Nội bộ EU khủng hoảng vì COVID-19

Thứ Tư, 08/04/2020, 19:46
Kịch bản về một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) ngày càng rõ nét hơn.

Để đối phó với những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, ngày 7/4, các nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu chính phủ 27 nước EU sẽ họp trực tuyến để tìm ra được một tiếng nói chung. 

Nhưng sự chia rẽ Bắc-Nam, gần như đã làm sụp đổ EU vào năm 2010 khi xẩy ra cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro và trong những nỗ lực giải cứu Hy Lạp, một lần nữa lại xuất hiện với mức độ gay gắt hơn.

Mầm mống gieo họa đã quay trở lại

Ngày 28/3, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors đã cảnh báo về "một nguy cơ sinh tử" cho dự án châu Âu nếu các nước thành viên của liên minh này không thể duy trì được tình đoàn kết. Còn chủ tịch Quốc hội châu Âu, David Sassoli, thì cảnh báo : "Không có tình đoàn kết thì những mối liên hệ, những lý do để tồn tại bên nhau sẽ nhanh chóng sụp đổ".

Ngày 30/ 3, đến lượt Mario Centeno, Chủ tịch Eurogroup, đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha, cũng cảnh báo về một nguy cơ "phân rã" trong liên minh tiền tệ. 

"Chúng ta phải tìm kiếm các phương pháp thích hợp để vận hành những công cụ hiện có, nhưng chúng ta cũng phải cởi mở để đón nhận các giải pháp khác khi những giải pháp ban đầu tỏ ra không hiệu quả", ông nhấn mạnh trong lá thư gửi cho các đồng nghiệp châu Âu.

Một cuộc cãi vã kịch liệt đang bùng nổ trong nội bộ EU giữa một bên là các nước "Phương Nam", đại diện là Italia và Tây Ban Nha, những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, đồng thời cũng là những nước có nền tài chính yếu ớt và một bên là các nước "Phương Bắc" đại diện là Hà Lan, thủ lĩnh của nhóm nước có biệt danh là "thanh đạm" với sự ủng hộ của Đức và Áo, những nước luôn yêu cầu một chế độ kiểm soát tài chính chặt chẽ.

Nhóm "Phương Nam" nhận được sự ủng hộ của Pháp và 7 nước châu Âu khác là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Slovenia, Bỉ, Luxembourg, Ireland và Síp (chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng euro),  nhóm này đề xuất giải pháp chuyển các món nợ từng quốc gia thành nợ chung cả khối và thiết lập một công cụ chung để xử lý nợ, công cụ đó sẽ mang tên là "coronabonds" (tín dụng corona).

Nhóm "Phương Bắc" hoàn toàn không muốn nghe về điều này. Họ thích sử dụng một công cụ đã có sẵn đó là "Cơ chế ổn định châu Âu" (MES), một quỹ để bình ổn khu vực đồng euro được thành lập vào năm 2012. 

Theo quan điểm của nhóm này, với một lượng tín dụng lên tới 410 tỷ euro, MES là một công cụ hỗ trợ đủ mạnh với điều kiện những nước được hỗ trợ phải chấp nhận các điều kiện "thắt lưng buộc bụng" giống như trường hợp của Hy Lạp hay Bồ Đào Nha trước đây.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bị các nước "Phương Nam" công kích vì thái độ cứng rắn không khoan nhượng của họ.

 "Không có tình đoàn kết, dự án châu Âu sẽ bị bức tử"

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã "cầu xin một tinh thần đoàn kết trong việc hoạch định ngân sách cho châu Âu trong và sau đại dịch". Theo ông không một nước nào phải gánh trách nhiệm riêng về cuộc khủng hoảng này và mỗi nước đều phải đối diện với nó. Nếu không đoàn kết lại trong cơn khủng hoảng này, châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ to lớn.

Trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vừa qua đã xuất hiện những lời trách móc nhau giữa các nước Phương Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như Italia và Tây Ban Nha với các nước Phương Bắc nơi ít chịu ảnh hưởng của bệnh dịch hay số người chết ít như Đức. 

Nhóm thứ nhất trách cứ nhóm hai đã yêu cầu họ phải cắt giảm ngân sách cho hệ thống chăm sóc sức khỏe theo như quy định chung của châu Âu vì thế khi dịch bệnh bùng nổ họ đã nhanh chóng bị bất lực. Hoàn cảnh nước Đức thì hoàn toàn khác: nguồn lực dự trữ dồi dào, nền công nghiệp pháp triển cho phép tăng tốc để sản xuất máy trợ thở và các thiết bị y tế, điều mà các nước Phương Nam không thể có được.

Trong mọi trường hợp, một cuộc tranh cãi hay đổ lỗi cho nhau trong khi tất cả vẫn còn đang phải gồng mình chống dịch là một điều nên tránh. May mắn là đã xuất hiện những cử chỉ biểu lộ tình đoàn kết: Các bệnh viện ở Đức dang tay để tiếp nhận các bệnh nhân người Ý và Pháp. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã bớt gay gắt và trở nên thiện chí hơn khi đề cập đến một "quỹ của tình đoàn kết "từ 10 đến 20 tỷ euro dành cho hai nước bị thiệt hại nặng nề nhất của coronavirus là Italia và Tây Ban Nha. Ông nói rõ. "Đây không phải là một khoản cho vay, đây là một quỹ tương trợ lập ra từ những khoản quyên góp. Đất nước Hà Lan sẽ đóng góp hào phóng vào quỹ này".

Ngoài ra, Chủ tịch của Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã được Hội nghị thượng đỉnh châu Âu giao trách nhiệm chuẩn bị một chiến lược kinh tế cho giai đoạn "hậu khủng hoảng" và tổng kết những bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch này. 

Ưu tiên số một là các biện pháp bảo đảm việc Liên minh châu Âu tái cấu trúc thành công các ngành công nghiệp của tương lai cũng như đảm bảo an ninh và chủ quyền một số lĩnh vực thiết yếu (thiết bị y tế, dược phẩm, hóa học, v.v.) khi khủng hoảng xảy ra. Để có được sự tự chủ khi xảy ra khủng hoảng, châu Âu cần phải yêu cầu một số ngành công nghiệp đã di chuyển ra nước ngoài phải quay về trong nước để tổ chức sản xuất

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.