới những góc độ khác, điều này không nhất thiết là cần có những khoản đầu tư lớn với những hệ thống cáp treo lớn. 

Tốt hơn là nên khai thác giá trị của vùng núi với những hoạt động đạp xe đạp địa hình, đi bộ thăm thú thám hiểm, các sự hiện văn hóa. Tôi nghĩ đến những hoạt động lễ hội liên hoan vùng núi để núi non có người đến thăm thú quanh năm, có thể là ít người đến hơn nhưng tránh được việc tập trung quá nhiều chỉ vào một giai đoạn như chúng ta đã biết, gây nhiều cảnh tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường".

Cuộc khủng hoảng COVID-19 như một "cơn bão" chưa từng có làm điêu đứng ngành du lịch Pháp. Nhưng ngược lại, đại dịch cũng là một khoảng lặng để các nhà làm du lịch suy ngẫm về tương lai của ngành du lịch, trước những thách thức về môi trường sinh thái và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số. 
Quý Đức (tổng hợp)
.
.
.