Những nước tốt nhất và tệ nhất đối với người nước ngoài

Thứ Năm, 05/10/2017, 16:06
Mỹ và Vương quốc Anh vốn nổi tiếng là những nơi rất tốt để sinh sống và làm việc, nhưng nay xếp hạng của họ đang bị rơi tự do trong mắt những người dân khắp thế giới.


Kể từ cuộc bầu cử tổng thống và Brexit vào năm ngoái, cả Mỹ và Anh đều được đánh giá là kém thân thiện với người nước ngoài và ít ổn định về chính trị hơn, theo cuộc khảo sát gần 13.000 người nước ngoài tại 166 quốc gia. Người nước ngoài cũng nói rằng chất lượng cuộc sống của 2 nước đang giảm dần theo các cách thức khác, đặc biệt là khả năng tiếp cận bảo hiểm trẻ em/bảo hiểm y tế ở Mỹ và tiếp cận nhà ở ở Anh.

Đầu và cuối

Khảo sát mang tên Expat Insider được tiến hành bởi InterNations, một mạng lưới bao gồm 2,8 triệu người xa xứ có trụ sở ở Munich. Mục đích của khảo sát nhằm nắm bắt quan điểm của hàng triệu giám đốc điều hành, công nhân lành nghề, sinh viên và người về hưu sống ở đất nước không phải là nơi họ sinh ra và lớn lên. 

Theo nghiên cứu thị trường của Finaccord, có khoảng 50 triệu người xa xứ trên toàn thế giới, và con số này sẽ lên tới 60 triệu trong 5 năm tới. Họ thường chủ động lựa chọn nơi họ muốn sống, và quan điểm của họ có ý nghĩa đối với các quốc gia muốn thu hút những người có tài và giàu có.

Đất nước được xếp hạng hàng đầu năm 2017 là Bahrain, được các công dân nước ngoài đánh giá là nơi làm việc và nuôi dưỡng một gia đình tốt nhất, cũng là nơi khiến người nước ngoài cảm thấy được chào đón. Bahrain bỏ xa các nước láng giềng của Vịnh Ba Tư như Kuwait, Arập Xê-út và Qatar, nơi xếp thứ 10 tính từ dưới lên trong số 65 nước trong cuộc khảo sát.

Hy Lạp đứng ở đáy của danh sách, do các vấn đề kinh tế của đất nước bị suy giảm. Úc đứng trong top 10 năm 2016, nhưng năm nay rơi tự do xuống mức 34, giảm nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Tất cả các đánh giá của người nước ngoài về công ăn việc làm, triển vọng nghề nghiệp, thời gian làm việc và cân bằng cuộc sống trong công việc ở Úc đều giảm đi.

Một trong những nơi làm việc ưa thích của người nước ngoài là Trung Quốc, nơi 2/3 số người được hỏi hài lòng với sự nghiệp của họ. Nhưng Trung Quốc đứng thứ 55 trong tổng số 65 vì chất lượng cuộc sống. Người nước ngoài, đặc biệt là trẻ em có quan ngại về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng cũng như chi phí chăm sóc sức khoẻ và giáo dục tại nước này.

Ở những nước khác ở châu Á, Đài Loan đứng đầu danh sách năm 2016, năm nay tụt xuống vị trí thứ 4, trong khi Singapore lọt vào top 10. Hồng Kông, đối thủ lâu năm của Singapore, đứng thứ 39, tăng 5 bậc so với năm ngoái.

Sự sa sút của Anh, Mỹ

Vương quốc Anh năm nay đứng thứ 54, giảm 21 bậc so với cuộc khảo sát năm ngoái. Đây được cho là hậu quả của việc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) hồi tháng 6-2016. Trước cuộc trưng cầu dân ý, 77% người nước ngoài ở Anh đều tin tưởng về sự ổn định chính trị của quốc gia, nhưng tỷ lệ này hạ xuống còn 47% trong năm nay. Chỉ một nửa số người nước ngoài nói rằng Anh có thái độ tốt đối với cư dân nước ngoài, so với 67% trên toàn thế giới.

Người nước ngoài ở Anh cũng đã bị ảnh hưởng về kinh tế. Đồng bảng yếu và lạm phát cao hơn đã đưa nước này xuống hạng 59 về tài chính cá nhân. Gần 2/3 số người nước ngoài có thái độ tiêu cực về chi phí sinh hoạt của mình, với 69% không hài lòng với khả năng tiếp cận về nhà ở. Còn về thời tiết, có đến 3 trong 5 người nước ngoài không thích nó.

Theo ông Malte Zeeck, người sáng lập và đồng Giám đốc điều hành của InterNations, Mỹ dường như đã mất đi một chút niềm tin sau một năm biến động chính trị. Chỉ 36% người nước ngoài có ý kiến tích cực về sự ổn định chính trị của Mỹ, giảm từ 68% trong cuộc khảo sát năm 2016.

Nhìn chung, Mỹ xếp thứ 43 trong tổng số 65 đối thủ, thấp hơn 17 bậc so với năm ngoái. Và danh tiếng của nó đã giảm trước khi kết quả bầu cử được đưa ra. Trong cuộc khảo sát năm 2014, Mỹ đứng thứ 5. Một điểm sáng là 69% người nước ngoài có quan điểm tốt về nền kinh tế Mỹ.

Các vấn đề chính trị hiện nay được thể hiện rõ trong kết quả: Khoảng 72%  người nước ngoài ở Mỹ cho biết việc chăm sóc sức khoẻ không khả thi, và Mỹ xếp hạng 50 về các biện pháp y tế và phúc lợi. Cơ sở hạ tầng giao thông của Mỹ chỉ được 15% số người nước ngoài "đánh giá rất tốt", ít hơn một nửa so với mức trung bình toàn cầu. Mỹ đứng hạng chót về khả năng chi trả bảo hiểm trẻ em và 39 trong số 45 quốc gia được xếp hạng về khả năng chi trả giáo dục.

Người Mỹ vẫn có tiếng là cởi mở, nhưng nhận thức đó đang thay đổi. Ba năm trước, 84% người nước ngoài đánh giá cao Mỹ về "thái độ thân thiện với người nước ngoài" và chỉ có 5% tiêu cực. Năm nay, xếp hạng tiêu cực  ở Mỹ tăng gấp ba và xếp hạng tích cực đã giảm 16 điểm.

Bảng xếp hạng nơi làm việc tốt nhất và tệ nhất dành cho người nước ngoài

Trần Ðức Tân
.
.
.